Hoàng Thuỷ Ngữ
1-2-2019
Huawei là thương hiệu công nghệ toàn cầu đầu tiên của Trung Quốc và cũng là nguồn gốc của sự căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Washington D.C và Bắc Kinh.
Suốt nhiều năm qua, công ty này luôn bác bỏ các cáo buộc họ là vỏ bọc gián điệp của Trung Quốc và là mối đe dọa cho nền an ninh các quốc gia.
Các chuyên gia an ninh Úc đã dẫn ra câu “Mọi tổ chức hay công dân phải hỗ trợ và hợp tác với quốc gia trong công việc điều tra”, viết trong Luật Tình Báo Quốc Gia của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, sau lần sửa đổi luật pháp vào năm 2017. Như vậy, mối liên hệ chặt chẽ giữa Huawei và chính phủ Trung Quốc, đặc biệt trong vấn đề an ninh, cũng như đa số các viên chức trong công ty là đảng viên cao cấp của đảng cộng sản, chẳng còn là điều bí mật.
Hoa Kỳ đã cấm không cho Huawei xây dựng mạng di động và bán điện thoại của họ thông qua các nhà cung cấp mạng. Úc, Nhật Bản, New Zealand cũng đã cấm sử dụng thiết bị cũa Huawei và ZTE trong mạng 5G sắp tới của các nước này. Pháp, Đức, Na Uy, Anh, Ba Lan, Cộng Hòa Czech, Canada đang thắt chặt kiểm soát hay xem xet các biện pháp để loại Huawei ra khỏi sự phát triển của mạng di động thế hệ tiếp theo.
Ngày 01.12.18, theo yêu cầu của Hoa Kỳ, Mạnh Vũ Châu (Weng Wanzhou), phó chủ tịch kiêm giám đốc tài chính của Huawei và là con gái của người sáng lập công ty, bị bắt khi quá cảnh ở Canada, trên đường từ Hongkong đến Mexico. Hoa Kỳ đòi dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ.
Tập đoàn khổng lồ Trung Quốc này bị buộc tội lừa đảo và trộm cắp bí mật kinh doanh. Huawei bác bỏ cáo trạng của Hoa Kỳ.
HUAWEI Là GÌ?
Công ty công nghệ Huawei Ldt (Huawei Technologies Co.Ldt) là nhà cung cấp thiết bị và linh kiện lớn nhất thế giới mà các công ty viễn thông và mạng sử dụng để điều hành và kiểm soát lưu lượng dữ liệu.
Công ty thành lập năm 1987 bởi cựu kỹ sư quân đội Ren Zhengfei. Huawei trở thành người tiên phong trong nỗ lực biến Trung Quốc từ nhà máy lương thấp của thế giới thành trung tâm công nghệ cao.
Năm 2017, công ty đã vượt qua Ericsson, trở thành nhà cung cấp thiết bị mạng lớn nhất thế giới, có 45 trong số 50 công ty viễn thông lớn nhất thế giới là khách hàng của Huawei.
Năm 2010 công ty đã cho ra mắt điện thoại thông minh đầu tiên của mình và năm 2018, vượt mặt Apple, đoạt vị trí thứ 2, và đã bán ra 200 triệu chiếc điện thoại. Chỉ Samsung bán được nhiều hơn.
Trụ sở chính của công ty này đặt tại Thẩm Quyến, ngay cạnh Hongkong, và ngân sách dành cho việc nghiên cứu cao hơn Apple 10%.
TRANH CHẤP VỀ VẤN ĐỀ GÌ?
Từ năm 2012, chính quyền Mỹ và Úc đã cảnh báo việc hợp tác với Huawei. Dịch vụ an ninh mạng của Nhật đã cấm các viên chức nhà nước sử dụng công nghệ Huawei từ ngày 1 tháng 4.
Sự nghi ngờ này có 2 lý do:
– Lo ngại gián điệp
– Vi phạm lệnh trừng phạt Iran
Câu chuyện trở nên ầm ĩ sau khi bà Mạnh Vũ Châu bị bắt. Hoa Kỳ nghi ngờ bà Mạnh và Huawei, trong quan hệ thương mai với Iran, đã lừa dối các ngân hàng và đã đánh cắp công nghệ của Mỹ.
Quyền bộ trưởng Bộ Tư Pháp Matthew Whitaker và một số viên chức cao cấp trong chính phủ Mỹ đã công bố một loạt cáo buộc nghiêm trọng đối với Huawei.
Vụ bắt giữ bà Mạnh Vũ Châu đã gây ra sóng gió ngoại giao. Chuyện Trung Quốc bắt giữ 13 công dân Canada và tuyên án tử hình một công dân nước này vì tội buôn ma túy được hiểu như đòn trả đũa trong vụ tranh chấp.
Andrus Ansip, phó chủ tịch Ủy Ban Âu Châu (EU), là một trong những người công khai lo lắng về hoạt động gián điệp. Ông khuyến cáo các quốc gia thành viên nên thận trọng khi hợp tác với các công ty Trung Quốc, điển hình là Huawei Technologies. Ông nói rằng sự rủi ro sẽ gia tăng khi Âu châu cộng tác với các doanh nghiêp Trung Quốc vì luật pháp Trung Quốc buộc các tổ chức và công dân phải hỗ trợ và hợp tác với tình báo quốc gia trong các cuộc điều tra và lưu trữ thông tin liên quan đến các cuộc điều tra đó. Và cũng theo ông, việc này sẽ dẫn đến loại công nghệ cài đặt “cửa sau”, dùng để thu thập dữ liệu, nghe lén thông tin và hệ thống điện thoại.
“Khi đã thành luật thì chúng ta phải hiểu rằng mức độ rủi ro sẽ lớn hơn. Chúng ta không thể tiếp tục ngây thơ nữa”. Ông Ansip cho biết, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc “đang bị nghi ngờ” vì luật này. Ông muốn nói đến tất cả các doanh nghiệp Trung Quốc chứ không riêng Huawei.
Bộ ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng, mọi cáo buộc đều vô căn cứ và cho rằng các quốc gia khác chỉ tìm cách bảo vệ các công ty của họ trước sự cạnh tranh.
HUAWEI NÓI GÌ?
Huawei phủ nhận tất cả các cáo buộc gián điệp, bác bỏ chuyện công ty bị đảng cộng sản Trung Quốc thao túng kiểm soát.
Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi với báo chí phương Tây, Ren Zhengfei, người sáng lập Huawei, nói rằng ông sẽ từ chối bất cứ cuộc điều tra nào của chính phủ đòi ông phải tiết lộ bí mật. Nhưng điều ông không đề cập đến là: theo luật định, tất cả các công ty Trung Quốc bắt buộc phải cung cấp thông tin nếu cơ quan tình báo yêu cầu.
Ngoài ra, Huawei cũng mời các ký giả phương Tây vào tham quan các trung tâm nghiên cứu của công ty. Tập đoàn này đã xây dựng các trung tâm nghiên cứu ở Đức, Canada và Anh. Chính quyền các nước sở tại có thể thử nghiệm mức độ an toàn của các sản phẩm.
HUAWEI CÓ VAI TRÒ GÌ TRONG VIỆC PHÁT TRIỂN 5G?
Cùng với Nokia (Phần Lan), Ericsson (Thụy Điển), Huawei là một trong những nhà phát triển hàng đầu của nền công nghệ viễn thông thế hệ thứ 5, được gọi là 5G.
Sự phát triển các mạng di động với băng thông lớn (broadband) đã cách mạng hóa truyền thông. Phần lớn sinh hoạt hàng ngày của chúng ta, cả lúc làm việc hay thời gian rảnh rỗi, được liên kết do kết nối với mạng ổn định. Sự phát triển mạng 4G cho phép dữ liệu lưu trữ với số lượng lớn được gửi không dây.
Mạng 5G là bước nhảy vọt mới của công nghệ và rất có thể sẽ là mạng truyền thông quan trọng nhất vì nó không chỉ dùng để liên lạc giữa mọi người mà còn để kết nối những cài đặt (installations) và cảm biến (sensors) với nhau. Mạng 5G sẽ giúp tốc độ, trữ lượng và sự ổn định mạng tăng lên vượt trội. Do đó nó sẽ được sử dụng, ví dụ như trong lãnh vực giao thông (xe tự hành), năng lượng và y tế.
Mạng di động là cơ sở hạ tầng quan trọng về mặt xã hội. Đồng thời nó cũng rất nhạy cảm về mặt chính trị, nhất là khi vấn đề an ninh được đặt ra.
Huawei đã đánh mất sự tín nhiệm của các quốc gia khác khi bước chân ra biển lớn. Trung Quốc không phải là trung tâm vũ trụ. Cái Thiên hạ quan Trung Hoa nên tống táng ở bờ sông Dương Tử và Hoàng Hà.
Giấc mộng Trung Hoa hay chỉ là ảo tưởng. Huawei đã góp phần chấm dứt ảo tưởng quốc gia.