Asean tạo dịp hiếm có cho cuộc gặp giữa Mỹ và Bắc Hàn

    0
    941
    EPA Ngoại trưởng Bắc Hàn Ri Yong-ho (giữa) tham dự diễn đàn Asean và gặp mặt các bộ trưởng khu vực
    BBC

    Giữa lúc Mỹ và Bắc Hàn căng thẳng, mọi con mắt quan sát hiện tại đều đổ dồn vào một diễn đàn khu vực có sự hiện diện của các phái viên từ cả hai quốc gia. Phóng viên BBC Đông Nam Á Jonathan Head giải thích những điểm đáng lưu ý của hội nghị này và liên hệ tới mối quan hệ Mỹ – Bắc Hàn.

    Không có một diễn đàn nào khác trên thế giới mà các quan chức Hoa Kỳ trực tiếp “đối mặt” với quan chức Bắc Hàn.

    Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) có sự tham gia của 27 quốc gia từ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, và tạo cơ hội cho nhiều cuộc đối thoại song phương hữu dụng, đặc biệt với sự hiện diện của các Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Hoa Kỳ.

    Tuy nhiên cơ hội gặp mặt trực tiếp với Bộ trưởng Ngoại giao Bắc Hàn mới là thứ tạo ra những khả năng đáng lưu ý.

    Rex Tillerson sẽ có khả năng đối thoại với đại diện Bắc Hàn?Reuters
    Rex Tillerson sẽ có khả năng đối thoại với đại diện Bắc Hàn?

    Để sắp xếp được bất kỳ buổi họp nào khác giữa Mỹ và Bắc Hàn là một công việc khó khăn, liên quan tới khối lượng khổng lồ những cuộc đàm phán về nghị định, chương trình nghị sự, và kể cả ý nghĩa của những cuộc họp đó. Đây là điều hiếm có thể xảy ra.

    Nhưng tại hội nghị ARF ở Manila, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ ngồi chung phòng với các lãnh đạo Bắc Hàn.

    Họ sẽ nói chuyện? Bắt tay? Phớt lờ? Từng cử chỉ giao tiếp giữa hai bên sẽ là “miếng mồi ngon” để phóng viên quan sát và đưa ra lời giải thích.

    Thuyết phục Bắc Hàn ngừng thử hạt nhân là ‘thất bại’

    Mỹ đưa tàu chiến tới bán đảo Triều Tiên

    Bắc Hàn ‘sẽ tự vệ bằng vũ lực’

    Hoa Kỳ ‘sẽ cấm công dân du lịch Bắc Hàn’

    Điều này làm tôi nhớ lại một kì họp ARF mình từng tham dự tại Brunei vào tháng 07 năm 2002. Tại thời điểm đó, sự căng thẳng giữa Mỹ và Bắc Hàn đã leo thang khá nhanh.

    Tổng thống George W Bush đã cho thấy ông rất không ưa sự tàn bạo của chế độ lãnh đạo Bắc Hàn. Những thành viên bảo thủ trong chính quyền tin rằng ông nên đứng lên chứ không chỉ đàm phán với Bắc Hàn về thể chế của họ.

    Sau vụ khủng bố 11/09, Tổng thống Bush có xu hướng chia thế giới thành hai phe, bạn và thù, của nước Mỹ. Và các mật vụ tình báo đã tiết lộ những chứng cứ cho rằng Bắc Hàn gian lận cam kết từng thông qua dưới thời Tổng thống Bill Clinton, về việc ngừng phát triển chương trình vũ khí hạt nhân từ khi trong trứng nước.

    Hai quốc gia đã ngừng các liên lạc cấp cao kể từ khi Bush lên nắm quyền. Vị Tổng thống này đã liệt Bắc Hàn vào danh sách “Trục Ma quỷ” bao gồm các quốc gia tài trợ khủng bố.

    Tổng thống Bush (trái) cử Colin Powell (phải) tham dự ARF tại Brunei năm 2002Getty Images
    Tổng thống Bush (trái) cử Colin Powell (phải) tham dự ARF tại Brunei năm 2002

    Bắc Hàn mới chỉ nằm trong danh sách các nước được tham dự ARF hai năm trước đó, tại thời kì đỉnh cao với Chính sách Ánh Dương của Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung về việc thống nhất hai miền Triều Tiên.

    Tại thời điểm này, thỏa thuận gây ấn tượng với Bắc Hàn của Tổng thống Clinton vẫn chưa bị bác bỏ – đóng góp xây dựng chương trình năng lượng hạt nhân dân dụng cho Bình Nhưỡng để đổi lại sự tháo rỡ cơ sở vật chất Plutoni.

