Hoa Kỳ kiểm duyệt phim như thế nào

0
23

Và tất nhiên, cả tự kiểm duyệt.

Võ Văn Quản October 16, 2019 . 5:16 PM

Câu chuyện kiểm duyệt văn hóa phẩm tại Việt Nam tiếp tục nóng lên với một tình huống tương phản không thể rõ ràng hơn: một bên là bộ phim hoạt hình được cấp phép có sự góp mặt của một hãng phim Trung Quốc, trực tiếp đưa đường “lưỡi bò” chiếm trọn Biển Đông vào nhiều phân đoạn và cảnh phim; một bên là bộ phim Việt Nam mang tên “Ròm”, chưa được Cục Điện ảnh cấp phép mà lý docụ thể được nêu trong Công văn số 637/ĐA-PBP, ghi nhận: “Những tệ nạn xã hội như chơi lô, đề, cho vay nặng lãi, đòi nợ, mê tín, bao lực xuyên suốt bộ phim, kết phim bi quan, bế tắc, không lối thoát, thiếu tính nhân văn. Câu chuyện phim diễn ra tại TP Hồ Chí Minh nhưng không có sự quan tâm của chính quyền và cơ quan chức năng.”

Song cách công chúng tiếp cận và giải quyết vấn đề thì quả rất khác nhau.

Nếu tìm đọc thử những bình luận của bạn đọc trên các trang thông tin điện tử lớn như Tuổi Trẻ Online hay Thanh Niên Online, đa phần có vẻ đồng tình với việc xử lý nghiêm khắc, thậm chí đến mức hình sự, đối với cơ quan có thẩm quyền cũng như hội đồng kiểm duyệt. Nói cách khác, họ không phản đối sự tồn tại của cơ chế kiểm duyệt văn hóa phẩm tại Việt Nam. Các quan điểm thậm chí còn kêu gọi phải thay người mới, hoàn thiện cơ quan kiểm duyệt yếu kém.

Ở chiều hoàn toàn ngược lại, một số người yêu cầu bỏ hẳn cơ chế kiểm duyệt phim ảnh và sản phẩm nghệ thuật, vì nó không giống ai và chỉ tạo cơ hội cho tham nhũng. Có ý kiến cho rằng sử dụng cơ chế dân sự cũng như các biện pháp tẩy chay từ phía công chúng là cách tốt nhất để giải quyết các vấn đề nhạy cảm trong các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật.

Với tư duy tò mò “sính ngoại” của mình, tác giả nghĩ ngay đến việc tìm hiểu xem quốc gia “thù địch” Hoa Kỳ  kiểm duyệt ra sao. Có thật sự là công dân nước họ chỉ sử dụng các biện pháp dân sự để phản đối những bộ phim hay sản phẩm nghệ thuật gây tranh cãi hay không? Nếu các biện pháp kiểm duyệt nhà nước có tồn tại thì nó được thực hiện như thế nào?

Du khách ngắm biểu tượng Holloywood ở bang California, Hoa Kỳ. Ảnh: Mike Blake/Reuters.

Kiểm duyệt và tự kiểm duyệt

Hoa Kỳ là quốc gia tiên phong trong ngành điện ảnh. Vào năm 1896, nhà sáng chế lừng danh Thomas Edison đã tài trợ và sản xuất một bộ phim gây tranh cãi dữ dội trong công chúng, khơi nguồn cho vấn đề kiểm duyệt phim ảnh ở Hoa Kỳ. Đó là bộ phim đen trắng kéo dài chỉ 23 giây – “The Kiss”. Bộ phim, như tên gọi của nó, mô tả cảnh hôn nhau giữa hai người tình.

Như hầu hết các xã hội cận đại khác, Hoa Kỳ lúc bấy giờ rõ ràng không chấp nhận việc thể hiện tình yêu nam nữ ở nơi đông người. Bên cạnh những người hào hứng về một ngành công nghiệp mới với những công nghệ mới, một bộ phận công luận cũng khẳng định phim ảnh, mà cụ thể là “The Kiss”, sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đạo đức xã hội trong tương lai.

Nhưng đây chỉ là điểm khởi đầu. Khi công nghệ phim ngày càng phát triển, những nội dung, hình thức biểu hiện ngày càng phức tạp và phản ánh cuộc sống đa dạng của con người, những tranh cãi ngày càng trở nên mạnh mẽ. Vào năm 1907, Chicago là nơi đầu tiên ở Hoa Kỳ xây dựng một đạo luật điều chỉnh vấn đề kiểm duyệt phim. Theo đó, hội đồng thành phố bắt buộc các nhà làm phim phải nộp các bản phim cho… lực lượng cảnh sát địa phương để thẩm định và cấp phép trước khi công chiếu. Những bộ phim không nhận được giấy phép, một là phải cắt bỏ những phân cảnh mà phía cảnh sát yêu cầu, còn không thì sẽ không được trình chiếu.

