Những tối quê.

0
54
   

Thanh Hieu Bui

Tôi có bà cô họ tôi người Đình Bảng lấy chồng bên Đồng Kỵ, khi tôi đi bộ đội về, bố tôi bảo sang ở nhà cô học nghề khảm trai.

Đấy là ý của anh tôi, anh tôi đi về đó, thấy làng nghề khảm trai,  chạm trổ ở làng đó phát triển. Muốn tôi về đó học nghề, rồi trở về Hà Nội mở cửa hàng đồ gỗ khảm trai, bèn nói cho bố tôi. Quân xử thần tử thần bất tử bất trung, phụ xử tử vong tử bất vong bất hiếu. Tôi không cãi nửa lời, khăn gói về nhà bà cô họ mà tôi chưa gặp lần nào trước đó, cô tên là cô Hồng.

Cô tôi có 4 đứa con, một ông chồng suốt ngày nát rượu, chú ấy chỉ cần uống hai chén là say, chửi bới, múa võ cà khịa mọi người đi trước cửa nhà. Cô buổi sáng bán hàng bún ngan, mỗi sáng tôi tôi được ăn bán bút có 3 sợi măng và ba mẩu thịt bằng đầu đũa. Bữa trưa chỉ cơm chan với nước dùng bán hàng, hình như bố tôi có gửi tiền ăn cho cô, nhưng tôi không dám hỏi. Lúc ấy ở quê ăn uống kham khổ, nhà lại toang hoác, mùa đông tôi nằm cạnh thằng em con cô tên là thằng Dũng. Nó năm ấy chỉ mười ba hay mười bốn, cơ bắp cuồn cuộn vì suốt ngày đục chạm gỗ, sáng đi học, trưa về cơm xong là vớ búa đục làm những hoa văn thêm tiền cho bố mẹ. Chị nó là cái Dung, chẳng nhớ cái Dung nó làm gì trên những miếng gỗ, nó khảm hay tỉa gì đó thực sự tôi chẳng còn nhớ. Những thứ đó các con cô tôi nhận của người ta về nhà làm thuê, tiền công còi cọc nhưng vẫn chăm chỉ làm.

Cô tôi dẫn tôi sang nhà hàng xóm xin học nghề, ở quê con cái các nhà rất chăm, đi học về là đứa nào đứa nấy vớ đồ làm việc, nhà hàng xóm khá giả nhưng con cái ai cũng chăm chỉ làm việc như thế. Nhà ấy có đứa con gái tên là Nền, nó nhìn tôi lóng ngóng với cái cưa nhỏ cưa vỏ trai nói đùa.

– Nhìn cái mặt này, ở Hà Nội là tướng cướp cũng nên. Thế mới bị về đây học nghề. Chứ ngoài ấy thiếu gì việc ra tiền, ở Hà Nội người ta ngồi chơi cũng ra tiền.

Nền năm ấy 16, thường ở làng đấy con gái đến tuổi 18 là cưới chồng. Lúc 16 là nhiều chàng trai hàng tối kéo đến nhà chơi, có mấy đứa bạn gái của Nền cũng đến. Tôi chơi với anh cái Nền là thằng Công, nó 20 tuổi đã lấy vợ, 22 tuổi đã có con. Tôi năm ấy chưa đầy 21, đã thành lứa trên so với đám bạn trai của cái Nền.

Một lần đám bạn Nền ngồi nói chuyện về nuôi chó, tôi thế nào lại tham gia, tôi kể về con chó tôi nuôi có tên là con Lu, nó bị ốm, rồi nhà tôi bán nó đi, tôi đi học về cứ đi lên chợ chó Long Biên tìm nó, tôi vừa vừa âm thầm lau nước mắt, nhất là khi qua hàng thịt chó, nhìn những con chó thui vàng treo trên móc, răng nó nhe ra trắng nhởn. Ký ức về con chó Lu mãnh liệt đến mức tận năm 2005, tôi đi qua chợ Long Biên còn làm thơ về nó và nước mắt vẫn chảy.

 Lu ơi, hôm nay tao đi xe bốn bánh

Ngang chân cầu Long Biên

Tiền dắt đầy trong túi.

Nhưng…

Chợ chó bây giờ phiêu dạt

Mày đi đâu ngần ấy đoạn trường.

