THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM ĐƯỢC QUẢN LÝ VÀ GIÁM SÁT THẾ NÀO? 

0
9
Người dân biểu tình trước trụ sở ngân hàng SCB Hà Nội

CHU HỒNG QUÝ

Tháng 8 năm 2017, trong một phiên giao dịch sáng, lúc 10 giờ, Hệ thống cảnh báo tự động của Sở Giao dịch chứng khoán Thượng Hải bất ngờ phát hiện một điểm bất thường trên sàn giao dịch. Cổ phiếu SHA của công ty ZheJiang DiBay Electric, mới được niêm yết trước đó 2 tháng, vào tháng 6/2017, đã bất ngờ tăng vọt, tỷ lệ tăng tích lũy đã vượt quá 40% sau 2 tháng. 

Nhân viên của Sở Giao dịch nhanh chóng điều tra và phát hiện ra hơn 400 tài khoản giao dịch cổ phiếu cùng một lúc. Trong đó có rất nhiều tài khoản vừa mới được mở gần đó. Các tài khoản đồng thời mua vào với số lượng lớn cổ phiếu, sau đó bán theo đợt, ngấm ngầm hợp tác cùng thực hiện nhiều hành vi bất thường gây ra biến động lớn về giá cổ phiếu. 

Các điều tra viên từ Đội Thanh tra CSRC phát hiện hơn 400 tài khoản này được vận hành trên hàng chục máy tính, đôi khi 30 tài khoản được giao dịch trên cùng một máy tính. Đây là hành vi mua bán ảo nhằm thổi giá.

Nhờ đó mà Trung Quốc đã phát hiện ra một vụ thao túng thị trường chứng khoán làm rúng động thị trường tài chính toàn cầu. 

Toàn cảnh phiên tòa xét xử

Còn ở Việt Nam, nhiều cổ phiếu có thể tăng trần hay giảm sàn liên tục mức 1000% (một ngàn phần trăm) chỉ trong thời gian ngắn cũng chỉ là “do cung cầu thị trường” hay “tâm lý” hoặc “thị hiếu của nhà đầu tư”. Nhưng vì sao nhà đầu tư lại có tâm lý đua mua tranh bán một cách bất thường thì chẳng ai quan tâm. 

Chỉ thí dụ với cổ phiếu FLC từ ngày 26/2/2021 đến 31/3/2021, đã tăng từ mức thấp nhất 6.0 lên cao nhất là 13.3 VND/cổ phiếu, bằng 222% chỉ qua 23 phiên trong thời gian 1 tháng. Đây là mức biến động còn nhẹ so với tốc độ Thánh Gióng của nhiều cổ phiếu rác khác. Có nhiều cổ phiếu rác tăng/giảm tích lũy đến mức 1.000% (một ngàn phần trăm) trong thời gian ngắn không phải là chuyện hiếm.

Cổ phiếu FLC qua 23 phiên trong thời gian 1 tháng

Còn trái phiếu, một công ty vô danh vừa được thành lập 2 năm và cả 2 năm liên tục đều thua lỗ nhưng vẫn ngang nhiên phát hành trái phiếu không bảo đảm mà cơ quan quản lý nhà nước không biết. “Nhà đầu tư dám làm dám chịu”, “đã đầu tư thì phải chấp nhận rủi ro”, trắng tay ráng chịu. Vậy là hàng giả cứ ngang nhiên lưu hành, chẳng có ai quản lý.

Vạn Trường Phát: Lỗ 2 năm liên tiếp vẫn phát hành trái phiếu 10.000 tỷ, cao gấp 3,3 lần vốn

Ở Việt Nam, một người có thể lập hơn nửa ngàn công ty ma cũng chỉ là “tự do kinh doanh”, còn xây cái chuồng gà không phép cũng dễ đi tù như chơi.

Hệ thống Giao dịch trên sàn chứng khoán Việt Nam đã có thời kỳ thường xuyên có dấu hiệu bóp lệnh, dễ dàng đặt lệnh mua nhưng rất khó để có thể đặt được lệnh bán, hoặc ngược lại. Điều đó, theo họ cũng chỉ là “trục trặc kỹ thuật”. Trục trặc kiểu gì mà chỉ hạn chế lệnh bán còn lệnh mua vẫn nhập vào hệ thống một cách bình thường, lại vào đúng thời điểm nhà đầu tư cần bán xả hàng?

