KHÔNG THỂ LÀ EMAIL CUỐI CÙNG

0
42
Nhà văn Phạm Đình Trọng và TS Nguyễn Thanh Giang
   
Ở Hà Nội tôi có hai người anh thân yêu: anh Phạm Quế Dương và anh Nguyễn Thanh Giang. Anh Phạm Quế Dương là một nhân cách văn hóa mặc áo lính. Trước khi nghỉ hưu anh là Tổng biên tập tạp chí Lịch sử Quân sự. Anh Nguyễn Thanh Giang là nhà khoa học địa chất và là một nhà tư tưởng, nhà lí luận chính trị sắc sảo.

Những năm 80 thế kỉ trước, nhà anh Phạm Quế Dương và nơi tôi làm việc cùng trên phố nhà binh Lý Nam Đế và chỉ cách nhau vài khối nhà. Ngày đó, anh Phạm Quế Dương thường xuyên tìm đến tôi để đưa tận tay tôi những bản photo những bài viết chọc thủng sự tuyên truyền dối trá cộng sản và sự bưng bít sự thật. Loại bài đó ngày nay dễ dàng tìm thấy trên những trang web Basam, Boxitvn, Danlambao, Danchimviet . . . nhưng ngày đó internet còn quá hiếm hoi, những trang báo mạng chưa có và những bài viết như vậy cũng vô cùng hiếm.

Những năm 80 thế kỉ trước, anh Phạm Quế Dương đã mang đến cho tôi ánh sáng dân chủ xé toang bóng tối độc tài như những năm 30 những người cộng sản mang đốm lửa cách mạng vô sản đến với những người nông dân đói khổ. Chỉ khác là ngày nay trong tăm tối độc tài, chúng tôi khao khát tự do dân chủ và anh Phạm Quế Dương đã mang đến ánh sáng dân chủ còn những nông dân đói khổ hơn nửa thế kỉ trước chỉ có khao khát tột cùng là cơm áo thì những người cộng sản chỉ mang đến cái bánh vẽ “người cày có ruộng” và mang đến cái có thật là hận thù và máu lửa đấu tranh giai cấp rồi đẩy những người nông dân đói khổ thiếu học, thiếu hiểu biết vào cuộc thanh toán giai cấp vô nghĩa, mất tính người nhưng đẫm máu và kéo dài triền miên không có điểm dừng.

Qua anh Phạm Quế Dương tôi biết anh Nguyễn Thanh Giang và mhững bài viết đầu tiên của tôi về dân chủ đều do anh Nguyễn Thanh Giang đặt hàng viết cho tập san Tổ Quốc. Năm 2007, ra Hà Nội để tham gia đoàn nhà văn Việt Nam sang hội thảo văn chương ở Konkata, Ấn Độ, tôi đến thăm anh Giang liền được anh Giang đặt tôi viết bài về chuyến đi này.

Từ Ấn Độ về, tôi gửi email ngay cho anh Nguyễn Thanh Giang bài viết Nghĩ Suy Từ Ấn Độ. Cũng bị mất độc lập bởi sự xâm lược của nước Anh, đất nước Ấn Độ lại bị chia rẽ sâu săc bởi tôn giáo và đẳng cấp xã hội, nhưng với tư tưởng bất bạo động, chọn con đường đấu tranh chính trị và đấu tranh nghị trường, Mahatma Gandhi đã giành được độc lập thực sự cho Ấn Độ từ năm 1947. Độc lập thực sự và bền vững đến hôm nay đã đưa Ấn Độ trở thành cường quốc nguyên tử.

Cùng hoàn cảnh lịch sử đó, những người cộng sản Việt Nam chọn con đường bạo lực đã đẩy đất nước Việt Nam vào những cuộc chiến tranh đẫm máu, triền miên suốt ba mươi năm. Gần chục triệu người Việt bị nướng trong lò lửa chiến tranh đó. Cả dãy Trường Sơn hùng vĩ bị đốt cháy và băm nát để chỉ giành được nền độc lập hình thức, mong manh và bị trói buộc vào hệ tư tưởng cộng sản khát máu, không bị trói buộc vào nước Nga Xô viết cũng bị trói buộc vào nước Tàu Cộng Đại Hán. Tôn sùng bạo lực. Nhà nước thành độc tài. Người dân thành nô lệ. Người trung thực thành thù địch. Xã hội tối tăm và tụt lại sau ngày càng xa với thời đại.

So sánh nền độc lập của Ấn Độ và Việt Nam, Nghĩ Suy Từ Ấn Độ đi đến cái kết: Điều nguy hại hơn cả là suốt hơn nửa thế kỉ giành và giữ chính quyền bằng bạo lực cách mạng vô sản, nhà nước cộng sản Việt Nam đã coi chính quyền tồn tại bằng bạo lực như một lẽ đương nhiên, như là điều bình thường. Một xã hội dân sự yên hàn nhưng chính quyền vẫn chuyên chính với dân, vẫn dùng bạo lực trả lời những ý kiến khác biệt thì không thể bình thường. Xài bạo lực quá lâu đã trở thành nghiện, khi ấy bạo lực đã trở thành ma túy của nhà cầm quyền! Quá nghiền, quá ỷ vào bạo lực, làm sao có thể nói đến dân chủ! Đó là một hệ lụy đau đớn do con đường bạo lực cách mạng vô sản mà những người cộng sản Việt Nam rước về cho đân tộc Việt Nam khốn khổ.

Anh Giang email cho tôi khen bài viết và anh cho biết bài viết được nhiều người đọc. Từ ngày đó, email không chỉ là đường dây thông tin mà còn là đường dây tình cảm của anh Giang và tôi. Anh Giang và tôi có bài viết mới đều gửi email cho nhau.

