Cơ chế kiểm điểm nhân quyền UPR của LHQ là dành cho mỗi chúng ta

0
11

By

Từ năm 2014, người Việt Nam bắt đầu nghe nhiều về cơ chế UPR – viết tắt của Universal Periodic Review (Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát) – khi các tổ chức dân sự trong và ngoài nước xuất hiện tại buổi kiểm điểm của Việt Nam.

Nhiều người cảm thấy ngạc nhiên khi thành tích nhân quyền của nhà nước lại có thể bị chất vấn bởi các hội đoàn dân sự.

Nhưng nếu tìm hiểu kỹ về cơ chế này thì chúng ta sẽ hiểu rằng, việc các cá nhân và tổ chức có quyền giám sát và chất vấn chính phủ một nước trong quá trình kiểm điểm UPR không những là hoàn toàn bình thường, mà đó còn là lý do cơ chế này được thành lập.

Năm 2017, cơ chế UPR lại có đất dụng võ

Trước tiên, vào tháng 6/2017, chính phủ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo thông tin về tình hình thực hiện 182 khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp nhận tại lần kiểm điểm UPR 2014. Buổi Hội thảo này có sự tham dự của các cơ quan LHQ, và đại diện từ Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cùng các tổ chức xã hội.

Ngày 15/9/2017, một số cá nhân và tổ chức dân sự độc lập của Việt Nam bắt đầu một chương trình vận động giữa kỳ UPR. Chương trình này cũng tập trung vào 182 khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp thuận.

Thiết nghĩ, đây là lúc mà chúng ta có thể cùng tìm hiểu kỹ hơn về UPR và tầm quan trọng của nó trong Luật Nhân quyền quốc tế.

Poster của chiến dịch vận động giữa kỳ UPR 2017. Ảnh: Facebook Vietnam UPR

UPR là gì?

UPR là một chế định được thiết lập liên quan đến các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UN Human Right Council – gọi tắt là HRC).

Được sự ủy quyền từ Nghị quyết 60/251 ngày 15 tháng 3 năm 2006 của Đại Hội đồng LHQ (General Assembly – gọi tắt là UNGA), và sau khi được cụ thể hóa bởi Nghị quyết 5.1 của HRC, UPR đã chính thức trở thành công cụ mới mẻ nhất trong hệ thống Luật Nhân quyền quốc tế.

UPR có những ưu, khuyết điểm riêng, và rất khó có thể phân tích toàn bộ cơ chế này trong phạm vi bài viết. Tuy nhiên, nhằm giúp bạn đọc hiểu qua hết về tính chất và giá trị pháp lý của UPR, có một số điểm cần lưu ý như sau.

UPR là một nơi để đối thoại và chất vấn.

Trong kỳ kiểm điểm, mỗi quốc gia sẽ có cơ hội lên tiếng và đồng thời bị chất vấn về tình hình nhân quyền của mình, trong một khoảng thời gian được chỉ định.

Đối tượng tham gia quá trình chất vấn tương đối rộng, bao gồm những quốc gia thành viên khác, các tổ chức nhân quyền quốc tế, cộng đồng tổ chức xã hội dân sự trong nước, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, v.v.

Mục tiêu của cách làm này là để giúp đảm bảo cho một cơ chế kiểm tra và đối thoại khách quan. Mọi quốc gia, bất kể có vị thế kinh tế, chính trị ra sao, đều phải trải qua kỳ kiểm điểm bắt buộc này. Từ đó, chúng ta có thể xây dựng một bức tranh toàn cảnh về tình trạng nhân quyền của các quốc gia trên thế giới.

Các cơ quan, tổ chức nhân quyền quốc tế cũng từ đó mà được tiếp cận một lượng thông tin dồi dào, độc lập và có kiểm chứng hơn, thay vì chỉ dựa vào Báo cáo Nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (US Department of State Human Rights Reports or Amnesty International Annual Reports). Mà báo cáo này vốn thường xuyên bị các quốc gia đang phát triển cho là không khách quan và mang yếu tố chính trị.

Phái đoàn của các tổ chức XHDS độc lập tại phiên kiểm điểm của Việt Nam 2014. Ảnh: Facebook Vietnam UPR

UPR: Tìm kiếm những đồng thuận chung của cộng đồng quốc tế về nhận thức nhân quyền.

Thực tiễn cho thấy UPR làm khá tốt vai trò này. Đối diện với sự chất vấn đến từ các tổ chức khác nhau, cũng như từ rất nhiều quốc gia khác, ít nước nào đủ can đảm để từ chối các khái niệm nhân quyền cơ bản hay thẩm quyền của các cơ quan nhân quyền thuộc Liên Hiệp Quốc.

Vì vậy, cho dù một quốc gia có thực hiện nghĩa vụ của họ dựa theo các công ước nhân quyền sau khi kỳ kiểm điểm kết thúc hay không, thì UPR vẫn là một biện pháp tốt để tất cả các quốc gia, ít ra phải thừa nhận sự tồn tại của những nghĩa vụ đó.

