Thấy gì qua những đợt phát hành trái phiếu kì lạ của nhóm doanh nghiệp liên quan Vạn Thịnh Phát và NĐT nào đã “rót” vốn cho những thương vụ này?

2
7
Bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát mới bị bắt RFA edited

Lan Hương

Các doanh nghiệp liên quan Vạn Thịnh Phát liên tục phát hành trái phiếu với giá trị vượt gấp nhiều lần vốn điều lệ. Vậy nhưng trái phiếu vừa tung ra là có nhà đầu tư thu mua toàn bộ. Vậy, những nhà đầu tư đã mạo hiểm “bơm” lượng vốn khủng này là ai?

Chuyện doanh nghiệp vay vốn bằng hình thức trái phiếu là nghiệp vụ kinh tế rất bình thường, miễn là họ có kế hoạch kinh doanh hiệu quả, trả nợ, lãi đầy đủ và trái chủ không vi phạm các quy định của pháp luật liên quan. Tuy nhiên, với Vạn Thịnh Phát thì câu chuyện phát hành trái phiếu huy động nguồn lực tài chính lại rất khác so với các doanh nghiệp khác. 

Nói sơ qua về Vạn Thịnh Phát, trong cơ cấu tổ chức có 2 pháp nhân mang tên “Tập đoàn Vạn Thịnh Phát”. Công ty thứ nhất là Công ty TNHH Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, tên viết tắt là VTP Group Holding, đây là một tập đoàn đầu tư tư nhân thành lập năm 1992 với vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng. Tại VTP Group Holdings, bà Trương Mỹ Lan sở hữu 80% cổ phần, tương đương lượng vốn góp trị giá 4.800 tỷ đồng. 

Công ty thứ hai là Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát, tên viết tắt là VTP Investment Group có vốn điều lệ 12.800 tỉ đồng. Công ty này có vốn điều lệ 12.800 tỷ đồng, trong đó bà Trương Mỹ Lan sở hữu 15% cổ phần, VTP Group Holdings sở hữu 41%.

Nữ doanh nhân Trương Mỹ Lan

Ngoài ra, trong hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát, các đơn vị thành viên, công ty liên kết cũng có vốn điều lệ “khủng” không kém. Nổi bật là Công ty CP Tập đoàn Saigon Peninsula với 18.000 tỷ đồng, Tập đoàn Đầu tư An Đông (An Dong Group) với 9.000 tỷ đồng,…

Mới đây, Công ty CP Bảo trợ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát – công ty trẻ mới được thành lập từ 10/2020 của con gái bà Trương Mỹ Lan là doanh nghiệp hàng nghìn tỉ mới nhất thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Doanh nghiệp 8 tháng tuổi này có số vốn điều lệ lên đến 8.800 tỷ đồng.

Quay trở lại với việc phát hành trái phiếu của các công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát. Tại sao lại nói việc phát hành trái phiếu liên tục của Vạn Thịnh Phát rất khác lạ? Hãy cùng đọc những thông tin dưới đây:

Vài năm trở lại đây, trong bối cảnh tín dụng bất động sản đang ngày càng bị siết chặt, các thành viên trong “hệ sinh thái” Vạn Thịnh Phát đang đẩy mạnh vay nợ thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, Vạn Thịnh Phát là hệ sinh thái “miệt mài” phát hành trái phiếu trên thị trường, diễn ra liên tiếp trong thời gian dài và tiến hành đồng loạt trên hầu hết các công ty thuộc hệ sinh thái. 

Thứ nhất, nổi bật là công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông, một thành viên trong hệ sinh thái của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đầu tháng 8/2020, Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông công bố thông tin đã thanh toán gần 1.384 tỉ đồng tiền lãi trái phiếu trong nửa đầu năm 2020.

Đây là các lô trái phiếu có tổng giá trị 24.969 tỉ đồng được phát hành trong hai năm 2018 và 2019 (theo thông tin của Nhadautu.vn, An Đông đã bán được 11.969 tỷ đồng trái phiếu (mã ADC-2018.09) ngày 10/9/2018. Cùng trong ngày này, 3.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm mã ADC-2018-09.1 cũng được bán hết. Tới đầu năm 2019, chính xác là ngày 22/1, An Đông tiếp tục bán thành công lô 10.000 tỷ đồng (mã ADC-2019.01), đẩy dư nợ trái phiếu (đều có kỳ hạn 5 năm) lên tới gần 25.000 tỷ đồng).

Thông tin về trái phiếu ADC-2018.09 của An Đông Corp

Trước đó, An Đông Corp cũng từng thanh toán lãi trái phiếu với số tiền lớn. Trong năm 2019, công ty cũng đã trả hơn 1.471 tỉ đồng tiền lãi cho các lô trái phiếu nói trên. 

Tuy nhiên, theo thông tin từ HNX, trong sáu tháng đầu năm 2020, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông lỗ sau thuế gần 23 tỉ đồng. Đáng chú ý, tính đến 30/6 năm nay, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của đơn vị này là 4.05.

