- Thượng Viện Hoa Kỳ kêu gọi Hành Pháp thực thi luật lên 15 quốc gia
Mạch Sống, ngày 11 tháng 8, 2017
Cuộc vận động chế tài các giới chức chính quyền Việt Nam hôm nay đã tiến thêm một bước quan trọng khi 2 Thượng Nghị Sĩ đồng tác giả của Luật Magnitsky Toàn Cầu, TNS Ben Cardin (Dân Chủ, Maryland) và TNS John McCain (Cộng Hoà, Arizona), gửi văn thư cho Tổng Thống Trump yêu cầu chế tài 20 nhân vật thuộc 15 quốc gia.
“Quốc Hội đã cung cấp cho Hành Pháp một danh sách gồm những hồ sơ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất trên thế giới để duyệt xét. Bây giờ Tổng Thống phải hành động nhanh chóng để uỷ quyền cho Bộ Trưởng Ngoại Giao và Bộ Trưởng Ngân Khố chỉ đạo cuộc điều tra các hồ sơ này,” TNS Cardin phát biểu.
Trong khi đó, TNS McCain tuyên bố: “Hoa Kỳ phải đưa ra một thông điệp rõ ràng: Nếu anh là người vi phạm nhân quyền của người khác hay dính dự vào các hành vi tham nhũng, anh sẽ phải chịu trách nhiệm.”
Xem thông cáo báo chí của TNS Cardin:
Phần lớn 20 giới chức trong danh sách này là do nhóm 20 tổ chức nhân quyền ở Hoa Kỳ, trong đó có BPSOS, đã cùng nhau thiết lập.
Phái đoàn Minnesota trong Ngày Vận Động Cho Việt Nam, 29/06/2017 (ảnh BPSOS)
“Đây là các tổ chức đã cùng vận động cho Luật Magnitsky Toàn Cầu trước đây; từ đầu năm nay chúng tôi chung sức vận động cho việc thực thi luật này,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, cho biết.
Theo Ông, từ tháng 2 năm nay, các tổ chức này đã phối hợp với nhau để thiết lập danh sách chung bao gồm nhiều quốc gia để chuyển cho Quốc Hội và cả cho Bộ Ngoại Giao và Bộ Ngân Khố.
“Sự hưởng ứng và ủng hộ của TNS Cardin và TNS McCain là một bước tiến quan trọng,” Ts. Thắng nhận định. “Chúng tôi đang vận động sự hưởng ứng tương tự ở Hạ Viện.”
Song song với nỗ lực chung kể trên, cuối tháng 3 năm nay BPSOS đã khởi xướng cuộc vận động nhắm riêng vào Việt Nam và đến nay đã nộp 7 danh sách với tổng cộng 180 giới chức chính quyền và một ít cá nhân ngoài chính quyền liên can đến các hành vi đàn áp nhân quyền nghiêm trọng hay các vụ tham nhũng lớn.
Các danh sách này đã được các phái đoàn tham gia Ngày Vận Động Cho Việt Nam, tổ chức ở Quốc Hội Hoa Kỳ ngày 29 tháng 6 vừa qua, nộp cho 40 văn phòng Hạ Viện và 30 văn phòng Thượng Viện để chuyển cho Tổng Thống Donald Trump.
Ts. Thắng giải thích rằng không ngẫu nhiên khi chính quyền Việt Nam trả tự do cho Ms. Nguyễn Công Chính và chấp nhận cho cả gia đình của Ông đến Hoa Kỳ định cư cách đây đúng 2 tuần:
“Danh sách đề nghị chế tài đầu tiên và nổi bật nhất mà chúng tôi nộp cho Hành Pháp và Quốc Hội gồm 25 giới chức liên quan đến các hành vi tra tấn nhắm vào Ms. Nguyễn Công Chính và vợ là Bà Trần Thị Hồng.”
Ngày 12 tháng 8, BPSOS sẽ có buổi trình bày ngay tại Quận Cam về “nhóm kết nghĩa”, công thức để mọi người Việt có lòng với đất nước khai dụng Luật Magnitsky Toàn Cầu nhằm mở vòng đai an toàn cho các nhóm người dân ở trong nước tập hợp lại thành tổ chức và tăng dần khả năng tự bảo vệ quyền và lợi ích của chính mình.
Ngoài phần trình bày của Ts. Thắng còn có phần chia sẻ kinh nghiệm về công thức “nhóm kết nghĩa” của các người trong cuộc, gồm có:
(1) LM Nguyễn Văn Khải, Dòng Chúa Cứu Thế, đến từ Roma (to be confirmed)
(2) MS Nguyễn Công Chính, Hội Thánh Lutheran, tù nhân tôn giáo vừa đến Hoa Kỳ
(3) Bà Trần Thị Hồng, thành viên của Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam, vừa đến Hoa Kỳ
(4) Cô Lê Thị Kim Thu, “dân oan” và cựu tù nhân lương tâm, thành viên của Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam
(5) Cô Đinh Ngọc Tuyết, đến từ Louisville, Kentucky, là người phối hợp nhóm kết nghĩa với Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam
Buổi trình bày sẽ được thực hiện lúc 2 đến 4 giờ chiều ngày Thứ Bảy này, tại toà soạn báo Việt-Mỹ: 14190 Beach Blvd, Westminster, CA 92683
Những người ở xa có thể theo dõi trực tuyến tại:
https://www.facebook.com/VietMyTelevision/
https://www.facebook.com/VNAdvocacyDay/
Bài liên quan:
Liệu chế độ độc tài có ngại Luật Magnitsky?
https://machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1233-2017-07-19-22-48-31.html
Hội thoại giữa trong và ngoài nước về Ngày Vận Động Cho Việt Nam
https://machsongmedia.com/vietnam/danchu/1232-2017-07-15-22-37-09.html
Người hoạt động nhân quyền: Căn cứ nào để quyết định ở lại hay ra đi?
https://www.machsongmedia.com/vietnam/danchu/1234-2017-07-28-06-15-39.html