Nghèo Đói 101: Những Điều Hai Bên Tả – Hữu Có Thể Học Hỏi từ Nhau

0
21

Người Thông Dịch

David Kuo (1968-2013) sinh thời là Cố vấn Đặc biệt cho cựu TT George W. Bush và là tác giả quyển sách Cám dỗ Đức tin (Tempting Faith) từng có tên trong Danh mục Sách Bán chạy của báo New York Times.

Ngày 1 tháng 9, 1997

Translated from Brookings Institution article Poverty 101: What Liberals and Conservatives Can Learn from Each Other

Thế kỷ 21 đã bắt đầu bằng một hệ thống phúc lợi mới mang đến những sự thay đổi cơ bản về cách mà nước Mỹ chăm sóc cho những người dân thất thế hơn trong xã hội do nghèo, do lệ thuộc, do thất nghiệp và bị bạo hành. Luật cải cách an sinh 1996 là thành quả sau cả thập kỷ của liên tiếp những cuộc tranh luận gắt gao về bản chất thật của sự cải cách này.

Một bên, những người cải cách thiên hữu/bảo thủ yêu cầu những điều kiện như chứng minh việc làm từ người nhận trợ cấp, ngăn chặn hưởng trợ cấp bất chính, và giảm các quyền hưởng trợ cấp nói chung. Phía bên kia, những người cải cách thiên tả/tự do cũng hướng tới điều kiện làm việc và chính sách hỗ trợ việc làm tốt hơn, nhưng họ muốn giữ nguyên những đặc điểm cơ bản của hệ thống an sinh xã hội.

Căng thẳng trong cuộc tranh luận trước đây thường xuyên bị đẩy lên cao trào, nhưng có lẽ khoảng lặng trước cuộc tranh luận kế tiếp sẽ cho cả hai bên cơ hội để học hỏi lẫn nhau – nhất là trong công cuộc tái tạo một xã hội văn minh và tạo điều kiện cho các lĩnh vực tư nhân cùng tham gia chăm sóc các cá nhân cần sự giúp đỡ.

Bắt đầu với phe thiên tả/tự do. Đức tin rất quan trọng. Oái oăm thay cho truyền thống an sinh xã hội có nguồn gốc từ phong trào phục hưng tôn giáo trong lịch sử Mỹ của cánh tả/ tự do, nhiều người ngày nay thừa nhận niềm tin tôn giáo là một điều thiết yếu, nhưng đồng thời lại làm ngơ – hay thậm chí là chống đối – tiềm năng của đức tin như một chất xúc tác có thể mang đến sự thay đổi lớn trong đời sống. 

Ví dụ, trong cuộc tranh luận trước về an sinh, việc Thượng Nghị sĩ John Ashcroft (R-MO) đưa ra điều khoản chỉnh sửa “quyền lựa chọn từ thiện” (charitable choice) cho phép các tiểu bang ký hợp đồng với các tổ chức tư nhân và tôn giáo bằng ngân sách liên bang đã hứng chịu sự công kích từ nhiều cá nhân theo cánh tả. Tuy nhiên mục đích của nó chỉ đơn thuần là tạo sự công bằng cho các tổ chức phi lợi nhuận xây dựng trên nền tảng đức tin.

Rất nhiều bằng chứng từ các hội nhóm với thiên hướng chính trị khác nhau như Heritage Foundation và Public/Private Ventures cho thấy đức tin không chỉ quan trọng, đó còn là một nhân tố trong việc xác định một đứa trẻ đang sống với những rủi ro tiềm tàng, một bà mẹ nhận trợ cấp, hay sự khả thi trong việc hoà nhập cộng đồng, làm lại cuộc đời của một tù nhân. Những người thiên tả/tự do cần phải chấp nhận điều này. Trong năm tới, họ sẽ có nhiều cơ hội để làm điều đó với những nỗ lực khuyến khích tôn giáo tham gia vào an sinh xã hội, bao gồm lợi tức thuế khi tham gia từ thiện và áp dụng nhiều hơn các biện pháp cho phép lựa chọn từ thiện. 

