YUVAL NOAH HARARI: THẾ GIỚI SẼ RA SAO SAU ĐẠI DỊCH COVID – 19

0
279
Yuval Noah Harari là một nhà sử học người Israel và là giáo sư Khoa Lịch sử tại Đại học Hebrew Jerusalem. Ông là tác giả của các cuốn sách nổi tiếng thế giới “Sapiens: Lược sử loài người”, “Homo Deus: Lược sử tương lai” và “21 bài học cho thế kỷ 21.”

Báo Sạch· 9 giờ ·  

Yuval Noah Harari là một nhà sử học người Israel và là giáo sư Khoa Lịch sử tại Đại học Hebrew Jerusalem. Ông là tác giả của các cuốn sách nổi tiếng thế giới “Sapiens: Lược sử loài người”, “Homo Deus: Lược sử tương lai” và “21 bài học cho thế kỷ 21.”

Trong đại dịch Covid-19, ông có bài viết về mối quan hệ giữa chính phủ và công dân. 

YUVAL NOAH HARARI: THẾ GIỚI SẼ RA SAO SAU ĐẠI DỊCH COVID – 19

Một trong những vấn đề mà chúng ta phải đối mặt khi bàn về việc chính phủ giám sát công dân là không một ai biết chúng ta đang bị giám sát như thế nào, việc này sẽ tiếp diễn ra sao trong tương lai. 

Công nghệ giám sát đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Những thứ mà 10 năm trước dường như chỉ có trong khoa học viễn tưởng ngày nay không còn mới lạ. Thử suy nghĩ, giả dụ có một chính phủ giả định yêu cầu mọi công dân đeo vòng tay sinh trắc học giúp theo dõi thân nhiệt và nhịp tim 24 giờ/ngày. 

Chính phủ sau đó sẽ dùng thuật toán để lưu trữ và phân tích dữ liệu thu thập được. Các thuật toán máy tính sẽ biết bạn dính virus trước cả khi bạn có triệu chứng, chúng cũng nắm được bạn đã đi đâu và gặp gỡ ai. Nhờ vậy, dây chuyền lây nhiễm sẽ bị cắt ngắn lại, thậm chí là cắt đứt ngay lập tức. Một hệ thống như vậy chắc chắn có thể ngăn chặn dịch bệnh lây lan chỉ trong vài ngày. Nghe tuyệt vời, phải không?

Nhưng mặt trái, đương nhiên, điều này mở đường cho việc hợp thức hóa một hệ thống giám sát đáng sợ. Ví dụ nếu bạn biết tôi nhấn vào đường link dẫn đến Fox News thường xuyên hơn CNN, điều này có thể hé lộ cho bạn biết về quan điểm chính trị và thậm chí tính cách của tôi. Nhưng nếu bạn biết thân nhiệt, huyết áp và nhịp tim của tôi khi tôi xem một video trên mạng, bạn có thể biết điều gì khiến tôi vui, điều gì khiến tôi buồn và điều gì khiến tôi thực sự, thực sự tức giận.

Nên nhớ tức giận, hạnh phúc, buồn chán và yêu thương là những hiện tượng sinh học cũng giống như cơn sốt hay cơn ho. Thứ công nghệ dùng vào việc xác định tiếng ho cũng có thể nhận diện được một tràng cười. Nếu các công ty và các chính phủ bắt đầu thu thập dữ liệu sinh trắc học trên diện rộng, họ sẽ hiểu chúng ta hơn chính chúng ta hiểu bản thân mình. 

Đến lúc đó họ không chỉ đoán trước mà còn có thể thao túng cảm xúc của chúng ta và nhờ đó họ có thể thuyết phục ta tin vào bất cứ thứ gì, dù đó là một sản phẩm hay một chính trị gia. Giám sát sinh trắc sẽ khiến cho vụ bê bối Cambridge Analytica thu thập thông tin cá nhân của 87 triệu người sử dụng Facebook trở thành “tiền cổ”. 

