CÔNG CỤ TRONG ĐỜI SỐNG SỐ.

0
19

Nguyễn Tuấn Anh

Người nông dân không sử dụng thành thạo cái cày, cái cuốc thì chắn chắn đói nghèo là thường trực. Đó là những công cụ sản xuất bắt buộc phải có để tồn tại chứ chưa nói tới làm cho cuộc đời này tươi đẹp hơn. Vậy, người trí thức có gì?

Chẳng có gì cả ngoài đôi bàn tay trắng và công cụ duy nhất là ngòi bút.

Chỉ có những bài viết vừa là để giải trí, vừa là để phản đối những điều còn hạn chế trong cộng đồng là hoàn toàn chưa đủ. Trong thời buổi mới, chúng ta còn phải biết sử dụng thành thạo công cụ để biểu đạt nó cũng như cái cày, cái cuốc của những người nông dân vậy. 

Khi thế giới dần phẳng và internet phủ khắp hành tinh, mạng xã hội coi như tiếng nói, nụ cười và hơi thở. Nó sẽ còn đứng vững rất lâu bởi khoảng cách địa lý là luôn tồn tại giữa mỗi con người và chỉ có mạng xã hội, duy nhất nó, mới có thể xoá đi được cái biên giới xa xôi ấy khi loài người chưa kịp phát minh ra được điều gì đó ưu việt hơn để thay thế chúng. 

Khi mạng xã hội là những thứ không thể thiếu được trong mỗi con người, nó sẽ có giá trị to lớn. Nó dần trở thành nguồn sống trong đời sống số vô cùng gấp gáp, cần tốc độ nhanh và tính chuẩn xác cao,,… cụ thể hơn nữa là sự thật được xác lập bởi cộng đồng và không bị bưng bít thao túng. 

Trong thời buổi hỗn mang, giả thật lẫn lộn, tới những người thông minh và nhanh trí nhất cũng còn phải quờ quạng đúng sai thì thông tin đa chiều từ cộng đồng là cực kỳ quan trọng. Nó củng cố cho ta thêm nhận thức để chung sống với nhau hoà bình tốt đẹp hơn. Loại bỏ những suy nghĩ cổ hủ, nghiệt ngã giáo điều mà hậu quả của nó thời nào cháu con cũng phải gánh chịu. 

Google +, Facebook, Twitter, Minds, Instagram, Youtube, Vimeo, Adobe, Autodesk, Corel,… là những công cụ cực mạnh mà loài người sáng tạo ra để ai cũng có thể nắm trong tay và làm chủ nó ở thế kỷ 21 này. Chúng làm nên những giá trị vô cùng to lớn, giúp thế giới tồn tại và phát triển. Ai không biết tận dụng nó, sẽ rất thiệt thòi bởi sự tốn kém về kinh tế, sự chậm trễ trong lao động và cả trì trệ trong nhận thức bởi không có nó, lấy gì vượt ra khỏi biên giới mà học hỏi, trau dồi? Ta sẽ ngồi dứoi đáy giếng và mơ mộng ngước nhìn bầu trời tròn xoe, xinh đẹp hay chấp nhận làm theo sự đưa đường dẫn lối kiểu truyền thống một cách mông muội?

Ai đó đã sử dụng trong tay hơn 800 trang mạng như một công cụ cực kỳ hiệu quả để giúp họ tồn tại cho dù họ có quá nhiều khuất tất. Vậy mà ta chỉ có trong tay vài ba trang mà dùng không nổi thì e chẳng phải chúng ta đã thua kém họ quá nhiều sao? Tiến trình mong ước bao giờ mới tới khi chúng ta cố hữu như vậy?

Điều mới chưa chắc đã hiệu quả nhưng chắc chắn cho chúng ta có thêm một trải nghiệm công nghệ hoặc ít hơn nữa là một niềm vui. Ta còn e ngại điều gì? Không có bữa trưa nào miễn phí ư? Kệ nó, nếu ta chịu học hỏi, tới khi phải trả phí thì ta sẽ luôn đủ tiền và kiến thức, thậm chí sẽ là dư giả. Đời sống, nên cởi mở và đừng bao giờ ngần ngại bất kể điều gì. 

Cái lo ngại duy nhất là tư duy bị bó hẹp bởi những thứ thân quen và không tự làm mới chính mình.  Khi không tự làm mới được chính mình nữa là lúc chúng ta sẽ thấy tiệm cận với thế giới bên kia và trần gian này ta đã hết còn điều gì luyến tiếc. 

Từ chối tri thức từ cộng đồng mà cố hữu bám theo sự giáo điều của một nhóm nào đó rồi tự huyễn hoặc nó tươi đẹp, chính là từ chối cuộc sống của chính bản thân mình. Học hỏi là quá trình diễn ra liên tục trong đời sống của một con người. Nó chỉ dừng lại khi ta mỉm cười nhắm mắt xuôi tay về bên kia thế giới mà thôi.