Tiếp theo đây là về những người thiên hữu/bảo thủ. Những chính sách của chính quyền đưa ra có khả năng, và đã mang lại lợi ích cho người dân. Chỉ trong vòng vài thập kỷ đổ lại, nhờ chính sách tem phiếu thực phẩm (food stamps), nạn đói và suy dinh dưỡng đã không còn là vấn nạn xã hội trầm trọng như trong quá khứ. Nhờ việc hệ thống hóa chương trình bảo hiểm sức khỏe liên bang dành cho người cao tuổi hay Medicare và Bảo hiểm Xã hội (Social Security) hiện tại tỷ lệ người cao tuổi sống trong tình cảnh nghèo khổ là 1 trong 10 người so với 1 trong 3 người trước đây. Đây là những thành công chưa từng có trước nay về mặt chính sách xã hội. 

Bất chấp nhiều trường hợp thất bại được ghi nhận, nhất là đối với gia đình, cuộc chiến chống đói nghèo đã thay đổi diện mạo của sự nghèo đói. Bài học cho cánh hữu/bảo thủ là: giữ gìn những dịch vụ an sinh xã hội không phải phụ thuộc vào tiền mặt cho người nghèo, đặc biệt là trẻ em, là điều tối yếu để ngăn ngừa sự phụ thuộc trợ cấp trong tương lai. Giáo sư Susan Mayer của Đại học Chicago trong cuốn sách Cái gì Không thể Mua được bằng Tiền (What Money Can’t Buy) của mình đã chỉ ra 2 điểm quyết định của tương lai một đứa trẻ: thứ nhất, những nhu cầu cơ bản nhất của nó được đáp ứng; và thứ hai, nó được nuôi dưỡng bởi cha mẹ có phẩm cách. Về mặt pháp lý thì không thể làm được gì nhiều để đảm bảo cho yếu tố thứ hai, nhưng trên thực tế, việc cải thiện cơ chế dịch vụ của những chương trình như Medicaid (trợ cấp y tế cho người nghèo) để người sử dụng có thể tiếp cận dịch vụ với chất lượng tốt hơn nên là trọng tâm trong cương lĩnh của phe thiên hữu/bảo thủ.

Phe thiên tả/tự do nên có thêm niềm tin vào khối tư nhân. Vốn dĩ luôn hoài nghi những khẳng định chắc nịch từ cánh hữu/bảo thủ rằng khối tư nhân có thể thay thế các chính sách lâu năm của nhà nước trong một sớm một chiều, một số người thiên tả/tự do có vẻ tin rằng năng lực của khối tư nhân là rất thấp, trong khi tiếp tục bám lấy niềm tin rằng sự trắc ẩn thực sự tỉ lệ thuận với chi tiêu ngân sách liên bang cho an sinh xã hội. Trên thực tế, một hệ thống từ thiện dựa trên thị trường tự do cùng với sự khuyến khích khởi nghiệp để giải quyết các vấn đề xã hội mới là hy vọng thật sự để tạo ra sự thay đổi lớn.

Hãy nhìn vào những điển hình như chương trình “Ông ấy Hài lòng” (He is Pleased, viết tắt là HIP) ở tiểu bang Delaware, được thành lập bởi nhà quản lý quỹ đầu tư tập thể giàu có Foster Friess, chúng ta thấy rõ một bằng chứng rằng phân khúc xã hội cũng là một thị trường như mọi phân khúc khác, với một điểm khác biệt: thay vì về tài chính thì ở đây lợi nhuận mang tính cảm xúc cá nhân. Chương trình HIP giúp đỡ những người vô gia cư ngoài đường phố trở thành người lao động toàn thời gian. Bắt đầu nhờ tiền đầu tư từ ông Friess vài năm về trước, HIP đã hỗ trợ thay đổi cuộc đời của khoảng 100 người vô gia cư. Dựa trên sự siêng năng (được trả lương để dọn dẹp thành phố trong khoảng thời gian 90 ngày) và kỷ luật nghiêm khắc (không chấp nhận trễ nải, bắt buộc xét nghiệm chất kích thích), HIP là một tổ chức trong phân khúc xã hội tương đương với Apple hay Sun Microsystems 20 năm về trước: hiện đại, lạc quan, và thách thức những hình thức thiện nguyện sẵn có. Rất nhiều chương trình như vậy đã mọc lên như nấm trên toàn quốc – đó là niềm hy vọng lớn nhất để thay đổi và cần được ủng hộ.

