Có những lúc vịn câu… Bolero mà đứng dậy

0
180

(Xin tạ ơn những nhạc sĩ đã sáng tác Bolero)

Tôi lớn lên giữa những năm tháng đói khổ của quê hương. Một đất nước từ Nam ra Bắc ăn độn mì, bắp, bo bo. Càng đi ra xa thành phố, cái đói càng hiển hiện rõ nét trên từng khuôn mặt. Giữa một xã hội đói và rách như thế, nhưng chiếc loa mà chính quyền treo nơi đầu ngõ cứ ra rả suốt ngày rằng đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới, đang tiến lên Chủ Nghĩa Xã Hội. Phần tin tức chỉ nói đến thành công vang dội của hợp tác xã này, của nông trường kia, của anh hùng lao động nọ. Không có tiêu cực, không có khó nghèo. Sau những bản tin như vầy, là chương trình âm nhạc. Mà âm nhạc toàn những bài cùng thể loại: Tiếng đàn Ta Lư, Tiếng chày trên sóc Bombo, Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, v.v. Đó là những bản nhạc mà tôi cố gắng chịu đựng, nghe hoài, nhưng không bao giờ nuốt nổi.

Lớn lên tí xíu, vẫn chiếc loa phường sáng-trưa-chiều-tối, cứ sau chương trình thời sự là nhạc. Và cũng chỉ 1 tuồng tích cũ. Ở trong không gian nhà quê, nhà mùa như chúng tôi, mấy ông trong ban Văn Hóa uy quyền ngút trời. Ổng muốn bật nhạc gì và khi nào là quyền hành của mấy ổng.

Giữa trưa, người bịnh đang nghĩ dưỡng, mà mấy ông cứ chơi: Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Bão nổi lên rồi.
Trong lúc nhà bên hàng xóm đang tang tóc bởi có con chết trận ở Campuchia, vậy mà cứ nổi lên: Bác đang cùng chúng cháu hành quân, Tiểu đoàn 307, v.v. Nghe những bài này trong những cảnh ngộ như thế, ai chịu cho thấu?

Như môt phản ứng ngược, tôi không thể dung nạp phần lớn những nhạc phẩm trong dòng nhạc đỏ, dù phải nghe hằng ngày, mặc dù có một số bài tôi thích và vẫn còn nhớ tới bây giờ. Càng không thích nhạc đỏ thì tôi lại càng nghe lén “nhạc vàng”.

Tôi nghe lén cùng người lớn và tôi nhớ dai những ca khúc “nhạc vàng” như thế. Tôi nghe và đâm ghiền hồi nào không hay.
“Hỏi đá xanh rêu qua bao tuổi đời / hỏi gió phiêu du qua bao đỉnh trời / Hỏi áng mây xanh đèn vàng héo hắt …” (Lệ Đá)
“Thành phố nào, nhớ không em, ngày Chủ Nhật ngày của riêng mình… Thành phố nào, vừa đi đã mỏi, đường quanh co nguyện gốc thông già …” (Thành phố buồn)

“Rừng lá xanh xanh cây phủ đường đi, thành phố sau lưng ôm mộng ước gì …Sao không hát cho những người còn mãi mê / lá rừng che kín đường về phồn hoa …không hát cho những bà mẹ từng đêm nhớ con xa / hay hát cho những người vừa nằm xuống chiều qua …” (Rừng Lá Thấp)

Và rồi tôi đi. Trong lòng nhủ rằng sẽ không bao giờ còn nghe được những bản nhạc vàng như thế. Vậy mà ….
Tôi vào trại tị nạn vào một sáng sớm, trong một ngày cuối tuần của tháng bảy. Tôi và những người cùng ghe được đưa vào môt dãy nhà cách biệt, dành cho những người mới tới đảo: nội bất xuất, ngoại bất nhập. Khoảng tám giờ sáng, bên trong những dãy rào kẽm gai, tôi nghe tiếng loa phóng thanh kêu gọi mọi người chung tay làm vệ sinh trong trại. Rồi sau đó, nhạc trỗi lên, từng bài, từng bài. Từ “Tình Ca” đến “Biển nhớ”, từ “Trăng rụng xuống cầu” cho tới “Vết thù trên lưng ngựa hoang”… Tôi đi từ bất ngờ này qua bất ngờ khác. Nhạc dịu dàng, réo rắt, ru hồn người trở về những nơi chốn quê hương. Vâng, nhạc vàng!
Nhưng điều tôi làm tôi nhớ mãi, là buổi tối im ắng của ngày hôm đó. Một 1 chiếc máy cassette từ một căn nhà lá gần bên, vang lên những bản nhạc rất mùi mẫn. Thằng trai xa quê hương nghe như chết nghẹn trong lòng.

