Phim hoạt hình Iran rất hay “Tehran Taboo”

0
124

Ngày hôm qua xem được một bộ phim hoạt hình Iran rất hay “Tehran Taboo”, do Đức-Áo sản xuất năm 2017.
Bộ phim kể về câu chuyện của ba phụ nữ và một nam nhạc sĩ sống ở Tehran, những nỗ lực tuyệt vọng của họ trong một xã hội thiếu tự do, dân chủ mà ở đó những luật lệ tôn giáo nghiêm khắc đã tạo ra những tiêu chuẩn kép, và những bi kịch khi người phụ nữ có vị trí, vai trò hết sức nhỏ bé, phụ thuộc.
Trong cái xã hội ấy, một người phụ nữ như Pari phải đi làm gái mại dâm vì cần tiền, cô muốn ly dị hay xin một việc làm nhưng không được vì phải có chữ ký chấp thuận của người chồng nghiện ma túy đang ngồi tù. Để có thể ly dị dù thiếu chữ ký của chồng, cô buộc phải làm gái bao cho một viên thẩm phán, nhưng thực ra ông ta chỉ muốn sử dụng thân xác cô. Tay tài xế taxi, người thản nhiên trả tiền để được Pari phục vụ sex, lại nổi đóa lên khi nhìn thấy một thanh niên đang nắm tay con gái mình đi trên đường. Viên thẩm phán trông nghiêm trang đạo mạo nhưng lại sẵn sàng thu xếp cho Pari trở thành gái bao của mình. Hay một viên chức ngân hàng mẫn cán như chồng của Sara, hàng xóm của Pari, lại tìm đến dịch vụ mại dâm và đụng mặt Pari. Trước đó, cả hai người phụ nữ, Pari và Sara đều không biết rõ về cuộc sống về nhau. Pari tưởng rằng Sara có một gia đình hạnh phúc trong lúc Sara lại khao khát được độc lập, có được công việc “y tá” như Pari vì cô muốn đi làm nhưng chồng lại không cho phép, mà không biết rằng Pari đã nói dối mình. Sara đã từng phá thai 2 lần để không phải ở nhà sinh con, nuôi con, và bây giờ thì tay bác sĩ phá thai chui không chịu phá cho cô lần nữa.
Trong cái xã hội ấy, nam nữ nắm tay nhau đi ngoài đường có thể bị cảnh sát bắt, còn trinh tiết thì vô cùng quan trọng đối với một người con gái, nên Donya, một cô gái trẻ lỡ có quan hệ tình dục phải tìm cách “giải quyết”.
Donya nói với Babak, người nhạc sĩ trẻ có quan hệ tình dục với cô lại một bữa tiệc, rằng cô sắp kết hôn và chồng cô sẽ giết cô nếu biết cô không còn trinh tiết. Cả hai phải tìm đến một dịch vụ phẫu thuật chui để “vá” lại màng trinh, nhưng thật ra Donya cần tiền và muốn bán trinh tiết cho những người đàn ông có tiền từ Dubai thông qua một tay buôn người và theo hắn thì các trinh nữ sẽ có giá cao hơn hẳn.
Những vấn đề về tình dục, tự do cá nhân, ma túy và tham nhũng-mặt dưới của xã hội Iran đều được đề cập trong phim.
Phim kết thúc với những bi kịch không tránh khỏi và những mảnh đời còn lại tiếp tục trong cái vòng quay bế tắc của mình.
“Tehran Taboo” được chiếu trong Tuần Phê bình Quốc tế tại Liên hoan phim Cannes năm 2017, được phát hành tại Hoa Kỳ vào tháng 2 năm 2018 và nhận được rất nhiều đánh giá tích cực cũng như lời khen ngợi từ các nhà phê bình. Trên trang Rotten Tomatoes, bộ phim có tỷ lệ 95% dựa trên 21 đánh giá và xếp hạng trung bình là 7,7 / 10. Trên Metacritic, bộ phim có số điểm là 75 trên 100 từ 5 nhà phê bình.
Có lẽ vì không thể quay một bộ phim với đề tài “nhạy cảm”, và có một số cảnh không phù hợp với những nguyên tắc, luật lệ về tôn giáo, chính trị như xã hội Iran nên phim phải làm kỹ thuật hoạt hình rotoscope. Diễn viên được quay trên phông màu xanh sau đó ghép với background là animation, cảnh vẽ những hình ảnh ở Tehran.
Đạo diễn đồng thời là tác giả kịch bản của bộ phim là Ali Soozandeh, một đạo diễn và nhà làm phim hoạt hình trẻ (sinh năm 1970), người Iran di cư đến Đức từ năm 1995. “Tehran Taboo” là bộ phim truyện đầu tiên của Ali Soozandeh, trước đó anh đã làm một số video ca nhạc, phim ngắn, phim tài liệu hoạt hình…
(P/S: Xem xong bộ phim này phụ nữ VN nói riêng và người Việt nói chung, có lẽ sẽ cảm thấy an ủi rằng cuộc sống ở VN trong một số khía cạnh nào đó, cũng còn dễ thở hơn ở một xứ Hồi giáo nghiêm khắc như Iran, hic)