Thoát khỏi địa ngục (Phần 2)

0
9
Một “trung tâm dạy nghề” ở Tân Cương. Nguồn: Reuters

The Times

Tác giả: Damian Whitworth

Trần Quốc Việt dịch

TIẾNG DÂN 27-6-2021

Tiếp theo Phần 1

Tháng 11/2017, chị bị trùm bao lên đầu rồi đưa đến trại và được bảo rằng, chị phải dạy tiếng Trung cho những người tù ở trại. Hợp đồng làm việc của chị ghi rằng vi phạm luật lệ sẽ bị phạt tử hình. Chị cũng bị cấm nói chuyện với những tù nhân, và cấm cười, cấm khóc hay trả lời các câu hỏi nếu không được cho phép. 

Nhà mới của chị bây giờ là xà lim 6 mét vuông có gắn camera ở mọi góc. Về sau chị biết những người tù trong trại mỗi người chỉ được một mét vuông trong những xà lim bẩn thỉu và khi họ ngủ, họ bị cùm với nhau. Chị ước tính, trại giam giữ khoảng 2.500 tù nhân.

Chị viết, khi chị gặp học viên trong lớp, họ trông giống như một “đạo quân tử thi biết đi, mới đội mồ bước ra”. Họ được gọi bằng số tù và bị bắt ngồi thẳng lưng khi hô vang, “Tôi tự hào là người Trung Quốc” và “Tôi yêu mến Tập Cận Bình” – Chủ tịch Trung Quốc.

Tù nhân được bảo là, nếu họ học tập tốt họ sẽ được thả ra sớm, nhưng trong thời gian năm tháng chị ở trong trại, chị chưa từng biết ai được thả ra. Những tù nhân theo đạo Hồi bị bắt phải ăn thịt heo, hát nhạc ca tụng Đảng, trong khi họ bị xiềng tay chân và bị dẫn đi quanh trại và học cách thú nhận sai lầm bằng tiếng Trung Quốc, cho dù họ không làm gì sai. Còn nếu họ cứ khăng khăng cho rằng mình vô tội, thì người nhà họ cũng sẽ bị bắt luôn, vì vậy mọi người đều “thú nhận” là đã đi thăm người thân ở Kazakhstan hay đi nhà thờ Hồi giáo.

Ngày nọ, Sauytbay nhận ra một tù nhân và công an nhận ra phản ứng kinh ngạc của chị. Chị liền bị thẩm vấn, còn người tù ấy biến mất tăm. Những người trẻ khoẻ mạnh biến mất và chị tự hỏi phải chăng họ đã bị dùng để lấy nội tạng hay bị bắt lao động khổ sai.

Một ý tá dặn chị đừng uống thuốc của trại đưa, nói thầm với chị rằng chị sẽ không bao giờ có con nữa. Người tù cũng bị tiêm thuốc, mà theo lời chị “đây chỉ là một trong những biện pháp của chính sách diệt chủng tra tấn, tàn bạo, dã man”.

Vào ngày chị bị đưa vào phòng đen, chị thấy trong phòng có một cái bàn đầy những công cụ và dụng cụ tra tấn, trong đó có súng điện, dùi cui, và những thanh sắt để đặt tay và chân vào những tư thế đau đớn. Tường treo là liệt những vũ khí như những vũ khí vào thời trung cổ: Dụng cụ rút móng tay; giáo mác; ghế có đai, thanh chắn và những cái lỗ trông đáng sợ. Chị bị bắt ngồi vào ghế điện và hai người tra hỏi chị, trong đó có một người bịt mặt, về bà cụ chăn cừu.

Khi chị không chịu nhận bất kỳ tội gì, họ truyền điện vào người chị và đánh tới tấp trên đầu chị. Chị bất tỉnh liên tục và, nhận thức chị phải nói với họ những gì họ muốn nghe, chị thú nhận rằng trước đây chị có quen biết bà ấy.