Sở dĩ mở đầu tôi nhắc xe bốn bánh, không phải vì khoe có ô tô, mà lúc xưa tôi mặc quần đùi, đi chân đất, chỉ ước có ông Bụt nào cho tôi tiền, tôi tìm được con Lu và chuộc nó về. Thực sự lúc sau đi ô tô qua chợ Long Biên năm 2005 ấy,  mà đổi con Lu sống lấy cái xe tôi đang đi, tôi cũng không phải nghĩ thêm một phút. Nỗi buồn mất cái xe cùng lắm chỉ nửa tháng, nhưng nỗi đau buồn mất con Lu còn ám ảnh tôi đến tận bây giờ, mỗi khi đi trên đường phố Châu Âu nhìn những con chó được chăm sóc, nâng niu như trẻ nhỏ. Lòng tôi quặn thắt.

Câu chuyện về con chó Lu tối hôm đấy không biết tôi đã kể thế nào, nhưng khi tôi dứt câu chuyện, những chàng trai, cô gái trẻ tuổi đang độ trăng tròn đều im phăng phắc và rớm lệ.

Lúc bạn trung niên, gặp quá nhiều sự bội bạc, phản trắc của đời. Bạn sẽ không nghĩ tôi dở hơi vì con chó năm nào đâu. Cái con chó đã liếm nước mắt trên má tôi, lúc tôi chui vào gầm cầu thang khóc vì bị đánh mắng oan. 

Sau câu chuyện về con chó, từ hôm sau mọi người nhìn tôi bằng con mắt thân thiện hơn, tôi không phải là kẻ bất trị bị gia đình đày về quê, mọi người gần gũi, họ đi chơi sang làng khác cũng rủ tôi đi. 

Đang yên bình thì tôi đánh nhau với bọn trai xóm khác, một mình tôi đánh nhau bốn thằng ở làng khác. Cô tôi sợ quá, đạp xe ra Hà Nội mách bố tôi. Ở quên yên bình, chỉ to tiếng với nhau thôi đã thành chuyện, đằng này mình tôi sang làng khác vác đòn gánh đánh nhau với cả một bọn bên ấy, cô tôi sợ sẽ còn đánh nhau tiếp. 

Bố tôi điều tôi về Đình Bảng, quê của bà Nội tôi. Ở đó còn em bà Nội tôi là ông Tài làm nghề mổ lợn. Bố tôi muốn tôi học nghề mổ lợn, lấy vợ ở đó, bố tôi sẽ mua nhà cho tôi.

Nhà ông Tài khá giả ở quê, nên cuộc sống không kham khổ như bên nhà cô Hồng. Con ông Tài là chú Tâm cũng vừa đi bộ đội về, chú ngang tuổi tôi. Sáng sớm chúng tôi lôi lợn ra chọc tiết, làm lông, xả thịt cho bà và cô mang ra chợ bán. Trưa chúng tôi đi rong khắp các làng lân cận mua lợn bổ sung, trong chuồng lợn nhà lúc nào cũng có dăm con nuôi dự phòng, gặp hôm không mua được thì còn có lợn bán.

Buổi tối cơm xong, bạn của ông tôi lục tục kéo đến nhà uống nước, chơi cờ tướng. Lúc tôi chơi với bạn ông Tài, nếu tôi yếu thế thì ông ủng hộ cho làng ông cái kiểu.

– Ôi cờ Hà Nội vịt lắm, làm sao ăn được cờ Đình Bảng cháu ơi. Hỏng, hỏng, phí công ông nuôi mày, có ván cờ mà không thắng được cờ nhà quê, thì mày còn làm được gì hả cháu. Mày rồi lại mài dao, chọc tiết lợn thôi chứ làm được gì cho đời. Bố mày cho mày về quê ở là phải. Chứ Hà Nội toàn người khôn mới ở được thôi cháu ạ.

Nhưng lúc tôi thắng thế, ông tôi lại nói.

– Ôi dào, người ta có ăn có học, nhìn mặt mũi nó khôn thế kia, thằng này sau nó phải làm lớn, quan lớn ý, chứ không phải quan làng xã như các ông đâu. Làm sao mà các ông đánh lại được nó, nó là kiện tướng cờ đấy, các ông không biết à? Nó nể các ông bạn tôi, nó thả cho mấy nước thôi.

 Quay sang tôi ông bảo.

 -Thôi thằng Hiếu, mày nhẹ nhẹ thôi để các ông đỡ xấu hổ, chứ bạc cả đầu thua thằng trẻ ranh, mai mặt mũi nào mà để làng xóm người ta nhìn nữa. Các ông ý mà sao là mày mang tội đấy cháu ạ.

Có ông đang chơi, vào thế sắp thua không đỡ nổi. Vất đám quân cờ lên bàn xoảng một cái, rồi gắt.

– Chỉ tại ông nói nhiều mà tôi đi nhầm, thôi không bao giờ chơi ở nhà này nữa.

Nói xong ông xỏ dép đi về, nhưng tối mai lại sang chầu rìa, đợi ai thua bật ra là nhảy vào chơi.

