Hồng Kông : Cảnh sát bị tố cáo gây tội ác theo lệnh Bắc Kinh

    0
    234
    Đông đảo người Hồng Kông xuống đường biểu tình phản đối chính phủ ngày Tết Dương Lịch 01/01/2020. REUTERS/Navesh Chitrakar
    Tú Anh / RFI
    Iran, Libya, Bắc Triều Tiên… những lò lửa quốc tế cũng như vụ đào thóat ngoạn mục của cựu chủ tịch tập đoàn Renault-Nissan tiếp tục chiếm trang nhất báo chí Pháp ngày thứ ba của năm mới, 03/01/2020. Về Châu Âu, Le Monde đặc biệt chú ý vào phương cách mà Paris và Minsk đương đầu với áp lực của Matxcơva. Trong khi đó, La Croix tìm hiểu vì sao tại Hồng Kông, cảnh sát và người dân biến thành hai kẻ tử thù.

    Hồng Kông : Hòa giải bất khả thi

    Theo La Croix, tinh thần động viên của người dân rất cao sau 7 tháng tranh đấu chống bàn tay can thiệp của Bắc Kinh. Tình hình sẽ không bao giờ lắng dịu trừ phi chính quyền chấp nhận điều tra các hành vi bạo lực của cảnh sát. Đâu là sóng, đâu là gió ? Nhật báo Công giáo tìm hiểu cội nguồn.

    Bài phóng sự « Bạo lực cảnh sát gây nên mối căm hờn của dân Hồng Kông » được thực hiện sau cuộc biểu tình huy động hơn một triệu người trưa ngày đầu năm dương lịch, 01/01/2020, nhằm bảo vệ các quyền tự do và đòi bầu cử dân chủ. Một nhân chứng phụ nữ cho biết trong cuộc đàn áp ngày 12/06/2019, bà đã thấy cảnh sát bắn hàng loạt lựu đạn cay vào đoàn biểu tình ôn hòa. Điều « không thể chấp nhận được » này càng ngày càng tệ hại hơn từ khi khi cảnh sát đàn áp bằng đạn thật.

    Theo đặc phái viên Dorian Malovic, từ sáu tháng nay, tâm lý căm giận cảnh sát được 7 triệu dân Hồng Kông chia sẻ là chuyện tự nhiên. Nhưng phản ứng này đến từ một nữ cảnh sát từ nhiệm sau 10 năm nghề nghiệp mang ý nghĩa đặc biệt. Cathy Yau, nay là ủy viên hành chánh quận mới đắc cử, cho biết là « trong trường cảnh sát Hồng Kông không có dạy môn đàn áp dân ».

    Toàn xã hội Hồng Kông bị « chấn thương tâm thần » vì không ngờ cảnh sát Hồng Kông, từ danh tiếng vang lừng châu Á nghiêm túc với dân biến thành mối nguy hiểm của dân. Súng thật đạn thật thay thế dùi cui ở phía cảnh sát thì phía người biểu tình cũng dùng bom xăng thay vì dùng dù.

    Nhà báo, nhân viên thiện nguyện, nhà giáo được La Croix đặt câu hỏi đều lên án thái độ « độc ác » của cảnh sát. Linde Yeung, trợ lý xã hội trong một trường trung học kể lại trường hợp những học sinh bị đánh gẫy tay, mặt mày sưng vù đẫm máu, tinh thần hoảng loạn. Bà nói đến « hàng trăm thi thể bị chôn giấu trên khắp lãnh thổ, hàng trăm vụ tự tử, 6.000 người bị bắt, nhiều vụ cưỡng hiếp trong cơ quan cảnh sát ».

    Những cáo buộc này rất nghiêm trọng nhưng không thể kiểm chứng. Cảnh sát bị tố cáo « xóa dẹp chứng tích ». Các « thông tin » đó, theo La Croix, tràn ngập trên mạng xã hội phản ánh tâm trạng hoài nghi cảnh sát Hồng Kông tuân lệnh Bắc Kinh.

    Hệ quả là người biểu tình dù chủ trương bất bạo động, vẫn không thể không thông cảm thái độ bạo lực của giới trẻ ném đá vào cảnh sát và tấn công cơ sở thương mại dính líu với Bắc Kinh. « Họ là những người trẻ tranh đấu vì tương lai của họ như thế hệ chúng tôi tranh đấu cho dân chủ sau vụ thảm sát Thiên An Môn 1989 », một giáo sư Sử Địa 60 tuổi chia sẻ như thế.