Mặt khác, kết quả của UPR chỉ dừng lại ở mức khuyến nghị và gợi ý từ các chính phủ và tổ chức nhân quyền. Chúng không có giá trị pháp lý bắt buộc. Và một chính phủ hoàn toàn có thể tự do chọn lựa những khuyến nghị mà mình sẽ chấp nhận và thực thi.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia cho rằng, việc khiến cho các quốc gia phải “hổ thẹn” (shaming tool) vì những vi phạm nhân quyền của mình cũng có thể giúp cải thiện phần nào cách ứng xử của nhà nước.

Đặc biệt là việc không thực hiện nghiêm túc những cam kết đã chấp thuận sẽ khiến cho cả thế giới thấy rõ thái độ của một chính phủ đối với nghĩa vụ nhân quyền quốc tế.

Điều này rất có khả năng sẽ gây ảnh hưởng đến chiếc ghế của quốc gia đó trong Hội đồng Nhân quyền LHQ. Một tiền lệ đã có là Syria, đã bị mất ghế thành viên sau khi LHQ đưa ra báo cáo về việc nước này từng sử dụng vũ khí hóa học năm 2013.

Việt Nam UPR và những báo cáo mới nhất. 

Lần kiểm điểm UPR gần đây nhất của Việt Nam được tiến hành vào đầu năm 2014, và thời hạn cho chính phủ thực hiện các cam kết là trong vòng 4.5 năm. Như nêu ở trên, Việt Nam chấp nhận 182/227 khuyến nghị đến từ các nước khác.

Năm 2017 là đợt đánh giá UPR giữa kỳ về tình hình chung trong 2.5 năm vừa qua, nhằm đảm bảo Việt Nam đi theo đúng lộ trình thực hiện các nghĩa vụ nhân quyền đã cam kết.

Trong quá trình soạn thảo báo cáo giữa kỳ, phía chính phủ có cơ hội rà soát, đánh giá tính khả thi của các mục tiêu nhân quyền, kêu gọi trợ giúp hoặc bị thúc đẩy phải thực hiện bởi các quốc gia khác và các tổ chức xã hội dân sự.

Chúng ta hãy cùng tham khảo hai báo cáo giữa kỳ của các tổ chức xã hội dân sự quốc tế về tình hình thực thi các nghĩa vụ và cam kết về nhân quyền của Việt Nam, dựa theo các khuyến nghị từ lần kiểm điểm UPR 2014 đến nay.

Báo cáo giữa kỳ UPR về Việt Nam của Hội Luật gia Anh Quốc và xứ Wales và với Tổ chức Lawyers Rights’s Watch Canada. Ảnh: Chụp màn hình.

Luật gia Anh và Canada: Lời hứa “gió thoảng mây bay” của chính phủ Việt Nam về nhà nước pháp quyền và tạo điều kiện hoạt động cho giới giới luật sư

Một trong những báo cáo mới nhất dành cho Việt Nam trong UPR giữa kỳ lần này đến từ Hội Luật gia Anh Quốc và xứ Wales (The Law Society of England and Wales), liên kết với tổ chức Lawyers Rights’s Watch Canada (LRWC).

Đây là hai tổ chức dân sự rất có uy tín trong nghề luật sư ở các nước sử dụng hệ thống thông luật (common law system).

Báo cáo này ghi nhận, trong phiên họp UPR của Việt Nam năm 2014, đại diện chính phủ Việt Nam đã chấp thuận hai kiến nghị từ họ, đó là:

  1. Tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của những nhà bảo vệ nhân quyền (trong đó có luật sư).
  2. Đảm bảo quyền tự do biểu đạt của các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền.

Việt Nam cũng ghi nhận và đồng thời chấp nhận kiến nghị liên quan đến quyền tiếp cận luật sư bào chữa của bị cáo được thực hiện bởi một cơ chế hiệu quả và công bằng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Hội Luật gia và tổ chức LRWC, thông qua các thông tin mà họ có được từ Việt Nam, những kiến nghị nói trên, cho đến thời điểm này, vẫn chưa được thực hiện.

Và hậu quả là giới luật sư vẫn tiếp tục phải chịu nhiều khó khăn nếu dấn thân vào các hoạt động bảo vệ nhân quyền, đặc biệt là khi họ làm việc một cách độc lập.

Báo cáo dẫn chứng các hoạt động đấu tranh nhân quyền của Luật sư Lê Quốc Quân đã bị đàn áp bằng cáo buộc trốn thuế từ chính phủ. Ông bị tạm giữ cách ly không được tiếp xúc với bất kỳ ai (incommunicado detention) trong suốt hai tháng đầu tiên sau khi bị công an bắt giam. Đây là một vi phạm nhân quyền cơ bản.

Đến năm 2014, Tòa Phúc thẩm Hà Nội vẫn giữ nguyên bản án dành cho ông Lê Quốc Quân, bỏ qua kiến nghị của Nhóm làm việc về Bắt giữ tùy tiện (UN Working Groupon Arbitrary Detention) của LHQ.

