Nguyễn Nguyên Bình
12-7-2021
Chuyện cũng liên quan đến vụ quân nhân Trần Đức Đô chết, đang xôn xao dư luận
Vào đầu thập niêm 1970, lúc đó đất nước đang chiến tranh, quân đội chưa có nhiều trường riêng đào tạo cán bộ các ngành nghề khoa học, cả tự nhiên và xã hội, nên có tuyển một lượng khá đông các cử nhân, kỹ sư tốt nghiệp các trường Đại học từ bên ngoài vào phục vụ. Tôi cũng là một trong những quân nhân trong đó.
Cũng phải nói khi đó, chế độ quân hàm còn rất khắt khe, người mới tốt nghiệp Đại học vào quân đội vẫn chỉ được đeo quân hàm “học viên” sĩ quan với một vạch vàng trên nền đỏ, không có sao trăng gì hết.
Hồi đó Quân đội chủ trương đưa số cán bộ nói trên vào ngạch sĩ quan chỉ huy, vì vậy phải đưa họ vào trường Sĩ quan lục quân để đào tạo thành sĩ quan chỉ huy. (Tất nhiên là chỉ tráng qua chứ không đào tạo huấn luyện kỹ như các khóa SQLQ dài hạn của nhà trường. Vì vậy khóa của chúng mới gọi đùa là khóa “tráng lính”.
Chúng tôi có khoảng 100 người, phiên thành một đại đội; trong đó có 6 nữ, nên các đơn vị bạn gọi Đại đội chúng tôi là “đại đội sáu cô”. Chính trị viên, đại đội trưởng đều cấp đại úy (lúc đó cũng là đặc biệt, chứ thông thường chỉ trung úy là cùng). CTV hơi già và rất thích nói chuyện văn chương, đại đội trưởng thì trẻ hơn, khá nghiêm khắc với cả bản thân và lính. Đặc biệt, ấn tượng là anh có dáng người rất chuẩn, thực hiện những động tác đội ngũ thì đẹp tuyệt, Trung đội trưởng trung đội tôi thì mới đi chiến trường về, gặp lính gái còn hơi bẽn lẽn, tính tình hiền hậu, dễ chịu…
Trong đại đội còn có một bạn tên là Thiết, con đẻ của tướng Thái Dũng, ông còn có biệt danh “Dũng cụt” vì ông bị thương trong chiến đấu, mất một bên tay. Ông Thái Dũng nổi tiếng rèn lính rất nghiêm, ngay cả với con trai ông cũng không ngoại lệ. Mọi người đều nói trường Lục quân đã nghiêm đến nỗi lính tráng vẫn kêu là trường “luộc quân” nhưng ông Dũng bảo: “Luộc thì đã ăn thua gì? Rèn còn nóng hơn nhiều, đến đây là phải ‘rèn’ đấy!”
Tất nhiên chúng tôi bị rèn ra trò, việc học những vấn đề về chiến thuật, kỹ thuật trên lớp thì không có gì đáng ngại, nhưng sợ nhất là hành quân dã ngoại, đi theo góc phương vị, rồi vừa hành quân vừa chiến đấu gặp địch… Mỗi cuộc như vậy 3-40 cây số là thường. Mệt hết hơi! Ấy thế mà khi ra trường chỉ được phong quân hàm chuẩn úy với một gạch bạc, vẫn vắng bóng trăng sao!
Tuy vậy, sau khi ra trường làm phóng viên báo QĐND, tôi phải biết ơn sự rèn luyện đó. Thuở ấy xe cộ giao thông vô cùng khó khăn, nên thường phải đi bộ chừng vài chục cây số đến nơi bộ đội đóng quân, hoặc tới các trận địa vài chục cây, vậy mà vẫn thấy khỏe re.
Và những hiểu biết về các hình thức chiến thuật của quân đội cũng giúp tôi đi phỏng vấn, viết bài, đều không bỡ ngỡ. Sau này chuyển sang viết các báo cáo thành tích chiến đấu của các đơn vị chuẩn bị phong tặng các danh hiệu vinh dự cấp Nhà nước, hoặc hỏi cung tù binh Trung Quốc, tôi đều thấy những sở học đó rất hữu ích.
Điều đáng nói nhất là thời tôi học ở trường SQLQ thì không thấy ở đơn vị mình, cũng như các đơn vị khác, có chuyện cán bộ đánh lính, hay lính đánh lẫn nhau gì cả! Sau khi ra trường, tôi vẫn giữ được ấn tượng tốt về khóa học ‘tráng lính” đó.
