Chuyện Đắk Nông: Vụ án đồng Nọc Nạng thời nay

0
16
Di tích đồng Nọc Nạn ở Bạc Liêu. Ảnh: báo Dân Trí
TIẾNG DÂN

Lò Văn Củi

8-1-2018

Bữa nay ông Thầy giáo tới sớm, xong màn chào hỏi, chưa ai nói gì thì ông đọc chậm rãi: “Trong năm trong cõi người ta…”

Trời buồn buồn, Củi tui cũng ứng một câu: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, rồi hỏi:

– Tài năng như ông Thầy mà bị vùi dập hoài, có chuyện gì nữa hả ông Thầy?

Ông Thầy lắc đầu:

– Hổng phải mình tui buồn, mà “Xứ buồn người có vui đâu bao giờ” – Ông nói xin lỗi cụ Nguyễn Du, và xin “xào nấu” tiếp: “Trăm năm trong cõi người ta. Về miền đồ đá mới là Việt Nam”.

Bà con cô bác cười nhưng ngậm ngùi. Ông Thầy tiếp:

– Ngót nghét trên dưới trăm năm, coi như trăm năm đi. Từ lúc anh em nhà Wright người Mỹ chế tạo chiếc phi cơ, cất cánh được vài trăm mét thì tới nay, những nước tân tiến họ hẹn gặp nhau ở… sao hỏa bằng phi thuyền, mà nước mình thì chưa sản xuất được nỗi con ốc vít cho ra hồn. Ngỡ chỉ về lãnh vực khoa học kỹ thuật mình chịu thua, nào ngờ tất cả mọi mặt, nhứt là về pháp lý, nó trực diện với đời sống bà con cô bác mà cũng vậy. Bởi, nói đang đưa đất nước ngược hướng với thiên hạ, về thời ăn lông ở lỗ quả không sai, từ ngày mấy ổng nắm quyền lãnh đạo cũng đã gần con số tròn trăm.

Ông Hai Xích lô hỏi tới, ông khoái nghe thẳng câu chuyện mà:

– Chuyện pháp lý nào ông Thầy?

– Dạ, vừa rồi đó, chuyện xử anh Đặng Văn Hiến á.

Vậy là chuyện này vẫn chưa dứt. Bây giờ xảy ra chuyện hà rầm hàng ngày nên thường một hai bữa là qua một chuyện.

Ông Thầy kể:

– Lúc xảy ra vụ án ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, người ta nhớ tới vụ án Nọc Nạng ở những năm đầu thế kỷ 20, thấy nó hao hao, nhưng nay mới thấy giống gần y chang với vụ ở Đắk Nông. Nhiều điểm tương đồng lắm.

Vụ án Nọc Nạng ở làng Phong Tranh, quận Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu.

Những năm cuối thế kỷ 19, cha của ông Hương Chánh Luông khai phá đất hoang như bà con ở Đắt Nông và anh Đặng Văn Hiến. Khi ông mất để lại cho ông Hương Chánh và tới năm 1912 thì ông được Chủ tỉnh cấp bằng khoán cho 73ha có họa đồ đính kèm.

Bốn năm sau (1916), ông Hương Chánh bị ông Tăng Văn Đ. (chưa xác định rõ tên) kiện, nói rằng mình cũng có góp sức khai khẩn. Nhưng ông ta bị thua kiện, tuy vậy vẫn được cấp cho 4,5ha. Còn ông Hương Chánh thì được cấp lại bằng khoán tạm.

Ông Biện Toại là con được thừa kế đất, khi ông Hương Chánh qua đời.

Một năm sau (1917), xuất hiện những kẻ gian tà, độc ác tựa những kẻ chẳng khác gì cướp thuộc công ty Long Sơn như Nghiêm Xuân Thiên Sửu, phó giám đốc công ty, Phạm Công Thiện, quản lý trưởng,… đó là gã Hoa kiều giàu khét tiếng Bang Tắc, tên thiệt là Mã Ngân.

Bang Tắc tham lam, dòm ngó thấy đất của ông Biện Toại như mèo thấy mỡ. Hòng chiếm đoạt, Bang Tắc bèn lập kế, mua miếng đất giáp ranh với đất ông biện Toại của bà Nguyễn Thị Dương, nhưng trong hợp đồng ghi bao trùm hết đất của ông Biện Toại.

Dĩ nhiên, tranh chấp nổ ra, dẫn tới thưa kiện cả thảy bốn lần lên Chủ tỉnh Bạc Liêu và bốn lần lên Thống đốc Nam kỳ, rồi lên cả Toàn quyền Đông Dương.

