Đòi bồi thường tài sản bị cưỡng đoạt: Thế kẹt của chính quyền khi bị kiện (Bài 2)

0
836
    • Vụ kiện ở American Samoa: Việt Nam thua vì không ra toà
  • Vụ kiện Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ: lên đến Tối Cao Pháp Viện

Ts. Nguyễn Đình Thắng Ngày 1 tháng 9, 2017 https://machsongmedia.com Ai yêu hội hoạ đều biết đến các bức tranh của danh hoạ Gustav Klimt, nhưng có thể họ không biết về những chi tiết ly kỳ ở đằng sau: một cụ bà 83 tuổi, gốc Do Thái tị nạn ở Hoa Kỳ, đã dùng luật Hoa Kỳ để đòi công lý và chiến thắng. Chính quyền Áo đã phải trả các bức tranh mà từ lâu họ xem đương nhiên là tài sản quốc gia cho nguyên đơn, Bà Maria Altmann. Tôi dùng vụ kiện nổi tiếng Altmann v. Austria để minh hoạ ứng dụng của Luật FSIA, trước hết và trên hết là để làm cho bài viết đỡ nhàm chán. Vụ kiện còn cho thấy, kiện một chính quyền ra toà án Hoa Kỳ lắm chông gai nhưng đã có tiền lệ. Trước đây, có lời bàn râm ran rằng, làm sao mà kiện chính quyền Việt Nam được để đòi bồi thường tài sản? Có thể đó là do thiếu hiểu biết, nhưng cũng không loại trừ ai đó muốn đánh lạc hướng dư luận, để tránh cho chính quyền Việt Nam bị ngụp lặn trong cơ man các vụ kiện trên đất Mỹ. Chế độ ở Việt Nam thật sự lo vì đã có kinh nghiệm xương máu. Ngày 12 tháng 3, 2008 vị trưởng đoàn liên ngành của chính phủ Việt Nam viết từ Jordany cho Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Phạm Gia khiêm và Bộ Trưởng Lao Động Thương Binh Xã Hội Nguyễn Thị Kim Ngân, mà giờ đây là Chủ Tịch Quốc Hội: “Đây là kịch bản giống như vụ Samoa như Nguyễn Đình Thắng gây ra trước đây trên cơ sở đình công bất hợp pháp để đưa vụ kiện ra toà… Việc này đã vượt quá thẩm quyền của Đoàn. Vì vậy, Nhà cho ý kiến chỉ đạo gấp để cho Đoàn thực hiện.” “Nhà” có nghĩa là Ông Bộ Trưởng Ngoại Giao và Bà Bộ Trưởng LĐTBXH, người đã cử đoàn liên ngành sang Jordany để giải quyết vụ các công nhân Việt Nam đình công vì bị bóc lột. Người lãnh đạo cuộc đình công khi ấy là cô Vũ Thị Phương Anh, một cái tên mà nhiều người biết đến. Phập phồng chờ phán quyết của Toà Thượng Thẩm American Samoa trong vụ kiện 2 công ty quốc doanh Việt Nam (ảnh VLS) Vụ Samoa Trong vụ này, toà thượng thẩm của American Samoa xử 3 bị đơn phải bồi thường tổng cộng 3.5 triệu Mỹ kim cho 250 nạn nhân Việt Nam. Các bị đơn này gồm một công ty Hàn Quốc, Daewoosa American Samoa, và 2 công ty quốc doanh Việt Nam: Tourism Company 12 (TC12) của Bộ Thể Thao Văn Hoá và Du Lịch, và International Manpower Supply (IMS) của Bộ Thương Mại. Xem: https://www.mvariety.com/community-bulletin-sp-595/2302-garment-firm-ordered-to-pay-35m Tháng 3 năm 1999, tôi bắt đầu hợp tác với Luật Sư Barry Rose ở đảo American Samoa để chuẩn bị vụ kiện. Nguyên đơn là các người lao động Việt Nam bị lừa đưa sang đảo American Samoa, lãnh thổ tự trị của Hoa Kỳ, để bị bóc lột và giam như nô lệ. Ngày kia, 2 nữ công nhân trốn ra ngoài và được một phụ nữ bản địa cưu mang, rồi tìm luật sư can thiệp. Luật sư đó là LS. Barry. Qua một người quen, LS Barry tìm đến tôi. Đơn kiện được nộp tháng 4 năm 1999, và mất đúng 3 năm thì toà phán xét. Khi đơn kiện còn chờ được xét xử, khi Luật Bảo Vệ Nạn Nhân Buôn Người của Hoa Kỳ có hiệu lực vào cuối năm 2000, cơ quan FBI lập tức giải cứu các nạn nhân; ngoài Việt Nam ra còn có một số ít người Trung Quốc. Hễ người nào thoát ra, lập tức được BPSOS mua vé máy bay, dùng thẻ nợ của tổ chức, để đưa gấp sang Hawaii cho được an toàn. Tiếc là chúng tôi đã không cứu kịp cho 50 công nhân bị chính quyền Việt Nam gấp rút đưa về Việt Nam ngay trước đó. Số nạn nhân được giải thoát được định cư ở Hoa Kỳ theo Luật Bảo Vệ Nạn Nhân Buôn Người, mà tác giả Dân Biểu Christopher Smith (Cộng Hoà, New Jersey); Ông cũng là tác giả của Luật Magnitsky Toàn Cầu gần đây. BPSOS hợp tác với Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ để truy tố hình sự Ông Kil Soo Lee và số người đồng loã. Trong số 50 nạn nhân bị hồi hương, chúng tôi vận động Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ đưa được 30 người sang Hoa Kỳ làm nhân chứng. Sau đó, họ được phép ở lại luôn Hoa Kỳ. Chủ nhân công ty Hàn Quốc, Kil Soo Lee, và tòng phạm bị giam để chờ ra xét xử. Tài sản của công ty Daewoosa American Samoa bị Bộ Ngân Khố tịch thu để đền bù cho các nạn nhân, kể cả số nạn nhân đã bị hồi hương về VIệt Nam. Tháng 6 năm 2005, Ông Kil Soo Lee bị tuyên án tù 40 năm. Ông hiện đang ở nhà tù Honolulu. Đây là vụ truy tố hình sự lớn nhất lịch sử Hoa Kỳ về buôn người. Điểm lưu ý trong vụ Samoa là, nguyên đơn lúc ấy chỉ có quy chế “di công” ở Hoa Kỳ, nhưng vẫn có quyền kiện các doanh nghiệp quốc doanh ở Việt Nam, và đã thắng kiện. Vì Ông Kil Soo Lee đã ở tù khi toà thượng thẩm của American Samoa phán quyết, 2 công ty quốc doanh Việt Nam phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về số tiền 3.5 triệu Mỹ kim bồi thường. Đến nay chính quyền Việt Nam vẫn chưa trả số tiền bồi thường ấy, và họ lo sẽ phải đối mặt với các vụ kiện tương tự mà có “yếu tố BPSOS” trong đó. Bởi thế, trong vụ đình công ở Jordany năm 2008, “Nhà” đã ra lệnh đoàn liên-ngành của chính phủ phải bằng mọi cách vận động toà Jordan không xử phạt các công nhân Việt Nam về tội đình công không xin phép trước. Thực ra, trong vụ này chúng tôi đã không chọn con đường toà án, mà làm việc với chính quyền Jordany, với sự hỗ trợ của quốc vương và hoàng hậu của họ. Vụ kiện Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Tôi đoán chừng chính quyền Việt Nam biết về vụ kiện lịch sử này vì có phần nào liên quan dù không là bị đơn. Cách đây gần ¼ thế kỷ, tổ chức LAVAS do BPSOS thành lập kiện Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lên đến Tối Cao Pháp Viện. Vụ kiện này đã thúc đẩy Quốc Hội thay đổi một điều khoản luật di trú. Xem: https://caselaw.findlaw.com/us-dc-circuit/1344121.html Để đối phó với cơn khủng hoảng thuyền nhân của những năm 1988-1989, năm 1990 Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ủng hộ Chương Trình Hành Động Toàn Diện (Comprehensive Plan of Action, hay CPA). Theo đó, các quốc gia tạm dung như Hồng Kông, Thái Lan, Nam Dương, Mã Lai, Phi Luật Tân… giam thuyền nhân trong các trại tạm dung và phỏng vấn để xác định tư cách tị nạn của họ; chỉ những ai được xét là tị nạn thì các quốc gia đệ tam, trong đó có Hoa Kỳ, mới nhận định cư. Số còn lại phải hồi hương. Đối lại, BPSOS thực hiện 3 mũi nhọn cùng