Cái chết của Warmbier dập tắt cơ may cải thiện quan hệ Mỹ-Triều

0
65
Otto Warmbier được chuyển từ máy bay vận tải y khoa sang một xe cấp cứu đang chờ sẵn ở Sân bay Lunken ở thành phố Cincinnati, bang Ohio, ngày 13 tháng 6, 2017.
   

Cái chết của một sinh viên 22 tuổi người Mỹ hôm thứ Hai có thể làm lu mờ, nếu không phải là dập tắt, bất cứ triển vọng nào về một mối quan hệ bớt thù địch hơn giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên, theo các nhà phân tích.

Otto Warmbier, bị Bắc Triều Tiên giam cầm hơn một năm sau khi bị cáo buộc trộm một biểu ngữ tuyên truyền, qua đời hôm thứ Hai ở thành phố Cincinnati, bang Ohio, sau khi được trả về Mỹ vào tuần trước trong tình trạng hôn mê. Gia đình của anh quy trách Bình Nhưỡng “ngược đãi tàn tệ, tra tấn” dẫn tới cái chết của Warmbier.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Ba lên án sự đối đãi của Bình Nhưỡng với Warmbier là “nỗi ô nhục” và nói rằng chính phủ Mỹ lẽ ra đã phải tìm cách để anh được phóng thích sớm hơn. Các quan chức Mỹ hôm thứ Ba cho hay chính quyền Trump đang cân nhắc một lệnh cấm công dân Mỹ du hành đến quốc gia cộng sản này.

Tòa Bạch Ốc đã lặng lẽ hối thúc Bắc Triều Tiên phóng thích tất cả các con tin người Mỹ hiện đang bị nước này cầm giữ như bước đầu tiên tiến tới mối quan hệ song phương tốt hơn, và Tổng thống Trump đôi lúc cũng đã công khai bày tỏ sự sẵn lòng đối thoại với lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un về tham vọng của Bình Nhưỡng theo đuổi vũ khí hạt nhân và thử phi đạn có khả năng tấn công nước Mỹ.

“Tôi tin rằng chuyện này sẽ làm thụt lùi bất kỳ cuộc thảo luận nghiêm túc nào về một cuộc đối thoại ngoại giao cho tới khi chuyện này được làm sáng tỏ,” cựu Thống đốc bang New Mexico, một chuyên gia về Bắc Triều Tiên từng giúp phóng thích những người Mỹ bị giam cầm ở đó, nói với báo The New York Times về cái chết của Warmbier. “Tôi nghĩ mục tiêu đầu tiên phải là đưa ba người Mỹ kia ra, và tìm kiếm một lời giải thích đầy đủ về chuyện gì đã xảy ra với Otto Warmbier.”

Jae H. Ku, giám đốc Viện Mỹ-Triều Tiên tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp Johns Hopkins đồng ý rằng những bước đi tiến tới ngoại giao sẽ bị trì hoãn. “Tôi nghĩ nó sẽ bị chậm lại. Sẽ có rất nhiều sự phẫn nộ và bày tỏ bất bình,” ông nói với tờ Times.

Cái chết của Warmbier “không thể nào chấp nhận được thậm chí xét theo chính chuẩn mực của Bắc Triều Tiên,” John Delury, chuyên gia Châu Á tại Đại học Yonsei ở Hàn Quốc, được AP dẫn lời nói. “Việc này đáng nhận được một sự đáp trả mạnh mẽ. Chính phủ Mỹ không nên giơ tay xin chịu và nói, ‘Bắc Triều Tiên là vậy đó.’ Mà phải làm theo một cách khôn ngoan để Bắc Triều Tiên chịu trách nhiệm dù ít ỏi.”

Sự phẫn nộ ở Mỹ về cái chết của Warmbier gợi nhớ tới cảm xúc mãnh liệt sau vụ tấn công vũ khí hóa học ở Syria làm nhiều trẻ em thiệt mạng, khiến ông Trump hạ lệnh bắn phi đạn hành trình vào cơ sở quân sự của chế độ Bashar al-Assad. Tuy nhiên, việc thả bom xuống Bắc Triều Tiên – một lựa chọn mà chính quyền Trump nói vẫn còn trên bàn thảo luận – liều lĩnh tới mức nhiều nhà phân tích xem nó là không khả thi.

