TUẦN VIỆT NAM
– Có thể khẳng định dứt khoát rằng, Trung Quốc không hề có vùng biển hợp pháp nào có thể chồng lấn hay tranh chấp với vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía nam của Việt Nam, trong đó có Bãi Tư Chính.
Lê Nghiêm
Theo thông tin từ Dự án Đại sự ký Biển Đông, từ ngày 3/7/2019, tàu Haiyang Dizhi 8 (Hải Dương Địa chất 8, tàu thăm dò địa chất) của Trung Quốc đã đi vào hoạt động trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gần khu vực Bể Tư Chính – Vũng Mây.
Đi theo bảo vệ tàu còn có ít nhất 3 tàu Hải giám của Trung Quốc được vệ tinh phát hiện, đặc biệt là tàu hải giám 12.000 tấn ký hiệu 3901 và tàu dân quân biển Qiong Sansah Yu0014.
Tín hiệu vệ tinh cũng ghi nhận sự hiện diện của 3 tàu hải giám Trung Quốc là Haijing 37111, Haijing và Zhonguo Haijing 46303.
Trong khi đó, từ 18/6/2019 đến nay, tàu cảnh sát biển được trang bị vũ khí hạng nặng ký hiệu 35111 của Trung Quốc xuất hiện cách bãi Tư Chính 40 dặm về phía Tây. Ngày 12/7, tàu này đã tới Bãi Chữ Thập, rồi lại quay trở lại vị trí ban đầu ở khu vực Bãi Tư Chính ngày 14/7. Tàu này tuy không trực tiếp tham gia vào việc hộ tống Tàu Haiyang Dizhi 8 nhưng cũng đã có mặt một tháng qua trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trong khi nhóm tàu Hải Dương địa chất 8 (Haiyang Dizhi 8) của Trung Quốc xâm nhập và hoạt động suốt hai tuần trong vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía nam của Việt Nam quanh Bãi Tư Chính, ngày 17-/7/2019, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng, Chính phủ Việt Nam nên tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc đối với một số khu vực trên Biển Đông và phía Việt Nam cũng nên kiềm chế hành động sẽ làm trầm trọng thêm tình hình trong khu vực.
Ông Cảnh Sảng còn nói: “Chúng tôi hy vọng rằng phía Việt Nam sẽ cân nhắc và tôn trọng chủ quyền và quyền hợp pháp của Trung Quốc tại vùng biển liên quan ở Biển Đông, cũng như sẽ không thực hiện hành động có thể khiến tình trạng xấu đi thêm nữa”.
Vậy thì xin hỏi ông Cảnh Sảng là Trung Quốc có vùng biển nào ở khu vực Bãi Tư Chính?
Xin khẳng định ngay rằng, Trung Quốc không có bất cứ vùng biển nào ở khu vực Bãi Tư Chính để có thể chồng lấn với vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở khu vực Bãi Tư Chính.
Khu vực nhà giàn DK1, trong đó có Bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam, và là thềm lục địa phía nam của Việt Nam.
Đây là vùng biển được hoạch định theo Công ước Luật Biển 1982 của Liên Hợp Quốc.
Vùng biển này không tranh chấp với nước nào, và lại càng không tranh chấp với Trung Quốc.
Trung Quốc đưa ra hai cứ cứ để yêu sách chủ quyền đối với vùng biển này.
Căn cứ thứ nhất là Đường lưỡi bò do Trung Quốc vẽ ra.
Việc Trung Quốc vẽ đường lưỡi bò liếm qua 60% vùng biển Việt Nam, biến vùng biển không tranh chấp của Việt Nam thành vùng tranh chấp là hoàn toàn phi pháp, không được luật pháp quốc tế công nhận.
Phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế trong vụ Philippines kiện Trung Quốc, một văn bản pháp lý quốc tế hướng dẫn, giải thích Công ước 1982, đã bác bỏ thẳng thừng yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc.
Mặc dù Trung Quốc không tham gia vụ kiện và tuyên bố không chấp nhận Phán quyết, nhưng văn bản pháp lý này vẫn nguyên giá trị của nó.
Và Phán quyết khẳng định rằng, đường lưỡi bò là không có cơ sở pháp lý, nghĩa là nó không có giá trị gì để Trung Quốc đòi quyền khai thác tài nguyên trong đường lưỡi bò.
Do đó, Trung Quốc không có vùng biển hợp pháp nào tranh chấp với Việt Nam tại khu vực DK1, trong đó có Bãi Tư Chính.
Tòa Trọng tài quốc tế kết luận rằng, không có căn cứ pháp lý nào để Trung Quốc yêu sách các quyền lịch sử đối với tài nguyên, bên ngoài những quyền quy định trong Công ước, tại các vùng biển nằm bên trong ‘đường chín đoạn’.
Căn cứ thứ hai để Trung Quốc đưa ra yêu sách đối với vùng biển này đó là coi vùng biển này là vùng biển phụ cận của các đảo Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép ở Trường Sa.
Tuy nhiên, cho dù các đảo đá mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép đó có “thuộc chủ quyền lâu đời” của Trung Quốc đi chăng nữa, thì Trung Quốc cũng không thể dựa vào đó để yêu sách chủ quyền đối với vùng biển phụ cận, trong đó có vùng biển ở Bãi Tư Chính.
