Câu này được nhắc lại ở đầu mỗi kỳ: Đây là biên chép về hiện thực cuộc sống thời gian bị dịch Covid-19 năm 2021, năm căng thẳng nhất trong cơn dịch thế kỷ.
4.9
Cô Nguyễn Thùy Dương, người từng nổi tiếng trong vụ ném dép vào “bà hồng phúc” Nguyễn Thị Quyết Tâm trong vụ Thủ Thiêm, vừa bị công an phạt 5 triệu đồng về “tội” đăng video sai sự thật.
Sai làm sao? Cô Dương đi làm từ thiện, trao gạo cá rau mì cho những nhà thiếu đói nhưng nhà chức việc lấy lý do giãn cách không cho đi. Cô Dương quay vieo chuyện này, phê phán chính quyền bỏ dân đói, không cho dân khu bị phong tỏa nhận đồ cứu trợ, rồi phát lên mạng. Cô lên FB kể lại rằng nghe công an thông báo phạt xong, cô bảo phạt thì phạt nhưng mình không sai.
Một tờ báo nước Bỉ, tờ Metrotime ngày 3.9 nhận xét Hà Nội trong cơn dịch Covid là cái nhà tù. Nó giật tít “Hà Nội như cái nhà tù lộ thiên” khi phản ánh về chuyện ngăn cản, cấm đoán đi lại, chặn đường lập chốt, xét hỏi giấy tờ, yêu cầu “ai ở đâu thì ở đó”… Truyền thông báo chí mậu dịch ngay lập tức được lệnh lên tiếng phản đối báo Bỉ.
Nhà báo Ngô Bá Nha (Ben Ngo) viết trên FB rằng báo Bỉ nói đúng sự thực đã không tiếp thụ lại còn tự ái. Nhưng nhiều người bảo họ tự ái cũng có lý của họ. Lâu nay được ca ngợi, tự tôn vinh là thành phố hòa bình, điểm sáng, nơi đáng sống, mặt trời tỏa sáng rực rỡ, nay có đứa sổ toẹt như thế thì dỗi là phải. Chả ai, nhất là chính quyền, muốn Hà Nội bị chê là nhà tù, dù sự thực nó giống như nhà tù trong cơn đại dịch.
5.9
Nhà báo Tâm Chánh (cựu Tổng biên tập báo Sài Gòn tiếp thị) nhận xét về việc cấm đoán đi lại ở Sài Gòn, mà dân chúng gọi là lockdown, thiết quân luật. Ông viết: Sau rất nhiều bài học, người ta (chính quyền) vẫn chưa hiểu nổi thế nào là thành thị, hay vẫn ngu muội tin rằng quyền lực nhà nước là vô biên. Không có nhiều lựa chọn lắm đâu.
Nhà thơ Đỗ Trung Quân, ông la hán gầy nổi tiếng với quê hương là chùm khế ngọt, than thở “3 tháng bị phong tỏa, cứ 16 + mãi thế này, không phải lockdown thì là cái của nợ gì hở trời”.
Chính phủ và Bộ dục quyết khai trường mặc dù dịch đang cực kỳ căng thẳng, chưa tới đỉnh, người nhiễm và người chết mỗi ngày một nhiều. Họ tuyên bố nơi nào có dịch thì tổ chức học trực tuyến. Cứ vào năm học mới, không oong đơ gì sất.
Báo Thanh Niên có bài điều tra, thống kê trong tổng số gần 700.000 học sinh trung học thì có khoảng 17.000 em không có thiết bị, máy móc tối thiểu để học trực tuyến, nhà không có đường truyền internet, hơn 5.000 em tuy có điện thoại thông minh nhưng nhà không có wifi, chưa đăng ký mạng. Trong tổng số 647.253 học sinh tiểu học thì có tới 53.349 em gia cảnh rất khó khăn, không đủ điều kiện để học trực tuyến, trong số này có 19.669 em nhà rất nghèo, cha mẹ anh chị chạy ăn từng bữa, đến cái điện thoại rẻ tiền của Trung Quốc để học trực tuyến cũng không sắm được, 3.633 em gia đình không có đường truyền internet, 11.186 em nếu có cố học trực tuyến thì cũng chỉ một mình, không có ai hỗ trợ bởi người lớn phải đi làm kiếm sống…
Báo Tin Tức của TTXVN đăng bài “Tận cùng của sự thâm độc” lên án gay gắt những người mà tác giả bài báo cho rằng đã cố tình xúc phạm, dám đưa cả hình ảnh bộ đội giúp dân chống dịch ra đùa cợt. Bài báo yêu cầu chính phủ, công an phải có biện pháp mạnh trừng trị, phạt thật nặng, thậm chí khởi tố truy tố việc chống lại chủ trương chính sách của nhà nước, bôi xấu hình ảnh bộ đội cụ Hồ. Giọng điệu trong bài hệt như mấy chục năm trước, không khác gì thời cải cách ruộng đất, nhân văn giai phẩm, nội chiến. Ông hàng xóm nhà tôi bảo đám hồng vệ binh thông tấn xã thì ai còn lạ. Ăn cơm chúa, múa tối ngày, không cần biết hay dở, phải trái, trắng đen, tốt xấu.
Nguyễn Thông (ghi)
Advertisement