15-2-2022
Đêm trong núi lạnh, ngồi nói chuyện với anh Hoàng Tuấn Công. Về những cánh rừng đã mất. Anh Công hỏi mình, ở đây giờ còn (chim) cuốc không. Mình nói còn, thi thoảng vẫn thấy chúng lủi nhanh qua những bờ bụi. Có nghe thấy tiếng chúng kêu không? Không.
– Ừ, cuốc giờ không còn kêu nữa.
Bỗng giật mình, đúng rồi, đã bao lâu mình không nghe tiếng cuốc dù vẫn thấy chúng đây đó nơi chân đồi đồng bãi… Chúng lủi đi và sống trong im lặng. Rừng đã hết, con người có mặt khắp nơi cùng súng và bẫy rập. Cuốc phải ngậm chặt miệng để giữ lấy sinh mạng, vì tiếng kêu là lời mời gọi tử thần. Đó là một bước “tiến hóa” oan nghiệt. Chúng nén tiếng gọi bạn tình trong lồng ngực, và lao vụt qua những bụi cây, qua đường đê, qua gốc dứa, qua lau sậy… Như những ảo ảnh.
Đang ngồi bên đống lửa hừng hực cháy mà bỗng nổi da gà khắp trên thân. Không phải là sự tuyệt chủng, cái im lặng kia của một loài chim còn thảm khốc hơn cái chết.
Anh Công kể, một lần nọ, nơi xóm bãi, trong đêm thinh lặng bỗng rộ lên tiếng cuốc, kêu như tiếng khóc, thảm thiết và vọng cuồng. Rồi im bặt, như chưa từng. Tịnh, không còn một thanh âm.
Con cuốc thủa xưa “năm canh máu chảy đêm hè vắng”, kêu từ tối đến sáng, kêu tìm nhau đến rạc mình. Nay, cuốc nén chặt tiếng lòng mình trong vòm ngực nhỏ, để một ngày bỗng vỡ ra như một tiếng nổ, rồi tan biến vào hư vô. Một đời cuốc, còn bao nhiêu lần kêu thét lên như thế nữa? Hay chẳng bao giờ?
Có một khởi sinh đã chết cùng những âm thanh nén chặt nơi cuống lưỡi của một loài chim. Có một dòng sử lịch sẽ chết theo tiếng chim ấy, và cả một dòng văn học sẽ thành thần bí với hậu thế không xa? Mai kia, những đứa trẻ sẽ cười, bảo rằng cha ông chúng đã bịa ra tiếng cuốc để làm thơ…
Chim cuốc còn đó mà tiếng cuốc đã chôn vào u tịch mang mang. Không có cái chết nào đáng sợ hơn thế, không sự hủy diệt nào thảm khốc hơn thế, khi một giống loài phải từ bỏ tiếng gọi đồng loại và tiếng gọi nhân tình của mình trong lau lách mù tăm.
Tiếng khóc. Hình như nhân loại chưa bao giờ có một tiếng khóc nào bi thương ghê rợn đến thế.