Những kẻ tra tấn chị cuối cùng không quan tâm nữa và chị được đưa trở lại xà lim. Sauytbay nói, bà cụ chăn cừu bị tố cáo là gián điệp và khi bà không nhận tội, bà bị đưa vào phòng đen và tại đây họ đã rút những móng tay bà.

Một ngày nọ Sauytbay cùng với 100 tù nhân bị gọi đến một căn phòng, nơi một phụ nữ độ 20-21 tuổi bị buộc phải thú nhận là đã gởi tin nhắn chúc may mắn đến một người bạn nhân một ngày lễ tôn giáo. Người phụ nữ ấy bị xô ngã xuống đất rồi ba người đàn ông thay nhau hãm hiếp ngay trước mặt mọi người. Công an trong lúc ấy theo dõi xem những người tù khác phản ứng như thế nào. Những ai có biểu hiện phản đối thì bị bắt đi ngay lập tức. Sauytbay nói, họ làm như vậy để xem ai là người đã hoàn toàn bị khuất phục.

Chị lúc ấy đã cố gắng không biểu lộ phản ứng gì trước cảnh tượng khủng khiếp ngay trước mặt, nhưng chị nói, chị sẽ không bao giờ quên chuyện này và không thể nào chấp nhận được cảnh chị chứng kiến. “Tôi đau lòng khi thấy những người vô tội khác bị tra tấn và những gì họ đã làm với những con người vô tội ấy, đã tác động rất xấu đến tôi”.

Những cựu tù nhân khác cũng tuyên bố phụ nữ ở các trại đã bị hãm hiếp tập thể một cách có tổ chức bài bản. Sauytbay tin chắc rằng những gì chị đã chứng kiến không phải chỉ là hành vi của vài người xấu. “Tôi tin điều đó nằm trong chính sách tiêu diệt hoàn toàn dân tộc bản xứ của Đông Turkestan cho nên công an ở trại đó được ban cho quyền lực vô tận và quyền hành vô tận để làm bất kỳ điều gì họ muốn. Họ sẽ không bao giờ chịu trách nhiệm. Mục tiêu chính của họ là tiêu diệt hoàn toàn dân tộc bản xứ đã sống ở đó hàng ngàn năm. Từ Thế Chiến thứ Hai đến nay đã hơn 70 năm. Bây giờ lịch sử đang lặp lại”. Mặc dù chị thấy những người tù biến mất, nhưng chưa thấy ai bị giết. Chị nói chị thấy những người gần chết nằm trên mặt đất.

Hai điều giúp chị chịu đựng được. Đó là niềm hy vọng ngày nào đó chị sẽ cùng đi dạo với con ở Kazakhstan và quyết tâm sống để nói với cả thế giới về những gì đang xảy ra với những tù nhân. “Mắt của họ như van xin giúp đỡ. Và họ đặt nhiều hy vọng vào tôi. Mắt của họ như nói với tôi rằng, bằng mọi cách tôi cần phải giúp đỡ họ”.

Một tháng sau vụ cưỡng hiếp tập thể ấy, chị được thả ra. Chị nói “Họ muốn bắt tôi phải chịu trách nhiệm và trừng phạt tôi như tội phạm. Vì vậy, đó là lý do họ thả tôi ra”.

Rồi đến những cuộc thẩm vấn liên tiếp sau khi ra tù và chị được bảo rằng, chị sẽ trở lại trại với thân phận tù nhân chứ không còn như là một giáo viên. Xác tín rằng, lần này mình sẽ không còn sống để ra khỏi tù, chị trốn đi vào nửa đêm, qua khu vườn của căn hộ chị ở, lẩn tránh công an đang canh bên ngoài và đi nhờ xe đến Khorgos, khu vực tự do thương mại ở biên giới giữa Trung Quốc và Kazakhstan. Chị dùng giấy phép chợ đen để vào khu vực nhưng không có hộ chiếu hay kế hoạch vượt qua biên giới. Khi một công an biên phòng lơ đễnh, chị cúi thụp người xuống bên dưới ô cửa của trạm kiểm tra hộ chiếu và lẻn vào Kazakhstan.