Từ Chicago, các đạo luật tương tự về nội dung và mục tiêu bắt đầu được ban hành ở các tiểu bang, với Ohio (ban hành vào năm 1914), Kansas (năm 1915), Maryland (năm 1916), New York (năm 1921) và Virginia (năm 1922). Cần lưu ý rằng, Mỹ có hai hệ thống luật song song: luật liên bang và luật tiểu bang.

Tính khí của người Mỹ di dân chắc chắn không chấp nhận kiểu kiểm duyệt trực tiếp thế này. Năm 1915, tranh cãi pháp lý giữa những người phản đối kiểm duyệt phim ảnh và các chính phủ tiểu bang, hội đồng thành phố được mang đến cửa Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, hay còn gọi là Toà án Tối cao cấp liên bang.

Trong án lệ Mutual Film Corp. v. Industrial Commission of Ohio 1915, phía hãng phim Mutual Film Corp lập luận rằng điện ảnh là một thể loại nghệ thuật nhằm biểu đạt quan điểm của người dân, và vì vậy, phải được bảo vệ dựa trên Tu chính án thứ Nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ về quyền tự do ngôn luận. Tại phiên tòa, hãng phim cũng khẳng định yêu cầu các bộ phim phải nộp trước cho chính quyền xem xét là đi ngược lại với nguyên tắc cấm “hạn chế trước” (prior restraint), hay ở ta hay gọi là tiền kiểm, vốn được hình thành trong các án lệ trước đó để bảo vệ tự do báo chí.

Tuy nhiên, đối mặt với một loại hình thông tin và giải trí hoàn toàn mới, Tối cao Pháp viện lúc này có cách tiếp cận tương đối an toàn. Họ lập luận rằng, việc trình chiếu các sản phẩm điện ảnh là một ngành thương mại đơn thuần, được bắt nguồn và được thực hiện với mục tiêu lợi nhuận như các ngành thương nghiệp khác. Trình chiếu sản phẩm điện ảnh, vì vậy, không thể được xem là một bộ phận của hệ thống báo chí quốc gia hay thể hiện quan điểm của một bộ phận công chúng để từ đó được hưởng quyền tự do ngôn luận theo Hiến pháp bang Ohio và Hiến pháp Liên bang Hoa Kỳ.

Như vậy, trong thời kỳ đầu của ngành điện ảnh Hoa Kỳ, các sản phẩm điện ảnh không được coi là ngôn luận và phải bị kiểm duyệt.

Cách tiếp cận này không phải là quá xa rời với hiện thực Hoa Kỳ đầu thế kỷ 20. Ngay trong năm 1915, bộ phim “Lập quốc” (tạm dịch từ “The Birth of a Nation”) khiến toàn liên bang rúng động.

Một cảnh trong phim “The Birth of a Nation”. Ảnh: Slate.com.

Về mặt kỹ thuật, “Lập quốc” khiến công chúng bất ngờ trước khả năng của điện ảnh trong việc truyền tải một cốt truyện đầy đủ, thể hiện được các tuyến nhân vật và những biểu cảm như đời thật. Đặc biệt, với hơn ba giờ công chiếu, “Lập quốc” là một bước tiến rất lớn so với những bộ phim dài chưa đến 30 giây chỉ mười năm trước đó.

Tuy nhiên, về mặt nội dung, “Lập quốc” sẽ không bao giờ tìm thấy chỗ đứng nào khác trong lịch sử phim ảnh ngoài vị trí của một ví dụ cho sự kinh tởm của điện ảnh cận đại.

Bộ phim mô tả những người da đen vừa được trao trả tự do sau Nội chiến Hoa Kỳ (1861 – 1865), không có vai trò gì khá hơn ngoài việc trở thành những lao động phổ thông, thiếu kỹ năng và bị những kẻ cực đoan lợi dụng để kiểm soát miền Nam Hoa Kỳ. Rồi nó lại mô tả cảnh những người da trắng thực hiện những nghi lễ của Ku Klux Klan (KKK, ban hội phân biệt chủng tộc cực đoan của Hoa Kỳ hoạt động mạnh mẽ đầu thế kỷ 20), và đưa ra ngụ ý rằng cách tốt nhất để phục hồi trật tự tại miền Nam Hoa Kỳ là từ chối cho người da đen được hưởng quyền bầu cử, thực hiện chính sách tách biệt giữa hai chủng tộc.