    Hoa Kỳ khi đó còn cử Bộ trưởng Ngoại giao Madeleine Albright tới Bình Nhưỡng vào tháng 10/2000 để gặp mặt Kim Jong-il.

    Nhưng khi Bộ trưởng Ngoại giao Bắc Hàn Paek Nam-sun tham gia hội nghị ARF tại Brunei năm 2002, mối quan hệ giữa hai nước đã giảm sút đáng kể.

    Vì vậy đã có nhiều suy đoán về việc liệu Colin Powell, người kế nhiệm bà Albright, có gặp hoặc thậm chí nói chuyện với ông.

    Paek Nam-sun đại diện cho Bắc Hàn tại ARF 2002AFP/Getty Image
    Paek Nam-sun đại diện cho Bắc Hàn tại ARF 2002

    Các phóng viên thời điểm đó, và cả hiện nay, đều bị giữ khoảng cách từ trung tâm truyền thông cách xa nơi diễn ra những cuộc họp cấp cao.

    Chỉ số ít phóng viên ảnh và quay phim được chọn để ghi lại những cái bắt tay của một số nhân vật quan trọng, còn đa phần thông tin về các cuộc họp được xác nhận qua các phát ngôn chính thức sau khi các cuộc họp đã diễn ra.

    Chiều ngày 31/07, thông tin bị rò rỉ cho biết đã diễn ra một cuộc họp giữa Powell và Paek. Thông tin này đã thống trị các mặt báo đưa tin về diễn đàn. Nhưng họ đã thảo luận điều gì?

    Đám đông phóng viên chúng tôi đã tập hợp để nghe thông tin vắn tắt được đưa ra bởi Phát ngôn viên Richard Boucher. Nhiều câu hỏi liên quan đến cuộc gặp mặt này được đặt ra. Thoáng một chút thiếu tự tin, Boucher cho biết đây chỉ là một cuộc gặp không chính thức vào lúc nghỉ giữa giờ, kéo dài khoảng 15 phút.

    Ông cho biết, ngoài các nghị định thư và bản dịch, phần lớn thời gian được dùng để tán gẫu, trêu đùa. Phía Bắc Hàn ngỏ ý muốn có thêm những cuộc gặp gỡ cấp cao giữa hai nước.

    Powell đồng ý với quan điểm này, nhưng thêm rằng những vấn đề khó khăn cần được chú ý tại các cuộc gặp gỡ sắp tới. Đó là toàn bộ thông tin.

    Đây không phải một bức tranh toàn cảnh. Colin Powell, một người ôn hòa trong bộ máy của Bush, tin rằng đối thoại với Bắc Hàn là cách duy nhất để làm tình hình tiến triển tốt hơn, kể cả khi có những bằng chứng cho rằng nước này không tuân thủ cam kết dừng chương trình hạt nhân của mình.

    Ông được chuẩn bị một căn phòng tại ARF, và phía Bắc Hàn đã được thông báo bởi giới quan chức Mỹ từ trước đó. Ông không báo cáo trước kế hoạch này với Tổng thống Bush, mặc dù đã thông qua với Cố vấn An ninh Quốc gia Condoleezza Rice, người có thể đã nói với Bush.

    Vị Bộ trưởng Ngoại giao đã lên kế hoạch tiếp cận mạnh mẽ để nối lại quan hệ với Bắc Hàn sau khi thảo luận với Tổng thống Bush. Điều này vừa thể hiện thiện chí của Mỹ trong việc giúp đỡ những nhu cầu nhân đạo tại quốc gia vẫn đang trong quá trình phục hồi sau sự tàn phá của nạn đói những năm 1990, vừa là cách xây dựng lại niềm tin sau chương trình hạt nhân.

    Đây là những điều ông muốn truyền đạt với Bộ trưởng Paek. Tại cuộc họp, ông nhấn mạnh rằng Mỹ không muốn tấn công Bắc Hàn.

    Như chúng ta đã biết, hành động ngoại giao ứng khẩu của Colin Powell đã chẳng đi đến đâu. Những thành phần bảo thủ của chính quyền Bush xung quanh Phó Tổng thống Dick Cheney được cho là đã phản ứng dữ dội về cuộc gặp mặt này.

    Sự mất lòng tin vào chương trình hạt nhân của Bắc Hàn vẫn còn dai dẳng. Và cuộc xâm lược Iraq của Hoa Kỳ có thể đã thuyết phục Bắc Hàn rằng sở hữu vũ khí hạt nhân là cách duy nhất có thể giúp họ ngăn cản Bush nhúng tay vào việc thay đổi các thể chế tại châu Á.