Trong Phán quyết ngày 12 tháng 7 năm 2016, Tòa Trọng tài đã xem xét quy chế của các cấu trúc tại Biển Đông và các quyền đối với vùng biển mà Trung Quốc có thể đòi hỏi theo Công ước.
Trước hết, Tòa Trọng tài thực hiện đánh giá kỹ thuật về việc liệu một số bãi san hô mà Trung Quốc đòi hỏi có nổi trên mặt nước khi thủy triều lên hay không. Theo Điều 13 và 121 của Công ước, các cấu trúc nổi trên mặt nước vào lúc thủy triều lên cao sẽ ít nhất được hưởng lãnh hải 12 hải lý, trong khi những cấu trúc bị chìm khi thủy triều lên sẽ không có quyền có các vùng biển. Tòa Trọng tài ghi nhận rằng nhiều rặng san hô tại Biển Đông đã bị thay đổi nặng nề do việc cải tạo và xây dựng đảo gần đây và nhắc lại rằng Công ước phân loại các cấu trúc dựa trên điều kiện tự nhiên của nó.
Tòa Trọng tài đã chỉ định một chuyên gia thủy văn học để hỗ trợ Tòa trong việc đánh giá các bằng chứng kỹ thuật của Philippines và dựa chủ yếu vào các tài liệu lưu trữ và các đánh giá thủy văn trước đây để đánh giá các cấu trúc này. Tòa Trọng tài nhất trí với Philippines rằng bãi Scarborough, Gạc Ma, Châu Viên và Chữ Thập là các cấu trúc nổi và Xu Bi, Huy-gơ, Vành Khăn và Cỏ Mây là cấu trúc chìm trong điều kiện tự nhiên.
Tòa Trọng tài tiếp theo đã xem xét liệu có cấu trúc nào mà Trung Quốc yêu sách có thể tạo ra các vùng biển ngoài 12 hải lý hay không. Theo Điều 121 của Công ước, các đảo tạo ra vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và có thềm lục địa, nhưng “các đảo đá không thích hợp cho con người đến ở hoặc không có đời sống kinh tế riêng sẽ không có vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa”.
Tòa Trọng tài thấy rằng quy định này liên hệ chặt chẽ với việc mở rộng quyền tài phán của Quốc gia ven biển với việc hình thành vùng đặc quyền kinh tế và nhằm để ngăn ngừa việc các cấu trúc không lớn có thể tạo ra các vùng biển lớn, mà điều này xâm phạm vào vùng biển của các lãnh thổ có người ở hoặc vùng biển quốc tế và vùng đáy biển vốn là di sản chung của nhân loại.
Tòa Trọng tài giải thích Điều 121 và kết luận rằng các quyền có vùng biển của một cấu trúc phụ thuộc vào (a) năng lực khách quan của cấu trúc; (b) trong điều kiện tự nhiên, nó có thể duy trì hoặc (c) một cộng đồng dân cư ổn định hoặc (d) hoạt động kinh tế mà không phụ thuộc vào tài nguyên bên ngoài và cũng không thuần túy mang tính chất khai thác.
Tòa Trọng tài thấy rằng nhiều cấu trúc tại Trường Sa hiện đang được một hoặc nhiều quốc gia ven biển kiểm soát và họ đã xây dựng các cấu trúc và duy trì nhân lực tại chỗ. Tòa Trọng tài thấy rằng sự hiện diện thời nay phụ thuộc vào các nguồn lực và hỗ trợ bên ngoài và thấy rằng nhiều cấu trúc đã bị biến đổi để nâng cao khả năng sinh sống của con người, kể cả thông qua cải tạo đảo và xây dựng các cơ sở hạ tầng như các nhà máy xử lý nước mặn.
Tòa Trọng tài kết luận rằng việc hiện diện của các nhân viên công quyền trên nhiều cấu trúc không chứng minh được khả năng của các cấu trúc này, trong điều kiện tự nhiên, để duy trì cộng đồng cư dân ổn định và cho rằng các bằng chứng lịch sử về việc định cư hoặc đời sống kinh tế có ý nghĩa hơn đối với năng lực khách quan của các cấu trúc.
Qua đánh giá hồ sơ lịch sử, Tòa Trọng tài thấy rằng các đảo Trường Sa trong lịch sử từng được các nhóm nhỏ ngư dân từ Trung Quốc và các nước khác sử dụng, và một số công ty khai thác phân chim và đánh cá của Nhật đã có hoạt động tại đây vào những năm 1920 và 1930. Tòa Trọng tài kết luận rằng việc sử dụng tạm thời các cấu trúc của ngư dân không dẫn đến việc cư ngụ của một cộng đồng ổn định và tất cả các hoạt động kinh tế trong lịch sử đều chỉ có tính chất khai thác.
Theo đó, Tòa Trọng tài kết luận rằng tất các cấu trúc nổi tại Trường Sa (bao gồm, ví dụ, Ba Bình, Thị Tứ, Bến Lạc, Trường Sa, Song Tử Đông, Song Tử Tây) đều là “đảo đá” về mặt pháp lý và không tạo ra vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa.
Tòa Trọng tài cũng kết luận rằng Công ước không quy định việc một nhóm các đảo như quần đảo Trường Sa sẽ có các vùng biển với tư cách là một thực thể thống nhất.
Như vậy, có thể khẳng định dứt khoát rằng, Trung Quốc không hề có vùng biển hợp pháp nào có thể chồng lấn hay tranh chấp với vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía nam của Việt Nam, trong đó có Bãi Tư Chính.