Những người giàu ở đâu?

    0
    230
    Ngày càng nhiều người giàu Việt Nam tìm cách ra nước ngoài sinh sống. Ảnh: Oaken Financial.
    FB Luân Lê

    4-9-2017

    Hãy trả lời cho tôi những câu hỏi dưới đây, chúng ta sẽ rõ vị trí của họ trong xã hội.

    Đó là những tỷ phú, họ ở đâu khi cả đất nước còn tới 25% hộ nghèo, đói ăn? Hàng chục vạn (hàng trăm ngàn) cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp và ngày càng tăng lên? Tỷ lệ làm việc trái ngành là trên 70%?

    Tỷ lệ người giàu trong lĩnh vực khoa học bằng 0%? Và người đi lên từ bất động sản chiếm hầu hết trong số những người giàu nhất Việt Nam? Tỷ lệ người giàu chiếm 2-3% dân số và sở hữu tới trên 90% tài sản của cả xã hội?

    Ngành nông nghiệp và nông dân chiếm tới 80% dân số? Đã có rất nhiều người giàu từng được mệnh danh là doanh nhân thành đạt rồi vào tù hàng loạt?

    Tỷ lệ xuất khẩu lao động, lấy chồng nước ngoài và những người di cư ra khỏi quốc gia ngày càng nhiều, như dưới dạng đầu tư tới 3 tỷ đô-la chỉ tính riêng vào Mỹ trong 10 năm qua (còn qua các nước châu Âu, Úc, Newzeland thì sao)?

    Số người bệnh ung thư tăng lên đến nay trung bình khoảng 315 người chết/ngày (khoảng 100.000 người/năm)? Số người chết vì tai nạn giao thông luôn khoảng 10.000 người một năm, đó là con số thống kê chết tại chỗ. Môi trường ô nhiễm và suy thoái ngày càng trầm trọng? Tình trạng giao thông ngày càng khủng khiếp?

    Nợ công quốc gia ngày càng tăng lên nhanh chóng, đến nay bằng khoảng 65% tính trên Tổng thu nhập quốc dân (GDP) – tức khoảng 30 triệu/người? Tình trạng tham nhũng đứng thứ 2 châu Á? Tình trạng luật pháp rối rắm mà họ vẫn ăn nên làm ra?

    Giáo dục ngày càng tệ đi vì bệnh thành tích, đồng phục, chảy máu chất xám và số lượng tiến sỹ, giáo sư đạt con số kỷ lục châu Á, nhưng gần như không có phát minh nào cho khoa học và thuộc dạng ít có công bố quốc tế nhất khu vực Asean và trên thế giới?

    Tình trạng người lao động bị nợ bảo hiểm xã hội, bị chèn ép, mất việc gia tăng và lương công nhân Việt Nam thuộc hàng thấp nhất cũng như năng suất kém nhất khu vực Đông Nam Á?

    Nếu giải thích được những nhịch lý đó thì chúng ta mới có thể thấy được những tỷ phú giàu lên có giá trị cho xã hội, cho quốc gia hay không, hay chỉ có một nhóm người hưởng lợi từ chính sách do họ được hậu thuẫn (từ quyền lực hậu trường) mà nên?

    Trên tạp chí Forbes, có hai cách tính về tài sản để xếp thứ hạng: thứ nhất, đó là tính giá trị tài sản ròng (thực có, như bất động sản và tài khoản trong ngân hàng – Trump là một tỷ phú giàu thực theo cách tính này); hoặc, thứ hai, tính tổng tài sản vốn hoá mà người đó sở hữu, trong đó bao gồm cả giá trị có thể giao dịch (như hợp đồng, thương hiệu và cổ phiếu trên sàn – cách tính này dễ bị gây ảo cho giá trị tài sản những người được xếp hạng). Và những tỷ phú Việt Nam được tính theo cách thứ hai (và như thế một kẻ giàu sổi bằng những tấm giấy ghi danh như FLC vẫn có mặt trong danh sách này).

    Và tại sao những người giàu ở phương Tây họ rất hãnh diện và tự hào khi họ giàu có (nhiều trong số đó là nhờ khoa học, công nghệ), nhưng họ lại sống giản dị đến lạ thường, còn ở ta giàu có thì phải che đậy, hoặc ngược lại, ăn chơi sa đoạ và thậm chí thể hiện phô trương một cách ngông cuồng, kể cả hãm hại hoặc chà đạp những giá trị thuộc về con người?

    Vấn đề không phải tổng giá trị tài sản họ sở hữu trong tay, mà là làm cách nào họ có được chúng và họ đóng góp gì cho công cuộc gây dựng giá trị quốc gia.

    Đó mới là giá trị của người giàu đối với xã hội.