Có tối chơi cờ, có tối chú tôi rủ tôi đi tán gái. Chú tôi bảo nếu tao cả mày mà vào nhà nó (ý nhà con gái) mà cứ xưng chú cháu thì không hay, cứ mày tao thôi, tao bảo mày là bạn cùng đơn vị về nhà tao chơi. Có lần tôi cả chú tôi đến nhà một em, trong nhà đã có mấy thằng ngồi. Chú tôi gọi em ấy ra cổng hỏi.

– Hội nào trong nhà em thế?

Em gái nói.

– À, mấy ông anh họ nhà em.

Chú tôi định đạp xe về, tôi ngồi sau giữ lại, hỏi em kia.

– Anh họ bên nội hay bên ngoại hả em?

Em ấy hơi chững người, vì thấy tôi người lạ mà hỏi cũng lạ, rồi nói.

– Anh họ bên nội anh à.

Tôi thản nhiên nói.

– Em vào bảo họ là xin phép họ hôm khác lại chơi, hôm nay có mấy anh họ bên ngoại đến chơi, đang ngoài cửa.

Em ấy bỗng cười rúc rích, rồi chạy vào nói gì, đám kia về chào chúng tôi. Hai chú cháu tôi vào tán hươu vượn đủ thứ, em ấy cứ nhìn tôi nhiều và hỏi nhiều chuyện, lúc về còn bảo chú tôi mai tôi còn ở thì lại sang nhà em ấy chơi.

Nhưng hôm sau thì bố tôi mất, tôi khăn gói về Hà Nội, giã từ nghề đồ tể và ý định lấy vợ ở quê, vì bố tôi mất thì chẳng ai mua nhà ở quê cho tôi ở nữa.

Bà ngoại tôi người làng Phụng Công, Thường Tín. Từ Hồ Gươm về đến nhà bà chỉ mười lăm cây số. Lúc bà ngoại tôi mất, cậu tôi từ Hà Nội về đó ở hương khói, tôi cũng hay về thứ bảy, chủ nhật khi bà vừa mất cho nhà có hơi người. Dần thì cậu tôi không thích ra Hà Nội nữa, ông cũng đã về hưu nên ở luôn quê, tôi về nhiều cũng thành thói quen, tuần nào không về là thấy nhớ. Đó là quãng từ năm 2007 đến 2013. 

Cũng như ở Đình Bảng, tối đến những người lớn lục tục kéo sang nhà cậu tôi uống nước. 

Đầu tiên là một ông già chừng 70 tuổi, ông ấy vào sân nhà hắng giọng.

– Ông Bách có nhà không đấy?

Đèn nhà sáng, cửa nhà mở, cậu Bách tôi không có nhà thì đi đâu. Thế nhưng lần nào ông cũng đắng hắng từ xa như vậy, còn cậu tôi thì hôm nào cũng đáp.

-Dạ có, mời ông vào nhà xơi nước.

Ông già sẽ ngồi ghế, ông nhấp chén nước, rồi tự kể hôm nay ông làm cỏ lúa, hay ông sửa cái chuống trâu, ông đắp cái bờ ao nó bị thủng thoát nước…rồi sau đó là chuyện con nhà nọ, nhà bà kia thế nào, làm gì, vừa mua cái gì. Khi ông kể đoạn đầu thì cũng là lúc các ông khác lục tục kéo đến, họ uống nước chuyện một hồi thì chuyển sang đánh chẵn hay tá lả cò con vài nghìn, suông 4 nghìn dịch 2 nghìn nếu là đánh chẵn, còn tá lả thì 2,4,6 ù 10 nghìn. Đến tầm 11 hay 12 giờ thì tan. Được thua chỉ vài lít xăng, nhưng có người thua cứ chẳng chịu về , ngồi hút thuốc lào liên tục nhả khói lên trần để ngẫm nghĩ tại sao ván đó mình đánh cây kia cho nhà dưới ù mất.

Trời Âu đã sang đông, 4 giờ trời đã tối, ở đây buổi tối dài dằng dặc. Nhà ai nhà ấy đóng kín cửa, ngoài đường vắng lặng, lại vào lúc dịch hoành hành nên chẳng hàng quán gì mở. Nhiệt độ có lúc tối chỉ 2 độ C. Cứ ngồi miên man với ấm trà và ký ức, bỗng giật mình cảm tưởng có ai hắng giọng phòng ngoài.

– Ông Hiếu có nhà không đấy?

https://www.facebook.com/hieugio1972/posts/pfbid0DtnUFQocR84JezZWcWV2pEH6jRzuQgcUUnRyLhDwYkYe3Pe5JgkMemFSbHrt9Qmml

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here