lúc: cử luật sư bảo vệ tư cách tị nạn cho từng hồ sơ thuyền nhân, vận động Quốc Hội Hoa Kỳ can thiệp và kiện Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Kế hoạch này cuối cùng đã gíup 20 nghìn thuyền nhân định cư tị nạn dù đã bị từ chối tư cách tị nạn bởi các quốc gia tạm dung. Trong mũi nhọn tư pháp, chúng tôi lọc ra 130 hồ sơ đã bị từ chối tư cách tị nạn bởi các quốc gia tạm dung, nhưng lại có quy chế di dân vào Hoa Kỳ theo diện đoàn tụ gia đình. Năm 2003, chúng tôi giúp các thân nhân là công dân Hoa Kỳ đứng đơn kiện Bộ Ngoại Giao vì lý do phân biệt đối xử. Bộ Ngoại Giao, vì đã tham gia CPA, bắt số thuyền nhân kể trên phải hồi hương rồi sẽ xử lý các đơn bảo lãnh đoàn tụ gia đình ở Việt Nam. Không một sắc dân nào bị đòi hỏi như vậy (vì họ không là thuyền nhân nên không bị chi phối bởi CPA). Chúng tôi lập luận rằng CPA là thoả thuận về người tị nạn, còn thể thức di dân phải tuân thủ luật di dân Hoa Kỳ. Vụ kiện cù cưa từ Toà Sơ Thẩm lên đến Toà Phúc Thẩm và cuối cùng lên Toà Tối Cao. Tháng 2 năm 2006, chỉ độ một tuần trước ngày xử, Bộ Ngoại Giao vận động được Quốc Hội thông qua điều khoản luật cho phép Bộ Ngoại Giao chọn địa điểm thuận tiện nhất để xử lý các hồ sơ đoàn tụ gia đình. Vì chức năng của Toà Tối Cao là diễn giải luật do Quốc Hội thông qua, sự thay đổi này làm cho vụ kiện của chúng tôi mất căn cứ (moot). Tuy nhiên, trước đó Sở Di Trú Hoa Kỳ đã phải xử lý các hồ sơ của nguyên đơn, theo yêu cầu của chúng tôi. Luật sư của chúng tôi lập luận rằng, nếu chờ vụ kiện kết cục mới giải quyết hồ sơ đoàn tụ gia đình thì có nghĩa là, nếu chúng tôi thắng kiện, các nguyên đơn vẫn bị thiệt hại một cách không thể bù đắp. Toà đồng ý và bắt Sở Di Trú phải tiến hành thủ tục định cư, bất chấp các cam kết của Bộ Ngoại Giao theo CPA. Nhờ vậy, khi mà vụ kiện trở thành mất căn cứ, phần lớn các hồ sơ trong đơn kiện đều đã được giải quyết định cư. Không những vậy, Bộ Ngoại Giao đã yêu cầu phía Việt Nam hợp tác để giải quyết định cư khẩn cấp các người có quy chế đoàn tụ gia đình với thân nhân ở Hoa Kỳ nhưng đã bị hồi hương dù, hồ sơ của họ không thuộc vụ kiện. Đó là lý do chúng tôi biết rằng chính quyền Việt Nam biết về vụ kiện lịch sử này. Đây là vụ kiện mang tính cách lịch sử vì nó là trường hợp đầu tiên mà người Việt tị nạn kiện chính quyền Liên Bang Hoa Kỳ, vụ kiện lên đến Tối Cao Pháp Viện, và Quốc Hội phải nhập cuộc. Điểm thứ 2 cần lưu ý là, có khi kiện nhưng không nhằm thắng ở toà, mà là để thúc đẩy một mũi nhọn song song. Thế kẹt của chính quyền bị kiện Các chính quyền với tội ác trên tay không bao giờ muốn bị kéo ra toà, nơi mà công lý và sự minh bạch là chuẩn mực. Vì ra toà sẽ mang đến rủi ro nhiều tội ác sẽ bị phanh phui, kể cả những điều khuất tất không trực tiếp liên quan đến vụ kiện. Nhưng không ra toà thì đương nhiên thua kiện. Đó là trường hợp của 2 công ty TC12 và IMS; họ đã không tham dự phiên toà và không thuê luật sư đại diện. Để minh hoạ điểm này, tôi dùng một vụ kiện với nhiều chi tiết lý thú: Villoldo v. Cuba. Tháng 3 năm 2008,  Ông Gustavo Villoldo, người Mỹ gốc Cuba 72 tuổi sống ở Miami, đệ đơn ra toà tiểu bang kiện chính quyền Cuba. Năm 1959, chính quyền Cuba đã tịch