Tưởng tượng Bắc Triều Tiên vào năm 2030, mọi người dân phải đeo vòng sinh trắc học 24 giờ/ngày. Khi anh lắng nghe bài phát biểu của Lãnh tụ và chiếc vòng thu thập được tín hiệu cảm xúc tức giận thì anh toi đời chắc!

Đương nhiên, bạn có thể phản biện rằng giám sát sinh trắc học chỉ là biện pháp tạm thời trong tình trạng khẩn cấp quốc gia. Người ta sẽ dẹp nó đi khi đời sống trở lại bình thường. Nhưng đáng tiếc, lịch sử đã chứng minh các biện pháp tạm thời thường tiếp tục tồn tại sau khi tình thế khẩn cấp qua đi, đặc biệt nếu như luôn có một mối đe dọa mới lẩn khuất đâu đó ở phía trước. 

Lấy ví dụ, Israel, quê hương tôi, tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trong cuộc chiến giành độc lập năm 1948. Điều này hợp thức hóa hàng loạt các biện pháp tạm thời từ kiểm duyệt báo chí, tịch thu đất đai, cho đến quy định đặc biệt liên quan đến việc làm bánh pudding (Tôi không đùa đâu). Dù cuộc chiến đã kết thúc từ lâu, Israel chưa bao giờ tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp và cũng không gỡ bỏ các biện pháp tạm thời năm 1948 (vào năm 2011, chính phủ cuối cùng cũng “nhân từ” xóa bỏ nghị định về bánh pudding).

Kể cả khi số ca nhiễm corona giảm về 0, một vài chính phủ thèm khát dữ liệu công dân có thể sẽ trần tình rằng họ cần duy trì hệ thống giám sát sinh trắc học vì lo ngại đợt sóng corona thứ hai hoặc bởi virus Ebola đang biến chủng ở Trung Phi hay bởi vì… bạn hiểu ý tôi nói rồi đấy! Một cuộc chiến dằng dai xoay quanh quyền riêng tư của mỗi cá nhân đã diễn ra suốt những năm qua. Dịch corona có thể chính là “điểm bùng phát” trong cuộc chiến này. Khi người dân phải chọn giữa quyền riêng tư và sức khỏe, họ sẽ luôn chọn sức khỏe.

“Cảnh sát xà phòng”

Trên thực tế, gốc rễ của vấn đề nằm ở chính yêu cầu mọi người phải lựa chọn giữa quyền riêng tư và sức khỏe, bởi đây là một lựa chọn sai lầm ngay từ cách đặt vấn đề. Chúng ta hoàn toàn có thể và nên có cả quyền riêng tư lẫn sức khỏe. Bằng cách trao quyền cho công dân, chúng ta có thể bảo vệ sức khỏe của mình và ngăn chặn dịch Covid-19 mà không cần thiết lập chế độ giám sát bắt buộc. 

Trong vài tuần qua, tại Hàn Quốc và Singapore nổi lên là những trường hợp thành công nhất trong việc phối hợp cộng đồng để ngăn chặn dịch corona lan rộng. Mặc dù các quốc gia này vẫn sử dụng một số ứng dụng giám sát, họ chủ yếu dựa vào việc triển khai xét nghiệm trên diện rộng, báo cáo số liệu trung thực và sự hợp tác tự nguyện của quần chúng.

Giám sát tập trung và chế tài xử phạt không phải là cách duy nhất để khiến mọi người làm theo các hướng dẫn phòng dịch hiệu quả. Khi người dân được tiếp cận đủ thông tin một cách khoa học và chính xác, họ sẽ thực hiện nghiêm túc mà không cần có sự ép buộc nào.

Chẳng hạn như việc rửa tay bằng xà phòng. Đây là một trong những tiến bộ lớn của loài người từ trước đến nay về vệ sinh cá nhân. Hành động đơn giản này đã cứu hàng triệu mạng sống mỗi năm. Mặc dù chúng ta coi đó là điều hiển nhiên, nhưng chỉ đến thế kỷ 19, các nhà khoa học mới phát hiện ra tầm quan trọng của việc rửa tay bằng xà phòng. Trước đó, thậm chí các bác sĩ và y tá còn di chuyển từ một ca phẫu thuật này sang một ca phẫu thuật tiếp theo mà không rửa tay. Giờ đây hàng tỷ người rửa tay mỗi ngày, không phải bởi do có một lực lượng “cảnh sát xà phòng” giám sát, mà bởi họ ý thức được những lợi ích sức khỏe. “Tôi rửa tay bằng xà phòng vì tôi đã nghe nói về virus và vi khuẩn, tôi hiểu rằng những sinh vật nhỏ bé này gây bệnh và tôi biết rằng xà phòng có thể loại bỏ.

