Cứu Nguyễn văn Chưởng: Cần một quyết định từ Ba Đình chứ không phải pháp đình!

0
72
Mẹ của tử tù Lê Văn Mạnh (đã 19 năm ), Hồ Duy Hải (đã 15 năm) và Nguyễn Văn Chưởng (đã 16 năm) kêu oan cho Nguyễn Văn Chưởng hôm 10.8.2023. Ảnh: FB Nguyễn Trường Chinh
   

Đặng Đình Mạnh

10-8-2023

Thượng tuần tháng 08/2023, công chúng xôn xao trước thông tin ông Nguyễn Văn Chưởng sắp bị cơ quan chức năng đưa ra thi hành bản án tử hình về tội danh giết người. Dịp này, nhiều người chia sẻ ảnh chụp ý kiến của ông Nguyễn Văn Hiện thuộc Ủy Ban Tư Pháp Quốc Hội trên trang truyền thông chính thức trong nước từ năm 2015, với tựa đề “Vụ tử tù Nguyễn Văn Chưởng hết đường kháng nghị”.

Từ tựa báo, nhiều người đã nhầm tưởng rằng mọi thủ tục tố tụng đối với ông Nguyễn Văn Chưởng đã “hết đường”, không còn thủ tục nào cứu ông ấy cho dù ông ấy có bị kết án tử hình oan.

Ảnh: Báo TT

Trước khi nói về sự hiểu nhầm, rằng thủ tục đối với ông Nguyễn có thật “hết đường” hay không? Thì chúng ta trả lời trước cho câu hỏi: Ông Nguyễn Văn Chưởng có oan không?

ÔNG NGUYỄN VĂN CHƯỞNG CÓ OAN KHÔNG?

Thực tế, không ai trong chúng ta, kể cả thẩm phán, công tố tiên, điều tra viên thuộc các cơ quan tố tụng đã từng tham gia vụ án có thể trả lời đích xác câu hỏi ấy theo đúng sự thật vốn đã từng diễn ra. Đơn giản, vì chẳng có ai là người từng tận mắt chứng kiến trực tiếp sự việc để mà biết cả. Phán quyết của tòa án tuyên một người có tội chỉ là sự thật được xét đoán dựa trên quá trình điều tra, xét xử và tin rằng đó là sự thật mà thôi. Sự thật mà tòa án tin và sự thật vốn như nó đã từng diễn ra không phải lúc nào cũng trùng khớp với nhau.

Thậm chí, trong hồ sơ vụ án kết tội ông Nguyễn Văn Chưởng, đã từng có ít nhất đến 3 “sự thật”.

1. Sự thật mà công chúng muốn tin là ông Nguyễn Văn Chưởng vô tội. Họ căn cứ vào lời khai có chứng cứ ngoại phạm từ em trai ông ấy tên là Nguyễn Trọng Đoàn.

2. Sự thật mà tòa án các cấp đã tuyên xử ông Nguyễn Văn Chưởng có tội, phải chịu hình phạt tử hình.

3. Sự thật mà đoàn giám sát thuộc Ủy ban Thường Vụ Quốc hội cho rằng ông Nguyễn Văn Chưởng có tội, nhưng không phải là người chủ mưu, không có hành vi giết người nên không thể chịu hình phạt ở mức cao nhất là tử hình được.

Trong đó, điều đáng lưu ý khi mà trên cùng một hồ sơ vụ án, nhưng sự đánh giá của các cấp tòa và của đoàn giám sát thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có sự khác biệt nhau rất xa. Nhưng tựu trung, chính cơ quan chức năng thuộc Quốc hội cũng cho rằng hình phạt tử hình đối với ông Nguyễn Văn Chưởng là không có cơ sở, không chính đáng và không thuyết phục.

Thế nên, công chúng lên tiếng đòi hoãn việc tử hình đối với ông Nguyễn Văn Chưởng là hoàn toàn có lý do chính đáng.

