Cổng Trời Cắn Tỷ (Kỳ 7)

0
83
Kiều Duy Vĩnh

LTS – Ông Kiều Duy Vĩnh là một trong những chứng nhân của sự độc ác cùng cực của cai tù CSVN tại nhà tù “Cổng Trời” tỉnh Hà Giang. Ông mất ở Việt Nam ngày 7 tháng 7, 2012 vừa qua, thọ 81 tuổi. Ông từng tốt nghiệp Võ Bị cùng khóa với ông Nguyễn Cao Kỳ, là đại úy tiểu đoàn trưởng Nhảy Dù. Năm 1954 ông đã không theo đơn vị di cư vào Nam vì lý do gia đình. Ông đã bị bỏ tù hai lần 17 năm trong đó có nhiều năm ông bị giam ở “Cổng Trời,” nơi ông và một người nữa (ông Nguyễn Hữu Ðang trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm) sống sót trong số 72 người tù ở cùng một phân trại. Ông kể lại những ngày tù ở “Cổng Trời” qua các hồi ký từng phổ biến trên tạp chí Thế Kỷ 21 cách đây hơn chục năm. Trong các hồi ký này, ông kể về sự kiên cường giữ vững niềm tin tôn giáo của các giáo dân, tu sĩ và linh mục công giáo mà ông gọi là “các Thánh Tử Ðạo.”

 

Kỳ 7

 

Ăn xong, rồi ngồi chơi nhìn nhau. Im lặng không nói chuyện, không đi lại, thế là cầu kinh đấy.

Chỉ có đêm đến, lệnh cấm ngồi là có hiệu lực, chứ ban ngày chả nhẽ lại cấm ngồi bắt nằm mãi sao.

Ban Giam Thị uất lắm!

Sau chuyện tu sĩ Ðỗ Bá Lang, chánh giám thị Nguyễn Quang Sáng tỏ ra quyết liệt hơn, cứng rắn hơn, dấn tới một bước nữa.

Cấm triệt để làm dấu thánh trước khi ăn cơm. Nhưng lần này thì Nguyễn Quang Sáng phải chịu thua.

“Ai cho các anh ăn?”

“Chúng tôi. Chúng tôi cho các anh ăn chứ không có Chúa nào cho các anh ăn cả.”

“Cấm cầu kinh, các anh vẫn lén lút cầu kinh vậy bây giờ trước khi ăn, tôi cấm các anh làm dấu. Các anh phải cảm ơn người cho các anh ăn. Ðúng lắm, nhưng đó là chúng tôi đây chứ không có chúa nào hết. Không có con mẹ Maria, thằng Jê su nào cả. Biết chưa?”

(Nguyên văn như vậy, tôi xin lỗi các vị phải viết đúng, không dám xuyên tạc, bịa đặt, báng bổ gì).

Và đến bữa ăn. Quản giáo đứng đó. Mọi lần thì cửa mở, chúng tôi bê cơm vào trong phòng. Ðóng cửa lại. Chúng tôi chia nhỏ từng xuất một và ăn. Không có sự hiện diện của ai cả.

Nhưng hôm ấy, bê cơm vào, cửa vẫn mở, Quản Giáo đứng đó kiểm soát và nhắc lại lệnh cấm của Ban Giám Thị.

Tất cả, cả tôi, không ai phải bảo ai, không chia cơm ra ăn. Ðứng mãi chán, Quản Giáo đóng cửa lại đi về.

Ðến chiều, tù nhà bếp đến lấy thùng. Cơm canh vẫn nguyên. Cơm canh đều chia vào hai cái thùng gỗ to, chứ không chia thành một phần như ở xà lim.

Buổi chiều, đích thân chánh giám thị xuống, mọi việc lại diễn ra đúng như buổi sáng. Mặt tái vì giận dữ. Nhưng làm thế nào mà bắt họ ăn cho được?

Không có khí thế hừng hực đấu tranh như những người Cộng Sản ở Sơn La, Côn Ðảo tuyệt thực, không có hô khẩu hiệu, tất cả đều lặng lẽ ngồi im.

Không thể dùng lưỡi lê và sức mạnh để nhét cơm vào mồm họ được.

Họ không ăn, thế thôi. Không hò reo, không gõ bát, gõ đĩa, không ai diễn thuyết, kích động, yêu sách điều gì.

Im lặng, ai ngồi chỗ ấy. Giám thị Sáng đứng đó, không một ai thèm nhìn vào mặt ông ta cả. Tất cả đều quay mặt đi chỗ khác.

Giám thị Sáng đành phải ra về.

