Thế giới hôm nay: 11/11/2019

    0
    76
    NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ

    Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

    Tổng thống Bolivia, Evo Morales, đã đồng ý tiến hành một cuộc tổng tuyển cửkhác. Nước này đã chìm trong các cuộc biểu tình bạo lực kể từ khi ông Morales được tuyên bố chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu tháng trước với cách biệt mười điểm phần trăm – vừa đủ để không phải bước vào cuộc bỏ phiếu vòng hai. Các nhà quan sát độc lập đã chỉ ra “các thao túng rõ ràng”. Ông Morales cho biết tòa án bầu cử của đất nước sẽ được thay thế.

    Người Tây Ban Nha vừa đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử thứ tư trong bốn năm qua. Cuộc bầu cử diễn ra sau khi Đảng Xã hội của thủ tướng Pedro Sánchez thất bại trong việc thành lập chính phủ liên minh. Khả năng cao không bên nào sẽ đạt đa số ở quốc hội, cho thấy vẫn chưa thể kết thúc bế tắc chính trị. Các cuộc bầu cử đã đi kèm với bạo lực trên đường phố Catalonia sau khi tám nhà lãnh đạo ly khai bị tuyên án tù.

    Maithripala Sirisena, tổng thống sắp mãn nhiệm của Sri Lanka, đã ân xá cho một thành viên của một gia tộc có ảnh hưởng hiện đang bị kết án tử hình vì tội giết người. Jude Jayamaha bị kết án vì giết một du khách Thụy Điển vào năm 2005.

    Cháy rừng tiếp tục hoành hành ở Australia. Hồi đầu tuần này, các quan chức dự báo vùng đại Sydney và đại Hunter sẽ phải đối mặt với “nguy cơ hỏa hoạn thảm khốc”, thang rủi ro cao nhất. Đây là lần đầu tiên khu vực xung quanh Sydney, thành phố lớn nhất nước, phải đối mặt với mức độ nguy hiểm này kể từ khi xếp hạng rủi ro hỏa hoạn được đưa vào sử dụng 10 năm trước.

    Saudi Aramco, công ty dầu khí quốc doanh khổng lồ của Ả Rập Saudi, đã tiến thêm một bước tới IPO bằng cách công bố bản cáo bạch. Song, tài liệu này vẫn để lại nhiều câu hỏi quan trọng chưa được trả lời, trong số đó có lượng cổ phần sẽ được bán và phạm vi giá. Nhưng việc niêm yết, dự kiến là lớn nhất từ trước đến nay, dường như ngày càng có khả năng sẽ diễn ra trước khi năm 2019 khép lại.

    Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố nước này đã phát hiện ra một mỏ dầu mới chứa 53 tỷ thùng dầu thô. Nếu thật vậy, thì phát hiện này sẽ tăng trữ lượng dầu mỏ đã được chứng minh của nước này lên một phần ba. Iran có trữ lượng dầu lớn thứ tư thế giới, nhưng các lệnh trừng phạt của Mỹ đang cản trở việc xuất khẩu dầu của nước này.

    Một cổ đông thiểu số đang kiện WeWork về khoản bồi thường được trao cho người đồng sáng lập Adam Neumann. SoftBank, một nhà đầu tư lớn cũng có tên trong vụ kiện, đã đồng ý trả khoản tiền khoảng 1,7 tỷ đô la cho ông Neumann để ông này từ bỏ vai trò của mình tại công ty cho thuê văn phòng đang bị mắc nợ. Sự lãnh đạo của ông Neumann được xem là lý do cho việc kế hoạch IPO sụp đổ vào đầu năm nay.

    TIÊU ĐIỂM

    Ngày độc thân trên Alibaba

    Giữa không khí ảm đạm của cuộc thương chiến kéo dài với Mỹ, gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc hôm nay sẽ tiến hành các giao dịch rôm rả như thường lệ. Sàn thương mại ảo của họ sẽ tràn ngập các món hàng giảm giá, và hàng triệu người mua sắm sẽ quần thảo suốt 24 giờ trong sự kiện sale lớn kéo dài 24 giờ – chính xác là 500 triệu người, theo Alibaba. Ngôi sao nhạc pop người Mỹ Taylor Swift đã hát trong đêm gala khai mạc xa hoa. Hôm nay, hơn 200.000 thương hiệu chen lấn giành các cú nhấp chuột trên nền tảng của Alibaba; khoảng 1 triệu sản phẩm mới hy vọng sẽ thu hút được người mua sắm.

    Có thể dự đoán, như đã thấy trong mỗi dịp Ngày Độc thân vừa qua, giá trị hàng hóa gộp của Alibaba (tổng lượng hàng hóa họ giao dịch) sẽ đạt kỷ lục mới. Con số bán hàng năm ngoái “chỉ” khoảng 31 tỷ đô la. Thứ Sáu Đen, Thứ Hai Điện Tử và Ngày Amazon Prime tập hợp lại cũng chỉ đạt khoảng 19 tỷ đô la. Nhưng năm nay đang xuất hiện một xu hướng mới: trong cuộc khảo sát 2.000 người tiêu dùng Trung Quốc hồi đầu tháng 10, gần bốn phần năm người Trung Quốc cho biết họ sẽ tránh mua các sản phẩm của Mỹ vào hôm nay.

    Doanh thu bán hàng Ngày Độc thân trên Aliababa những năm qua.

