30-4: Kẻ ăn mừng, kẻ làm lễ quốc hận – Biết bao giờ hòa giải hòa hợp?

0
885
Hai người lính ở hai chiến tuyến chụp năm 1973.

FB Chu Mộng Long

2-5-2018

Năm nào cũng như năm nào, chờ đến 30.4, cứ phe bên này giăng cờ đỏ làm lễ ăn mừng chiến thắng là phe bên kia giăng cờ vàng làm lễ quốc hận.

Và hiển nhiên, trong những buổi lễ ấy, hai phe tố cáo lẫn nhau về tội ác đã gieo rắc trong suốt thời chiến tranh.

Phe ăn mừng có lý của họ, bởi nhờ chiến thắng mà chấm dứt chiến tranh, nhờ chiến thắng mà họ có được tất cả: địa vị, đất đai, nhà cửa…

Phe làm lễ quốc hận cũng có lý do chính đáng, rằng sự thất bại ấy đã làm sụp đổ một nền cộng hòa; sâu xa hơn, họ mất tất cả và phải lưu vong nơi đất khách quê người, thậm chí nhiều người bị tù đày, nhiều người thân bỏ mạng nơi biển khơi nghìn trùng.

Tóm lại, cả hai phe luôn khác biệt. Khác biệt về tư tưởng hệ, khác biệt về lợi ích, kể cả khác biệt về thân phận. Họ chỉ có một điểm chung, đó là sự thù hận gần như muôn đời muôn kiếp không tan.

Hai người lính ở hai chiến tuyến chụp năm 1973 và sau này Ảnh: internet

Cứ cái đà ấy, hố sâu hận thù càng khơi sâu thăm thẳm và có ngày nội chiến sẽ tiếp tục diễn ra. Thời phong kiến, người ta từng chơi trò nhổ cỏ tận gốc mà còn chưa diệt hết mầm hận thù oan oan tương báo, huống hồ là thời đại thế giới mở ra mênh mông, các triều đại thịnh suy trong chóng vánh?

Trong khi những người ngoài cuộc không có lợi ích nào trong cuộc tranh chấp này vẫn lắng nghe từ miệng của cả hai phe: tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc.

Theo tôi, đã thốt lên được cái câu “hòa giải, hòa hợp dân tộc” mà hàng triệu người dân đang khao khát thì sao không tháo gỡ cái gút mắc chung trên kia: sự thù hận?

Hòa giải, hòa hợp chỉ có thể xuất phát từ thiện tâm của cả hai phe chứ không ở đầu môi chót lưỡi. Muốn thế hãy gột rửa hận thù.

Không cách nào khác. Chính phe chiến thắng tự giác, tự nguyện làm trước: xóa bỏ ranh giới tư tưởng hệ, chấp nhận tự do dân chủ, dân trí và khai phóng.

Lịch sử vẫn là lịch sử, không xóa được. Nhưng hàng năm đến ngày 30.4, cả hai cùng tổ chức ngày lễ mang tên mới “ngày hòa hợp hòa giải dân tộc” có hơn không? Sau ngày lễ ấy cả hai hãy buông xả hận thù. Kẻ chiến thắng không hả hê kiêu ngạo với chiến thắng, thậm chí trút bỏ những quyền lợi bị nhầm tưởng là “chiến lợi phẩm”. Kẻ thất bại không nuôi mối hận để báo thù, xem chiến tranh ắt có kẻ thắng người thua và chấp nhận sự thực để làm lại từ đầu.

Sự thực, cả thắng lẫn thua trong cuộc chiến này đều phải trả cái giá rất đắt: chết chóc tang thương và vận mệnh dân tộc ngày một suy tàn. Kẻ chiến thắng mải mê với chiến thắng mà quên hàng triệu người ngã xuống, quên cả tương lai của hàng chục triệu người đang sống. Kẻ thất bại ôm mối hận cho riêng mình mà quên con cháu mình đang cần niềm vui cuộc sống mới, quên cả đất nước đang cần được hồi sinh.

Tệ hại nhất là kẻ chiến thắng vô tình hay hữu ý luôn giữ giọng điệu hạ nhục kẻ thất bại, làm cho kẻ thất bại luôn bị tổn thương, mặc cảm và không nguôi niềm uất hận. (Sự thực là những kẻ thừa hưởng chiến thắng chứ nhiều kẻ đã tham gia chiến tranh hồi nào mà tự xưng kẻ chiến thắng?)

Biết hòa hợp, hòa giải là khó khi những đầu óc cực đoan khư khư không chịu buông xả những định kiến của mình. Nhưng tôi tin sẽ có cái ngày ấy, cái ngày người Việt không còn u mê với chiến thắng lẫn thất bại mà mình đã gây ra…

Các dân tộc khác làm được. Sao ta lại không? Nhiều gia đình Việt có người ở cả hai phe, nhưng họ đã làm được, tại sao ở cấp quốc gia lại khó khăn đến thế?

_____

P/S: Tôi viết bằng cả tấm lòng. Hãy đọc kỹ. Đừng vội chụp mũ và ném đá!