Tính đến cuối năm 2019, công ty có vốn điều lệ gần 9.284 tỉ đồng. Như vậy với hệ số nợ nói trên đồng nghĩa tương ứng với khoảng nợ gần 37.000 tỉ đồng (1,6 tỉ đô la). Như vậy, mặc dù phát hành và trả lãi trái phiếu ngàn tỉ, nhưng An Đông Corp cũng là công ty có khoản nợ tỉ đô trên thị trường. 

Thứ hai, CTCP Bông Sen, các NĐT đánh giá đây cũng là một trong những doanh nghiệp có mối liên quan mật thiết với Vạn Thịnh Phát. 

CTCP Bông Sen là Chủ sở hữu tổ hợp Daeha Center tại Hà Nội và dự án tháp Saigon One ở TP.HCM. Doanh nghiệp này vừa qua đã phát hành thành công 400 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 1 năm, lãi suất 12%/năm. Trước đó, tháng 8/2017, doanh nghiệp có vốn lên tới 4.777 tỷ đồng cũng chào bán lô trái phiếu 6.000 tỷ đồng kỳ hạn 2 năm.

Vào thời điểm thâu tóm tổ hợp Daeha, nhiều NĐT đã đặt câu hỏi rằng, có đúng hay không việc nếu không được thâu tóm và bơm tiền bởi một đại gia lớn, thì Bông Sen chỉ đơn thuần là doanh nghiệp ra mặt cho việc thâu tóm của một đơn vị khác? Bởi trước thông tin Bông Sen chi 3.650 tỷ đồng để thâu tóm Daeha, dựa vào BCTC của Bông Sen vào thời điểm đó, các NĐT cho rằng chuyện này là không thể. Trong khi đó, việc tăng vốn điều lệ của Bông Sen tại thời điểm đó không phải là dễ dàng. 

Thứ ba, có thể kể đến CTCP Đầu tư Phát triển Phú Châu, ngày 26/7/2019, doanh nghiệp này đã bán thành công 800 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, được tư vấn phát hành bởi CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) và được bảo lãnh thanh toán toàn bộ gốc và lãi bởi Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Thứ tư, nằm trong hệ sinh thái đặc biệt này, CTCP Đầu tư Quang Thuận cũng phát hành 60 lô trái phiếu có kì hạn 60 tháng với tổng giá trị 6.000 tỉ đồng. Bản công bố thông tin không cho biết về lãi suất hay tài sản đảm bảo cho trái phiếu, cũng không rõ các bên thu xếp và trái chủ là ai.

Đây không phải là lần đầu tiên Quang Thuận hút về hàng nghìn tỉ đồng trái phiếu. Trước đó chỉ trong hai ngày 24 và 27/12/2018, doanh nghiệp này đã phát hành 4.500 tỉ đồng thông qua 31 lô lẻ.

Tương tự, thông tin chi tiết về các đợt phát hành đều là ẩn số. Chỉ đến khi doanh nghiệp tất toán 3.000 tỉ đồng trái phiếu vào ngày 21/10/2019, trái chủ của lô trái phiếu này mới được hé lộ là Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB).

Như vậy, trong giai đoạn 2018 – 2020, khoảng 10.500 tỉ đồng đã chảy về Quang Thuận. Trong khi đó, báo cáo tóm tắt tình hình tài chính 6 tháng đầu năm 2020 cho thấy kết quả kinh doanh của doanh nghiệp không có nhiều nổi bật trong những năm gần đây.

Lợi nhuận sau thuế trong nửa đầu năm nay của Quang Thuận ghi nhận 1,5 tỉ đồng, giảm 42% so với cùng kì. Nợ phải trả của doanh nghiệp tính đến ngày 30/6/2020, trước thời điểm huy động 6.000 tỉ đồng trái phiếu là trên 1.500 tỉ đồng.

Quang Thuận được thành lập vào cuối tháng 3/2001. Ngoài Tổng Giám đốc Lâm Ngọc Đan Thi (dân tộc Chăm), cổ đông sáng lập của Quang Thuận còn có: Mohamed Lâm Minh Thông, Trần Thị Mai Trinh, Ngô Thanh Lan, Đặng Trịnh Thanh Phương, Nguyễn Văn Sa. Phần lớn những cổ đông này còn nắm nhiều cổ phần tại các doanh nghiệp bất động sản có liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Thứ năm, thêm một cái tên đặc biệt nữa mà các nhà đầu tư từng xôn xao trong các phi vụ liên quan trái phiếu của nhóm công ty liên quan Vạn Thịnh Phát, phải kể đến CTCP Thiết kế và Trang trí Nội thất Norah. 

Tìm hiểu cho thấy Norah được thành lập năm 2008, với ngành nghề hoạt động chính là “Hoàn thiện công trình xây dựng”. Ngày 26/12/2018, đồng thời với đợt phát hành trái phiếu thứ nhất, Norah tiến hành tăng vốn điều lệ từ 200 tỷ đồng lên 1.200 tỷ đồng – con số không mấy phổ biến với các doanh nghiệp thiết kế nội thất thông thường. 