thu toàn bộ tài sản của cha mẹ Ông Gustavo, tổng trị giá lên đến 100 triệu thời bấy giờ, và ép cha của Ông phải tự sát. Ông Gustavo và người anh được mẹ đưa đi thoát, đến Hoa Kỳ tị nạn năm 1960. Tháng 5 năm 2008, toà tuyên án chính quyền Cuba phải bồi thường gia đình Ông Gustavo 393 triệu Mỹ kim cho trị giá tài sản đã bị tịch thu, 392 triệu Mỹ kim cho các đau đớn tinh thần và thể xác, và 393 triệu Mỹ kim trừng phạt; tổng cộng là 1.2 tỉ Mỹ kim. Toà phán xét rất nhanh vì chính quyền Cuba không hầu toà. Liền sau đó Ông Gustavo lại kiện thêm, lần này là cho những tổn thương gây ra cho chính Ông Gustavo vì chính quyền Cuba đã có lần tra tấn Ông trong 5 ngày và nhiều lần hăm he ám sát Ông trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Năm 2011, toà tuyên án chính quyền Cuba phải bồi thường thêm 2,8 tỉ Mỹ kim. Ông Gustavo đã thuê một hãng luật lớn để truy lùng tài sản chìm và nổi của chính quyền Cuba ở khắp thế giới. Khi Tổng Thống Obama quyết định bình thường hoá quan hệ ngoại giao Hoa Kỳ – Cuba, Ông Gustavo thấy có thêm triển vọng để đòi bồi thường. Mỗi khi Hành Pháp Obama rục rịch thương thảo với Cuba về trao đổi văn hoá, mậu dịch… thì lập tức các luật sư của Ông Gustavo vận động Quốc Hội chặn lại, đòi hỏi Cuba phải trả tiền bồi thường trước đã. Thậm chí, năm 2016 khi bảo tàng viện Boston chuẩn bị cuộc triển lãm các bức tranh thuộc tài sản quốc gia của Cuba, họ phải vận động để chính quyền Obama bảo đảm là các bức tranh này không bị tịch thu bởi luật sư của Ông Gustavo. Đó là thế kẹt của Cuba: ra toà thì bị tố khổ và cuối cùng vẫn có thể thua kiện, còn không ra toà thì đương nhiên thua kiện và phải đối phó với di luỵ triền miên. Đó cũng là thế kẹt của chế độ ở Việt Nam. Bà Adele Bloch-Bauer trong bức tranh của Gustav Klimt Kết luận Trở lại với vụ kiện Altmann v. Austria, chính phủ Áo chọn con đường trọng tài có lẽ một phần là vì không muốn quá khứ tội lỗi mà họ muốn chôn vùi nay lại bị phơi bày ra ánh sáng của toà án Hoa Kỳ: chính quyền Áo từng hợp tác với Đức Quốc Xã để diệt chủng người Do Thái ở Áo. Để che đậy quá khứ xấu xa đó, bảo tàng viện quốc gia của Áo tránh nhắc đến tên của người mẫu trong một bức tranh nổi tiếng của Klimt: Adele Bloch-Bauer, mà chỉ gọi là Woman in Gold (người phụ nữ trong trang phục bằng vàng). Chồng của Cô Adele, tức chú của Bà Maria Altmann, là người đã đặt hàng với hoạ sĩ Klimt cho 6 bức tranh là đề tài tranh chấp trong vụ kiện. Chính quyền Việt Nam biết rằng họ sẽ ở thế kẹt nếu bị kiện. Họ cũng biết rằng triển vọng bị kiện là rất thực. Ngoài vụ Samoa và vụ kiện Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, họ biết rằng CAMSA, cũng do BPSOS thành lập, đã hoặc chuẩn bị 3 vụ kiện ở Mã Lai Á và 1 ở Đài Loan liên quan đến các hồ sơ nạn nhân buôn người. Trong một vụ ở Mã Lai Á, Toà Đại Sứ Việt Nam ở quốc gia này ra chỉ thị phải bắt cóc các nguyên đơn để đưa về Việt Nam, nhưng không thành vì chúng tôi chặn kịp. Trong tất cả các vụ trên, các đối tượng của chúng tôi đều điều đình giải quyết ngoài toà. Tổng số tiền bồi thường là trên 3 triệu: Mỹ kim. Do đó, nếu có râm ran lời bàn rằng “con kiến mà kiện củ khoai” thì cũng không là điều đáng ngạc nhiên.