Ông Quân phải thi hành hình phạt tù đủ 30 tháng và chỉ được thả vào ngày 27 tháng 6 năm 2015. Báo cáo xác nhận ông hiện vẫn đang chịu sự giám sát của cơ quan nhà nước, trong khi bằng luật sư bị vĩnh viễn tước bỏ.

Một trường hợp khác được báo cáo này nêu đích danh, là hồ sơ của Luật sư Nguyễn Văn Đài. Vào tháng 11 năm 2016, sau khi nghe tin ông bị bắt, Cao Ủy Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, Nghị viện Châu Âu, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cùng hơn 26 quốc gia khác đã lên án hành vi bắt giữ, cũng như đồng kêu gọi trả tự do cho ông Đài.

Các trường hợp Luật sư Trần Vũ Hải, Trần Thu Nam, Lê Luân và Võ An Đôn bị gây khó dễ, tấn công và tạm giữ khi hành nghề luật sư trong thời gian qua đều được ghi nhận trong báo cáo.

Báo cáo kết luận, cho đến thời điểm hiện tại, vẫn không có gì thay đổi trong chính sách và hành động của chính phủ Việt Nam để chứng minh là nhà nước sẽ thực hiện đúng lời cam kết mà họ đã chấp thuận năm 2014.

Hai tổ chức khẳng định, chính phủ Việt Nam đã thất bại trong việc bảo đảm một môi trường tiếp cận công lý bình đẳng cho mọi công dân. Ngoài ra, họ còn cảnh bảo về các mối đe dọa chính trị mà giới luật sư đang phải đối mặt chỉ vì hoạt động chuyên môn của mình.

Báo cáo giữa kỳ UPR về Việt Nam của tổ chức Unrepresented Nations and People Organisation (UNPO). Ảnh: Chụp màn hình.

Chính phủ Việt Nam bị cáo buộc có hành vi phân biệt chủng tộc?

Trong các báo cáo giữa kỳ 2017 được gửi đến Cao Ủy Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, một thông tin gây tranh cãi hơn là báo cáo của tổ chức Unrepresented Nations and People Organisation (UNPO).

Báo cáo dài 12 trang đưa ra nhiều thông tin về vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, nhưng đáng chú ý nhất là cáo buộc về việc các cơ quan chức năng địa phương – và cả cấp trung ương – tại Việt Nam đang làm ra nhiều hành vi đàn áp, mang tính phân biệt chủng tộc có hệ thống đối với các nhóm dân tộc thiểu số.

Trích dẫn phản ánh từ Đại nghị Người H’mong toàn Thế giới (Congress of World Hmong People), kể từ năm 2015, người H’mong tại các vùng Điện Biên, Lào Cai đã bị chính quyền quấy rối và kiểm soát vì niềm tin tôn giáo của mình (mà đa phần là người theo đạo Thiên Chúa giáo).

Theo lời khai của các nạn nhân, bất kể khi nào có khách viếng thăm, chính quyền địa phương đều nhắc nhở họ không được “nói năng linh tinh”, nếu không họ sẽ bị trừng phạt.

Trong một cáo buộc khác, Tổ chức Khmer Kampuchea-Krom Federation (KKF) đưa ra quan ngại về việc giới chức trách Việt Nam sẽ sử dụng Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo để kiểm soát tự do tôn giáo.

Báo cáo nhận định rằng sở dĩ có rất ít phụ nữ Khmer sở hữu bằng Thạc sĩ hay Tiến sĩ, là do cơ chế đào tạo không hỗ trợ cho các nhóm dân tộc thiểu số, đặc biệt là đối với vấn đề ngôn ngữ dân tộc. Mặt khác, có vẻ như các gói hỗ trợ của chính phủ nước ngoài dành cho sinh viên Khmer cũng bị Việt Nam cấm đoán.

Tổ chức này cũng lên án tình trạng quan chức lạm dụng quyền lực nhà nước để chiếm đoạt đất của người bản địa (indigenous people). Tranh chấp đất giữa người Kinh và người Khmer thường được xử nghiêng về phía có lợi cho người Kinh.

Đơn cử là vào ngày 30 tháng 12 năm 2016, chính quyền tỉnh Trà Vinh bị cáo buộc là đã cưỡng chế đất thuộc chùa Muniransi để giao cho một cư dân Việt Nam.

***

Những thông tin từ hai bản báo cáo nêu trên có thể đúng, mà cũng có thể là không chính xác. Thế nhưng, việc chúng xuất hiện ngay trên bàn hội nghị quốc tế UPR cho thấy sự cần thiết của việc cung cấp và minh bạch thông tin về những vấn đề nhân quyền từ phía chính phủ Việt Nam.

Để từ đó, người dân chúng ta có thể nắm bắt và đánh giá tình hình chuẩn xác hơn.

Tài liệu tham khảo: