Charlottesville, Virginia – Bài học nào cho chuyện dựng tượng đài ở Việt Nam?

    0
    11
    Các tượng đài của ông Hồ. Nguồn: Dân Luận.
    TIẾNG DÂN

    Thạch Đạt Lang

    20-8-2017

    Biến cố kỳ thị chủng tộc xảy ra vào ngày thứ Bảy 12-08-2017 tại Charlottesville, bang Virginia, làm thiệt mạng cô Heathet Heyer 32 tuổi đã trở thành một chấn thương tâm lý nặng nề, gây thêm chia rẽ trong xã hội Mỹ, vốn đã bùng phát mạnh từ sau khi ông Donald Trump đắc cử tống thống thứ 45 của Hoa Kỳ.

    Biến cố này tác động không ít vào cộng đồng người Việt tị nạn ở hải ngoại, nhất là ở Mỹ. Đã có những tranh luận gay gắt về biến cố Charlottesville giữa người Việt với nhau, chia thành hai phe. Một phe đồng tình với những lời tuyên bố, với những cái tweet của ông Donald Trump, lên án cả hai phía. Nặng nề hơn, có những người là bác sĩ, nhà văn… cho rằng hành động đập phá tượng tướng Robert Lee của một số dân Mỹ, thì có khác gì bọn Taliban phá tượng Phật, bọn IS phá các di tích văn hoá, bọn Đức Quốc xã thiêu hủy tàn tích Do Thái, bọn Việt Cộng đốt các sắc phong thần hoàng?

    Hơn thế nữa, còn có một lập luận cho rằng việc chống đối sự hiện diện của bức tượng tướng Robert Lee trong công viên thành phố Charlottesville là do đám Dân Chủ thiên tả (leftist) của Hillary Clinton giật dây, xúi bẩy nhằm gây hỗn loạn để truất phế ông Trump, lập luận này đồng thời sỉ nhục báo chí hải ngoại cùng màu da của cựu tồng thống Obama như sau: “Bọn gậy gộc đánh nhau, phá tượng, bị chửi là đúng rồi ca ngợi cái gì nữa, đa số người Mỹ họ chống chuyện phá tượng, dời tượng… Mấy ông nhà báo lá cải An Nam đã chả biết đầu đuôi câu chuyện ra sao cũng nhẩy vào ăn có. Giờ này cái lá bùa kỳ thị hết hiệu lực, người ta đã bầu cho một ông đen sì làm Tổng thống đế quốc 8 năm rồi thì còn kỳ thị cái gì nữa?”

    Người viết không (hoặc chưa) thấy ai ca ngợi đám gậy gộc đánh nhau nhưng hễ bất cứ một chuyện gì bất lợi gây tai tiếng, trở thành trò cười về Donald Trump, từ những chính sách, kế hoạch không thi hành được hay những sắc luật bất khả thi vì vi phạm hiến pháp, gặp chống đối ngay từ trong đảng… đều được những người này đổ riệt cho đảng Dân Chủ, Hillary Clinton, Barack Obama gây ra.

    Nhưng tướng Robert Lee là ai? Tại sao bức tượng của ông lại là nguyên nhân cho cuộc xung đột nghiêm trọng ở Charlottesville, tiểu bang Virginia trong tuần lễ vừa qua?

    Robert Edward Lee (1807-1870) là một vị tướng của Nam quân trong cuộc chiến Nam – Bắc Mỹ (1861-1865). Đây là cuộc chiến giải phóng nô lệ người da đen, do tổng thống Abraham Lincoln chủ trương với sự ủng hộ của đa số các bang miền Bắc. Khi khởi đầu cuộc chiến có 7 tiểu bang miền Nam tách rời ra khỏi 34 tiểu bang của Mỹ thành lập Liên Minh Tự Trị Mỹ (Confederate States of America) không công nhận hiến pháp của Liên Bang dưới quyền cai trị của Tổng thống Abraham Lincoln, đồng thời bầu Jefferson Davis làm tổng thống, với quyền phát triển và sở hữu nô lệ vĩnh viễn. Liên minh này hoàn toàn không được bất cứ nước nào trên thế giới trong thời gian đó công nhận.

    Tướng Lee chỉ huy mặt trận phía Bắc, bang Virginia của Liên Minh Tự Trị. Tướng Lee tốt nghiệp học viện sĩ quan ưu hạng, là một sĩ quan ưu tú và là kỹ sư quân giới trong 32 năm. Ông thắng nhiều trận trong cuộc chiến, chứng tỏ là một vị tướng tài ba, nhưng cuối cùng bị thua trong trận đánh quyết định ở Gettysburg. Sự đầu hàng của tướng Robert Lee trước tướng Ulysses S. Grant của miền Bắc đưa đến sự bại trận của Nam quân trong cuộc chiến.

    Sau khi tướng Robert Lee chết, rất nhiều thành phố, đa số ở các tiểu bang miền Nam dựng tượng và đài kỷ niệm ông. Tổng cộng có 11 bức tượng và đài kỷ niệm của tướng Lee trên khắp nước Mỹ, tên ông cũng được đặt cho nhiều con đường, trường học và nơi giải trí.

    Chế độ nô lệ ở Mỹ chính thức chấm dứt sau khi Liên Minh Tự Trị đầu hàng. Tuy nhiên, sự kỳ thị, coi thường, phân biệt đối xử với người da đen trong xã hội khắp mọi nơi, từ trường học đến công sở, trong quân đội, trên xe buýt, nhà hàng, chợ… vẫn tiếp tục kéo dài cho đến gần cuối thập niên 60. Ngày 04.04.1968, Martin Luther King Jr. thủ lãnh của phong trào đấu tranh bất bạo động và bất tuân dân sự, đòi quyền được đối xử bình đẳng cho người da đen, đã bị bắn chết, kéo theo sự nổi loạn của người da đen trên nhiều thành phố nước Mỹ.

