CHỈ NHÂN DÂN LÀ BẠI…

    0
    347

    VIẾT TỪ 2 NĂM TRƯỚC

    THẢO DÂN

    Nguyễn Duy có nhiều bài thơ hay. Nhưng “Đá ơi”, là bài tôi không thích. Có thể, do không lĩnh hội hết ý tứ nhà thơ. Vì thế, đọc lên thấy vần điệu, nhịp thơ, câu cú cứ rời rông rổng rất khiên cưỡng. Giá bài thơ chỉ có hai câu cuối, và đề tựa là “Nghĩ dưới đền Angkor” có khi lại hay.

    “Ta mặc niệm trước Angkor đổ nát
    đá cũng tàn hoang huống chi là kiếp người
    Đá ơi
    xin tạc lại đây lời cầu chúc hoà bình
    Nghĩ cho cùng
    Mọi cuộc chiến tranh
    Phe nào thắng thì nhân dân đều bại…”
    Có lẽ nhà thơ muốn nhắc tới sự kiện người Champa, kẻ thù truyền kiếp của dân Khmer đã tấn công Angkor vào đầu thế kỷ XII.
    Nhiều người thường hay trích dẫn ba câu cuối bài để minh chứng một luận đề rằng rốt cuộc, sau mỗi cuộc chiến, người thất bại chỉ là nhân dân. Vậy nên, tốt nhất, hãy tránh chiến tranh bằng mọi cách!

    Không. Trong trường hợp này, Nguyễn Duy chỉ đúng một phần. Không muốn nói, ông ngụy biện. Chiến tranh có nhiều loại. Nội chiến giữa các phe phái để tranh giành quyền bính khác với kháng chiến chống ngoại xâm bảo vệ Tổ Quốc. Chiến tranh phi nghĩa không giống chiến tranh chính nghĩa. Không thể đồng nhất. Câu thơ đúng trong trường hợp nội chiến để tranh đoạt vương quyền, thâu tóm lãnh thổ. Khi đó, phe phái nào thắng, thì người dân cũng chỉ là nạn nhân. Như một bà mẹ nông dân quê tôi ví von chiến tranh như chiếc cối xay “thớt trên mòn thì thớt dưới cũng mòn”.
    Nhưng nếu ngoại bang xâm lược, Tổ quốc lâm nguy thì dù có chết, vua tôi, tướng sĩ, thất phu, dân cỏ đều phải mang tính mạng mình ra mà giữ. Không thể vì lý do tránh đổ máu cho dân mà nhân nhượng, che đậy bản chất hèn nhược tham sống sợ chết. Nếu ông cha ta “khôn ngoan” như vậy, điều gì đã xảy ra?

    Mấy ngày gần đây, cư dân mạng xôn xao, hồ hởi về bộ sử Việt mới nhất, gồm 15 cuốn đã thay đổi một số điểm như: Thừa nhận công lao triều Nguyễn, coi VNCH là một chính thể, không gọi là ngụy quyền, gọi đúng tên cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Trung Quốc… Hay, dở, tiếp cận sự thật tới đâu trong bộ sách này, còn phải chờ khi thực mục sở thị. Song đó là tín hiệu đáng trân trọng, cho thấy phần nào sự tôn trọng lịch sử của những người viết sách.

    Nhưng, khi thấy cộng đồng mạng xôn xao chia sẻ những thông tin này, sao tôi buồn nhiều hơn vui. Và có gì chua chát. Bởi lẽ, tất cả những điều thay đổi đáng kể trong bộ sử mới. LÀ ĐIỀU HIỂN NHIÊN CỦA LỊCH SỬ. Chỉ tới vua Gia Long, lãnh thổ nước ta mới được mở rộng về phía biển. VNCH bất chấp bị gọi thế nào, thì thực tế vẫn là một thể chế dân chủ được công nhận, có quan hệ ngoại giao với nhiều nước tiến bộ trên thế giới. Cuộc kháng chiến chống Trung Quốc xâm lược, rõ ràng là chiến tranh vệ quốc vĩ đại kéo dài 10 năm, từ 1979- 1989.
    Tại sao những điều hiển nhiên đó, những sự thật đó lại khiến mọi người vui mừng đến thế khi được công nhận?
    Là bởi, chúng ta vốn không có những sử gia có cái dũng của Tư Mã Thiên. Người chép sử, điều kiện tiên quyết là trung thành với sự thật. Khi anh tuyên thệ trung thành với bất kỳ điều gì ngoài sự thật, anh sẽ thành nhà viết sử. Tự do chế biến, tưởng tượng và sáng tác. Trong các loại sáng tác, thì sáng tác lịch sử sẽ bị sự khinh bỉ, nguyền rủa muôn đời của nhân dân, bởi bên cạnh “chính sử”, đất nước nào cũng có một thứ lịch sử không thể bào mòn như bia đá tượng đồng, là DÂN SỬ. SỬ CỦA LÒNG DÂN. Đừng nghĩ dân ngu!

    Vấn đề đặt ra là, sau đây, ta sẽ nhìn nhận và giảng dạy thế nào trong các trường học, nơi đặt vào trí óc non nớt của con trẻ những kiến thức cần chuẩn xác, khách quan và khoa học? Liệu có bao nhiêu giáo viên sử đủ trình độ, đủ cái tâm để dạy đúng sự thật khi cách nhìn nhận lịch sử đã thay đổi, nhưng sách giáo khoa chưa theo kịp ? Có mấy giáo viên dám “lì lợm” dạy về Hoàng Sa, Trường Sa khi nó không có trong sgk, không dạy học trò gọi là “ngụy quân ngụy quyền” mà trân trọng gọi là chính thể VNCH, dám bỏ vài tiết học để dạy về cuộc chiến vệ quốc chống Tàu, khi nó chỉ có vẻn vẹn 11 dòng trong sgk lớp 9, và lại ở phần giảm tải?

    Sáng nay, hình ảnh đầu tiên tôi xem, là một loạt bạn bè đăng clip tàu Cảnh sát biển Trung Quốc số hiệu 46106 đang điên cuồng đâm chìm tàu của ngư dân Quảng Ngãi đánh cá trên lãnh hải của mình. Tôi cay đắng tự hỏi, liệu rồi, sau đây, có sử gia nào đưa những chứng cớ chân thực, đau thương này vào sách sử, và dành cho họ một câu ngắn gọn “Những ngư dân tay không tấc sắt, đã đem toàn bộ tính mạng, của cải để mưu sinh và làm cột mốc chủ quyền giữ biển”?

    Nguyễn Duy ơi! Đây đâu phải chiến tranh. Vẫn đang hữu nghị đó. Nhưng nhân dân đang thắng hay bại? Đó là chưa nói tới những cuộc chiến không cân sức đang hút kiệt máu dân mỗi ngày….Dân tôi đang thắng hay là đang bại?