“Quán nửɑ khuуa đèn mờ theo hơi khói
Ƭrút tâm tư νào đêm νắng cɑnh dài
Quãng đời tôi tàu đêm νắng không người, νẫn lặng trôi …” (Quán nửa khuya)
“Con đường xưa em đi, vàng lên mái tóc thề, ngõ hồn dâng tái tê
Anh làm thơ vu quy, khách qua đường lắng nghe chuyện tình ta đã ghi” (Con đường xưa em đi)

Ngay cả những nhạc phẩm viết trong lửa đạn chiến tranh, vẫn không hề chứa đựng những căm thù, những máu đổ, bom rơi, mà ngược lại, rất nhân bản, đầy tình người. Đó là những nhạc phẩm không hề kêu gào vùng lên để đòi xương máu.

“Tôi đã quen rồi chuyện đi và quen xa ánh đèn phố thị.
Nên dẫu mùa Xuân đơn vị không bánh ngon không rượu quý, tôi nào nghe thấy lạnh trong tôi…” (Mùa xuân lá khô)

“Rồi anh sẽ dựng căn nhà xưa
Rồi anh sẽ đón cha mẹ về
Rồi anh sẽ sang thăm nhà em
Với miếng cau, với miếng trầu, ta làm lại từ đầu

Rồi anh sẽ dìu em tìm thăm
Mộ bia kín trong nghĩa địa buồn
Bạn anh đó đang say ngủ yên
Xin cám ơn ! Xin cám ơn ! Người nằm xuống…” (Một mai giã từ vũ khí)

Trên “căn gác lưu đày” ở trại tị nạn, lần đầu tiên, tôi nghe mùi … tết xa nhà. Đó là chiều 30, tiếng máy cassette từ một căn phòng cuối dãy bật lên:
“Con biết bây giờ Mẹ chờ tin con, khi thấy mai đào nở vàng bên nương …Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm…” (Xuân này con không về).
Tôi nghe trái tim mình đập loạn nhịp ở cái tết xa nhà đầu tiên. Tôi quẹt đi nước mắt lăn dài của 1 thằng trai trẻ.

Trong cõi mênh mông của nhạc vàng, tôi tương tư với những ca khúc mùi mẫn Bolero, mà sau này, có rất nhiều người gọi đó là nhạc “sến”. Vâng, nhạc sến như 1 chiếc phao cứu cánh cho tôi giữa những tháng ngày tù mù của trại tị nạn. Cứ mỗi lần nghe, trong tôi dấy lên những ray rứt, bâng khuâng, thật lạ. Những ngày đầu định cư, nhớ quê nhà quay quắt, tôi dành dụm từng đồng để mua một chiếc máy nhỏ và những băng cát xét thu lại những nhạc phẩm trước năm 1975. Sau đó là những băng nhạc mới của Phương Dung, Hương Lan, Sơn Tuyền, v.v.
Giữa cái lạnh quay quắt của Bắc Mỹ trong những ngày đầu ấy, những nhạc phẩm Bolero đã sưởi ấm hồn tôi. Đó là: Tàu đêm năm cũ, Nửa đêm ngoài phố, Thành phố sau lưng, Đêm buồn tỉnh lẻ, Hoa sứ nhà nàng, Xuân này con không về, Sầu tím thiệp hồng, Sao chưa thấy hồi âm, Người đi ngoài phố, Đập vỡ cây đàn, Quán nửa khuya, Những đóm mắt hỏa châu, Rừng lá thấp, v.v.

