Báo VN liên tục nhắc tới dự án Saigon Peninsula ‘bỏ hoang’ của Vạn Thịnh Phát

0
15
HV Bản vẽ phối cảnh dự án Saigon Peninsula năm 2016 nhưng nay "chỉ là bãi hoang, heo chạy kiếm ăn", theo truyền thông VN

BBC

17 tháng 10 2022

HV

Bản vẽ phối cảnh dự án Saigon Peninsula năm 2016 nhưng nay “chỉ là bãi hoang, heo chạy kiếm ăn”, theo truyền thông VN

Trong lúc mạng xã hội tiếng Việt ở Việt Nam và nước ngoài tiếp tục bàn luận nhiều về vụ án liên quan đến các lãnh đạo tập đoàn Vạn Thịnh Phát, một tờ báo ở nước này vừa chạy tựa riêng về dự án khu đô thị mới Saigon Peninsula.

Tuy đây không phải là tin mới, vì việc dự án, còn gọi là Mũi Đèn Đỏ, bị ‘đắp chiếu’, đã được các trang tin về bất động sản ở Việt Nam nhắc đến từ mấy năm qua, bài của tờ Thanh Niên hôm 17/10/2022 vẫn được nhiều người đọc và chia sẻ.

Bài “Dự án 6 tỉ đô của Vạn Thịnh Phát tiếp tục ‘đắp chiếu’” nhắc đến vị trí đắc địa, ở ngã ba sông Sài Gòn của Saigon Peninsula như sau:

“Khu đô thị mới Saigon Pennisula (còn được gọi là dự án Mũi Đèn Đỏ) tọa lại ngã ba sông Sài Gòn, quận 7, TP.HCM, với tổng vốn đầu tư khoảng 6 tỉ USD đến nay vẫn “đắp chiếu”, bỏ hoang sau nhiều năm triển khai…

Hình sự thật sau hơn 15 năm dự án Saigon Penninsula được “vẽ” ra

“Dự án này Tập đoàn Vạn Thịnh Phát ký hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài gồm Pavilion Group và Genting Group để cùng phát triển. Trong đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Penisula là liên danh được lập ra để thực hiện dự án. Pavilion Group giữ vai trò chủ đạo trong quy hoạch tổng thể và triển khai xây dựng công trình điểm nhấn gồm trung tâm thương mại bán lẻ kết hợp với khách sạn 5 sao, khu căn hộ cao cấp và biệt thự nghỉ dưỡng cùng các cao ốc văn phòng hạng A…”

Cũng mới hôm 12/10, báo Giao Thông ở Việt Nam đăng loạt hình về các công trình của Vạn Thịnh Phát, và nói đến dự án Saigon Peninsula:

“Tháng 4/2016, Vạn Thịnh Phát khởi công xây dựng dự án Saigon Peninsula 6 tỷ USD (phường Phú Thuận, quận 7), với tổng diện tích 118 ha. Tuy nhiên, sau gần một năm tổ chức thi công rầm rộ, khu đất này vẫn chưa có gì thay đổi, hoạt động xây dựng bị ngưng hoàn toàn.”

Một trang về bất động sản trước đó còn có bài mô tả khá hình ảnh về “cảnh hoang vu” tại khu đất này, nơi “đàn heo lên tới hàng chục con đang kiếm ăn ở công trình án binh bất động”, kèm ảnh từ trang Zing về “dự án đắp chiếu” Mũi Đèn Đỏ.

Các báo Việt Nam cũng cho hay việc gần 30 hộ dân tại đây đòi bồi thường lên tới nhiều tỷ VND nhưng “chưa được giải quyết xong”.

Mps.gov.vn Bà Trương Huệ Vân và Trương Mỹ Lan, hình của Bộ Công an Việt Nam

Vụ án Vạn Thịnh Phát và các nhân sự liên quan

Sự quan tâm của dư luận ở Việt Nam và hải ngoại đối với công ty Peninsula và lãnh đạo của công ty này khiến từ khóa tìm kiếm về chủ đề này nổi bật trên trang Google Search mấy ngày qua.

Trang Thông tin Doanh nghiệp ở Việt Nam cho hay:

“Công Ty Cổ Phần Tập Đoàn Sài Gòn Peninsula có mã số thuế 0303012484, do ông/bà Nguyễn Ngọc Dương làm đại diện pháp luật, được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 25/08/2003.

Công ty có ngành nghề kinh doanh chính là “Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê”, do Chi cục Thuế Quận 1 quản lý…”

Một cây bút ẩn danh từ Sài Gòn viết cho BBC News Tiếng Việt lời bình luận hôm 16/10:

“Một thực tế ai cũng thấy, là bên cạnh những bất động sản có thể nói là đắc địa nhất mà bà Lan đã đưa vào hoạt động, còn có rất nhiều khu đất vàng, các toà nhà thuộc loại đắt nhất Sài Gòn nhưng bà chủ VTP vẫn chỉ “cho đắp chiếu” nằm đấy bao lâu nay mà không hề đưa vào kinh doanh.

Những tài sản ấy của ai? Thiên hạ dễ dị nghị, đó phải chăng là những bất động sản được mua bằng ‘tiền đen’ của các quan chức trong các chính quyền, bên kia hoặc bên này biên giới?”

Bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vạn Thịnh Phát và một số bị can mới đây đã bị bắt tại Việt Nam để điều tra cáo buộc “hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân trong thời gian năm 2018 – 2019”.

Bộ Công an Việt Nam nói đây là vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan.

Các bị can bị bắt gồm: Trương Mỹ Lan, Trương Huệ Vân, Nguyễn Phương Hồng, Hồ Bửu Phương.

Tuy nhiên, các bình luận trên mạng xã hội lại nhấn mạnh vào góc độ chính trị và nhân sự cao cấp liên quan, gồm cả một số lãnh đạo đã về nghỉ, và các thương vụ của Vạn Thịnh Phát, điều các báo Việt Nam hiện vẫn chưa đề cập cụ thể.

Một số tin về nhân sự Vạn Thịnh Phát “bị chết” càng làm cho dư luận Việt Nam quan tâm đến tập đoàn này.