Nhưng để đạt được mức độ tuân thủ và hợp tác như vậy, bạn cần tin tưởng. Mọi người cần tin tưởng vào khoa học, tin tưởng các cơ quan công quyền và tin tưởng vào các phương tiện truyền thông. Trong những năm qua, sự cạnh tranh giữa các đảng phái khiến các chính trị gia trở nên thiếu trách nhiệm, cố tình phá hoại niềm tin của người dân vào khoa học, vào các cơ quan công quyền và các phương tiện truyền thông. Những chính trị gia này còn có thể bị cám dỗ theo chủ nghĩa độc đoán, cho rằng bạn không thể đặt niềm tin theo công chúng để làm điều đúng đắn.

Thông thường, niềm tin đã bị xói mòn trong nhiều năm không thể được xây dựng lại chỉ sau một đêm. Nhưng đây không phải là thời điểm thông thường. Khi khủng hoảng, quan niệm cũng có thể thay đổi nhanh chóng. Bạn có thể xung khắc với anh chị em ruột mình trong nhiều năm, nhưng khi nguy cấp, bạn đột nhiên phát hiện họ vẫn là nơi bạn đặt niềm tin và tình thương, và các bạn vẫn sẵn lòng giúp đỡ nhau. 

Thay vì xây dựng một hệ thống giám sát mọi công dân, vẫn chưa quá muộn để gây dựng lại niềm tin của người dân vào khoa học, vào cơ quan công quyền và truyền thông. Chắc chắn chúng ta nên sử dụng các công nghệ giám sát mới, nhưng sẽ trao quyền sử dụng nó cho người dân. Tôi hoàn toàn ủng hộ việc theo dõi nhiệt độ cơ thể và huyết áp mỗi người dân, nhưng dữ liệu đó không dùng vào việc phục vụ một chính phủ toàn năng. Thay vào đó, dữ liệu đó sẽ cho phép tôi đưa ra các lựa chọn cá nhân sáng suốt hơn, cũng như tự chịu trách nhiệm trước chính phủ đối với các quyết định của mình.

Nếu có thể tự theo dõi sức khỏe bản thân 24 giờ mỗi ngày, tôi sẽ không chỉ biết rõ liệu tôi có gây nguy hiểm cho ai khác hay không, mà còn giúp hình thành các thói quen có lợi cho sức khỏe của mình. Nếu tôi có thể tiếp cận và phân tích các thống kê đáng tin cậy về sự lây lan của Covid-19, tôi có thể kiểm chứng các thông tin chính phủ công bố và liệu chính sách mà chính phủ đang áp dụng có phòng chống dịch hiệu quả hay không. Khi nói đến giám sát, người ta thường chỉ nghĩ tới công nghệ giúp chính phủ giám sát người dân mà không nhớ rằng công nghệ cũng có thể giúp mỗi cá nhân giám sát chính phủ. 

Do đó, dịch Covid-19 là một thử nghiệm lớn về quyền công dân. Trong những ngày sắp tới, mỗi người trong chúng ta nên chọn tin tưởng vào dữ liệu khoa học và các chuyên gia chăm sóc sức khỏe hơn các thuyết âm mưu vô căn cứ và phát ngôn của các chính trị gia nhiều tham vọng. 

Nếu không lựa chọn đúng, chúng ta có thể thấy mình đang ký giấy cho đi những quyền tự do quý giá nhất, nhưng vẫn nghĩ rằng đó là cách duy nhất để bảo vệ sức khỏe của mình…

(Sưu tầm)

#baosach
#covid