Thiện và ác nếu nói nguồn gốc sẽ có tính tương đối. Con người sinh ra, theo nghiệp đã có sẵn chủng tử thiện hoặc ác, hoặc hầu như sẽ có cả hai. Chủng tử này tiềm tàng hoặc phát tác tùy vào sự trưởng thành theo thời gian, tùy vào môi trường sống, môi trường giáo dục, hoàn cảnh cá nhân và hoàn cảnh xã hội tác động.
Lại thêm, cái ác vốn dễ tiêm nhiễm hơn cái thiện, đó là sự vô minh. Con người, đứng trước cái ác họ dễ bị lung lay bởi vì cái thức khi vô minh thì sinh ra tham, sân, si. Chính những điều này làm cho con người dễ rơi vào ác đạo. Sự thiện là tâm thức trái ngược, muốn hành thiện, tâm thức con người phải gạn lọc được ít nhiều vô minh, gạn lọc ít nhiều tham, sân, si. Quá trình đi ngược này cần rất nhiều ý chí và nhất tâm, nó sẽ rất khó khăn. Vậy nên, đối với con người, khi chưa vượt qua được sự tham muốn (nguồn gốc của cái ác) thì làm ác dễ hơn hành thiện.
Cũng như vậy, kết quả của sự làm ác thông thường bị che lấp bởi chính tâm thức của con người, bởi vì tham muốn, họ cho rằng đó là điều tất nhiên và thản nhiên tạo tác. Kết quả thu được có vẻ là thành tựu vì dễ dàng có được. Còn giá trị của nó thì gây tác hại cho sự hành thiện.
Nhưng phải biết rằng, chân lý của vũ trụ là THIỆN, hoặc cao hơn một bậc nữa là KHÔNG có ÁC hoặc THIỆN, vì đã đi đến chân lý cuối cùng thì không còn khái niệm tồn tại, bởi vì chân lý hoàn toàn KHÔNG CÒN TÁNH ÁC, không còn ÁC thì cũng không tồn tại khái niệm đối lập là THIỆN, nên cũng không còn cái gì để bám vào để mà có thể so sánh. Đây là điểm vướng mắc của đa số chúng sinh, khi nói đến không thiện, không ác (hoặc bất cứ các khái niệm có sự đối lập – so sánh khác, như sống/chết, có/không,…) sẽ bị phản bác, vì con người thường vướng vào nhị nguyên luận, tâm thức luôn luôn phân biệt và so sánh, nếu không có tồn tại khái niệm để so sánh, con người đa phần rơi vào chấp không (được hiểu như là không tồn tại gì cả).
Vậy nên, muốn hiểu tường tận hơn, mỗi cá nhân chỉ có thể mở rộng tâm thức của chính mình, hiểu được nguồn gốc của THIỆN/ÁC hoặc những tập khí do tâm thức tạo tác thì chúng ta mới có thể xử sự, hành tập và giải quyết những vấn đề còn tồn tại, nhằm tạo lợi lạc cho đời sống con người.
Chân lý, đi đến cuối cùng chỉ là rỗng rang, ánh sáng chân lý có thể được hiểu là SỰ CỰC THIỆN theo như tâm thức suy tưởng của chúng sinh.
Ngôn ngữ chỉ là phương tiện. Hãy mở rộng tâm thức của các bạn, tâm thức này không phân biệt tôn giáo, cho dù bạn tín ngưỡng tôn giáo nào đi nữa thì Đạo vẫn vậy. Do con người có tâm phân biệt mới thấy có tôn giáo khác nhau, nhưng các bạn phải biết rằng, chân lý chỉ có một, và chân lý dành cho tất cả chúng ta, chân lý không phân biệt chúng sinh, chân lý không tồn tại khái niệm tôn giáo. Bất kỳ chúng sinh nào cũng có thể tìm đến chân lý nếu dũng mãnh gạn bỏ sự vô minh.
Huỳnh Thị Tố Nga (Helena Zen)
June 3, 2023