Cần lắng nghe và tôn trọng nhau trong tranh luận,

0
13
Biểu tình tại Pioneer Courthouse Square, Portland ngày 02-06-2020. Đa số người tham gia biểu tình là các bạn trẻ, nhiệt thành và ôn hoà. Ảnh : Hoàng Hải

Thân ái gửi bạn Tài Lê

Tôi nghĩ bạn chưa đọc kỹ bài viết ” Black Lives Matter: Người trẻ gốc Việt muốn thay đổi cách nhìn của thế hệ trước về người da đen” và nóng vội trong việc buộc tội cho người khác.

1- Trong bài viết là “NGƯỜI TRẺ GỐC VIỆT”  không có nghĩa là “TẤT CẢ NGƯỜI TRẺ GỐC VIỆT.”

2- Bạn nói ” Đây chỉ là góc nhìn của một ít bạn trẻ áp đặt cho Người Việt rằng Người Việt kì thị người da đen.” Tôi không thấy câu từ nào trong bài viết ÁP ĐẶT cho Người Việt kỳ thị như bạn khẳng định.

3- Bạn nói ” Hi vọng bác Điếu Cày không nên đánh đồng” tất cả” người Trẻ gốc Việt trong trường hợp này. Đây là bài viết của VOA mà tôi chia sẻ, tôi cũng không bình luận gì dưới bài viết. Bạn vẫn sai lầm khi gắn thêm hai chữ “tất cả” rồi buộc tội rằng tôi đánh đồng. Dẫn chứng ?

4- Bạn nói : “Chúng tôi ko ủng hộ phong trào này ko có nghĩa chúng tôi kì thị.” Tôi hoặc bài viết có nói bạn kỳ thị đâu ?

5- Bạn nói ” Bài Viết này cùng Bác Điếu Cày có phải đã áp đặt cho những người lớn tuổi hoặc những người trẻ khác cái mác kì thị mà chúng tôi ko hề có.” Bạn thấy nội dung bài viết hoặc tôi ÁP ĐẶT ở chỗ nào ? Dẫn chứng ?

Những phần còn lại tôi để cho bạn tự tìm nội dung trong bài viết để bảo vệ quan diểm của bạn. Trong khi bạn nhiều lần cho rằng tôi ÁP ĐẶT thì chỉ qua vài dòng bạn viết, chính bạn đã áp đặt những điều không có lên tôi. Bài viết đã có gần 9k người đọc và để ở chế độ công khai, ai cũng có thể kiểm chứng những điều bạn vu khống cho tôi là đúng hay sai.

6-Trong bài viết này, VOA có phỏng vấn cả người trẻ và những người lớn tuổi, mỗi thế hệ đều được bày tỏ chính kiến của mình, có tới 2 người lớn tuổi nói lên chính kiến của họ.

Trích : 1/ “theo Trần Quốc Anh – chủ tịch Hội người Việt ở Houston và vùng phục cận, là vì giới trẻ Mỹ gốc Việt không trải qua sự kỳ thị của người da đen mà thế hệ lớn tuổi gốc Việt khi mới sang Mỹ từng trải qua. Bản thân ông Quốc Anh cũng từng trải qua sự kỳ thị này trong thời gian đầu tới Mỹ nhưng ông nói ông hiểu được rằng những người trẻ gốc Việt nghĩ đến tương lai của họ và muốn có một xã hội bình đẳng về sắc tộc nên họ tham gia các cuộc biểu tình đứng bên ngươì Mỹ gốc Phi, một cộng đồng sắc dân thiểu số như họ, để đòi công lý.

2/ “Ông Luong, người từng sống dưới chế độ Cộng sản Việt Nam trong 6 năm, nói rằng ban đầu ông bàng quan về phong trào Black Lives Matter cũng như những người bạn cùng thế hệ của ông có cách nhìn hoàn toàn khác so với giới trẻ trong vấn đề này.

“Đây không phải là cuộc đấu tranh mà bố muốn tham gia,” ông Luong nói với con gái.”

…Việc tranh luận xảy ra ngay trong một gia đình, giữa hai thế hệ khiến “Những cuộc hội thoại đó có thể không dễ chịu và có thể đau đớn,”

“Tuy nhiên, sau đó ông Luong đã thay đổi cách nhìn ..”

+++

Việc bạn không ủng hộ phong trào Black Lives Matter là quan điểm của bạn, việc một số bạn trẻ Việt chọn đứng cùng phong trào Black Lives Matter có quyền giữ quan điểm của các bạn ấy.

