ADB: Thị trường trái phiếu châu Á chứng kiến tình trạng rút vốn đầu tư gián tiếp

1
8
ADB-bond-report

Kinh tế Sài Gòn Online

Thứ Sáu, 25/11/2022

(KTSG Online) –  Việc thắt chặt tiền tệ quyết liệt ở các nền kinh tế phát triển đã đẩy lãi suất trái phiếu tăng và làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái tài chính ở Đông Á mới nổi, theo báo cáo Giám sát trái phiếu châu Á mới nhất của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vừa phát hành hôm nay, 25-11.

Khu vực Đông Á mới nổi bao gồm các nền kinh tế thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Trung Quốc, Hồng Kông và Hàn Quốc.

Các đồng tiền trong khu vực giảm giá so với đồng đô la Mỹ, chứng khoán sụt giảm và phí bảo hiểm rủi ro tăng, theo ấn bản mới nhất của báo cáo Giám sát trái phiếu châu Á. Hầu hết các thị trường trái phiếu khu vực đều chứng kiến tình trạng rút vốn đầu tư gián tiếp. Lạm phát toàn cầu, tăng trưởng chậm hơn ở Trung Quốc và suy thoái kinh tế từ việc Nga tấn công Ukraine tiếp tục đe dọa những triển vọng ngắn hạn của khu vực.

Trong báo cáo, chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Albert Park, nhận định: “Các điều kiện tài chính ở Đông Á mới nổi đã suy yếu với tốc độ nhanh hơn trong tháng 9 và tháng 10 so với tám tháng đầu năm 2022, do việc thắt chặt tiền tệ quyết liệt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Tuy nhiên, cho tới nay, khu vực này về cơ bản vẫn có khả năng chống chịu, bất chấp nhiều yếu tố bất lợi.”

Tại Việt Nam, báo cáo cho thấy sau khi tăng trưởng mạnh trong quý trước, thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của Việt Nam trong giai đoạn từ ngày 31-8 đến 4-11 đã giảm 0,2% do thị trường trái phiếu sụt giảm và trái phiếu doanh nghiệp tăng chậm hơn. Tuy nhiên, so với quí 3 năm trước, thị trường vẫn tăng 21,1% lên 97,4 tỉ đô la.

Trái phiếu chính phủ giảm 2% do lượng tín phiếu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang lưu hành giảm 70,3% so với quí trước. Dư nợ trái phiếu chính phủ đạt 67,3 tỉ đô la. Việc trái phiếu doanh nghiệp giảm 4,1% so với quý trước đã đưa phân khúc này đạt 30,1 tỉ đô la.

Bức tranh thị trường trái phiếu Việt Nam cũng giống với khu vực khi các đồng tiền trong khu vực giảm giá so với đô la Mỹ, chứng khoán sụt giảm và phí bảo hiểm rủi ro tăng.

Việc phát hành trái phiếu bằng đồng nội tệ ở Đông Á mới nổi giảm 1,1% so với quí trước, xuống còn 2,2 ngàn tỉ đô la Mỹ ở quí 3 trong bối cảnh tâm lý đầu tư ảm đạm. Tổng lượng trái phiếu bằng đồng nội tệ đang lưu hành tăng 2,3% lên 22 ngàn tỉ đô la.

Tổng lượng phát hành trái phiếu chính phủ khu vực này giảm 4,5% so với quí trước, trong khi lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng 5,7%, chủ yếu là nhờ việc các công ty Trung Quốc tận dụng những biện pháp nới lỏng tiền tệ trong nước. Lãi suất tăng đã dẫn tới mức sụt giảm 2% trong lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp ở các thị trường ASEAN.

Ấn bản mới nhất của báo cáo Giám sát Trái phiếu châu Á nhấn mạnh những lưu ý về hai chủ đề đặc biệt: mối quan hệ giữa hội nhập thương mại khu vực và hội nhập tài chính khu vực, và việc thúc đẩy sự ổn định tài chính và khả năng chịu đựng trước các cú sốc thông qua phát triển các thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ.

Khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đang giảm mạnh

Trong 10 tháng của năm 2022, thống kê của Bộ Tài chính cho thấy có 46,48% trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát hành có tài sản đảm bảo và 53,52% không có tài sản đảm bảo, chủ yếu là trái phiếu của tổ chức tín dụng.

Quí 1-2022, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 134,8 ngàn tỉ đồng, quí 2 là 122.400 tỉ đồng, quí 3 là 65.900 tỉ đồng, tháng 10-2022 là 5.800 tỉ đồng.

Theo Bộ Tài chính, các trái phiếu doanh nghiệp là nhóm phát hành lớn nhất, chiếm 41,34% tổng khối lượng phát hành. Trong số này các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng chiếm lần lượt 28,87% và 7,8%; khối lượng trái phiếu mua lại trước hạn là 152,5 ngàn tỉ đồng, tăng 49,6% so với cùng kỳ năm 2021.

N.Tân

I may need your help. I tried many ways but couldn’t solve it, but after reading your article, I think you have a way to help me. I’m looking forward for your reply. Thanks.