Tổ chức ICAN được giải Nobel Hòa bình 2017

    0
    67
    Cảnh báo hiểm họa vũ khí nguyên tử (ảnh ARD)
    Vũ Ngọc Yên

    06/10/2017 (DĐVN21) – Ngày 06/10/2017 tại Oslo, Ủy ban Nobel Na Uy công bố giải Nobel hòa bình 2017 được trao cho tổ chức Chiến dịch Quốc tế Xóa bỏ Vũ khí Hạt nhân (International Campaign to Abolish Nuclear Weapons – ICAN). Chủ tịch Ủy ban trao giải, bà Berit-Anderson cho biết có 318 ứng viên (215 cá nhân và 103 tổ chức) được đề cử và Ủy ban quyết định chọn ICAN để vinh danh những nỗ lực đấu tranh chống vũ khí hạt nhân của tổ chức này cũng như ngợi khen các hoạt động của ICAN đã làm công luận toàn cầu ý thức về nguy cơ của 27.000 vũ khí hạt nhân còn tồn tại từ thời chiến tranh lạnh. Tổ chức ICAN đã lên tiếng cám ơn Ủy ban Nobel Na Uy và đánh giá sự trao giải đã làm nổi bật ý nghĩa của con đường đấu tranh đòi thực hiện Hiệp định cấm sử dụng vũ khí hạch nhân.

    ICAN- Liên minh dấn thân vì giảm vũ trang

    Tổng thư ký ICAN bà Beatrice Fihn (Thụy Điển), (ảnh WDR)

    ICAN là một liên minh của 450 nhóm và tổ chức Hòa bình. ICAN tranh đấu từ nhiều năm cho một thỏa ước chống vũ khí hạt nhân. ICAN được Hiệp hội y sĩ quốc tế phòng ngừa chiến tranh hạt nhân (International Physicians for the Prevention of Nuclear War – IPPNW) và một số tổ chức quốc tế khác thành lập tại Vienna (Áo) năm 2007 trong hội nghị của Hiệp định không phổ biến vũ khí hạt nhân (Nuclear Non-Proliferation Treaty – NPT). ICAN đặt trụ sở ở Geneve (Thụy Sĩ) do bà Beatrice Fihn 34 tuổi, Tổng thư ký điều hành. Khởi đầu ICAN hoạt động ở 12 quốc gia. Đến năm 2011, hơn 200 tổ chức của 60 nước gia gia nhập với tư cách tổ chức thành viên như Công đoàn lao động quốc tế, Hội luật gia quốc tế chống vũ khí nguyên tử, Diễn đàn luân lý hòa bình của giáo hội tin lành Baden (Đức)… và nay có hàng chục ngàn cá nhân, đa số là giới trẻ ở trên 100 nước tích cực dấn thân cho sự giảm vũ trang nguyên tử. Hoạt động ICAN xây dựng trên căn bản phối hợp đối tác từ các nghiệp đoàn, định chế tôn giáo, nhân đạo đến các tổ chức bảo vệ môi trường. Nhiều nhân vật nổi tiếng ủng hộ ICAN như Đạt Lai Lạt Ma, Cựu Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon, Người mang giải Nobel Hòa bình Desmond Tutu (tổng Giám mục Anh giáo), Jody Williams.

    Lời kêu gọi đến các cường quốc nguyên tử

    Trước các cơ quan truyền thông, Bà chủ tịch ủy ban Nobel, Berit-Anderson nhấn mạnh „giải Nobel Hòa Bình năm nay cũng là lời kêu gọi tới mọi quốc gia, nhất là các cường quốc nguyên tử hãy tuân thủ các quy định cấm sử dụng vũ khí hạt nhân và hãy bắt đầu “thương thảo nghiêm túc“ để đạt được mục đích tiêu hủy 15.000 vũ khí hạt nhân trên thế giới“. Một Hiệp định cấm sử dụng vũ khí hạt nhân do ICAN soạn thảo vào tháng 7/2017 sẽ có hiệu lục nếu có 50 quốc gia thành viên ký kết. Tổ chức ICAN hy vọng sẽ đạt được túc số này vào cuối năm tới. Đức và các quốc gia thành viên trong Liên Minh quân sự NATO lấy lý do từ chối không gia nhập Hiệp định vì tư cách thành viên Hiệp định không phù hợp điều lệ NATO.

    Các giải Nobel Vật lý, Hóa học, Y khoa, Văn chương và Hòa bình được công bố thường niên vào tháng 10, nhưng lễ trao giải cho bốn giải Vật lý, Hóa học, Y khoa và Văn chương được tổ chức tại thủ đô Stockholm (Thụy Điển) ngày 10/12, ngày từ trần của nhà phát minh và kỹ nghệ gia Thụy Điển Alfred Nobel. Riêng giải Nobel Hòa bình có tầm quan trọng chính trị được Ủy ban Na Uy trao tại thủ đô Oslo (Na-Uy) cũng vào ngày 10.12. Không ai rõ tại sao Nobel quyết định như thế. Trong di chúc, Ông chỉ xác định nguyện vọng giải thưởng lập ra để trao cho những cá nhân hay tổ chức góp phần xây dựng tình hữu nghị, huynh đệ giữa các dân tộc cũng như giải thễ hay giảm quân đội ở mọi quốc gia trên thế giới.

    Các giải Nobel truyền thống được trao từ 1901. Đến năm 1969 có thêm giải Nobel kinh tế do Ngân hàng Vương quốc Thụy Điển tài trợ. Mỗi giải Nobel 2017 trị giá 9 triệu Krona (SEK) Thụy Điển, tương đương 1 triệu USD. Giải Nobel Hòa bình năm ngoái về tay Tổng thống Juan Manuel Santos (Columbia) vì những nỗ lực chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hàng chục năm ở quốc gia này.