Cổng Trời Cắn Tỷ (Kỳ 10)

0
88
Kiều Duy Vĩnh 

LTS – Ông Kiều Duy Vĩnh là một trong những chứng nhân của sự độc ác cùng cực của cai tù CSVN tại nhà tù “Cổng Trời” tỉnh Hà Giang. Ông mất ở Việt Nam ngày 7 tháng 7, 2012 vừa qua, thọ 81 tuổi. Ông từng tốt nghiệp Võ Bị cùng khóa với ông Nguyễn Cao Kỳ, là đại úy tiểu đoàn trưởng Nhảy Dù. Năm 1954 ông đã không theo đơn vị di cư vào Nam vì lý do gia đình. Ông đã bị bỏ tù hai lần 17 năm trong đó có nhiều năm ông bị giam ở “Cổng Trời,” nơi ông và một người nữa (ông Nguyễn Hữu Ðang trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm) sống sót trong số 72 người tù ở cùng một phân trại. Ông kể lại những ngày tù ở “Cổng Trời” qua các hồi ký từng phổ biến trên tạp chí Thế Kỷ 21 cách đây hơn chục năm. Trong các hồi ký này, ông kể về sự kiên cường giữ vững niềm tin tôn giáo của các giáo dân, tu sĩ và linh mục công giáo mà ông gọi là “các Thánh Tử Ðạo.”

Kiều Duy Vĩnh tác giả cuộc tuyệt thực ở cổng trời.

Kỳ 10

 

1. Tết ở trại Cổng Trời

 

Ở Cổng Trời tất cả có năm khu:

Khu O, khu H; rồi đến khu A, B, C. Tôi chịu không đoán ra tại sao lại là khu O, khu H, cũng như cái địa chỉ C65 HE và 75A Hà Nội.

Khu O và khu H, tôi không biết nó thế nào. Chịu. Không hình dung ra nổi, vì tôi không nhìn thấy ai ở đấy và không hề gặp ai ở trong đó ra kể chuyện lại để biết. Chỉ nhìn thấy Cha Vinh, Cha Quế vào đó và không thấy hai cha đó ra về nữa mà thôi.

Có lẽ ở hai khu đó chết hết không còn ai cả. Không còn một ai để kể lại, để viết lại những gì đã xảy ra tại đó.

Chỉ duy nhất có một lần một người tù hình sự bảo với tôi khi tôi được tự do, là ở đó có hầm đá, quan tài đá và chôn một người chết ở đó được thêm một cân lòng trâu. Thế thôi. Không còn biết gì hơn nữa.

Nhưng Khu A, Khu B, Khu C thì tôi biết rõ vì tôi lần lượt ở cả ba.

Khu A thì (tính đến 1967) chết gần hết chỉ còn tôi và Trần Huy Liệu người Cầu Giát, Quỳnh Lưu.

Khu B thì chết ít hơn, Khu C thì phần lớn còn sống trở về.

Ðấy là nói những năm về sau: thập kỷ 70, còn 72 người đầu tiên lên trại Cổng Trời năm 1960 thì hiện nay (1997) tôi chỉ còn gặp lại mỗi một anh Nguyễn Hữu Ðang người đứng đầu Nhân Văn Giai Phẩm mà thôi. Nghĩa là 70 người kia chẳng còn ai cả.

Coi sóc cả ba khu là một phó giám thị, tôi không còn nhớ tên, chỉ còn nhớ y là người Ðức Thọ, Hà Tĩnh cùng quê với cố Hoàng (có hai con trai sinh đôi là Song, Toàn).

Trông phó giám thị như quỷ sứ hiện hình. Ðen đủi mắt nọ chửi mắt kia, mồm méo xệch. Lúc nào cũng lừ đừ lừ đừ, lủi thủi như ma hiện hình. Ðột ngột đến, đột ngột đi, lúc nào cũng rình mò chộp, giựt một cái gì đó. Nhìn ai thì trợn trừng, trợn trạc như muốn giết người ta. Cố Hoàng bảo: “Tôi biết hắn lắm mà. Hắn giết nhiều người lắm đó.” Tuy đồng hương, nhưng hắn không nói với cố Hoàng bao giờ cả.

Ðột ngột đến, xông vào buồng, xộc vào tận ngóc ngách nhìn soi mói, sờ nắn nếu có gì nghi ngờ, có thể chui ngay xuống gầm bàn nằm, để móc ra một cái gì đó.

Có một lần khi mới lên, Trần Huy Liệu thấy hắn vào buồng bèn thắc mắc:

“Thưa ông.”

“Gì?”

