Học viên Pháp Luân Công tại Bắc Ninh bị nhóm côn đồ đánh đập dã man trước mặt công an

0
1055
Hình ảnh các học viên Pháp Luân Công bị hành hung. Nguồn: Nguyễn Văn Trung Sơn

FB Nguyễn Văn Trung Sơn

3-9-2017

Các học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Bắc Ninh trong lúc tặng tài liệu giới thiệu về Pháp môn tu Phật – Pháp Luân Công ở một công viên thuộc xã Phù Khê cho người dân, thì đã bị công an nơi đây can nhiễu tịch thu tài liệu. Không chỉ vậy, một người công an trong nhóm này còn bóp cổ một nữ học viên và đánh một nam học viên, đồng thời bắt giữ nam học viên này về UBND xã Phù Khê. Một học viên đã lấy điện thoại ra quay cảnh nam học viên bị đánh làm bằng chứng thì lập tức bị một “người lạ mặc thường phục” chạy lại giằng giật điện thoại và chạy đi mất.

Buổi tối cùng ngày, các học viên cùng đến UBND xã Phù Khê để giảng rõ chân tướng và yêu cầu thả nam học viên bị bắt giữ vô cớ. Khoảng 9h tối, công an đã thả nam học viên. Các học viên yêu cầu công an trả lại điện thoại bị “người lạ” giật. Về lý thì người giật điện thoại là một người mặc thường phục và không phải công an, nhưng không hiểu vì lý do gì mà công an xã Phù Khê lại đang giữ điện thoại đó. Khi công an tại đây đưa ra điện thoại thì có yêu cầu điều kiện để được nhận lại đó là phải ký vào một biên bản với nội dung “điện thoại này được người dân nhặt được và đưa lại cho công an tại UBND xã Phù Khê”!

Khoảng hai, ba ngày sau, mọi người trở lại công viên tặng tài liệu, giới thiệu Pháp Luân Công cho những người dân xung quanh, thì tiếp tục một nhóm công an đến, nhưng thay vì tiếp tục ngang nhiên đánh vô cơ, thì lần này họ lại kích động đầu độc người dân rằng “cái này là tà giáo”, “cái này là phản động”.

Nhiều khi chúng tôi tự hỏi không hiểu họ là công an Việt Nam hay công an Trung Quốc nữa, cả thế giới đều biết Pháp Luân Công là tốt như thế nào, chỉ có Trung Quốc là tuy biết những vẫn cố tình bôi nhọ phỉ báng đầu độc người dân. Các anh công an nơi đây cần hiểu rằng, Trung Quốc để đầu độc người dân thành công thì trong gần 2 thập kỷ họ đã phải vất vả dùng một lượng tiền khổng lồ để bưng bít thông tin, chặn hoàn toàn Facebook, YouTube, Google và một số trang mạng tự do khác, đồng thời vất vả liên tục xây dựng một hệ thống thông tin vu khống bôi nhọ khổng lồ về Pháp Luân Công để đầu độc người dân Trung Quốc.

Ở Việt Nam thì hoàn toàn không làm điều này, nên các anh công an càng làm vậy thì đến khi người dân tìm hiểu được chân tướng sự thật, họ không chỉ xem thường sự hiểu biết của các anh, mà còn có quyền nghi ngờ các anh làm việc cho ĐCS Trung Quốc. Bởi lẽ trên thế giới này chỉ có một nước duy nhất là Trung Quốc sử dụng luận điệu “tà giáo” hay “phản động” để gán cho các học viên Pháp Luân Công.

Cả thế giới đều biết ĐCS Trung Quốc trong 60 năm cầm quyền đã giết hại hơn 80 triệu đồng bào của chính họ, trong đó đỉnh điểm của tội ác đấy chính là việc mổ cướp nội tạng sống của hơn 2 triệu học viên Pháp Luân Công thì họ lấy tư cách hay cơ sở gì để nhận định về chính hay tà? Cả thế giới đều đang lên án ĐCS Trung Quốc về tội ác này vô cùng dữ dội, vậy những địa phương nào muốn bao che cho tội ác này thì nên xếp vào chính hay tà?

Một lúc sau nhóm công an này ra quán nước bên đường ngồi, lập tức có ba thanh niên từ đâu xông đến, dồn một nam học viên vào bụi cây đánh tới tấp. Hai nữ học viên thấy vậy liền chạy lại can ngăn thì bị cả ba thanh niên côn đồ quay lại đánh tiếp. Một học viên chạy tới nhờ một bác khoảng 80 tuổi lên tiếng giúp. Bác đi tới quát nói vài câu thì ba thanh niên này mới dừng lại. Các anh công an ở bên đường thì vì “thị lực kém” nên vẫn tiếp tục uống nước như không có chuyện gì xảy ra.