Một thời gian sau, tôi nghiệm ra 1 điều mà chắc chắn mọi người đã thấy từ lâu (mà chỉ có tôi sao chậm tiêu quá xá): Bolero dường như có mặt ở bất cứ nơi nào có người Việt, và được hát trong rất nhiều hoàn cảnh, mà không thể loại nhạc nào có thể hát được.

Nhớ nhà ư? Cứ tưởng tượng: mấy thằng trai trong trại tị nạn, tết về, ngồi chờ thư nhà, bật lên 1 bài Bolero. Tiếng hát ứ ư … “Con biết bây giờ mẹ chờ tin con / khi thấy mai đào nở vàng bên nương…”. Còn gì da diết hơn không?

Thất tình ư? Cuối thập niên 1980, thằng bạn sinh viên gọi điện thoại bảo: tao vừa bị con bồ đá chiều nay. Ừ, mày nghèo quá mà. “Con chim quý phải ở lầu son”, chứ theo mày có mà cạp đất. Chạy xe tới, chở hắn vào một tiệm cà phê VN, giọng Tuấn Vũ cất lên, nghe não ruột qua bản nhạc “Người đi qua đời tôi”. Thằng bạn lim dim, cái đầu gật gật, giọt nước mắt lăn dài. Nó khóc cho cuộc tình đẹp, mà đầy ngắn ngủi.

Thất nghiệp ư? Đầu thập niên 90, mấy thằng kiếm việc làm chuyên nghiệp không ra, ban ngày … mần đủ thứ. Ban đêm tụ nhau làm 1 chầu … mì gói. Xong, 1 cây đàn thùng, năm bảy cái miệng chụm nhau hát những bài Bolero, để lắng nghe cuộc đời còn những thắm thiết, ân tình.

Giữa đám đông ư? Giữa đất trại sinh viên, bên đống lửa hồng bập bùng, sau những bản đồng ca đầy chất sống, nửa đêm về sáng, thằng bạn ngồi bên dạo đàn, bắt lên điệu Bolero, bà con xuýt xoa, tán thưởng.
Và còn nhiều, rất nhiều trường hợp nữa.

Bolero theo tôi từ tuổi thơ, qua thời tuổi trẻ như thế đấy. Bây giờ, nhiều lúc nghe lại Bolero vẫn thấy hay. Bolero dường như là máu thịt, không chỉ một tôi, mà còn là của bao nhiêu thằng trai của 1 thời như thế.

Năm trước, nghe một ca sĩ trong nước bảo (đại khái) rằng: Hôm nay mà còn hát và còn nghe nhạc Bolero là làm chậm tiến trình phát triển âm nhạc Việt Nam, hay là đi thụt lùi với thời đại… Tôi nhớ đại khái thế, vì không quan tâm tới người ca sĩ này lắm.
Lúc đầu nghe vậy, tôi có hơi hoang mang với phát biểu của anh. Tôi nghe bolero, nhưng thật tình không biết tôi có làm chậm phát triển cái gì? Những người hát bolero, họ có lấy đi cái gì đó của ai hay không?

Thiển nghĩ, tự thân, dòng nhạc Bolero không cạnh tranh, không làm cản trở bất cứ 1 dòng nhạc nào cả. Anh thích nhạc sang, cứ hát. Chị thích nhạc đỏ cứ hát. Anh chị thích nhạc kêu gào, cứ hát. Anh chị chê Bolero ảo não, nên chơi luôn nhạc … rap, cũng “không chết thằng Tây nào”. Anh có khán giả của anh, chị có người nghe của chị. Bolero, tự thân chẳng có làm ai mất mát điều gì cả. Anh không hát bolero, Chị không hát bolero, thì nó vẫn sống trong lòng của muôn vạn người khác.

Tôi xuất thân là thằng bé nhà quê, sống với đồi núi, rẫy rừng từ tấm bé. Bây giờ, ai gọi tôi nhà quê, vì thích nhạc bolero, tôi cũng chấp nhận. Và cũng hy vọng, bạn không quê mùa như tôi, để lậm vào, để mê mẩn nhạc mùi, nhạc sến Bolero. Dẫu gì, tôi không muốn bạn bị người khác cho là đi thụt lùi với thời đại, hoặc bảo rằng chính bạn làm chậm tiến trình phát triển âm nhạc VN.

Tạo Lê