ĐÃ “HẾT ĐƯỜNG” VỀ THỦ TỤC CỨU ÔNG NGUYỄN VĂN CHƯỞNG?

Trở lại với ý kiến của ông Nguyễn Văn Hiện đăng trên báo vào năm 2015. Thực tế, ông Nguyễn Văn Hiện đang nói về việc can thiệp vào vụ án bằng quyền “kháng nghị” của các cơ quan tư pháp mà thôi. Khi phát hiện có bản án xét xử sai sót hoặc sai lầm, thì hai cơ quan tư pháp gồm tòa án và viện kiểm sát có quyền kháng nghị yêu cầu tòa án cấp trên hủy bỏ hoặc sửa chữa bản án sai sót hoặc sai lầm ấy của tòa án cấp dưới. Chỉ khi đến giai đoạn có quyết định của Hội đồng thẩm phán về vụ án, thì quyền kháng nghị mới không còn nữa. Tuy quyền kháng nghị không còn nữa, nhưng một số thủ tục tố tụng vẫn có thể được kích hoạt để yêu cầu, kiến nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán.

Thật vậy, theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, hai cơ quan của quốc hội, gồm Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, Ủy ban Tư pháp và hai chức danh tư pháp gồm Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao có quyền kích hoạt điều 404 Bộ luật Tố tụng hình sự để yêu cầu hoặc kiến nghị Hội đồng Thẩm phán xem xét lại quyết định của mình. Chỉ khi nào Hội đồng Thẩm phán đã có quyết định giải quyết các yêu cầu hoặc kiến nghị đó, thì đó mới là dấu chấm hết sự việc.

Với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi yêu cầu kích hoạt điều 404, Hội đồng Thẩm phán TANDTC sẽ có thời hạn 04 tháng để mở phiên họp xem xét lại quyết định của chính mình. Trong phiên họp, thì Hội đồng Thẩm phán quyết định theo túc số 3/4.

Với Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao khi kiến nghị kích hoạt điều 404, Hội đồng Thẩm phán TANDTC sẽ có thời hạn 30 ngày để mở phiên họp thứ nhất xem xét, thảo luận về kiến nghị đó. Trong phiên họp, Hội đồng Thẩm phán quyết định theo túc số quá bán. Nếu nhất trí, họ sẽ có thời hạn 04 tháng để mở phiên họp thứ hai xem xét lại quyết định của chính mình. Và đương nhiên, trong phiên họp, thì Hội đồng Thẩm phán quyết định theo túc số 3/4.

Khi xem xét lại quyết định của chính mình, Hội đồng Thẩm phán TANDTC có quyền:

– Giữ nguyên quyết định của chính mình, bác các yêu cầu, kiến nghị;

– Hoặc, hủy quyết định của chính minh, hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật và quyết định về nội dung vụ án, xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật, điều tra lại hoặc xét xử lại.

Như đã biết, quyết định xử tử một người là đến từ chính con người, mà con người thì không hoàn hảo và có thể có sai lầm. Do đó, nếu một quốc gia tôn trọng sinh mạng người dân, thì luật pháp phải luôn luôn dự liệu sẵn quy định để sửa sai. Nếu luật pháp của một quốc gia không dự liệu sẵn quy định sửa sai, chứng tỏ quốc gia đó xem sinh mạng người dân như cỏ rác mà thôi.

Tuy vậy, tại Việt Nam, bên cạnh luật pháp, thì công chúng đã từng chứng kiến tiền lệ hoãn thi hành án tử hình trong vụ án Hồ Duy Hải bằng sự can thiệp của một chủ tịch nước. Điều đó có thể lập lại lần nữa với vụ án Nguyễn Văn Chưởng mà bất chấp có quy định luật pháp hay không. Điều cần là họ có quyết định thực hiện hay không mà thôi. Mà quyết định đó, chỉ có ở Ba Đình chứ không phải ở pháp đình.

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here