A look at “Black Lives Matter” from Buddhism’ perspective

0
280
Trái: Người da đen xuống đường đòi quyền bình đẳng tại Washington, D.C. tháng 8 năm 1963; Phải: Dân Mỹ biểu tình ở New York City đòi công lý tháng 6, 2020. (Hulton Archive; David Delgado)
Hanh Nguyen / Reverend Matt Hamasaki, Resident Minister

Cảm ơn Chị Nguyễn Minh thông dịch
########################
Ngày 3 tháng 5 năm 2020
Hôm nay, tôi cảm thấy cần phải lên tiếng về phong trào “Sinh Mạng Người Da Đen Quan Trọng” và vì sao các Phật tử nên đứng về phía họ và ủng hộ họ.

Reverend Matt Hamasaki, Resident Minister

Hôm qua, chúng ta có một ngày tạm ngưng trên mạng xã hội để những sắc dân khác lắng lại nghe rõ tiếng nói của những người da đen. Tôi quyết định dùng thời gian này tiếp tục học hỏi bằng cách bắt đầu đọc quyển Chim Kim Tước của Người Thợ Mỏ (The Minder’s Canary) của Lani Guinier và Gerald Torres. Dẫu tôi mới chỉ bắt đầu, quyển sách đã bộc lộ và vỡ ra cho tôi nhiều điều mà tôi từng được dạy phải chấp nhận, đồng thời củng cố vốn từ giúp tôi nói lên những hiểu biết của mình.

Cần nói rõ rằng tôi chưa bao giờ tự cho mình hiểu rõ hoàn toàn là một người da đen thì như thế nào, do vậy nếu tôi có điều gì sai sót hay cần chỉnh sửa, xin cứ vui lòng cho biết, tôi luôn sẵn sàng học hỏi thêm. Vì cảm thấy chưa vững lắm, tôi mạn phép dùng những câu từ và tiếng nói của họ để giúp biểu đạt những gì tôi thấy cần phải nói.

Nhớ thời đi học ở Berkeley, chúng tôi được dạy rằng kỳ thị chủng tộc thật nực cười, bởi vì chủng tộc không tồn tại riêng rẽ về mặt sinh học. Khoa học và nghiên cứu về bộ gen con người đã chứng minh điều đó qua bản đồ DNA. Do đó, để không kỳ thị chủng tộc, chúng ta đừng nên chú ý đến những tên gọi đó và nên sống mù màu. Tôi còn nhớ cụ thể đã từng trông thấy một mẩu quảng cáo chỗ trạm xe buýt ghi “Người đàn ông Puerto Rican đó” trong đó chữ “Puerto Rican” bị gạch chéo nhắc chứng ta không được dán nhãn đặt tên mọi người. Ý tưởng này cho rằng muốn bỏ kỳ thị chủng tộc, chúng ta cần ngưng nói về chủng tộc. Chúng ta cần góp mặt trong xã hội mù màu.

Tuy nhiên, quan điểm mù màu này không giải thích được vì sao cuộc sống người da đen bất ổn. Ví dụ, nếu một gia đình da đen thu nhập $50,000/năm và một gia đình da trắng thu nhập $50,000/năm, trong mắt người mù màu, hai gia đình này có mức tài chính như nhau và vì vậy ắt hẳn họ phải có những cơ hội tiềm năng và tương lai giống nhau. Do đó, khi số liệu thu thập qua nhiều thế hệ cho thấy tích lũy của các gia đình da đen chỉ gần bằng một nửa so với gia đình da trắng, quan điểm mù màu có khuynh hướng lập luận rằng đó là do lỗi của người da đen. Quan điểm đó không chỉ ra được nhiều vấn đề trong xã hội đã ngăn trở người da đen tích lũy, trong đó có những khác biệt về thị trường nhà cửa, hệ thống trường học và giáo dục, khả năng tiếp cận ngân hàng và đồng vốn, và mối quan hệ gai góc với cảnh sát, tất cả dồn ứ lại qua nhiều thế hệ.

Biểu tình tại Pioneer Courthouse Square, Portland ngày 02-06-2020.
Ảnh : Hoàng Hải

Giờ để tôi thử nhìn từ quan điểm Phật giáo về những gì đang diễn ra. Có người sẽ hỏi, “Chẳng phải Phật giáo dạy sinh mạng của tất cả mọi người đều quan trọng sao?” Để hiểu bản chất câu hỏi này, cần biết Phật giáo bắt đầu từ bản ngã tối thượng, được đề ra bởi một người tự tách mình khỏi xã hội, và như vậy, không giải quyết các vấn đề xã hội.
Chúng ta được dạy phải chất vấn quan điểm của bản thân về thế giới và về cách phân loại mọi việc. Chúng ta cũng được dạy sinh mạng của tất cả mọi người đều quý giá. Từ quan điểm này, Phật giáo dường như sử dụng cách tiếp cận theo hướng mù màu. Nhưng, từ hơn 2500 năm trước tại Ấn Độ, Phật giáo đã trải qua một thời kỳ biến chuyển mạnh mẽ dưới nhiều dạng thức khác nhau. Khi tách ra khỏi Mahayana, chúng ta đã mang lập trường một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ. Cụ thể hơn nữa, hình thức Phật giáo Jodo Shinshu của chúng ta đã từng là một phong trào được sản sinh từ cuộc cách mạng xã hội.