Biểu tình ôn hoà để biểu đạt chính kiến của mình là quyền hiến định trong hiến pháp Hoa Kỳ, không ai có quyền tấn công vào các quyền ấy, bởi đó là tấn công vào Hiến pháp Hoa Kỳ. Việc người dân biểu đạt chính kiến một cách ôn hoà không làm tổn thương hay chia rẽ đất nước mà ngược lại.

Bạn đọc thêm bài viết của cựu BTQP James Mattis đăng trên tạp chí The Atlantic :

Trích : “Tôi đã theo dõi những sự kiện tiếp nối nhau trong tuần qua với sự giận dữ và kinh hoàng. Cụm từ “Công Lý Bình Đẳng Dưới Pháp Luật” được khắc ghi trên trán tường của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ. Đây chính xác là thứ mà những người biểu tình đang đòi hỏi một cách đúng đắn. Một đòi hỏi toàn vẹn và hợp nhất – một đòi hỏi mà tất cả chúng ta đều có thể hậu thuẫn. Chúng ta không được để thiểu số những kẻ vi phạm pháp luật làm xao nhãng khỏi điều đó. Những cuộc biểu tình được định nghĩa bởi hàng chục ngàn con người có lương tri đang yêu cầu chúng ta phải sống đúng theo những giá trị mà chúng ta đeo đuổi – những giá trị con người và giá trị quốc gia.

Khi tôi nhập ngũ, khoảng 50 năm về trước, tôi đã tuyên thệ sẽ ủng hộ và bảo vệ bản Hiến pháp. Tôi không bao giờ mơ đến việc những binh sĩ đã tuyên thệ như tôi bị ra lệnh, trong bất cứ trường hợp nào, phải xâm phạm quyền Hiến định của những người đồng bào “…Hết trich.

———–

Những hành động cướp phá sẽ bị nghiêm trị, không ai ủng hộ việc cướp phá của một số nhỏ đó.

Tôi đã chứng kiến những cuộc biểu tình của các bạn trẻ ở Portland, Oregon. Các bạn ấy biểu tình rất ôn hoà, chúng ta không thể lấy hành động cướp phá của một số người để gán nhãn cho những cuộc biểu tình ôn hoà là bạo lực.

Về cá nhân, tôi có vài diều muốn chia sẻ với bạn

Mặc dù Hiến pháp VN quy định : Công dân VN có quyền Tự do ngôn luận, tự do hội họp, biểu tình. Nhưng chỉ vì biểu đạt chính kiến một cách ôn hoà trên internet, thành lập Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do, tập trung biểu tình chống Trung Quốc cướp biển đảo của VN mà tôi và các bạn bị đánh đập, bị bắt với những bản án hàng chục năm tù. Chúng tôi đã phải trả giá rất đắt cho việc thực hiện những quyền Tự do ngôn luận, tự do lập hội, biểu tình bởi một nhà cầm quyền độc tài tàn bạo.

Từ những trải nghiệm của cá nhân, tôi vô cùng quý trọng những quyền thiêng liêng mà các bạn ở Hoa Kỳ được hưởng, được tự do biểu đạt ôn hoà mà không bị đàn áp và sợ hãi, được Hiến pháp Hoa Kỳ bảo vệ.

Tôi không có lý do gì để ngăn cản hay tấn công vào các bạn trẻ đang thực hiện những quyền Hiến định của họ, là biểu đạt ôn hoà, những quyền mà người dân trong nước đã chịu nhiều hy sinh mất mát để đòi hỏi nhưng chưa có được.

Nếu tôi bây giờ lại quay ra chê bai, dè bỉu những người biểu tình ôn hoà ở Hoa Kỳ, tôi và các bạn tôi đâu còn tính chính danh để mà đòi hỏi được những quyền biểu tình ở trong nước như các bạn được hưởng.

Tôi không kêu gọi hay kích động họ xuống đường hay xử dụng bằng bạo lực. Tôi chỉ chia sẻ một bài viết của VOA,đài tiếng nói Hoa Kỳ.

Vậy bạn căn cứ vào đâu để cho rằng tôi đang làm tổn thương đất nước Hoa Kỳ ?

Chúng ta sống trong một xã hội đa dạng có nhiều xu hướng và quan điểm chính trị khác biệt, nên cần lắng nghe và tôn trọng nhau trong tranh luận, cẩn thận trong những ngôn từ ném vào nhau, gây tổn thương cho nhau. Đó mới là hướng tới sự hàn gắn xã hội.

Thân ái !