Tù nhân -Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Bùi Văn Thâm được Dân biểu Đức bảo trợ

0
8
Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Bùi Văn Thâm. Photo by Bui Kim Thoa

VOA Tiếng Việt

Tù nhân lương tâm Phật giáo Hòa Hảo Bùi Văn Thâm vừa được Dân biểu Quốc hội Liên Bang Đức Martin Patzelt chính thức bảo trợ theo chương trình “Nghị sĩ bảo trợ Nghị sĩ” (PsP). Gia đình ông Thâm nói với VOA rằng việc bảo trợ này có ý nghĩa rất lớn về mặt tinh thần, có thể giúp nhà chức trách xem xét trả tự do hay bớt đối xử tùy tiện đối với ông Thâm.

Ông Bùi Văn Thâm và cha ông là Bùi Văn Trung ở tỉnh An Giang, thuộc Đạo tràng Út Trung theo Phật Giáo Hòa Hảo không được nhà nước Việt Nam công nhận. Hai ông bị bắt ngày 26/6/2017, sau khi tổ chức lễ giỗ mà gia đình nói rằng công an ngăn cản không cho người đến dự. Đến 2018, ông Trung bị phạt 6 năm tù với cáo buộc “Gây rối trật tự công cộng” và cũng với cáo buộc này, ông Thâm bị 5 năm tù và thêm một năm tù nữa cho cáo buộc “Chống người thi hành công vụ”. Trong vụ án này còn có bốn tín hữu cũng thuộc Đạo tràng Út Trung bị xử phạt, trong đó có chị và mẹ của ông Thâm.

Hiện ông Trung đang thụ án tại trại giam An Phước, tỉnh Bình Dương, còn ông Thâm hiện đang thi hành án tại trại giam Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Thông cáo của Dân biểu Martin Patzelt về việc bảo trợ cho tù nhân Bùi Văn Thâm. Photo martin-patzelt.de

Trong thông cáo trên trên web ngày 26/11/2020, ông Martin Patzelt, dân biểu Quốc hội Liên Bang Đức, đã chính thức loan báo việc nhận bảo trợ cho ông Bùi văn Thâm.

Ông viết: “Vì tình trạng đàn áp tôn giáo tại Việt Nam, tôi đã nhận bảo trợ cho ông Bùi Văn Thâm, một tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo (PGHH) sanh năm 1987, vào chương trình “Nghị sĩ Bảo vệ Nghị sĩ” của Quốc hội Liên bang Đức.”

Ông nói rằng ông Thâm “đang thụ án oan” 6 năm tù tại trại giam Xuyên Mộc và kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho tín đồ Phật giáo Hòa Hảo này.

“Tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam chấm dứt mọi hình thức tra tấn, đối xử hay trừng phạt dã man và hạ thấp nhân phẩm, đồng thời xem xét lại toàn diện quy trình pháp lý, và trả tự do cho Bùi Văn Thâm. Trong khi chờ đợi, ông Thâm cần được chăm sóc sức khỏe đầy đủ, tình trạng thăm nuôi phải được cải thiện để gia đình có cơ hội gặp và trao tay thực phẩm cho ông.”

Ngoài sứ mệnh bảo vệ các nghị sĩ, chương trình Nghị sĩ Bảo trợ Nghị sĩ của Quốc hội Đức còn bao gồm một chiến dịch vận động nhằm bảo vệ các nhà hoạt động nhân quyền bị đàn áp ở nước ngoài, kêu gọi trả tự do, hay đích thân đến thăm gặp họ trong trại giam.

Từ An Giang, bà Bùi Kim Thoa, chị của ông Thâm, nói với VOA:

“Gia đình tôi rất cảm ơn ông Dân biểu. Mong sự liên tiếng của ông Dân biểu sẽ giúp em của tôi và các đồng đạo khác được sớm trả tự do.

“Với sự trợ giúp này, mong rằng Thâm sẽ bớt bị đàn áp trong trại giam vì từ trước đến giờ họ đối xử rất khắc nghiệt đối với Thâm. Mong rằng Thâm có quyền được thăm gặp gia đình.Mong sự liên tiếng của ông Dân biểu sẽ giúp em của tôi và các đồng đạo khác được sớm trả tự do.

Hiện giờ Thâm không được thăm gặp, mỗi tháng chỉ được nhận 6 kg thực thẩm thì không đủ dùng.”

Bà Thoa cho biết thêm rằng em của bà không được thăm gặp gia đình từ 10/2019 cho đến nay, và phía trại giam không cho phép ông nhận kinh sách Phật giáo Hòa Hảo.

VOA đã liên lạc Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (C10) thuộc Bộ Công an – đơn vị quản lý trại giam Xuyên Mộc, để tìm hiểu thêm về trường hợp của ông Bùi Văn Thâm, nhưng chưa được phản hồi.XEM THÊM:An Giang: Sáu tín đồ Phật giáo Hòa Hảo bị phạt 24 năm tù

Dân biểu Đức Martin Patzelt. Photo Facebook Martin Patzelt MdB

Dân biểu Patzelt là thành viên Quốc hội Liên Bang Đức từ năm 2013. Ngoài một số trách nhiệm đối nội với trọng tâm giáo dục, xã hội, y tế và văn hóa, ông còn giữ chức vụ báo cáo viên về nhân quyền tại Đông Nam Á, thuộc Ủy ban về Nhân quyền và Viện trợ nhân đạo.

Trên cương vị là một Dân biểu Đức, ông Patzelt trước đây cũng từng lên tiếng cho trường hợp của blogger Anh Ba Sàm – tức ông Nguyễn Hữu Vinh, nhà hoạt động vì quyền của công nhân Đỗ Thị Minh Hạnh, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Mai Thị Dung, và Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài.

Phần cuối thông cáo vào tháng trước, Dân biểu Patzelt viết: “Vào năm 2018, Việt Nam đã cam kết duy trì nhân quyền và tự do tôn giáo. Tôi đặc biệt nhắc nhở Việt Nam hãy giữ lời hứa này!”