Tối 23.11.2016, tôi gửi cho anh Giang bài viết về ông thầy ở trường đại học Viết Văn Nguyễn Du của tôi. Một ông thầy dạy ngữ văn ở nhiều trường đại học mà khi nghe ông tỉnh ủy viên, trưởng ban tuyên huấn tỉnh ủy than rằng làm tuyên huấn của tỉnh nhưng ông phải chịu thiệt thòi chưa được học lí luận bài bản ở trường đảng Nguyễn Ái Quốc thì ông thầy văn chương liền bất ngờ bật ra câu nói như đã nung nấu từ lâu: Anh không được đi học là may. Học cái sai thì càng học càng ngu. Đất nước mình khốn khổ như hiện nay là vì cái ngu đó.

Gửi bài cho anh Giang tối hôm trước ngay hôm sau, 24.11.2016, tôi nhận được email trả lời của anh Giang

Anh Trọng ơi
Nhận được thư này rất mừng. Đang định gọi điện thoại kiểm tra sức khỏe của anh xem thế nào mà đã vài tuần nay không thấy bài của anh
Anh vẫn khỏe. Thế là mừng rồi
NTG

Nhớ lời anh Giang hẹn, khi nào tôi ra Hà Nội, tôi và anh sẽ tổ chức chuyến đi chơi đâu đó, rất cần gặp anh Giang ở skype để bàn về chuyến đi, tôi liền reply thư anh Giang: Lúc nào có thể được, anh cho em gặp anh ở skype, có việc em muốn nói với anh.

Mọi lần, thư của tôi đều được anh Giang trả lời tức thì. Lần này, ba ngày sau vẫn không có thư trả lời, tôi liền phôn và nhắn tin điện thoại cho anh. Chuông điện thoại đổ dồn mà không có người nhận cuộc gọi. Tin nhắn không hồi âm. Tôi đang nghĩ đến những tình huống bất thường có thể xảy ra thì tối 4.12.2016, nhận được email của anh Lê Anh Hùng:

THÔNG BÁO
TS Nguyễn Thanh Giang, một nhà đấu tranh dân chủ kỳ cựu, thành viên Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, đã bị tai biến mạch máu não từ 10 hôm nay. Hiện ông đang nằm điều trị tại phòng 208, khoa Thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô (Số 1 Trần Khánh Dư, Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Mặc dù năm nay đã 80 tuổi, nhưng ông vẫn luôn đau đáu dõi theo tình hình đất nước, vẫn đều đặn đăng các bài viết chính luận trên các trang mạng trong và ngoài nước, vẫn thường xuyên tiếp xúc, gặp gỡ những người bất đồng chính kiến, những anh em đấu tranh dân chủ trẻ tuổi cũng như bà con dân oan.
Xin thông báo để các thành viên trong Hội được biết. Mong mọi người quan tâm, chia sẻ và cùng cầu nguyện cho ông.

Ý định có từ trước về chuyến đi Hà Nội của tôi liền được thực hiện ngay. Ra Hà Nội tối hôm trước, sáng hôm sau tôi đón xe bus đến bệnh viện Hữu Nghị, vào phòng 208 khoa thần kinh thăm anh Giang thì người cùng phòng nói ông Giang đã chuyển viện về Thái Hà từ chiều hôm trước. Đón xe bus trở về và sau nhiều cuộc điện thoại tôi mới biết nơi người bệnh Nguyễn Thanh Giang chuyển đến là bệnh viện châm cứu trung ương đường Thái Thịnh, quận Đống Đa.

Tôi đến bệnh viện châm cứu. Anh Giang đang ngồi trên xe lăn hướng ra cửa phòng nhưng khi tôi đến trước anh, nét mặt anh vẫn vô cảm. Đứa cháu ngoại và người giúp việc đỡ anh lên giường. Mắt anh hé mở khi tôi cúi xuống sát anh. Dường như lúc này anh mới nhận ra tôi, anh nấc lên, mắt đỏ hoe rưng rưng.

Ngồi lặng bên anh, tôi lại nhớ đến cái email anh lo cho sức khỏe tôi. Nhẩm tính thời gian, tôi biết rằng anh gửi email đó vào buổi sáng thì chỉ hai, ba giờ sau cơn xuất huyết não ập đến anh trong giấc ngủ trưa. Anh Giang ơi, cái email anh gửi cho em sáng 24.11.2016 lại là cái email cuối cùng giữa em và anh ư? Không. Anh phải khỏe lại để những email mong chờ giữa em và anh còn tiếp tục mãi.

Chút riêng tư. Ở trên tôi phải nhắc đến chuyến xe bus đưa tôi đến và đi từ bệnh viện Hữu Nghị vì trên chuyến xe đó tôi trở thành nạn nhân của thời đại rực rỡ mà ông Nguyễn Phú Trọng hãnh diện ca ngợi như là thành quả rực rỡ do đảng của ông tạo ra, thời đại tham nhũng, trộm cắp, cướp của giết người ngang nhiên hoành hành. Trên chuyến xe bus đi từ đầu phố Trần Hưng Đạo về phía Nam Hà Nôi tôi bị những người hùng của thời đại rực rỡ móc túi lấy hết giấy tùy thân và tiền bạc. Tiền mất thôi quên đi cho nhẹ lòng. Chỉ mong được nhận lại những giấy tờ cần thiết, vì sẽ rất mệt mỏi khi phải đi làm lại những giấy tờ đó.

— cùng với Nguyễn Thái Sơn.

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here