Vài tuần sau khi được công chiếu, vị thị trưởng vừa nhậm chức của Chicago, ông William Hale Thompson, ra văn bản cấm lưu hành bộ phim trên bất kỳ rạp nào tại thành phố và được công luận ủng hộ nhiệt liệt.

Đối mặt với những cáo buộc và tấn công từ mọi phía, bản thân ngành điện ảnh non trẻ cũng phải tự mình đưa ra những chuẩn mực riêng. Mục đích của họ, một mặt là để xoa dịu dư luận, và mặt khác là để các nhà làm luật không quá chú ý đến công ăn việc làm của giới làm phim.

Năm 1930, Bộ Quy tắc Sản xuất Sản phẩm Điện ảnh (Motion Picture Production Code cùng với một số phụ lục của nó) – thường được biết đến với tên gọi Hays Code – chính thức ra đời. Là nỗ lực chung của các nhà sản xuất và phân phối phim, Hay Codes đặt ra những nguyên tắc mà cộng đồng này phải tuân thủ để bảo đảm lợi ích chung của toàn ngành. Tìm hiểu bộ quy tắc, có thể dễ dàng tìm thấy kiểu lập luận bảo vệ trật tự xã hội, bảo vệ đạo đức cộng đồng, khá tương đồng với kiểu kiểm duyệt của phim Việt Nam hiện đại ngày nay.

Ví dụ, về hành vi giết người, bộ quy tắc này yêu cầu những hành vi giết người man rợ không được mô tả và trình chiếu cụ thể trên phim. Hay đối với hành vi mang bản chất tình dục, Bộ Quy tắc cũng có nhiều yêu cầu như việc không sử dụng những hành vi này cho mục tiêu châm biếm.

Năm 1934, Ủy ban Quy tắc (Production Code Administration) hình thành dựa trên Bộ Quy tắc chung và trở thành cơ quan kiểm duyệt tư nhân có tầm ảnh hưởng nhất đối với nền điện ảnh Hoa Kỳ. Các bộ phim không được Ủy ban Quy tắc thông qua đồng nghĩa với việc bị tẩy chay hoàn toàn khỏi hệ thống phân phối chung. Các cơ quan công lập nhờ vậy hoạt động dựa vào những khuyến nghị của Ủy ban này. Và xin nhấn mạnh, đây là một tổ chức dân sự thuần tuý do các hãng phim tư nhân lập ra, không phải là một cơ quan nhà nước.

“Phép lạ” và đổi mới trong kiểm duyệt phim ảnh Hoa Kỳ

Hệ thống tự kiểm duyệt và kiểm duyệt nói trên tồn tại hơn hai thập kỷ và trở thành tiêu chuẩn mà mọi nhà sản xuất phim phải chấp hành, cho đến khi phim ngắn “Phép lạ” (Miracle) được nhập khẩu từ Italy vào bang New York.

“Phép lạ” kể lại câu chuyện về một cô gái chăn cừu ngây thơ và sùng đạo. Trong một lần đi chăn, cô gặp một người đàn ông lịch lãm và đẹp trai. Bằng cách nào đó, cô tin rằng đây chính là Thánh Joseph và khẩn thiết đề nghị ông mang cô lên thiên đàng. Người này cho cô uống rượu và đến khi cô gái say, bằng những cảnh quay ngắn gọn và kín đáo, bộ phim ngụ ý rằng cô bị hắn cưỡng hiếp. Sau khi tỉnh dậy, cô gái phát hiện mình đã có thai và tin rằng đây là một phép màu, rằng cô đang mang đứa con của Thánh Joseph trong bụng. Cô về làng loan tin nhưng bị xua đuổi và chửi bới. Cuối cùng, cô gái sinh con một mình trong một nhà thờ với sự chứng kiến của một con dê.

Một tấm bích chương quảng cáo phim “Miracle”. Ảnh: Wikipedia.

Bản chất báng bổ của bộ phim dành cho Thiên Chúa giáo nói chung là không thể chối cãi. Sau 12 ngày công chiếu, các nhóm tôn giáo Tin Lành và hệ thống kiểm duyệt Hoa Kỳ nhảy vào can thiệp. Với lý do phạm thánh (sacrilegious), bộ phim bị cấm công chiếu vô thời hạn.