    Mỗi buổi trưa trong tuần, mỗi ngày cuối tuần, dân Hồng Kông ở mọi lứa tuổi, mọi nghề nghiệp, bác sĩ hay cán bộ ngân hàng đều tận dụng mọi cơ hội để xuống đường. Một sĩ quan cảnh sát thú nhận ông đã hết sức khuyến cáo nhân viên dưới quyền, nhưng « quan hệ giữa dân và chính quyền đã hoàn toàn bị cắt đứt».

    Nhà báo Shirley Yam cho rằng « chính quyền Hồng Kông, theo lệnh của Bắc Kinh, sẽ không lùi bước ». Linh mục Pháp Paul Vallet, thuộc phái bộ truyền giáo hoạt động từ 44 năm nay tại Hồng Kông, trong bài phỏng vấn riêng, tỏ ra bi quan : trừ phi Bắc Kinh nhượng bộ, phong trào phản kháng sẽ không giảm cường độ trong năm 2020 này.

    Donald Trump trong ngõ cụt ?

    Quân đội Mỹ bị Iran cầm chân ở Irak, Bình Nhưỡng hủy bỏ lời hứa ngưng thử nghiệm hạt nhân. Gây căng thẳng với Mỹ, kinh tế Bắc Triều Tiên bị đe dọa. Ngoài các tựa lớn về thời sự quốc tế, Le Monde dành hai bài phân tích về chiến lược của nhà độc tài Belarus và tổng thống Pháp Emmanuel Macron, không hẹn mà nên, cùng đối đầu với tham vọng gây ảnh hưởng của Matxcơva.

    Nhà độc tài Belarus mượn oai NATO để « thoát Nga »

    Trước hết, trong bài « Belarus kháng cự áp lực Nga », Le Monde cho biết nhà độc tài Alexander Lukachenko không muốn kết thân chặt chẽ với Matxcơva. Chính tổng thống Putin nhìn nhận là trong các thỏa thuận giữa hai nước, trừ giao dịch điện thoại, 90% lãnh vực còn lại không được Minsk thi hành. Sau thượng đỉnh song phương ngày 20/12/2019, lãnh đạo hai nước cố gắng che giấu phần nào sự thật : gặp nhau chỉ làm tăng thêm căng thẳng, nguyện vọng của Matxcơva muốn Belarus « hội nhập » vào Nga đã thất bại.

    Lukachenko không muốn bị Nga kềm tỏa, kéo dài thời giờ để chờ cơ hội « thoát Nga ». Năm 2024, theo luật bầu cử, tổng thống Putin không thể tái tranh cử. Theo báo chí thân Kremlin, tổng thống Nga có ý nhắm chiếc ghế chủ tịch Liên hiệp kinh tế Á – Âu, gồm năm nước là Nga, Belarus, Armenia, Kazakhstan và Kirghistan.

    Nhưng theo Le Monde, thái độ lãnh đạm của Lukachenko càng làm cho mưu tính này khó thực hiện. Để hạ hỏa tham vọng của Nga, nhà độc tài Belarus khôn ngoan đánh lá bài Châu Âu và Mỹ từ năm 2015, cải thiện quan hệ với Bruxelles và Washington.

    Lần lượt, nhiều nhà ly khai được trả tự do và mới đây, ngày 29/12/2019, chỉ một tuần sau thượng đỉnh Putin-Lukachenko tại Saint Petersbourg, một cuộc biểu tình ở thủ đô Minsk huy động nhiều trăm người mà không bị đàn áp. Khẩu hiệu của họ là « chống sáp nhập ». Khác với các chế độ Trung Á, Minsk không bao giờ công nhận hành động Nga sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina là hợp pháp.

    Để cảnh báo Matxcơva, nhân vật bị Washington vào năm 2005 gọi là nhà độc tài cuối cùng tại châu Âu đã chơi đòn thấu cáy. Trên đài phát thanh Tiếng Vọng Matxcơva, Lukachenko đem NATO ra làm thần hộ mệnh : « Nếu nước Nga vi phạm chủ quyền của Belarus, phương Tây và Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO sẽ không tha thứ. Họ xem hành động (xâm lấn) đó đe dọa an ninh phương Tây và họ có lý ».

    Trong khi đó, tại Paris, tổng thống Pháp bằng phương cách riêng của ông, tìm cách xét lại quan hệ với Nga, xóa bớt xung khắc, để tập trung vào quyền lợi mỗi bên.

