BBC 28 tháng 2 2021, 19:42 +07
Getty Images
Giới lãnh đạo đảo chính tìm cách triệt hạ một chiến dịch bất tuân dân sự chưa có dấu hiệu kết thúc.
Các y bác sĩ nói cảnh sát đã nổ súng vào những người biểu tình ở Myanmar giết chết ít nhất 9 người trong ngày đẫm máu nhất kể từ khi các cuộc biểu tình chống đảo chính bắt đầu.
Các vụ tử vong xảy ra ở Yangon, Dawei và Mandalay khi cảnh sát sử dụng đạn thật, đạn cao su và hơi cay.
Lực lượng an ninh bắt đầu chiến dịch trấn áp bạo lực vào thứ Bảy sau nhiều tuần diễn ra các cuộc biểu tình ôn hòa phản đối việc quân đội lên nắm quyền vào ngày 1/2.
Các nhà lãnh đạo chính phủ, bao gồm cả bà Aung San Suu Kyi, bị lật đổ và bị bắt giam.
Hình ảnh trên mạng xã hội hôm Chủ nhật cho thấy những người biểu tình bỏ chạy khi cảnh sát tấn công họ.
Người biểu tình dựng rào chắn tạm và một số người bị cảnh sát dẫn đi có đầy vết máu.
Việc cảnh sát đàn áp đã được tăng cường vào hôm Chủ nhật khi giới lãnh đạo đảo chính tìm cách triệt hạ một chiến dịch bất tuân dân sự chưa có dấu hiệu kết thúc.
Đại sứ Myanmar tại LHQ bị sa thải sau phát biểu chống đảo chính
Điều gì đang xảy ra tại chỗ?
Các nhà hoạt động, y bác sĩ và nhân viên y tế nói với BBC rằng ít nhất 9 người đã thiệt mạng hôm Chủ nhật.
Con số đưa ra trên mạng xã hội hiện chưa được xác minh cao hơn nhiều, một số mạng đưa có tới hơn 20 thiệt mạng.
BBC Burmese
Nhân viên y tế cấp cứu một người bị thương ở Yangoon.
Hàng chục người khác được cho là bị thương.
Tại thành phố lớn nhất Myanmar là Yangon, cảnh sát đã xả súng sau khi lựu đạn gây choáng và hơi cay không giải tán được những người biểu tình.
Các hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy máu trên đường phố khi người bị tấn công được những người biểu tình giúp đưa đi sơ cứu.
Bốn người được cho là đã chết ở Yangoon.
Những người biểu tình vẫn bất tuân và một số người đã dựng rào chắn.
“Nếu họ đàn áp chúng tôi, chúng tôi vùng lên. Nếu họ tấn công chúng tôi, chúng tôi sẽ tự vệ. Chúng tôi sẽ không bao giờ quỳ gối trước giầy lính,” Nyan Win Shein, một người biểu tình, nói với hãng tin Reuters.
Một người khác là Amy Kyaw được hãng tin AFP dẫn lời: “Cảnh sát bắt đầu nổ súng ngay khi chúng tôi đến. Họ không nói một lời cảnh cáo nào. Một số bị thương và một số giáo viên vẫn đang trốn trong các khu láng giềng của họ.”
Dân Myanmar biểu tình lớn bất chấp cảnh báo của quân đội
Getty Images
Những người biểu tình vẫn bất tuân và một số người đã dựng rào chắn.
Một số người biểu tình đã bị tống lên xe van của cảnh sát.
Tại thành phố Dawei ở phía đông nam, lực lượng an ninh đã được điều tới để dẹp một cuộc biểu tình.
Tin cho hay đạn thật được sử dụng. Bốn người đã thiệt mạng trong thành phố, các nhà hoạt động nói với BBC.
Cảnh sát cũng đàn áp một cuộc biểu tình lớn ở Mandalay, nơi cảnh sát sử dụng vòi rồng và bắn chỉ thiên. BBC được thông báo một người đã thiệt mạng tại đây.
Các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn ở những nơi khác, bao gồm cả thành phố Lashio ở phía đông bắc.
Số người bị bắt giữ kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu vẫn chưa được xác nhận. Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị đã đưa ra con số 850 người, nhưng hàng trăm người khác dường như đã bị giam giữ vào cuối tuần này.
Aung San Suu Kyi ở đâu?
Nhà lãnh đạo dân sự của Myanmar đã không xuất hiện trước công chúng kể từ khi bà bị giam giữ ở thủ đô Nay Pyi Taw khi cuộc đảo chính xảy ra.
Những ủng hộ viên của bà và nhiều người trong cộng đồng quốc tế đã yêu cầu trả tự do cho bà và khôi phục kết quả bầu cử hồi tháng 11 vốn tạo chiến thắng áp đảo cho đảng NLD.
Bà Suu Kyi dự kiến sẽ phải ra tòa vào thứ Hai với tội danh sở hữu bộ đàm chưa đăng ký và vi phạm các quy định về phòng chống Covid-19. Nhưng luật sư của bà nói rằng ông đã không thể nói chuyện với thân chủ của mình.
Giới lãnh đạo quân sự biện minh cho việc nắm quyền với cáo buộc gian lận diện rộng trong các cuộc bầu cử trong các tuyên bố bị ủy ban bầu cử bác bỏ.
Cuộc đảo chính đã bị lên án rộng rãi bên ngoài Myanmar, dẫn đến các lệnh trừng phạt chống lại quân đội và các động thái trừng phạt khác.
Myanmar, còn được gọi là Miến Điện, độc lập khỏi Anh quốc vào năm 1948. Trong phần lớn lịch sử hiện đại của Myanmar, nước này nằm dưới sự cai trị của quân đội
Các hạn chế bắt đầu được nới lỏng từ năm 2010 trở đi, dẫn đến bầu cử tự do vào năm 2015 và việc thành lập chính phủ do nhà lãnh đạo đối lập kỳ cựu Aung San Suu Kyi khởi xướng vào năm sau
Năm 2017, các tay súng Rohingya đã tấn công các đồn cảnh sát, và quân đội Myanmar cùng các nhóm phật tử địa phương đã đáp trả bằng một cuộc đàn áp chết người, được cho là đã giết chết hàng nghìn người Rohingya. Hơn nửa triệu người Rohingya chạy trốn qua biên giới sang Bangladesh, và Liên Hiệp Quốc sau đó gọi đây là “thí dụ kinh điển về thanh lọc sắc tộc”