“Ăn uống ở đây kém quá, ông cho biết tiêu chuẩn của chúng tôi được như thế nào?”

“Cái gì.

“Tiêu chuẩn à. Các anh không có tiêu chuẩn gì hết. Cho thế nào ăn thế.”

Hết. Phó giám thị đi tiếp. Và rồi Chánh Giám Thị Vũ Ðình Nhân nói về số phận của chúng tôi. Thế là đã rõ ràng. Chúng tôi đành cam chịu.

Mỗi khu có chế độ đối xử riêng:

Khu A: Hưởng đồng loạt: 12 kg sắn cộng gạo một tháng, được ngồi chơi trong buồng giam không phải làm gì cả. Cứ ở trong kiên giam suốt ngày đêm. Không được viết thư, không được nhận thư, không sách, không báo, không một mẩu giấy, không một cái bút.

Khu B: Ăn 13 kg 5 đến 15 kg sắn cộng gạo một tháng. Ðược ra ngoài hè nhà đan lát, chẻ tăm làm việc vặt. Sáu tháng được viết thư một lần và được nhận thư.

Khu C: Ăn 15 kg đến 18 kg sắn cộng gạo một tháng. Ðược lao động ở sân trại: đánh đá xây trại, xây nhà, thợ mộc thợ nề biết gì làm nấy. Ba tháng viết thư một lần. Ðược mua thêm sắn, khoai, dong riềng, thịt trâu ăn thêm. Ðược coi là những tù nhân có phần nào đã chịu cải tạo. Ðược đối xử khá hơn Khu A và Khu B, tuy vẫn ở trong bốn tường rào và vẫn chịu sự kiểm soát ngặt nghèo.

Nhưng tất cả đều không được gặp người nhà và không được nhận tiếp tế, thăm nuôi.

Tôi đã nói ở trên: Khu C có một lần được mua sắn về luộc ăn. Say sắn chết mất năm người.

Ðầu năm 1965 thì tôi được sang Khu C và đến năm 1965 thì tôi được về xuôi tại Phú Sơn 4, Thái Nguyên.

Cái Tết đầu tiên ở Cổng Trời năm Nhâm Dần 1961, tôi được hưởng một cái Tết đặc biệt nhất trong đời tôi.

 

Ở Cổng Trời một năm chia làm hai mùa: Mùa nóng bắt đầu từ Tháng Năm; mùa rét từ đầu Tháng Chín. Nóng ít hơn rét. Tuy là nóng nhưng đêm vẫn phải đắp chăn vì khí lạnh từ núi đá và tường đất tỏa ra.

Nguyễn Hữu Ðang sáu tháng tắm một lần. Anh bảo: “Có ai chết vì không tắm đâu. Cậu xem đấy những anh nghiện thuốc phiện cả đời có tắm bao giờ đâu chả sao hết.”

Anh Ðang đúng quá đi chứ. Những lúc đói rét, cơ hàn thiết thân tôi mới thấm câu: Ðói cho sạch, rách cho thơm. Ðói thì làm sao mà sạch cho được. Ðói rét, nhúng tay vào nước còn ngại nữa là tắm. Còn đã rách mà còn đòi thơm nữa. Các cụ nhà mình thật quá khe khắt với con cháu.

Tôi nửa tháng không dám rửa chân. Vì nếu rửa chân thì cái lạnh cứ bám lấy đôi bàn chân mấy ngày không ấm lại được. Suốt ngày đêm ngồi co ro trên sàn gỗ có bẩn đâu mà phải rửa. Còn rửa mặt, thì Trần Liệu hàng tháng không đánh răng rửa mặt. Mắt anh đầy dử, và mồm anh ta vêu ra đầy bựa.

Cứ khi đói là anh nói chuyện với tôi về Cầu Giát Quỳnh Lưu Nghệ An quê anh: về thịt trâu, thịt bò, thịt me (bê), thịt lợn, thịt nghé rồi cá chim, cá thu, cá ngừ, cá dưa, cá cơm, cá cháo.

Vui đáo để và buồn cũng đến não lòng.

Ðầu óc anh thật đơn giản nhưng vô cùng tốt lành. Có lần đúng ở cửa sổ nhìn ra sân trại, anh quay lại bảo với tôi: “Chiều nay ăn ‘chốc tru.’”

Tôi ngớ người ra không hiểu. Anh nhắc lại” “Chốc” là đầu, “tru” là trâu: đầu trâu. Anh rất méo mó nghề nghiệp. Anh giảng cho tôi biết: “Ðừng tưởng ‘chốc tru’ là toàn xương đâu. Khối thịt ra đấy. Bỏ sừng đi. Còn lại hai phần ba là thịt đấy.”