    Theo Le Monde, trước Macron, nhiều nhà lãnh đạo Mỹ từ Bill Clinton, George W. Bush, Barack Obama cũng đã tìm cách đối thoại với Nga, nhưng không thành công. Tuy vậy, không nên trách Macron ngây thơ. Nhiều nhà chính trị Pháp khác đổ lỗi cho phương Tây sỉ nhục Matxcơva, cho NATO bao vây nước Nga, để biện minh cho thái độ khiêu khích của Nga. Họ quên đi vụ Nga sáp nhập Crimée, họ quên đi các vụ ám sát ở châu Âu. Macron không ngây thơ chút nào khi ưu tiên đối thoại với Putin. Bởi vì, tình hình hiện nay buộc nước Pháp không thể trông cậy ở nước Mỹ của Donald Trump.

    Tuy nhiên, Le Monde khuyến cáo : Công nhận quyền lợi của các nước độc tài như Nga hay Trung Quốc không có nghĩa là không lên án chính sách đàn áp phản dân chủ của hai chế độ này. Từ một năm nay, phong trào phản kháng nổi dậy khắp nơi từ Hồng Kông, Chilê, Iran, Algérie… Liệu Macron có thể nhẫn tâm bỏ rơi nhân quyền nhân danh chính sách ngoại giao không can thiệp ?

    Libya : Xung đột leo thang sát cửa châu Âu

    Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị đưa quân vào Tripoli chống lực lượng của tướng Haftar, đồng minh của Matxcơva. Nhưng các quân cờ thù địch này đều là những kẻ chống châu Âu, theo nhận định của nhật báo Le Figaro.

    Đối đầu với lực lượng lính Nga đánh thuê ủng hộ tướng Haftar ở miền đông Lybia, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đưa quân vào Tripoli cùng với các đơn vị chiến binh Syria được Ankara trả lương. Đổi lại, chính phủ hợp pháp của Libya sẽ cho Thổ Nhĩ Kỳ khai thác một vùng tài nguyên rộng lớn ở Địa Trung Hải. Nga cảm thấy quyền lợi trong khu vực bị đe dọa nhưng Châu Âu phải coi chừng. Dự đoán được nguy hiểm, Hy Lạp, Chypre và Israel, bước tới sẽ có Ý, nhanh chóng ký thỏa thuận lập ống dẫn khí EstMed, khai thác và cung cấp nhiên liệu cho Nam Âu và Israel mà không qua đường ống của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Le Figaro, chỉ cần nhìn vào cung cách của Erdogan uy hiếp châu Âu qua « cánh cửa di dân » thì đủ hiểu nguy cơ đến mức độ nào nếu lệ thuộc vào nhiên liệu của Thổ.

    Hỏa hoạn, lũ lụt, dịch lợn

    Về môi trường và thiên tai, thông tín viên của Les Echos tại Sydney mô tả mức độ nguy kịch của nạn cháy rừng tại Úc, tình trạng khẩn cấp được ban hành trong 7 ngày tại bang New South Wells. Trong khi đó Libération dành một trang cho Djakarta : thủ đô Indonesia bị mưa lũ nhiệt đới nhấn chìm. Nhật báo thiên tả còn dành bài phóng sự về đại nạn dịch tả lợn đang gây hoảng loạn ở Trung Quốc.

    Vấn đề là, cho dù dịch xảy ra từ năm 2018, nhưng nông dân Trung Quốc cố giấu không khai báo để tiếp tục bán lợn bệnh kiếm sống. Dịch lợn đã làm cho mức sản xuất thịt của Trung Quốc giảm đến 9 tỉ tấn trong năm 2019 và sẽ còn tiếp tục giảm. Hậu quả là giá thịt leo thang trên thế giới. Họa người phước ta, dân chăn nuôi ở Pháp xuất khẩu thịt heo sang Trung Quốc xoa tay hưởng lợi.

    Interpol truy nã « 007 » Carlos Goshn

    Vụ cựu chủ tịch tập đoàn Renault-Nissan đào thoát khỏi bàn tay tư pháp Nhật Bản như kịch bản phim gián điệp được Le Monde và Liberation phân tích rộng rãi từ diễn tiến cho đến nguyên nhân và hệ quả pháp lý. Khác với các đồng nghiệp, Les Echos dự báo « vòng vây đang siết lại », tương lai Carlos Goshn không sáng sủa. Cho dù không trục xuất công dân của mình, Liban buộc phải tuân thủ Interpol, tạm giam nghi can trong khi chờ đợi áp dụng các thủ tục điều tra.