Đồng thời, những người thiên hữu/bảo thủ cũng không được tin tưởng mù quáng vào khối tư nhân. Họ đôi khi bị cuốn vào lối tư duy rằng mọi chương trình nhà nước đều xấu cũng như mọi chương trình từ thiện tư nhân đều tốt, nhưng cả 2 điều đều khá là sai.

Những người thiên hữu/bảo thủ không nên nhìn các chương trình từ thiện tư nhân qua lăng kính màu hồng. Trước công chúng, họ đòi hỏi phải lựa chọn giữa chính quyền hay từ thiện tư nhân như giữa Bộ Quy hoạch Địa ốc và Đô thị (Housing & Urban Development Department, viết tắt là HUD) hay Môi trường cho Nhân loại (Habitat for Humanity, một tổ chức phi chính phủ); giữa Bộ Y tế và Nhân sinh (Health & Human Services Department, viết tắt là HHS) hay Hội Chữ Thập Đỏ (Red Cross) trong khi biết chắc câu trả lời. Nhưng khi làm vậy, cánh hữu/bảo thủ đang phớt lờ thực tế rằng nhiều tổ chức lớn nhất và danh tiếng nhất, với kinh phí hoạt động hàng tỉ đô la và được biết đến trên toàn quốc, hoạt động không khác gì người đại diện cho hệ thống trợ cấp chính phủ trên danh nghĩa tư nhân. Những nhóm như Con đường Thống nhất (United Way), Ái Hữu Công giáo (Catholic Charities), và Hội Chữ Thập Đỏ đều nhận không ít hỗ trợ về kinh phí từ chính quyền liên bang. Không phải tự nhiên mà những mục đích, phương pháp và định hướng của họ đều phản ánh mô hình phi cá nhân, bộ máy quan liêu và sự hỗ trợ trong đời thực của chính quyền, nhưng lại hoàn toàn không phải là sự trợ giúp mà người ta cần. Những người thiên hữu/bảo thủ đã từng đi đầu chỉ trích chính quyền giờ đây cũng nên đi đầu chỉ trích khối tư nhân – chỉ ra điều tốt, điều cao thượng, và điều xấu. Uỷ ban Toàn Quốc về Thiện nguyện và Tái lập Dân sự (National Commission on Philanthropy and Civic Renewal) là một bước tiến cần thiết theo hướng này.

Công việc: Bước đầu đánh bại cái nghèo

Những người cánh tả/tự do cần phải đánh giá cao hơn tầm quan trọng của việc làm – mọi công việc. Họ quá thường xuyên chú trọng vào sự có sẵn của những công việc “tốt” mà không màng đến việc khuyến khích tuyển dụng. Việc xem nhẹ những công việc “lương thấp” dù vô tình hay hữu ý thì họ lại đang truyền tải thông điệp rằng có công ăn việc làm không quan trọng, chỉ có những công việc “tốt” mới tính. Về phần cánh hữu/bảo thủ, họ cần phải nghĩ đến những rào cản ngăn chặn người từ nhận trợ cấp định kì sang đi làm ăn lương. Chuyển từ nhận trợ cấp sang làm một công việc lương thấp, họ sẽ mất những khoản trợ cấp y tế cho con cái của mình – một rào cản mang tính hệ thống khiến người nhận trợ cấp chùng chân, đắn đo việc đi làm.