Trong thời gian chờ xét xử, Bang Tắc sai tá điền đốt một cái chòi và giết một con trâu của ông Biện Toại, ông Biện Toại vẫn án binh bất động. Tên Bang Tắc cấu kết với ông Ngô Văn H., quan phủ quận Giá Rai. Bà con cô bác nghi ngờ, Bang Tắc chung chi tiền, yêu cầu chia đôi đất của ông Biện Toại về cho mình một nửa. Việc này cũng giống như nghi ngờ người công ty Long Sơn cấu kết với chính quyền.

Bà con cô bác có quyền nghi ngờ, bởi, năm 1919, quan phủ Ngô Văn H. được cử giữ chức Chủ tịch hội đồng Phái viên, có trách nhiệm khảo sát đất của gia đình ông biện Toại và hội đồng này xác nhận đất thuộc về bà Nguyễn Thị Dương, tức bấy giờ sẽ thuộc Bang Tắc.

Còn ở Đắk Nông, Bà con cô bác  sinh sống tại Tiểu khu 1535 từ trước khi công ty Long Sơn được UBND tỉnh Đắk Nông giao đất năm 2008. Từ đó đến trước thời điểm xảy ra vụ án năm 2016, bà con không hề bị chính quyền lập biên bản hay có một quyết định xử phạt hành chính nào về hành vi lấn chiếm đất. Còn khi có quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh Đắk Nông giao công ty Long Sơn thực hiện dự án là quyết định có điều kiện, buộc Công ty Long Sơn phải thỏa thuận, bồi thường hỗ trợ cho người dân đã canh tác và sinh sống trước đó. Công ty Long Sơn không thực hiện điều này nên việc tranh chấp xảy ra dai dẳng. Bà con cô bác đã tố cáo, cầu cứu rất nhiều lần tới chánh quyền nhưng đều bị làm ngơ. Công ty Long Sơn thì thường xuyên cho người phá rối, gây sự, đánh đập bà con.

Trở lại vụ án Nọc Nạng. Sau đó, năm 1926, Thống đốc Nam kỳ ký quyết định bán 50ha trên phần đất của ông Biện Toại cho ông Bang Tắc với giá 5.000 đồng. Ông Biện Toại căm phẫn, quyết chống lại thì ông Bang Tắc e sợ, hắn bán lô đất cho bà Hà Thị Tr. là mẹ vợ của anh ruột quan phủ H.

Bà Tr. bắt đầu đòi ông Biện Toại phải nộp địa tô, coi gia đình ông Biện Toại như tá điền trên chính phần đất họ đã khẩn hoang. Năm 1927, bà Tr. lại xin được lịnh của tòa, cho phép tịch thu tất cả lúa của họ. Đầu năm 1928, lính mã tà tới tịch thu lúa, anh em ông Biện Toại kháng cự. Hương chức làng bèn bắt giữ bà mẹ ông Biện Toại trong 24 giờ. Thương mẹ, ông Biện Toại hứa không kháng cự nên bà Luông được thả.

Tối 14 tháng 2 năm 1928, anh em nhà ông Biện Toại họp, làm lễ lạy Ông Bà Tổ Tiên và Mẹ, gọi là báo hiếu lần chót, cùng trích huyết ăn thề, quyết kháng cự. Và rút thăm để Ông Bà Tổ Tiên chỉ định ai là người hy sanh đầu tiên. Mấy lần đều rơi vào cô Nguyễn Thị Trong, cô gái út trong nhà. Cô Út nói: “Ông Bà đã dạy, em xin liều chết!”

Việc này cũng giống như ở Đắk Nông, khi bị quấy phá liên tục, bà con cô bác cứ mỗi chuyến lên đất lên rẫy là thắp hương khấn nguyện trước bà thờ Gia Tiên, họ ra đi mà  không biết có thể trở về hay không, nhưng quyết thề sống chết để giữ đất, cũng đã cùng nhau trích huyết một lòng.