Ở đó, chị đoàn tụ với chồng và các con sau hơn hai năm xa cách. Nhưng mặc dù cảm thấy chị đã trở lại với những đồng bào thật sự của mình, nhưng chị biết Trung Quốc sẽ tạo áp lực lên nhà cầm quyền Kazakhstan.

Chỉ một vài ngày sau, những người mà chị tin là mật vụ Kazakhstan đã đến bắt chị. Họ đánh đập chị và nói chị sẽ bị trục xuất về Trung Quốc, còn chồng chị sẽ đi tù và con chị bị đưa vào trại mồ côi. Tuy nhiên, trong lúc chị ngồi trong xà lim chờ quyết định của toà án về số phận của mình, một video về tình cảnh của chị đã lan truyền rộng rãi trên mạng, nhờ đó, gây áp lực lên các viên chức và cứu chị thoát khỏi cảnh bị âm thầm trao trả lại cho Trung Quốc.

Sau hơn một tháng ở tù, chị ra toà và chị dùng tòa án xử chị tội nhập cảnh bất hợp pháp, để kể lại những gì xảy ra trong trại. Lời kể của chị được tường thuật trên khắp thế giới. Những đám đông khen ngợi chị khi chị được thả ra. Chị nói “Tôi được cứu thoát là nhờ cộng đồng quốc tế, các tổ chức quốc tế, các nhà báo và dân chúng Kazakhstan đã yêu cầu cho phép tôi ở lại Kazakhstan và không phải bị trục xuất về Trung Quốc”.

Sauytbay tại toà án ở Kazakhstan. Nguồn: Getty Images

Chị vui mừng chưa được bao lâu thì nghe tin mẹ và chị đã bị bắt trở lại Trung Quốc sau khi tòa tuyên án.

Những người lạ mặt đột nhập vào nhà chị ở Kazakhstan và, sau khi chị trốn đến chỗ ở khác, gia đình chị vẫn bị quấy rầy và mật vụ bảo chị chấm dứt trả lời phỏng vấn của các nhà báo.

Cuối cùng vào tháng 6/2019 chị được đi tị nạn chính trị ở Thụy Điển.

Chị đã ra bộ ngoại giao Thụy Điển và nghị viện châu Âu ở Brussels để làm chứng về thời gian chị ở trong trại. Vào tháng Ba năm ngoái, chị được ngoại trưởng Mỹ lúc đó là Mike Pompeo trao tặng giải thưởng Phụ nữ Can đảm Quốc tế. Ông khen ngợi chị đã “can đảm” nói về các trại tập trung này và khích lệ những người khác cùng lên tiếng.

Một viên chức Trung Quốc nói, giải thưởng này là “sự nhạo báng nhân quyền” và nói chị bị truy nã về tội lừa gạt nợ và vượt biên bất hợp pháp. Viên chức này cũng tuyên bố chị đã thường xuyên bôi nhọ Tân Cương bằng “những lời nói láo” và lừa dối truyền thông quốc tế.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc tường thuật rằng, một trong những chị em ruột của Sauytbay đã nói, chị mình chưa bao giờ làm việc ở bất kỳ trại nào. Sauytbay nói, một người chị và một người anh của chị đã bị buộc phải nói xấu chị trong một video. Chị nói “Họ hoàn toàn bị giám sát. Chính quyền Trung Quốc dùng những người trong gia đình để chống đối lẫn nhau. Nếu họ muốn người ở nước ngoài phải im lặng, họ dùng đến những người thân vẫn còn sống ở Trung Quốc. Họ thúc ép người thân và dùng họ như công cụ để kiểm soát người sống ở bên ngoài Trung Quốc. Không may là người thân của tôi cũng phải nói láo như thế vì nếu họ không làm vậy, họ sẽ bị nguy hiểm”.