    Vành đai và Con đường (BRI): Hy Lạp và Trung Quốc

    Tập Cận Bình đang ở Hy Lạp trong chuyến thăm ba ngày, chuyến thăm đầu tiên của một chủ tịch Trung Quốc trong 11 năm qua. Hai quốc gia chia sẻ mối quan hệ chặt chẽ, được biểu tượng bằng thỏa thuận vào tháng 8 năm 2018 của Hy Lạp để tham gia BRI, một kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu. Mỹ và một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu hoài nghi về BRI, lo ngại dự án có khả năng gây tổn hại cho các quốc gia vay nhiều tiền để chi cho các dự án liên quan, đồng thời là một nỗ lực nhằm mở rộng ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc.

    Ông Tập sẽ ghé thăm cảng Piraeus, nơi Trung Quốc coi là “đầu tàu” của BRI –người Trung Quốc đã đầu tư hàng trăm triệu đô la vào đó và lên kế hoạch nâng cấp lớn các hạ tầng của cảng. Vào tháng Tư, Hy Lạp đã gia nhập một nhóm hợp tác kinh tế hiện được gọi là “17 +1”, bao gồm Trung Quốc và các nước châu Âu, trong đó có nhiều thành viên EU. Một số quan chức châu Âu lo ngại nhóm này có thể làm suy yếu sự thống nhất của EU trước bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy. Chuyến đi của ông Tập sẽ được theo dõi sát sao.

    Vụ xét xử cựu thủ tướng Najib Razak

    Hôm nay, Tòa Tối cao Malaysia sẽ quyết định liệu Najib Razak, cựu thủ tướng của nước này, có cần tham gia bào chữa trong một phiên tòa liên quan đến việc chiếm đoạt 42 triệu ringgit (10 triệu USD) hay không. Cáo buộc này liên quan đến vụ bê bối rộng hơn liên quan đến 1MDB, một quỹ đầu tư nhà nước bị tham ô. Số tiền được cho là đến từ SRC International, 1 đơn vị của 1MDB được thành lập để đầu tư vào các chương trình năng lượng, vào thời điểm ông Najib vẫn lãnh đạo đất nước.

    Ông phải đối mặt với bảy cáo buộc xoay quanh số tiền này và vụ án là một trong năm cáo buộc chồng chất lên ông. (một phiên tòa thứ hai đang diễn ra về 2,3 tỷ ringgit mà ông Najib được cho là đã nhận.) Ông phủ nhận mọi hành vi sai trái. Gần 60 nhân chứng đã cung cấp lời khai cho tòa án kể từ tháng Bảy; công tố đã đưa ra chi tiết về việc số tiền được dùng cho trang sức sang trọng và các chuyến thăm khách sạn xa hoa. Trong một phiên tòa vốn đã bị cản trở bởi những lần trì hoãn, Malaysia háo hức chờ đợi phán quyết của tòa án.

    Vấn đề DACA được đệ trình lên tòa Tối cao

    Tuần này, tòa án cao nhất của Mỹ sẽ xem xét quyết định của Tổng thống Donald Trump nhằm xóa bỏ chương trình Trì hoãn Hành động đối với Người nhập cư nhỏ tuổi, hay DACA – sáng kiến năm 2012 của Barack Obama nhằm bảo vệ nhiều người nhập cư trái phép khỏi bị trục xuất và cho phép họ làm việc. Ba tòa án liên bang đã ngăn cản động thái của ông Trump, gọi đó là hành vi “tùy tiện và thất thường”, vi phạm Đạo luật Thủ tục Hành chính. Chính quyền Trump nói DACA là bất hợp pháp và khiến chính phủ dễ bị kiện. Họ cũng nói thêm rằng cơ quan tư pháp không có thẩm quyền để xem xét các điều chỉnh đối với chính sách nhập cư vì Bộ An ninh Nội địa có “quyền quyết định tuyệt đối” trong lĩnh vực này.

    Phán quyết của Tòa án Tối cao sẽ quyết định cuộc sống của khoảng 700.000 người nhập cư, mà nhiều người trong đó, theo những người phản đối quyết định của Trump, “chưa từng biết đến quê hương nào khác”. Cho dù ông Trump thắng hay thua, phán quyết của các thẩm phán – dự kiến là vào mùa xuân – sẽ nhắc nhớ cử tri về một trong những vấn đề gây chia rẽ nhất của cuộc đua tổng thống khi chiến dịch bước vào giai đoạn cao trào.

    Vai trò khó xác định của phó tổng thống đắc cử Argentina

    Cristina Fernández de Kirchner, cựu tổng thống Argentina, hôm nay trở về từ Cuba để đối mặt với những câu hỏi về vai trò của bà trong chính phủ mới. Bà Fernández, hiện là phó tổng thống đắc cử cùng với nhà Peron chủ nghĩa Alberto Fernández (giữa hai người không có quan hệ gia đình hay họ hàng), đã đến thăm cô con gái đang điều trị y tế ở Havana – người mà cũng như bà, đang phải đối mặt với cáo buộc tham nhũng và rửa tiền ở quê hương . Đội ngũ của tổng thống đắc cử nhấn mạnh bà sẽ có “một vai trò trung tâm” trong việc thiết lập chính phủ tiếp theo, dự kiến được công bố khi ông Fernández lên nắm quyền vào ngày 10 tháng 12.

    Điều đó khiến các nhà đầu tư lo lắng, những người vẫn còn nhớ rõ sự hỗn loạn kinh tế mà bà để lại sau lần nắm quyền trước, bao gồm thuế xuất khẩu cao, lạm phát phi mã và thâm hụt ngân sách lớn. Những vấn đề tương tự cuối cùng đã buộc người kế nhiệm của bà, Mauricio Macri, phải tìm kiếm khoản vay 57 tỷ đô la từ IMF, khoản vay mà ông Fernández cảnh báo Argentina không có khả năng trả được. Các cuộc đàm phán khó khăn đang đến, theo lời tổng thống đắc cử.