Hình ảnh các học viên Pháp Luân Công bị hành hung. Nguồn: Nguyễn Văn Trung Sơn

Đứng trước thực tế học viên tại Bắc Ninh bị cả công an và côn đồ ngang nhiên đánh, đồng thời nói những lời lẽ vu khống không chỉ trái với lương tâm mà còn trái với luật pháp, một số học viên ở một số nơi khác cùng các học viên bị bức hại tại địa phương đã quyết định đến UBND xã Phù Khê để làm rõ sự việc, nhằm mục đích giảng rõ chân tướng cho chính quyền, đồng thời yêu cầu chấm dứt những việc làm sai trái và gây nguy hiểm cho các học viên tại nơi đây: “Tập Pháp Luân Công có hợp pháp tại Việt Nam“.

Khi các học viên này đến làm việc thì công an nơi đây đã liên tục có những lời lẽ kèm hành động vô cùng khiếm nhã với các học viên. Công an nơi đây ban đầu yêu cầu chỉ làm việc với một người đại diện nhưng các học viên đều không đồng ý, với lý do một số anh công an nơi đây đã từng ngang nhiên bóp cổ và đánh các học viên giữa đường giữa phố thì tất nhiên họ không tin tưởng để làm việc riêng với các anh ở trong một phòng kín riêng biệt. Vì một số công an tại đây khi làm sai xong thường chối bay biến và yêu cầu phải có bằng chứng mới chịu nhận, nên các học viên đều chuẩn bị sẵn điện thoại để quay và ghi âm lại, nhưng hễ giơ lên quay là lập tức bị công an giật điện thoại và đe dọa. Đáng lẽ nên để những người mặc thường phục giật điện thoại thì sẽ hợp lý hơn là các anh trực tiếp làm.

Khi các học viên không chịu làm việc riêng thì những người công an nơi đây liên tục quát mắng to tiếng, thậm chí công khai chửi bậy, chủ yếu những lời lăng mạ chửi bới đến từ ông lê văn sử – phó trưởng công an xã Phù Khê.
_________

Một số lời thoại “đặc biệt” mà ông sử trao đổi với các học viên Pháp Luân Công:

“Thích thì chúng mày cứ đi vào! Từng người một!”
“Đi vào trong nhà tao làm việc với chúng mày!“
“Mày đi vào trong nhà với tao đi!”

“Anh nói mày với ai đấy?”
“Tao nói với mày đấy!”
“Anh lê văn sử?”
“Tao là sử đây! Tao là sử phó công an đây!”

“Anh hành xử cho có văn hóa.”
“Tao đéo cần phải có văn hóa với mày đấy!” (phút 32:40 – Phần 1)

“Anh Sử! Không được động vào người công dân thế! Anh Sử Không được dùng bạo lực!”
“Anh đừng động vào người tôi!”
“Tao thích động đấy!” (phút 01:30 – Phần 2)

“Anh mất tư cách rồi.”
“Tao đéo phải tư cách với mày!” (phút 06:25 – Phần 2)

Được một lúc to tiếng, ông sử dồn một nam học viên Pháp Luân Công vào góc, cố gắng che chắn và đấm thẳng vào bụng nam học viên trước đám đông ngay tại trụ sở UBND. Không may cho ông sử là hành động lần này của ông đã bị nhiều người nhìn thấy và lập tức lên án tại chỗ. Ông sử cùng một số công an khác tại đó bất chấp thực tế nhiều người nhìn thấy, vẫn tiếp tục những câu nói như được học thuộc lòng: “đâu có ai đánh đâu”, “chỉ là xô đẩy thôi mà”, “bằng chứng đâu, nói phải có bằng chứng”. Đến trẻ con cũng thấy buồn cười cho hành động và câu nói này của các anh. Có lẽ chỉ cần đằng sau lưng, không ai nhìn thấy thì các anh sẽ còn làm muôn vạn chuyện động trời khác nữa.

Lúc này thì có thêm một anh cán bộ nói là phụ trách tôn giáo tỉnh Bắc Ninh xuống cùng làm việc. Vì sự bức hại hành hung chửi mắng học viên nơi đây ngày càng leo thang, thậm chí diễn ra ngay tại trụ sở UBND, nên lúc này anh cán bộ phụ trách tôn giáo đồng ý làm việc với số lượng 3 đến 5 người. Nhưng sau những lần đánh nguội cùng lần “xô đẩy khiến nắm đấm lao vào bụng” học viên giữa UBND vừa rồi, thì mọi người đều cương quyết không đồng ý phương án làm việc riêng hoặc làm việc ít người. Sau một khoảng thời gian thì hai bên đi đến quyết định cuối cùng là sẽ làm việc cùng lúc với 5 người bị hại.