Phần lớn các nghiên cứu cho thấy tìm được và giữ được việc làm là bước quan trọng nhất để đánh bại đói nghèo. Tìm việc làm và giữ được công việc không chỉ đơn thuần là nguồn cung cấp tài chính, mà còn mang lại phẩm giá và cảm giác thành tựu. Một ích lợi khác là đảm bảo được tăng lương trong hầu hết trường hợp. Mặc dù tập trung vào huấn luyện và tạo cơ hội việc làm, cánh tả/tự do lại không tập trung đúng mức vào việc sử dụng nguồn nhân lực. Những bằng chứng sơ bộ từ số liệu tiểu bang dường như cho thấy luật mới về an sinh xã hội tạo ra động lực thúc đẩy sự thay đổi từ những người đang hưởng trợ cấp. Ở đây không phải nói rằng tất cả họ đã hay sẽ tìm được việc làm, nhưng đó là một bài học quan trọng – và đôi khi, như Thống đốc tiểu bang Wisconsin – Tommy Thompson – cho thấy, cần sự hỗ trợ tài chính liên bang. 

Nghèo đói: Một thực trạng nhức nhối 

Lời cuối cùng dành cho những người theo cánh hữu/bảo thủ. Sự nghèo đói ở Mỹ là điều có thật. Một số người bảo thủ dường như cho rằng sự nghèo đói là một “phát minh” của phe cánh tả với vấn đề chủ yếu nằm ở sự lười nhác và thiếu chu toàn trong quản lý tiền bạc.

Mặc dù sự nghèo đói có thể không mang tính sống còn như trước đây, nhưng nó vẫn có thể trở nên đen tối và tuyệt vọng. Những trường hợp như hồi ký Không có đứa trẻ nào ở đây (There Are No Children Here) và Lật tung sỏi đá (Turning Stone) cho thấy sự nghèo đói không chỉ nằm đơn thuẩn ở sự túng quẫn, thiếu thốn, dù những tàn phá của nó có thể biến trẻ em thành những “ông/bà cụ non” – những đứa trẻ ít tuổi nhưng đã chứng kiến và trải nghiệm những điều khủng khiếp ngoài sức tưởng tượng của nhiều người trưởng thành.

Thừa nhận về thực trạng nghèo đói ở Mỹ có lẽ là điều quan trọng nhất mà những người thiên hữu/bảo thủ có thể học được từ những người thiên tả/tự do. Điều đó chắc chắn sẽ thay đổi giọng điệu của chủ nghĩa bảo thủ. Họ sẽ thành công hơn trong việc xóa bỏ hệ thống trợ cấp nếu như họ từ bỏ những lập luận cho rằng người nghèo ở Mỹ đều “không tồn tại” hay “không đáng được giúp đỡ”.

Niềm hy vọng rằng người thiên tả/tự do và thiên hữu/bảo thủ có thể dành thời gian học hỏi lẫn nhau về vấn đề nghèo đói bắt nguồn từ nền tảng chung mà họ đã đạt được sự đồng thuận: sự cần thiết phải củng cố khối dân sự ở Mỹ. Chỉ trong vòng 5 năm vừa qua, các chính trị gia, bình luận gia, học giả theo đảng phái chính trị khác nhau đã đi thừa nhận hy vọng và câu trả lời thực sự cho những vấn đề xã hội nan giải lâu năm của nước Mỹ sẽ đến từ “xã hội dân sự”.

Sự đồng thuận bắt nguồn từ việc công nhận sức mạnh và năng lực vượt xa những gì chính quyền có thể có của các cộng đồng, nhóm dân sự và tôn giáo. Những nhóm này dự phần trong cuộc sống những người cần được giúp đỡ một cách chủ động và mật thiết. Họ chia sẻ những quy tắc giống nhau về trách nhiệm đạo đức như sự hướng dẫn trong đời sống hằng ngày cũng như dẫn dắt khi lạc lối. Họ có mang bên mình những yếu tố đức tin có khả năng chạm đến trái tim con người một cách kỳ diệu hơn là những tờ séc và phiếu giảm giá.

Nếu sự đồng thuận này có thể tìm được cách để nảy mầm và phát triển trong bầu không khí độc hại của cuộc tranh luận lần trước, hy vọng rằng, trong phút bình yên sau cơn bão, hai bên sẽ xích lại gần nhau hơn và thổi luồng sinh khí mới vào cuộc sống của chúng ta.

Edited by Helen Nguyen

Nguồn : https://www.the-interpreter.org/post/ngheo-doi-101-nhung-dieu-hai-ben-ta-hu-co-the-hoc-hoi-tu-nhau