Chính vì thế, dù vụ việc này có thể kinh hoàng như vậy, song chính quyền Trump khó có thể để nó phá hỏng đà tiến tới đối thoại mà họ đã xây dựng trong những tháng gần đây. Một số nhà phân tích nói chuyến đi của đặc sứ Joseph Yun tới Bắc Triều Tiên là thành quả đầu tiên của những nỗ lực này và rằng Bắc Triều Tiên có thể đã phóng thích Warmbier để mở ra không gian cho ngoại giao với Washington, dù họ dự liệu rằng tình trạng của anh ta sẽ khơi lên nỗi tức giận ở Mỹ.

Mỹ cũng có thể tìm cách gia tăng áp lực lên Trung Quốc, đồng minh lớn nhất của Bắc Triều Tiên, về mặt ngoại giao và kinh tế.

Cái chết của Warmbier diễn ra vào một thời điểm nhạy cảm về ngoại giao quốc tế xung quanh Bắc Triều Tiên. Các quan chức cao cấp của Mỹ và Trung Quốc theo lịch trình sẽ hội kiến ở Washington trong tuần này, và các quan chức Mỹ dự định sẽ hối thúc những người tương nhiệm của Trung Quốc làm nhiều hơn nữa để kìm chế tham vọng theo đuổi hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Dù Trung Quốc ủng hộ mạnh mẽ các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên, cái chết của Warmbier khó có thể thay đổi được điều đó. Tại một cuộc họp báo hàng ngày ở Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng gọi cái chết của Warmbier “thực sự là một bi kịch” nhưng không hề khiển trách Bắc Triều Tiên về sự đối đãi mà nước này dành cho Warmbier.

“Nhiều phần chắc là Trung Quốc sẽ bày tỏ lo ngại và lấy làm tiếc về vụ việc,” Thạch Nguyên Hoa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên của Đại học Phục Đán ở Thượng Hải, nói với Bloomberg. “Người ta vẫn thường hiểu lầm là Trung Quốc chịu trách nhiệm về tất cả mọi thứ diễn ra giữa Washington và Bình Nhưỡng.”

Thời Ân Hoằng, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, nói rằng Trung Quốc sẽ không trừng phạt Bắc Triều Tiên về một vấn đề nhân quyền. “Điều khiến Trung Quốc có những hành động là một vụ thử phi đạn hay hạt nhân, không phải cái chết của một sinh viên Mỹ,” ông được tờ Times dẫn lời nói.

Tổng thống Trump dường như cũng nhận thức được giới hạn của những nỗ lực gây sức ép lên Trung Quốc. Ông viết trên Twitter hôm thứ Ba: “Dù tôi rất coi trọng những nỗ lực của Chủ tịch Tập và Trung Quốc giúp về chuyện Bắc Triều Tiên, mọi chuyện vẫn chưa thành công. Ít nhất tôi biết là Trung Quốc đã cố gắng.”

Tuy nhiên, vụ việc của Warmbier lại thu hút sự chú ý tới ba tù nhân người Mỹ khác ở Bắc Triều Tiên, những người mà đặc sứ Joseph Yun được đến thăm khi ông đến Bình Nhưỡng.

Những người này là Tony Kim, một giảng viên kế toán tình nguyện trong độ tuổi 50 trước đó dạy tại Đại học Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng, bị bắt hồi tháng 4 không rõ nguyên do; Kim Hak-song, người cũng làm việc tại cùng đại học này và làm công tác nông nghiệp, bị bắt vào đầu tháng 5 cũng không rõ nguyên do; và Kim Dong-chul, 63 tuổi, một doanh nhân đang thọ án 10 năm tù lao động khổ sai từ tháng 4 năm 2016, vì bị buộc tội gián điệp.

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here