Sau khi tường thuật lại xong những vấn đề bị bức hại trong những ngày qua, những học viên Pháp Luân Công ra về, không mong truy cứu trách nhiệm hay lỗi tại ai, chỉ mong chính quyền nơi đây hiểu rõ chân tướng và ngừng những hành động bức hại đến các học viên tại Bắc Ninh. Lúc các học viên bước ra về thì cũng đã là khoảng 12 giờ trưa, vừa ra đến bên ngoài cổng UBND thì thấy ông nguyễn ngọc khương – Phó chủ tịch UBND xã Phù Khê vẫy tay ngỏ ý gọi lại ra uống nước. Hai nam học viên trong nhóm liền quay lại, nghĩ rằng có lẽ lúc bên trong đông người nói qua nói lại nên họ có thể chưa minh bạch, giờ có lẽ họ cũng đã hiểu và muốn nói chuyện thêm. Hai học viên ngồi xuống thật thà giới thiệu tên, tuổi và nói mình là học viên Pháp Luân Công. Ông khương lập tức quay ngoắt thái độ: “Tôi không muốn nghe!” rồi lập tức đứng phắt dậy và bước nhanh đi. Vừa đi được ba bước chân, thì một chiếc xe ô tô từ đâu lao tới, lập tức đỗ trước quán nước, khoảng bảy tên côn đồ từ trên xe cầm gậy gộc lập tức lao xuống, đánh một nam học viên hai phát vào sau gáy và làm gãy hai gậy, nam học viên còn lại thì bị đánh túi bụi vào mặt và thân thể. Điều đáng nói là sự việc này diễn ra chỉ cách ông khương ba bước chân, nhưng ông khương vì cả “thính lực và thị lực đều rất kém” nên hoàn toàn không nghe hay nhìn thấy bất cứ điều gì nên vẫn tiếp tục bước đi. Rất nhiều người dân đã vì thế mà “hiểu nhầm” là ông khương thuê côn đồ đánh dân.

Một nam học viên sau đó thoát chạy ra được gọi các học viên khác quay trở vào UBND làm rõ sự việc, ông khương nhìn thấy các học viên liền leo thẳng lên ô tô phóng ra ngoài cổng, nhất quyết không chịu tiếp chuyện hay giải thích. Các học viên đuổi theo, hô lớn: “Anh phải dừng lại, chúng tôi bị đánh ngay trước mặt anh, mà anh mời chúng tôi vào uống nước, chúng tôi bị đánh ngay trước mặt anh!” Các học viên liền dàn thành hàng ngang chặn trước, không để ô tô đi, ông Khương vẫn tiếp tục cố gắng lách phóng xe đi. Lúc này người dân kéo đến rất là đông. Một chị phụ nữ tiến đến trước đầu xe nói: “Các anh làm việc như thế là không được, không được đi đâu cả, phải ở đây!”. Ông khương trước áp lực từ nhiều phía, mở cửa ô tô đi xuống, chỉ thẳng mặt chị phụ nữ: “Con này mày có thích chết không, mày có tin là hôm nay tao cho người giết mày luôn không?”. Sau đó, ông khương rút điện thoại ra gọi cho ai đó, vừa gọi vừa lầm bầm: “Chúng mày thích chơi với tao à…”

Các học viên cố gắng hỏi: “Vì sao vừa nói chuyện với chú xong là bao nhiêu thanh niên lao đến đánh?”

“Chúng mày cứ tuyên truyền vớ vẩn, tao không nghe. Đ** mẹ, tao cán bộ nhà nước, chúng mày đi tuyên truyền vớ vẩn. Chúng mày nói xấu đảng, nói xấu nhà nước, bố láo!” (Vẫn luận điệu vu khống cũ rích nhằm mục đích kích động người dân xung quanh hiểu sai sự thật)

“Nhưng mà vừa nói chuyện xong với chú thì côn đồ vào đánh là sao?”

“Biết đéo đâu… chúng mày… chúng mày… tao công bố trước… sợ thì tao ở nhà… tao mà sợ thì tao ở nhà!”

Lúc này thì một người phụ nữ ở bên ngoài nói vọng vào: “Đâu rồi cái bạn bị đánh đâu rồi, ra đây, cái bạn bị đánh đâu rồi, đây này bạn này bị đánh này, bị vụt hai cái vào gáy này, một bạn nữa này…”

Ông khương lúc này bỗng dưng “thính lực và thị lực” tốt trở lại, nhìn thấy bóng dáng hai nhân chứng tiến lại gần liền bước vào ô tô, đưa ra một mệnh lệnh rất dứt khoát cho các anh công an tại đó: “Dẹp đường!” rồi phi xe đi mất.