Nếu đi sâu vào cơ cấu cổ đông sáng lập của Norah, gồm bà Đặng Trịnh Thanh Phương (60%) và 2 nhà đầu tư người Hoa là ông Trương Lập Hưng (20%) và bà Trương Huệ Vân (20%). Đây đều là các mắt xích quan trọng trong hệ thống Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của nữ doanh nhân Trương Mỹ Lan.

Trong 2 ngày 26-27/12/2018 liên tiếp phát hành 2 lô trái phiếu đều có kỳ hạn 5 năm với tổng khối lượng 3.500 tỷ đồng, trong đó lô NORAH-2018.12 có giá trị 3.000 tỷ đồng và lô NORAH-2018.12.1 là 500 tỷ đồng. 

Không rõ đối tác nào đã mua 3.500 tỷ đồng trái phiếu, cũng như mục đích của khoản vay này, nhưng chắc hẳn kế hoạch kinh doanh phải rất tiềm năng và đối tác cho vay cũng phải đặc biệt tin tưởng Norah, bởi lô trái phiếu có giá trị gấp gần 3 lần vốn điều lệ của Norah và là rất lớn đối với bất cứ một ngân hàng thương mại nào.

Các NĐT đặt câu hỏi rằng, khoản vốn nghìn tỷ, cùng lô trái phiếu “khủng” 3.500 tỷ đồng không khỏi gợi tới băn khoăn Norah là ông lớn nào trong ngành thiết kế, họ sản xuất, kinh doanh gì, và quan trọng hơn, doanh nghiệp này thuộc sở hữu của ai?

Chỉ biết rằng trong nửa đầu năm 2019, NORAH đã trả tới 187 tỷ đồng tiền lãi cho các khoản vay bằng trái phiếu.

Thứ sáu, Công ty Đầu tư và Phát triển Sunny World có Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Sunny World là doanh nhân Truong Vicent Kinh (Trương Tôn Vinh) – nhân sự “quen mặt” trong hệ sinh thái doanh nghiệp của bà chủ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát – nữ doanh nhân Trương Mỹ Lan. Vừa qua, doanh nghiệp này cũng “miệt mài” phát hành trái phiếu.

Doanh nghiệp này đã phát hành thành công 2 lô trái phiếu đều có kỳ hạn 5 năm với tổng khối lượng 3.100 tỷ đồng, gồm lô SNW-2018.10 (2.400 tỷ đồng) và SNW-2018.12 (700 tỷ đồng) vào cuối năm 2018, cùng thời điểm Công ty Quang Thuận phát hành. 

Thực ra đây chỉ là những cái tên nổi bật liên quan tới Vạn Thịnh Phát, còn lại, hệ sinh thái của Tập đoàn này đồ sộ đến đâu, có lẽ là một câu hỏi khó trả lời. Hiện nay, Vạn Thịnh Phát chưa niêm yết, BCTC không công bố, cho nên tiềm lực tài chính của Vạn Thịnh Phát vẫn khiến cho rất nhiều NĐT tò mò.

Tuy nhiên, thông qua các thương vụ phát hành trái phiếu đã thấy, chúng ta thấy một điểm chung, đó là các công ty trong hệ sinh thái phát hành liên tục, đồng loạt, tăng vốn sốc, và không có dấu hiệu cho thấy sẽ dừng lại. 

Các doanh nghiệp liên quan Vạn Thịnh Phát liên tục phát hành với giá trị vượt gấp nhiều lần vốn điều lệ, cụ thể là 3.500/1.200 tỷ đồng với Norah, 6.400/4.777 tỷ đồng với Bông Sen Corp, 800/578 tỷ đồng với Phú Châu, 25.000/9.000 tỷ đồng với An Đông; 4.500/2.610 tỷ đồng của Quang Thuận và 3.100/1.500 tỷ đồng với Sunny World. 

Có thể thấy nguồn tiền liên tục rót về thông qua việc phát hành trái phiếu, giá trị vay nợ rất lớn, tương đương với quy mô của một ngân hàng thương mại. Vậy nhưng việc bán trái phiếu những công ty này khá thuận lợi. Trái phiếu vừa tung ra là có nhà đầu tư thu mua toàn bộ, câu hỏi đặt ra là những nhà đầu tư nào đã sẵn sàng tin tưởng đến vậy và rót vốn “khủng” cho những công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát? Ai là nhà đầu tư đã mạo hiểm “bơm” lượng vốn khủng này? Và mục đích của những đợt bơm vốn khủng này là gì?

Trong khi đó, Vạn Thịnh Phát nổi lên là một cái tên thâu tóm đất vàng trong nhiều năm nay, nhiều công trình quy mô “khủng”, nhưng đất vàng bỏ hoang cũng “khủng” không kém. Nhiều dự án thâu tóm rồi để không, không có hoạt động kinh doanh, cũng không bán lại. 

Điều kì lạ là chúng ta chỉ biết trái phiếu đã bán thành công, còn ai mua chúng thì vẫn là một câu hỏi gây khá nhiều tò mò. Phải, chúng ta không hề biết danh tính của họ. 

HOÀNG LINH

Trương Mỹ Lan-Vạn Thịnh Phát và dòng tiền bí ẩn

Your article gave me a lot of inspiration, I hope you can explain your point of view in more detail, because I have some doubts, thank you.