    Với người Mỹ thượng tôn chủng tộc da trắng, nhóm KKK, Tân Quốc xã… Robert Lee là một anh hùng, một hình ảnh sáng chói. Với người da đen ở Virginia ông là biểu tượng của một chủ nô độc ác. Ba trong số nô lê của tướng Lee trong một lần chạy trốn, bị bắt lại, bị đánh đập tàn nhẫn, phơi nắng và xát muối lên lưng.

    Việc di dời bức tượng của tướng Robert Lee khỏi công viên thành phố ở Charlottesville, do đó chỉ là ngòi nổ cho sự xung đột chủng tộc Đen – Trắng, lúc nào cũng âm ỉ trong thành phố, cũng như ở tiểu bang Virginia. Trước khi có quyết định di dời tượng tướng Lee, hội đồng thành phố đã tranh luận gay gắt nhiều lần trong các phiên họp năm 2016.

    Từ sự xung đột ở Charlottesville nghĩ đến chuyện tượng đài ở Việt Nam, lăng ông Hồ Chí Minh ở Hà Nội. Hầu hết các tượng đài của danh nhân nước Mỹ, các nước Âu châu tự do, dân chủ được dựng lên chỉ nhằm mục đích lưu truyền văn hóa cho hậu thế, vì vậy cho dù giàu có, sẵn phương tiện, họ cũng không làm quá to lớn, tốn kém.

    Xây dựng tượng đài ông Hồ ở Việt Nam, ngược lại chỉ nhằm mục đích phục vụ cho chế độ cộng sản trong công tác tuyền truyền cũng như là cái cớ để cán bộ, đảng viên tham nhũng. Công trình xây dựng càng lớn, tốn kém ngân sách quốc gia nhiều chừng nào, cán bộ, đảng viên càng dễ tham nhũng, rút ruột công trình chừng đó.

    Những kẻ chủ trương xây dựng tượng ông Hồ Chí Minh ở Sơn La với phí tổn 1.400 tỉ VNĐ (gần 70 triệu Mỹ kim vào thời điểm đó) thật ra cũng chẳng phải vì họ kính trọng hay nhớ ơn ông, họ chỉ muốn làm tượng ông cho thật to, càng to, càng vĩ đại thì càng dễ đục khoét, rút rỉa, tham nhũng chi phí…

    Người dân Việt Nam nghĩ gì khi chế độ CS vừa đi ăn xin khắp nơi trên thế giới, vừa tìm cách phung phí tiền bạc vô tội vạ như thế? Hiện còn có một kế hoạch xây dựng tiếp 14 tượng đài khác, mỗi cái tốn kém từ vài trăm đến vài ngàn tỉ đồng. Ngoài ra, các quan chức, đảng viên CS cũng đang nghĩ đến chuyện xây tượng đài cho ông Võ Nguyên Giáp.

    Riêng lăng ông Hồ cũng phí phạm tiền thuế của dân không ít, với một trung đoàn bảo vệ lăng, rồi việc giữ gìn, bảo quản cái xác ướp kể sao cho xiết, trong khi trẻ em, học sinh những tỉnh miền núi đến trường còn phải đu dây, hay trùm bao ni lông để qua sông, qua suối?

    Trở lại chuyện ở Mỹ. Tại nhiều trường học, thầy, cô giáo tìm cách giải thích cho học sinh hiểu rõ nguyên nhân cuộc xung đột ở Charlottesville. Họ không tránh né vấn đề, dù nhiều giáo chức khác sợ hãi trước sự giận dữ của các bậc cha mẹ khi nói đến chuyện này.

    Torres, một cô giáo tiếng Anh lớp 12 ở một trường trung học tư, mở đầu bằng cách đặt câu hỏi với các học sinh của mình, nghe từ đâu và nghe thấy điều gì từ vụ xung đột ở Charlottesville với sự bộc phát của chủ nghĩa thượng tôn da trắng, của nhóm cực hữu KKK, Tân Quốc xã… Sau đó là tranh luận công khai theo chiều hướng nhân bản. Torres tin rằng, với cách này, ít nhất cô đã đi đúng hướng để học sinh nhận định đúng được vấn đề.

    Tất nhiên học sinh ở Việt Nam không thể nào được hưởng một phương pháp giáo dục tự do như vậy. Suy nghĩ, nhận định độc lập, có quan điểm, ý kiến riêng là điều cấm kỵ trong giáo trình của chế độ CSVN. Mọi tư duy, phán xét đều phải được uốn nắn ngay từ nhỏ theo chiếu hướng đã định sẵn.

    Nhưng trong thời đại thông tin bùng nổ với internet, điện thoại thông minh, công cụ tìm kiếm trên Google…, liệu chế độ CS có thể mãi che giấu được thông tin không? Chắc chắn là không. Chế độ CS một lúc nào đó sẽ sụp đổ. Tượng đài ông Hồ Chí Minh, và các vị khác như Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Lê Duẫn… càng nhiều, thì sự căm phẫn của người dân càng tăng, sự đập phá chắc chắn sẽ vô cùng mãnh liệt và dữ dội như tượng Lenin đã bị kéo đổ, chà đạp ở các nước thuộc khối Đông Âu cũ. Lăng ông Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ không tránh khỏi sự hủy hoại hay phế bỏ.