Người dân chứng kiến câu chuyện, rất nhiều người tỏ ra bức xúc trước cảnh phó chủ tịch UBND xã Phù Khê như thể “tội phạm bỏ chạy” trong khi các học viên Pháp Luân Công đang bị đánh ngay tại đó và kêu oan. Các học viên cố gắng thuật lại câu chuyện và giảng chân tướng cho người dân tại đó nghe. Một lúc sau thì chiếc xe chở bảy tên côn đồ đã đánh hai học viên lúc trước lại tiếp tục phóng đến, vẫn là bảy tên côn đồ nhưng lần này thì đều đeo khẩu trang che mặt (vì lần trước là đánh tại nơi vắng vẻ chỉ có mỗi… phó chủ tịch UBND nên không cần che mặt). Nhóm côn đồ lao xuống, túm vào cổ áo một nam học viên nói: “Đi theo tôi!”. Nam học viên này biết là côn đồ nên nói: “Không!”. Những tên côn đồ này bất chấp ngay trước cửa UBND, bất chấp ngay trước mặt một loạt công an, tiếp tục giằng giật lôi nam học viên lên xe. Biết là không trông chờ gì được vào những người công an “mắt kém tai nghễnh ngãng” tại UBND này nên các học viên khác đều lao đến giằng lại nam học viên trong tay đám côn đồ bịt mặt này. Lúc này những tên côn đồ lập tức lấy mũ cối đập rất nhiều vào đầu nam học viên, đồng thời đấm đá liên tục khiến nam học viên chảy rất nhiều máu mồm và máu mũi.

Các học viên gắng sức kéo nam học viên bị đánh lại, vừa kéo vừa hô lớn “Đánh người! Đánh người! Cứu! Cứu”. Đám côn đồ thấy vậy quay lại đánh luôn cả nhóm học viên, một người bị đấm vỡ kính mắt, một người bị đánh rách mắt, một người bị đánh rách môi… Thấy chưa đủ, đám côn đồ quay lại xe rút ống tuýp sắt để định đánh tiếp, nhưng sau có lẽ nghĩ “biểu diễn võ thuật” trước mặt công an và người dân như thế là hơi quá lộ liễu và sẽ làm “khó xử” cho các anh công an trong việc liên tục phải giải thích “thị lực” với người dân nên chúng liền lên xe rồi rút mất. Các học viên quay sang các anh công an tại đó nói: “Đấy nhé, các anh nhìn này, côn đồ đánh và hành hung mọi người trước mặt tất cả dân chúng, tất cả các anh ở đây, các anh vẫn để nguyên!”.

Công an đáp lại: “Chúng tôi có nhìn thấy gì đâu… Chúng tôi có biết gì đâu… Nhỡ các anh thù hằn ở đâu đến đây đánh nhau thì sao?”

Một người dân bức xúc lên tiếng: “Thù hằn hay gì… Các anh thấy dân bị đánh như thế mà không làm gì là sao?”

Một lúc sau thì công an giao thông xuống dẹp đường. Vì lý do bên ngoài có rất nhiều côn đồ rình rập và qua sự việc vừa rồi thì cũng rất khó để phân biệt ai là côn đồ ai là người đại diện pháp luật nên công an giao thông tại đó đã hộ tống các học viên trở về an toàn.

Kết luận: Sự việc học viên Pháp Luân Công tại Việt Nam bị bức hại, phỉ báng và đánh đập vô cớ đã không còn là gì quá lạ lẫm. Rất nhiều học viên và người dân trên thế giới đều rất ngạc nhiên khi biết điều này. Họ cũng đã đang bắt đầu chú ý và theo dõi sự việc.

Chịu dung nhẫn, oan ức hoặc chịu đánh đập phỉ báng để những người hành ác có thời gian tìm hiểu chân tướng mà hối lỗi sửa sai là một đức tính cao quý rất thường thấy ở các học viên Pháp Luân Công. Tuy nhiên, nếu bên hành ác vì sự dung nhẫn đó mà buông lung nghĩ rằng muốn làm gì thì làm đối với các học viên Pháp Luân Công, thì sự dung nhẫn của các học viên chính là thêm phần hại họ, khiến họ liên tục tạo nghiệp không dừng với những người tu luyện chân chính.

Xin hãy cùng nhau cất lên tiếng nói từ lương tâm, bởi lẽ “Thế giới phải chìm đắm trong đau khổ không phải vì tội ác của những kẻ xấu, mà là vì sự im lặng của những người tốt”!