Sáng 16 tháng 2 năm 1928, hai viên cảnh sát Pháp là Tournier và Bouzou cùng bốn lính mã tà từ Bạc Liêu và các viên chức làng đến tịch thu lúa của gia đình ông Biện Toại. Đến sân lúa, Tournier yêu cầu hương chức làng mời một người trong gia đình ra chứng kiến. Cô Út Trong dẫn một bé gái tên Tư bước ra nhưng bị Tournier đuổi, vì cho cô là phụ nữ và còn nhỏ tuổi. Út Trong không đi, còn yêu cầu đong lúa xong phải ghi biên nhận. Tournier tát tai cô Út, cô liền rút ra cây dao nhỏ, Tournier đập báng súng làm cô ngất xỉu, Bouzou tước được dao. Bé Tư bèn chạy về cấp báo. Anh em ông Biện Toại từ nhà chạy ra, mang theo dao mác gậy gộc. Tournier ra lệnh cho lính chuẩn bị ứng phó, bắn chỉ thiên, nhưng ông Mười Chức, em ông Biện Toại không dừng lại. Tournier bắn ông Mười Chức bị thương nặng nhưng ông Mười Chức vẫn nhào đến, đâm lưỡi mác trúng bụng Tournier, rồi mới gục ngã. Bouzou rút súng bắn làm thương vong nhiều người. Ông Mười Chức và vợ đang mang thai là bà Nghĩa, một người anh tên Nhẫn, chết tại chỗ. Hai người em là Nhịn, Liễu bị thương nặng, ba ngày sau, Nhịn chết tại bệnh viện. Ông Tournier chết tại bệnh viện Bạc Liêu vào ngày hôm sau.

Di tích đồng Nọc Nạn ở Bạc Liêu. Ảnh: báo Dân Trí

Cón ở Đắk Nông thì, ngày 23/10/2016, hơn ba chục người của công ty Long Sơn chia thành hai nhóm vào san ủi, phá hủy điều, cà phê cùa ba con cô bác, gây thiệt hại bảy mươi ba triệu đồng. Mặc dù đã có văn bản của chánh quyền yều cầu ngưng ngay việc san ủi cây trái, chờ cơ quan chức năng xử lý, nhưng công ty Long Sơn vẫn ngang nhiên tiếp tục san ủi. Sau đó thì vụ án xảy ra như bà con cô bác ta đã biết.

Các tình tiết tựa nhau, nhưng xử án thì một trời một vực.

Phiên tòa xử vụ Nọc Nạng là Tòa Đại hình ở Cần Thơ xét xử ngày 17 tháng 8 năm 1928. Chánh án là De Rozario, công tố viên là Moreau, Hội thẩm là ông Sự, các luật sư biện hộ miễn phí cho gia đình ông Biện Toại là Tricon và Zévaco.

Sau khi lật lại vụ án, điều tra kỹ càng thì tòa tuyên ông Biện Toại, và con ông là Tia cùng Nguyễn Thị Liễu được tha bổng, cô Út Trong bị sáu tháng tù giam bằng với thời gian tạm giam. Quan phủ H. bị bãi chức và ông ta khai anh ruột mình đã hùn hạp làm ăn vơi Bang Tắc.

Bà con cũng đã rõ tuyên án của tòa bây giờ đối với vụ án ở Đắk Nông.

Vụ án Nọc Nạng được hậu thuẫn rất nhiều từ báo chí mà ngày nay không bằng được như vậy. Đặc biệt là từ ông nhà báo Lê Trung Nghĩa, ông đã hết sức vận động hai ông luật sư người Pháp, Tricon và Zévaco tới biện hộ. Và ông Tricon nói rất hay: “Chúng ta, những người Pháp, nên xây dựng ở xứ này một chế độ độc tài. Không phải độc tài bằng sức mạnh của súng đạn, nhưng là sự độc tài của trái tim”. Ông còn ca ngợi tinh thần lao động khẩn hoang của gia đình ông Biện Toại, phải đấu tranh với thiên nhiên, với bọn cường hào, với cả các thủ tục pháp lý.

Ông Thầy chốt lại câu chuyện:

– Tình tiết giống thiệt. Nhưng trăm năm trước người ta đã sử dụng trái tim, mà họ là kẻ thống trị, trăm năm sau quan ta biến trái tim thành sắt đá, để cai trị dân mình.

Anh Năm Ba gác đồng tình:

– Đúng là đi ngược, biến thành trái tim sắt đá dẫn dắt về đồ đá.

Ông Hai Xích lô cười hề hề nhưng chua chát:

– Ờ hén. Nếu mà ngon lành thì hổng chừng giờ này tui chạy tắc xi, chạy xe buýt, lái tàu điện chứ đâu chạy xích lô è cổ. Hổng lẽ họ hành hạ dân mình? Chắc hông đâu, thử thách dân ta đó.

Anh Bảy đứng bật dậy:

– Thử thách cái con khỉ. Vừa ngu dốt, vừa tham lam, vừa độc tài mà thôi.