Ở Việt Nam, tin giả có thể ngang nhiên lan tràn. An ninh mạng đang bận report tài khoản phản động. Thậm chí là chính các quan chức cấp cao của chính phủ cố tình tung tin giả một cách công khai mà chẳng sợ trách nhiệm. Vì “chúng ta sai thì chúng ta rút kinh nghiệm, người dân sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”. 

Cứ mỗi lần bộ trưởng đăng đàn đính chính thông tin “phủ nhận tin đồn thất thiệt, không có chuyện sẽ tăng giá xăng dầu”, là dân lại ào ào chen nhau đi đổ xăng trước giờ tăng giá.

Ở Việt Nam, tài khoản của những đối tượng phải công bố giao dịch theo quy định của luật pháp như Trịnh Văn Quít vẫn được tự do giao dịch chui để đến khi dư luận phát hiện mới phạt mấy chục triệu lấy lệ.

Nhưng sau khi anh Quít đi tù đã nửa năm thì cơ quan An ninh mới lò dò điều tra đến hàng chục vạn nhà đầu tư nhỏ lẻ trên khắp hang cùng ngõ hẻm của dải đất hình chữ S. 

Mình thử mua 1 lô nhỏ nhất là 100 cổ phiếu ROS thuộc nhóm FLC để theo dõi vụ Trịnh Văn Quít. Đến ngày hủy niêm yết 5/9/2022 thì 100 cổ phiếu ROS của mình theo thị giá lúc đó là 241 ngàn đồng. Nên nhớ là 241 VND chớ không phải tiền ông Tơn đâu nha. Vậy nhưng mấy anh an ninh kinh tế cũng lặn lội đến nhà để “điều tra”

Việc quan trọng, cấp thiết thì không đoái nhưng chỉ dồn tài lực của dân, công lính “ra quân rầm rộ” những chuyện dzời ơi.

Quản lý nhà nước là để ngăn chặn các hành vi vi phạm luật pháp chứ không phải nhằm mục đích cho thả cửa vi phạm để thỉnh thoảng tóm vài vụ phạt lấy lệ hay để tận thu ngân sách. 

Quản lý nhà nước phải đảm bảo cho những chính sách đã xây dựng, ban hành đạt được hiệu quả. Đó mới là biểu hiện của một chính phủ kiến tạo.

Bộ trưởng Tài chính thì làm nghề lùa gà, tuyên bố “Nếu có tiền, tôi sẽ mua chứng khoán”

Không chỉ những không thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, những kẻ có trách nhiệm lại còn tung tin thất thiệt mà chẳng ai xử lý. Chẳng đâu như xứ này, Bộ trưởng Tài chính thì làm nghề lùa gà, tuyên bố “Nếu có tiền, tôi sẽ mua chứng khoán”. Chuyên gia Kinh tế trở thành chân cò mồi khi phao tin “Tôi đã bắt đầu mua vào cổ phiếu…”.

Không chỉ Bộ trưởng hay chuyên gia mới hành nghề lùa gà, cả phó thủ tướng cũng ra quân làm cò mồi. “Cả hệ thống chính trị vào cuộc”. Ngay từ những ngày đầu tiên xứ Giao Chỉ có thị trường chứng khoán, việc quan chức cấp cao đi lùa gà hoặc làm cò mồi đã trở thành truyền thống cách mạng. 

Thông tin mà nhà đầu tư cần là chính phủ phải công khai kế hoạch sẽ thực thi chính sách gì để thúc đẩy thị trường tăng trưởng, chứ không phải vài ba câu bịp bợm nói suông. 

Chính sách vĩ mô của chính phủ mới có thể tác động đến quyết định của nhà đầu tư chứ không phải hành vi cò mồi của quan chức là cơ sở niềm tin để nhà đầu tư xuống tiền giải ngân.

Theo FB: Chu Hồng Quý trên Group Con Đường Nào Cho Đông Lào.