Ðêm đến: Tôi đói không thể nào ngủ được. Ðã một ngày trôi qua, và hai bữa không ăn. Suốt mười năm tù đầu tiên, tôi không bỏ một bữa cơm nào, ngoài hai bữa hôm ấy.

Chỉ có khi nào đến ngày giỗ người sinh ra tôi bị bắn chết, là tôi lặng lẽ khai ốm và báo cháo, vì tôi nghĩ: Ðói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết.

Dạ dầy tôi là dạ dày thép, nó ngốn và nghiền nát tất cả mọi thứ mà đối với người khác bình thường, cùng tù với tôi cũng không kham nổi.

Sắn sống, khoai sống, ngô sống, om on sống, cả cây ngô non tôi cũng ăn được, khoai hà chỉ có ngỗng mới ăn, tôi cũng ăn được khoai sọ tôi ăn cả vỏ, dong riềng ăn cả vỏ, có lần đi làm tôi lẩn vào ruộng trồng đỗ Mèo ních một bụng quả đỗ sống, chiều về say gần chết.

Ra suối tắm, quả vả mọc hoang tôi bứt ăn, cũng say gần chết.

Chỉ gần chết thôi chứ chưa chết hẳn. Ngất ngư lảo đảo thôi.

Sắn ăn say, ngày nào mà tôi chả say sắn, mà theo cái đầu óc ngu dốt của tôi chính có lẽ do say sắn triền miên mà tôi vẫn còn sống đến hôm nay.

Chả là rét quá, tôi bị sưng phổi. Cứ thấy ho, sốt, rồi tôi không dám nói láo cứ cúi xuống ngẩng lên là nghe trong phổi có tiếng óc ách…

Ở Cổng Trời không phải khai ốm, vì có còn khai với ai được. Ốm mặc, không có thuốc men gì hết.

Quản giáo trực thấy tôi nằm ốm, hỏi làm sao. Hỏi để mà hỏi. Rồi thôi. Ðể đấy. Tôi cứ ăn sắn, say sắn. Và rồi khỏi. Mọi người: đều coi chuyện đó là chuyện thường tình.

Mãi đến khi về, năm 1970 tôi đi khám ở bệnh viện A để kiểm tra phổi. Sau khi chụp X quang, kết luận: dầy dính màng phổi. Bác sĩ Kim hỏi tôi là tôi bị sưng phổi bao giờ và ở đâu hút cho.

Tôi trả lời là quên mất thời gian và chưa ai hút ra bao giờ. Bác sĩ Kim rất ngạc nhiên.

Qua chuyện trên, tôi đi đến kết luận là Acide Cyavidrique nghĩ thế, theo đầu óc ngu dốt của tôi thôi.

Ở Cổng Trời, khu nọ cách biệt với khu kia bằng một hàng rào bao quanh khu. Cấm liên lạc nhưng khi trả thùng cơm canh, thì đem đến một cái sân chung để nhà bếp tiện lên lấy. Có lần khu C: họ được mua sắn cải thiện để ăn thêm. Chả hiểu sao cả khu say, và chết đâu mất năm người.

Sáng ra, quản giáo trực vào thấy chết vì say sắn bèn ra lệnh tịch thu số sắn còn lại, cấm không cho ăn, và đem ra tập trung ở chỗ trả thùng cơm.

Hôm ấy đến lượt tôi bưng thùng ra trả. Tôi thủ ngay gối một thùng sắn luộc rồi giấu vào bụng đem về buồng ăn.

Cái vị tu sĩ bảo tôi: Họ ăn chết hàng loạt kia kìa, lấy về làm gì?

Tôi bảo: Họ có nhiều họ ăn mới chết! Chứ mình cứ củ một ăn, chết thế nào được. Và tôi ăn. Ăn củ một, thấy đắng quá thì thôi. Hơi say một chút chẳng sao cả. Và những chất say ở sắn đã làm tôi khỏi bệnh phổi, làm tôi no, và có thêm một hiện tượng là hai bên quai hàm tôi to bạnh ra. Say sắn có khổ nhưng không khổ bằng đói: tôi chọn cái ít khổ hơn.

Ðiều này là sự thật 100%, cứ ăn sắn nhiều là hai bên quai hàm to bạnh ra. Xin các nhà khoa học giải thích hộ cho. Kể lại với quý vị như thế, để quý vị biết tôi đói đến thế nào. Tôi đói lắm ấy!

12 kg cả gạo cả sắn một tháng, với sức tôi cao 1m76 nặng 78kg và ba mươi tuổi thì các vị chắc cũng hiểu cho được.