Đạo văn trong “công trình nghiên cứu” của tiến sĩ Huỳnh Công Bá.

0
43
   

Lê Công Định

Năm ngoái tôi mua bộ sách 3 quyển “Định chế pháp luật dân sự thời Pháp thuộc và Việt Nam Cộng Hòa” của tiến sĩ sử học Huỳnh Công Bá, mà theo lời tựa là công trình nghiên cứu của ông trong nhiều năm.

Tôi tò mò khi thấy một nhà nghiên cứu sử, chưa từng học luật, mà lại viết về luật, nhất là luật pháp thời Pháp thuộc và Việt Nam Cộng Hòa, nên đã đọc ngay khi mua về, và suy nghĩ mãi mới quyết định viết stt này.

Điều ngạc nhiên là bộ sách không phải là “công trình nghiên cứu” như được quảng bá, mà chỉ là sự sao chép hầu như toàn bộ các sách giáo khoa luật in trước 1975 tại miền Nam của các giáo sư luật khoa Sài Gòn đương thời.

Tiến sĩ Huỳnh Công Bá chỉ dụng công cắt ghép các tác phẩm của các giáo sư luật khoa Sài Gòn theo bố cục riêng của mình, thỉnh thoảng thay đổi vài từ, còn lại hầu như giữ nguyên cả cách hành văn của các tác giả khác, để biến thành “tác phẩm” của mình.

Đôi chỗ ông cố chú thích cuối trang là trích dẫn từ sách này, sách kia, hoặc ghi “theo giáo sư …”, nhưng rồi vẫn chép lại nguyên văn sách khác, mà thậm chí không để trong dấu ngoặc kép, khiến độc giả nhầm tưởng do ông viết (!). 

Tuy nhiên, đa phần quyển sách chỉ chép nguyên văn, mà thậm chí không cần ghi cả chú thích lẫn câu “theo giáo sư …”. Các hình chụp dưới đây chỉ là một ví dụ trong vô số, nếu không nói là tất cả, nội dung các sách giáo khoa luật trước 1975 bị đạo văn trong “công trình nghiên cứu” của tiến sĩ Huỳnh Công Bá.

Nghiên cứu học thuật đòi hỏi kiến thức chuyên môn sâu lẫn đạo đức học thuật, chứ không phải là đạo văn, xào nấu lại tác phẩm của người khác rồi biến thành của mình.

P/S: Đây là những hình chụp các trang sách trong tác phẩm “Việt Nam Dân luật lược khảo – quyển II (Nghĩa vụ và Khế ước)” của giáo sư Vũ Văn Mẫu, mà tiến sĩ Huỳnh Công Bá đã sao chép trong quyển thứ 2 trong bộ sách của ông, mà không dẫn nguồn.


Lê Công Định

Từ năm 1989, tức 34 năm trước, sau khi tốt nghiệp Đại học Pháp lý Hà Nội, Phân hiệu TPHCM, vào năm 21 tuổi, tôi đã nhận ra những lỗ hổng kiến thức luật của mình do hậu quả của mái trường luật học XHCN.

Vì vậy cũng từ đó tôi bắt đầu sưu tập các sách giáo khoa luật in trước 1975 tại Nam phần Việt Nam của các giáo sư luật khoa đương thời. Tôi nghiền ngẫm những quyển sách ấy để tự đào luyện lại mình trong bối cảnh thiếu thốn sách vở của các nước Tây phương lúc bấy giờ.

Kiến thức luật pháp tôi thủ đắc được cho đến ngày nay chính là nhờ nền tảng tích luỹ từ các công trình khảo cứu luật lệ thời Pháp thuộc và VNCH của các vị giáo sư ấy. Đối với tôi, họ là những ân sư, dù nhiều vị tôi chưa từng gặp mặt.

Từ năm 21 tuổi, tuần nào tôi cũng lê la ở các hiệu sách cũ để tìm mua và sưu tầm các sách giáo khoa, tạp chí luật khoa, án lệ vựng tập và luật lệ thời Pháp thuộc và VNCH. Tôi sưu tầm cả những luận án tiến sĩ của người Việt và người Pháp viết về đề tài đó.

Tìm được quyển nào tôi cũng đọc ngấu nghiến không biết bao nhiêu lần trong suốt 34 năm qua, trừ 4 năm ở tù. Vì vậy, tác giả nào viết gì, văn phong ra sao, mỗi bộ bao nhiêu quyển, v.v…, tôi đều thông thuộc.

Tủ sách nhà tôi là một thư viện khiêm tốn về sách vở luật khoa trước 1975, dù chưa hoàn hảo và còn nhiều thiếu sót. Đối với tôi đó là kho tàng về một thời đại văn minh pháp lý đỉnh cao bậc nhất của người Việt trong lịch sử, mà tôi có bổn phận lưu giữ.

Do đó, tôi hoan hỉ khi thấy hậu thế quan tâm nghiên cứu về thời đại văn minh pháp lý ấy. Nghiên cứu, chứ không phải đạo văn, biến công trình khảo cứu của tiền nhân thành của riêng mình, như cách tiến sĩ sử học XHCN Huỳnh Công Bá đã làm.

Vì vậy, sau khi đắn đo suy nghĩ cả năm trời và được sự khuyến khích của nhiều bạn đồng môn và đồng nghiệp, tôi quyết định công bố sự đạo văn nghiêm trọng của tiến sĩ Huỳnh Công Bá, dù ông đã qua đời, trong stt ngày hôm qua.

https://www.facebook.com/LSLeCongDinh/posts/pfbid0Y5LriUuT8FAby7QZ1kWa5TYLiTnZhocX2zPtrk2Pb1Rw81VQWhuDRzH16NPg2LFsl

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here