CÓ CẦN PHẢI LÚC NÀO CŨNG KHIÊM TỐN KHÔNG?

0
14

Nguyễn Yến Khanh

4 tháng 4

Đề xuất sửa 5 điều bác Minh dạy!

Hồi mới ra trường, mình không học báo chí nhưng rẽ ngang sang làm phóng viên, biên tập viên cho chương trình quốc tế của VOV, viết tin, phóng sự để phát sóng khắp toàn cầu, bằng mười mấy thứ tiếng. Các đồng nghiệp của mình ở Ban đối ngoại VOV thời đó đều là những người thuộc thế hệ đầu tiên ở Việt Nam XHCN đã du học, sinh sống và làm việc ở nước ngoài, khắp Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Cu Ba, Nhật, Hàn, Thái, Indonesia, nên đa số họ đều là những người bôn ba, từng trải…

Khi mình làm hồ sơ xin những học bổng danh giá là Fulbright và Chevening đã nhờ cô trưởng phòng chương trình VOV5 mà mình rất nể viết thư giới thiệu. Cô bảo mình tự viết phác ra thư rồi cô sửa cho. Cô đọc bản thảo của mình xong bảo: “Cháu có nên viết khiêm tốn hơn không?” Mình lấy một gương mặt rất nghiêm túc và một giọng nói rất chân thành trả lời: “Cô ơi, những điều cháu viết đều là sự thật, cháu chỉ nhấn nhá vào một số chi tiết, khía cạnh để sự thật tỏa sáng mà thôi.”

Làm hồ sơ xin học bổng cũng giống như đi bán mình trong một thị trường cạnh tranh khốc liệt, toàn là bọn xuất sắc, quái nhân cả, nên ứng viên cũng cần biết làm nổi bật điểm mạnh và sự độc đáo của cá nhân mình mới cạnh tranh được. Tất nhiên, luôn có một lằn ranh mỏng manh giữa tự tin, với tự mãn, ái kỷ. Khiêm tốn là ở cách mình ham học hỏi, lắng nghe, chứ không phải là không nên hiểu rõ, thể hiện và phát huy điểm mạnh của bản thân mình.

Thí sinh trong các cuộc thi thố trên thế giới thường đàng hoàng nói: “Tôi đến đây để giành chiến thắng!” chứ đâu phải vờ vịt khiêm tốn: “Tôi tham gia để học hỏi”. Susan Boyle ở tuổi 47, trước khi hát bài “I dream a dream” trong cuộc thi Britains Got Talent cũng nói: “Tôi đến đây vì muốn trở thành ca sỹ chuyên nghiệp. Tôi muốn thành công như Elaine Paige”, chứ đâu có khiêm tốn gì đâu.

Việt Nam là văn hóa mà các cá nhân cố gắng hòa mình vào họ hàng, làng xóm, ngại đứng tách ra khỏi cộng đồng, ngại nói lên tiếng nói độc lập, và tuyệt đối rất sợ nói điều gì đó trái ngược với đám đông, nên cái gọi là khiêm tốn đã bị bóp méo tới mức mọi người ngại trao và nhận những lời khen tặng, ngại thể hiện bản thân, ngại xây dựng một hình ảnh, nhân hiệu độc đáo.

Khiêm tốn trong tiếng Latin có nghĩa gốc là mặc trang phục không a li mơi mơi, gợi dục thôi ấy. Tất nhiên, qua năm tháng, giá trị khiêm tốn trong mỗi nền văn hóa có những tầng ý nghĩa khác nhau và thay đổi theo sự phát triển chung của thời đại. Cớ sao dân Việt ngày nay gái đã thoải mái mặc bikini, quần shorts ngắn khoe cả hai quả mông, trai thì cũng thích khoe ngực, phô diễn cơ bắp, mà lại phải núp lùm trong khái niệm khiêm tốn hạn hẹp vậy ta?

Mình đề xuất sửa 5 điều bác Minh dạy như sau, mọi người nghĩ sao?

1. Yêu bản thân, yêu gia đình

2. Học tập tốt, lao động tốt

3. Dám phản biện, nói lẽ phải

4. Giữ gìn vệ sinh thật tốt

5. Tự tin, thật thà, ngay thẳng.

https://www.facebook.com/groups/778019953000802/permalink/1405910553545069/