HRW kêu gọi hủy cáo buộc trước phiên tòa xử Trần Thị Nga

0
77
Nhà hoạt động Trần Thị Nga bị bắt tại tỉnh Hà Nam hôm 21/1. Phiên xử phúc thẩm đối với nhà hoạt động 40 tuổi sẽ diễn ra ngày 22/12.
VOA

Hai ngày trước khi diễn ra phiên tòa phúc thẩm nhà hoạt động nhân quyền Trần Thị Nga, tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế (HRW) kêu gọi chính phủ Việt Nam hãy “lập tức phóng thích và hủy bỏ mọi cáo buộc đối với bà”.

Bà Nga bị tuyên án 9 năm tù giam và 5 năm quản chế hồi tháng 7 về tội danh “tuyên truyền chống phá nhà nước” theo điều 88 của Bộ Luật hình sự, một điều khoản mà các luật sư và các nhà tranh đấu cho là “mơ hồ.”

Theo Tổ chức Human Rights Watch, thì Điều 88 của Bộ Luật Hình sự Việt Nam là một “điều khoản về an ninh quốc gia hà khắc để trừng phạt tùy tiện những người phê phán chính quyền”.

Giám đốc đặc trách Châu Á của HRW nói trong một thông báo hôm 20/12:

“Trần Thị Nga là một trong những mục tiêu mới nhất của đợt gia tăng đàn áp của chính quyền Việt Nam nhắm vào các nhà hoạt động và những người chỉ trích chính phủ” và “thay vì xúc tiến đối thoại với những người lên tiếng phê phán họ, chính quyền lại dùng những bản án nặng nề và các hình thức bạo hành ngày càng thường xuyên hơn.”

Bà Trần thị Nga, một nhà hoạt động 40 tuổi, bị bắt ngày 21/1 với cáo buộc về các hành vi “phỉ báng chính quyền” và “gieo rắc tư tưởng phản động.” Tại phiên xử ngày 25/ 7, bà Nga bị cáo buộc là chia sẻ lên mạng các đoạn băng ghi hình và bài báo “có nội dung phê phán chính quyền” bằng cách nêu bật các vụ vi phạm nhân quyền đang tiếp diễn gắn với thảm họa môi trường và nạn tham nhũng trong hệ thống chính trị.

Tổ chức Human Rights Watch nói từ khi bà Nga bị bắt, chồng con của bà chưa được phép đến thăm.

Trần Thị Nga được biết tới như một nhà hoạt động dấn thân bênh vực quyền lợi của người lao động, đấu tranh chống các hình thức vi phạm nhân quyền như tệ nạn buôn người, nạn công an bạo hành và trưng thu đất đai.

Trong nhiều năm qua, bà Nga nhiều lần bị dọa nạt, sách nhiễu và tấn công, có lần bà bị đánh gẫy tay. Bà từng bị công an mặc thường phục lôi khỏi xe buýt sau khi đi thăm một tù nhân chính trị mới được phóng thích.

Theo bài viết trên trang mạng của mình, Tổ chức Human Rights Watch viết:

“Những vụ tấn công như thế này là một phần trong một chiến dịch tấn công bạo lực chống lại các nhà vận động nhân quyền ở Việt Nam”.

Trong một phúc trình công bố hồi tháng 6 năm 2017, HRW ghi nhận 36 trường hợp blogger hay nhà hoạt động xã hội bị đánh đập, doạ dẫm và đe nẹt, thường xảy ra với sự có mặt của cảnh sát, nhưng cảnh sát không làm gì để ngăn chặn.”

Theo thống kê của HRW, thì hiện nay tại Việt Nam, có hơn 100 nhà hoạt động đang bị giam cầm chỉ vì đã thực thi các quyền tự do căn bản, như tự do có chính kiến, tự do hội họp, tự do lập hội và tự do tôn giáo.