Bây giờ chị không thể nào nói chuyện với gia đình chị ở Trung Quốc. Chị nói “Không may là tôi không có bất kỳ sự liên lạc trực tiếp với họ, nhưng qua nhiều người khác, tôi cũng có những thông tin gián tiếp về họ”. Tôi nói thật là hoàn cảnh rất buồn. Chị buồn bả đáp: “Vâng, đúng vậy”.

Chị nói: “Đảng Cộng sản Trung Quốc là mối nguy hiểm lớn nhất đối với dân chủ và tự do tương lai của thế giới”. Nhưng chị cũng phấn khởi là hiện nay nhiều nước đang nhận thức rằng, một cuộc diệt chủng đang diễn ra. “Ta thấy rõ ràng là thế giới dần dần bắt đầu tỉnh thức và bắt đầu lên tiếng về sự ác độc của Trung Quốc”. Chị hy vọng người ta sẽ nghĩ đến chuyện không mua hàng hoá Trung Quốc và các nước sẽ quyết định tẩy chay Thế Vận Hội Mùa Đông ở Bắc Kinh vào năm 2022.

Ở Thụy Điển, chị và chồng đang học tiếng Thụy Điển và tiếng Anh, hy vọng bắt đầu đi làm sớm. Con gái họ, Ukilay, 16 tuổi, và Ulagat, con trai 11 tuổi của họ, đang bắt đầu cảm thấy thoải mái với cuộc sống mới. “Cả hai con tôi đều đã hội nhập khá tốt vào xã hội Thụy Điển, chúng học hành và mọi thứ đều tốt. Chúng tôi nhớ quê hương, nhưng sau tất cả bao gian khổ này, cuối cùng gia đình chúng tôi lại đoàn tụ. Và ngay bây giờ, chúng tôi trân quý những giây bên nhau trong thế giới riêng của chúng tôi. Chúng tôi quý mến Thụy Điển và chúng tôi rất hạnh phúc ở đây”.

Tuy nhiên chị vẫn còn bị ám ảnh bởi những gì chị đã trải qua và những suy nghĩ về những gì hiện đang xảy ra với gia đình và bạn bè ở quê nhà. “Tôi không thể nào ngủ ngon; tôi không thể nào ăn ngon. Và khi tôi đi ngủ, tôi thường có những ác mộng là tôi trở lại trại. Tôi đang dùng nhiều thuốc và đang làm việc với một nhà tâm lý”.

Đôi khi chị thấy mình thật sự ngoái nhìn lại sau lưng, không biết có gián điệp Trung Quốc nào đang theo dõi chị không. Nhưng bây giờ chị cảm thấy an toàn ở Thụy Điển chăng? “Tôi không thể nào nói 100 phần an toàn.Họ có nhiều gián điệp ở bên trong châu Âu. Họ dùng nhiều phương cách khác nhau”. Sau những cuộc phỏng vấn, chị nhận những cú điện thoại bảo chị: “Hãy câm miệng lại. Hãy nghĩ đến con cái”.

Chị nói: “Tôi vẫn còn nhận những lời đe dọa kiểu này, nhưng dù sao tôi cũng đã nghe chúng quen rồi. Nhưng thật ra điều ấy cũng chứng tỏ việc làm của tôi rất có ý nghĩa và tạo ra kết quả tốt. Vì nếu như không tốt, họ sẽ không quan tâm đến tôi. Cho nên sự đe dọa này thật ra lại khích lệ tôi, càng cho tôi nhiều sức lực hơn để tiếp tục đấu tranh”.

Một trại tập trung ở Shufu, Tân Cương. Ảnh chụp qua vệ tinh ngày 26/4/2020. Những hình tròn là tháp canh, bức tường chính có hai lớp kẽm gai. Người dịch sưu tầm và chú thích.