Hơn hai mươi năm sau, tôi có một thằng cháu tốt nghiệp khoa tiếng Anh trường Đại học Ngoại ngữ, cũng được tuyển vào quân đội, và cũng phải qua một lớp “tráng lính” như chúng tôi ở trường Sĩ quan trước khi phong quân hàm rồi mới về các nơi làm việc chính thức.
Đương nhiên là lúc này tình hình đã khác rất nhiều, những ông chỉ huy đại đội chúng tôi xưa thì về hưu lâu rồi. Chỉ huy bây giờ trẻ hơn nhiều và chả bao giờ lại nói chuyện “văn chương” gì với lính, thậm chí còn coi lính như công cụ để bóc lột bằng tiền “quà” của gia đình, mỗi khi tên lính đi phép trở lại đơn vị; hoặc sai phái nhiều việc phục vụ riêng tư của các ổng.
Nếu chỉ như vậy thôi thì cháu tôi nó xác định cố “nín thở qua sông” vì nghĩ thời gian “tráng lính” cũng không dài. Nhưng một việc nghiêm trọng không ngờ lại đến: Ông đại đội trưởng muốn mua xe mà có kẻ đang gạ bán cho ông một chiếc xe còn tốt, giá rẻ bất ngờ (xin mọi người nhớ lại cái thời điểm cuối bao cấp, đầu đổi mới, chiếc xe máy giá trị gấp nhiều lần bây giờ, thậm chí nó bằng cả gia tài).
Rẻ thì rẻ, nhưng tiền xe cũng phải gấp nhiều lần lương sĩ quan của ông. Vì vậy, muốn có đủ tiền, ông phải nghĩ cách xoay sở. Rồi ông nghĩ ra cách bắt lính đi đào trộm đường ống kẽm dẫn nước của trường (dĩ nhiên là vào ban đêm) để bán lấy tiền. Không may cho ông, trong đám lính lại có mấy tên thuộc diện ‘con ông cháu cha’, quan trọng là cha ông chúng lại là những người ở khối cơ quan có quyền chi phối trực tiếp tới nhà trường này; bọn chúng sợ khi đang đào trộm ống nước mà bị lộ thì ông chỉ huy kia sẽ phủi hết tội lên đầu chúng, nên chúng phải nghĩ cách thoát thân.
Chúng đem chuyện báo lên phụ huynh và vụ việc được kịp thời chặn lại, đại đội trưởng may mắn chỉ bị khiển trách, không mất chức. Thế nhưng đại đội trưởng đã không ân hận, mà lại cay cú cố tìm xem “đứa nào mách lẻo” để trị.
Thật không may cho cháu tôi, nó chỉ dại mồm công khai phản đối việc đào ống nước, chứ không thuộc bọn con cháu, tuy không phản đối ra miệng, nhưng lại ngầm ‘mách lẻo’. (Thật ra cháu nó cũng có ông làm to đấy, nhưng ông rất nghiêm, thường không cho cháu dựa dẫm, ít can thiệp việc cháu ở cơ quan, đơn vị, với lại vị trí của ông quả cũng ít “hiệu lực” với nhà trường).
Thế là ông ta ra tay trị thằng cháu tôi. Đại đội trưởng bịa chuyện cháu vô kỷ luật, không chấp hành mệnh lệnh, quy tắc thao trường v.v… báo cáo lên tiểu đoàn và giám hiệu, kiến nghị loại ngũ cháu. Loại ngũ lúc ấy thì chết cũng không khốn bằng, vì đã mang cái lý lịch quân nhân loại ngũ thì coi như chấm hết sự nghiệp.
Cháu lục lọi hết trí nhớ, may sao có được bà dì ruột cùng học với một ông trong Đảng ủy nhà trường, mà cũng từng có chút công giúp đỡ ông ấy khi gia đình khó khăn. Bà dì lên tận trường gặp ông bạn cũ, trình bày cặn kẽ sự việc, nhờ ông báo cáo lại với nhà trường, tháo gỡ được nỗi oan cho cháu. Rút cuộc, cháu đã thoát nạn. Sau cũng có được sự nghiệp kha khá…
Tuy ông đại đội trưởng kia đã làm những việc sai trái đến như vậy, vẫn không bị kỷ luật gì nặng nề cho lắm. Ông vẫn được chỉ huy các đợt huấn luyện khác, rồi ông cũng tìm cách mua được xe máy để phóng vi vu… Nhưng, ít lâu sau hỏi thăm đến ông ấy thì người ta nói ông đã mất khi đang đi xe máy, bị tai nạn giao thông…
(Chuyện xảy ra đã lâu rồi, nay kể lại nhân khi mới xảy ra cái chết của cháu Trần Đức Đô cũng tại một trường quân sự, để bạn đọc tham khảo).