TẠI SAO NGƯỜI DÂN ‘CHỬI BỐ CHẾ ĐỘ’?

    0
    12

    Ngọc Khanh

    Dễ dàng nhận thấy người dân Việt, thông qua mạng xã hội vẫn đang chửi ngày một nhiều, với mức độ gay gắt tăng lên nhiều lần.

    Ông Phạm Nhật Vượng sản xuất oto và điện thoại, chửi.

    Ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn tham nhũng, chửi.

    Chùa chiền xây to và nhiều, gắn với du lịch tâm linh, chửi.

    Biển Đông với lấn chiếm của Trung Quốc tại Bãi Tư Chính, chửi.

    Công ty Rạng Đông cháy và phản ứng chậm chạp của chính quyền, chửi.

    Nhà máy nhiệt điện gần 2 tỷ USD đắp chiếu, chửi.

    Facebooker Mạnh Dương trong một chia sẻ một bài báo cho rằng: Trên Facebook còn nhiều kẻ chửi bới chế độ vì vậy đề nghị nhà nước bắt hết.

    Một người bộc chửi lên tiếng, có gì đâu mà lại chửi, và chửi thì giúp ích được gì. Hay như, những người chưa từng một lần cầm súng bảo vệ chế độ lại ngày đêm chửi bới chế độ.

    Thế nhưng, căn cứ vào mức độ chửi càng tăng của người dân, tuy thật mâu thuẫn, nhưng thực tế đó lại là một dấu hiệu đáng mừng. Vì ít ra, dân còn sức để chửi, còn thứ để chửi, hay còn quan tâm đến hiện tình quốc gia.

    Một số nguồn cơn chửi xuất phát từ sự bí bách và kiềm chế từ bấy lâu nay, nay bỗng xả ra nhờ mạng xã hội. Dù đôi khi có vài chủ thể ‘chửi sai’, nhưng nhìn chung, hầu hết đều ‘chửi đúng’, bởi một xã hội tốt đẹp nơi quan lo lắng cho dân, chùa chiền hướng về tâm phật, hay những nhà máy nhiệt điện vừa phát điện hiệu quả, vừa bảo vệ môi trường chẳng thể nào là ‘mảnh đất màu mỡ’ để sinh ra chửi bới cả. Ngược lại, chính sự khuất tất, thiếu rõ ràng, yếu kém khiến người dân trở nên ‘dữ dằn’ hơn trong thực hiện quyền nói của mình.

    Dân chửi, hay tiếng chửi không phải là ngẫu nhiên, mà là kết quả của một tiến trình.

    Khi người dân chửi, thì đồng nghĩa với những tiếng nói ôn hòa trước đó đã không được lắng nghe một cách chân thành. ‘Chửi’ trở thành một cách đánh động, buộc đối tượng là nhà nước hay chính quyền phải để tâm đến lời dân nói, thay vì nghe xong và để đấy.

    Chửi không chỉ giúp giải tỏa sự bức bối trong dân, làm dịu đi cảm xúc xã hội trong một cơ chế mà định hướng và kiềm soát luôn được đặt lên hàng đầu. Mà nó còn tạo ra cơ sở tốt để chính quyền gạn lọc, đặt ra nguyên nhân vì sao, và giải quyết nguồn cơn của hiện tượng người dân ngày một ‘chửi nhiều’.

    Với hơn 30% dân số ở độ tuổi lao động, và chính những người này là những người dùng nhiều của mạng xã hội Facebook. Nhưng người chửi nhiều nhất không phải là giới trẻ, mà số đông trong đó bao gồm những cựu quan chức, những người già – hưu trí. Những con người từng đi ra từ cuộc chiến, những con người từng ‘quyết tử cho tổ quốc quyết sinh’ lại là những người chửi nhiệt tâm nhất, bởi thành quả cách mạng mà họ những tưởng sẽ ‘tốt đẹp hơn chế độ cũ’ nay đã trở thành tấn bi kịch cho chính cuộc đời họ và con cháu họ.

    Một Thủ Thiêm sừng sững ở phía Nam, nơi từng là nơi ‘chôn giấu cán bộ cách mạng’, lại là nơi bội phản quyền lợi của những con người cách mạng, với chiến lược ‘cướp đất’.

    Ngay cả khi không phải là người già, từng cầm súng vì tổ quốc, thì những người sinh ra trong thời bình lại càng phải nên ‘chửi’ nhiều hơn thế.

    Chửi, trước hết vì tiềm lực quá lớn của một quốc gia, với địa chính trị cực kỳ đặc biệt như Việt Nam lại phát triển không hề tương xứng.

    Chửi, vì đô đốc Hải quân lại bán đất trên bờ, trong khi ngân sách quốc phòng còn khá nhiều hạn chế.

    Chửi, vì tại một quận thuộc thủ đô Hà Nội, lại tìm cách ‘bịa số liệu’ để che giấu hệ quả của một vụ cháy công ty sản xuất bóng đèn, và có phát tán thủy ngân.

    Thậm chí, chửi đôi khi là vì môi trường ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng, các loại thuế phí được đặt ra vô tội vạ để phục vụ cho một nhóm người ‘triệu USD’.

    Một xã hội sẽ bí bách, khi mà quyền được nói, quyền được chửi bị ngăn chặn lại. Và nó càng trở nên khốn cùng hơn nữa, khi mà người ta nhân danh yếu tố ‘chưa từng một lần cầm súng bảo vệ chế độ’ để phê phán những ai ‘chửi bới chế độ’.

    Thay vì nhìn nhận ‘chửi bới chế độ’ như là một phần của cảm xúc xã hội, là hệ quả của một xã hội kiểm soát, và coi đây như một cách để người dân xả van nén, thì người ta lại coi đó như một hành vi phạm tội và đáng lên án.

    Nhưng khi cơ chế vẫn còn tồn tại những khuyết điểm không thể nào bồi lấp được, khi mà thể chế sử dụng con người theo nhóm người gắn liền lợi ích. Nơi ‘do dân, vì dân’ vẫn chỉ là khẩu hiệu được căng trong những dịp lễ tết, thì khi đó, ‘chửi’ vẫn sẽ tồn tại như một quy luật tất yếu. Tất yếu đến mức, nó được ví như một Chí phèo của thời hiện đại, Chí phèo bởi cơ chế, mà lãnh đạo là một Bá Kiến đầy tham quyền và ý chí độc đoán.

    Người dân vẫn sẽ chửi, chửi khi họ còn quan tâm đến nước nhà, và một nhà nước chịu sự thay đổi, chính là chấp nhận tiếng chửi và đối thoại cùng tiếng chửi đó, thay vì tìm mọi cách trừng phạt nó. Và tất nhiên, người chửi cũng phải học cách chửi sao có văn hóa.

    Nguồn. VNTB