Thương nhân Burstyn, người nhập khẩu bộ phim, khởi kiện quyết định này lên hệ thống tòa tiểu bang New York. Song Tòa Phúc thẩm New York đồng tình với quyết định của cơ quan hành pháp của bang này. Họ nhận định rằng không tôn giáo nào nên bị chế giễu, khinh miệt hay nhạo báng thông qua các sản phẩm điện ảnh.

Tranh chấp sau đó được đẩy lên tận Tối cao Pháp viện. Toà án cao nhất nước Mỹ này khiến nhiều người bất ngờ khi thay đổi quan điểm 180 độ so với án lệ Mutual Film Corp. v. Industrial Commission of Ohio hồi năm 1915 kể trên.

Trong phán quyết Burstyn v. Wilson 1952 (mà sau này trở thành án lệ nền tảng cho tự do sáng tạo nghệ thuật của điện ảnh Hoa Kỳ), Tối cao Pháp viện khẳng định điện ảnh là một môn nghệ thuật chân chính và là một phương tiện truyền tải ý tưởng, quan điểm rất quan trọng, hành vi vốn phải được Tu chính án thứ Nhất về tự do ngôn luận bảo vệ.

Sau đó, viện dẫn án lệ Near v. Minnesota (1931) về nguyên tắc không tiền kiểm mà Luật khoa đã có cơ hội giới thiệu với bạn đọc trước đây, các thẩm phán của Tối cao Pháp viện khẳng định kiểm duyệt phim chính là một hình thức tiền kiểm, và chỉ phù hợp với Tu chính án thứ Nhất nếu cơ quan nhà nước chứng minh được sự cấp thiết của nó để bảo vệ các lợi ích công cộng, một yêu cầu mà ít khi nhánh hành pháp Hoa Kỳ có thể chứng minh trước tòa. Họ đi đến kết luận rằng việc cấm chiếu “Phép lạ” là không phù hợp với Hiến pháp Hoa Kỳ.

Cần ghi nhận rằng trong án lệ này, Tối cao Pháp viện không khẳng định việc kiểm duyệt các sản phẩm điện ảnh là không cần thiết, cũng không cho rằng tự thân việc kiểm duyệt phim ảnh là một hành vi vi phạm tự do ngôn luận. Tuy nhiên, Pháp viện đặt ra một tiêu chuẩn cao và, theo người viết, là cần thiết để các cơ quan hành pháp phải lý giải và chứng minh một cách thuyết phục lý do và nhu cầu hạn chế việc lưu hành một sản phẩm điện ảnh nhất định.

*** 

Phán quyết Burstyn v. Wilson trở thành một án lệ kinh điển của ngành điện ảnh Hoa Kỳ. Hệ thống pháp luật liên bang về kiểm duyệt phim ảnh không còn được chú trọng nữa. Trong khi đó, hệ thống kiểm duyệt tiểu bang vẫn còn sót lại tại một số bang dù ảnh hưởng của chúng không được mạnh mẽ như xưa.

Hiện nay, hầu hết các bộ phim Hoa Kỳ được phân loại và đánh giá thông qua các cơ chế tư nhân và các hội đoàn. Hiệp hội các nhà sản xuất và phát hành phim Hoa Kỳ (Motion Picture Producers and Distributors of America), nay được biết đến với tên gọi Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (Motion Picture Association of America – MPAA), là tổ chức có vai trò chủ yếu trong việc phân loại và đánh giá các sản phẩm phim ở nước này. Nếu bạn đọc từng thấy những nhãn phân loại như PG-13 (dành cho mọi khán giả, nhưng khuyến nghị có phụ huynh hướng dẫn) hoặc NC-17 (dành cho khán giả trưởng thành), thì đây đều là những nhãn phân loại của MPAA.

Với những bộ phim quá tranh cãi và gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh, các rạp chiếu phim thường tự kiểm duyệt và không công chiếu, tức cũng là một nỗ lực tư nhân khác. Nếu xảy ra tranh chấp giữa các chủ thể về việc phát hành phim, vụ việc thường sẽ được giải quyết tại các toà án dân sự.

Một số trường hợp hiếm hoi mà chính phủ liên bang quyết liệt cấm và điều tra thường liên quan đến những bộ phim khiêu dâm trẻ em (child pornography).

Cơ chế kiểm duyệt phim ảnh nói trên của Hoa Kỳ là tốt hay xấu, có lẽ phải để cho bạn đọc tự nhận xét.