Vào thế kỷ 12 và 13 tại Nhật, chế độ phong kiến hiện diện ngoài xã hội và trong đời sống tôn giáo của mọi người. Nói vắn tắt, phong trào Jodo Shinshu trỗi dậy căn cơ từ những người dưới đáy phản kháng lại cách đối xử của xã hội đối với họ. Phong trào lên tiếng cho họ và mở con đường khác cho họ, những người bị đặt ra ngoài lề. Tôi tin rằng chúng ta rất cần nhận ra phải hành động cùng với phong trào Sinh Mạng Người Da Đen Quan Trọng.

Nói cách khác, hãy tưởng tượng một bàn tay bị xước giấy và một bàn tay bị cắt cụt một ngón. Có phải cả hai bàn tay đều đau? Tất nhiên. Nhưng bàn tay nào đau đớn hơn? Bàn tay nào cần nhiều thời gian và nỗ lực để chữa lành vết thương? Nếu ta nói, “tay nào cũng quan trọng” và bảo vì vết xước giấy chỉ cần chờ đấy sẽ tự lành nên chúng ta áp cùng cách chữa trị cho cả hai vết thương, thì sẽ không giải quyết được vấn đề.

(con’t)

Mặc dù lý tưởng này đáng được hướng tới, nhưng nếu nói “Sinh Mạng Ai Cũng Quan Trọng” là phủ nhận thực tế người da đen đang bị đối xử theo kiểu mạng của họ KHÔNG quan trọng. Khi George Floyd bị giết bởi một người đáng ra phải thực thi pháp luật. Khi Breonna Taylor bị giết trong lúc đang ngủ trong nhà mình. Khi Ahmaud Arbery bị giết trên đường chạy bộ trong xóm. Khi Oscar Grant bị bắn từ phía sau và bị giết ở trạm Fruitvale, một trạm trên tuyến xe lửa BART tôi từng đi mỗi ngày. Khi điều này diễn ra trong các thành phố của chúng ta, trên đất nước của chúng ta, nói rằng “Sinh Mạng Ai Cũng Quan Trọng” là lời nói dối trơ trẽn.

Thật ra, nói “Sinh Mạng Ai Cũng Quan Trọng” không chỉ là nói dối, mà còn tước bỏ công cụ cần có để chống áp bức. Guinier and Torres lập luận và tôi cũng đồng ý rằng từ chối nhắc đến chủng tộc là chối bỏ những vấn đề mang tính hệ thống đã tạo ra bất công dai dẳng. Việc lờ đi không nhắc đến chủng tộc cũng chính là nhường chỗ êm xuôi cho những người vừa hưởng lợi từ bất công vừa muốn nhìn thấy bất công tiếp diễn. Điều này ngăn trở người dân gầy dựng các phong trào chống lại những con người như vậy. Không, chúng ta phải nói về chủng tộc để thúc đẩy hành động. Cần phải nói về chủng tộc để giải thích về thực tế khác hẳn trên đất nước chúng ta đang sống.

Thay vì chia nhỏ và phủ nhận sắc tộc nào, chúng ta có thể sử dụng chủng tộc trong ngữ cảnh chính trị để vừa cho thấy sự bất bình đẳng trong nước Mỹ, vừa hành động nhóm lên thay đổi. Làm như vậy cũng thể hiện sức mạnh có sẵn trong kết nối tâm lý giữa người da đen với nhau. Làm người da đen là phải mạnh mẽ. Làm người da đen là phải có sức mạnh chính trị. Sức mạnh này có thể dẫn đến thay đổi cực kỳ to lớn về mặt dân chủ.

Khi chất xúc tác này thu hút chú ý vào những vấn đề đã bị bỏ quên trầm trọng cho tới nay, không chỉ người da đen mà những nhóm dân khác bị đặt bên lề cũng phải có lời hồi đáp từ lương tâm. Đương nhiên, người bị quăng ra ngoài nhiều nhất sẽ có động lực lớn nhất đòi thay đổi. Tuy nhiên, đây là nghĩa vụ lương tâm của tất cả các sắc dân thiểu số, của bất cứ ai có thể bị kỳ thị, và của những tư tưởng cấp tiến muốn nhìn thấy đổi thay trong hệ thống. Đây cũng là nghĩa vụ lương tâm của Phật tử.

Dễ dàng nhất và hiệu quả nhất là chỉ ra được những vấn đề của những người bị phân biệt chủng tộc, rồi theo lời của Guinier and Torres, nói rằng “chúng ta phải giúp họ nhấn mạnh yêu cầu được có một tầm công lý xã hội rộng lớn để giúp được nhiều hơn chứ không riêng những nhóm chủng tộc bên lề.”

Nói cho cùng, từ quan điểm của họ, từ quan điểm của tôi, từ quan điểm Phật giáo, chỉ khi nào Sinh Mạng Người Da Đen Quan Trọng thì Mới Có Thể Coi Sinh Mạng Tất Cả Mọi Người Quan Trọng.

Reverend Matt Hamasaki, Resident Minister