Buộc phải viết tiếp câu chuyện người phụ nữ ở Long An bị hiếp dâm

0
667
Chị T.P.T.L người phụ nữ bị khống chế bằng dao dể hiếp dâm. Ảnh: Dân Việt

FB Mai Quốc Ấn

1-10-2016

Người phụ nữ 2 con làm nghề may đi tố cáo đến công an huyện Tân Thạnh, Long An mình bị đối tượng Huỳnh Lý Anh cầm dao kề cổ hiếp dâm 2 lần trong đêm. Đến nay công an huyện Tân Thạnh ra thông báo là thông dâm chứ không phải hiếp dâm. Tính chất của vấn đề này là hoàn toàn trái ngược nhau.

Tôi buộc phải viết tiếp về vụ việc này dù về pháp lý, đã có 4 văn phòng luật sư vào cuộc hỗ trợ nữ nạn nhân ấy. Trong đó, không thể không đặt câu hỏi về kết luận của cơ quan điều tra huyện Tân Thạnh:

– Chi tiết kề dao vào cổ để đòi “quan hệ” là cơ sở đầu tiên của vụ việc. Cơ sở này có liên quan gì đến việc thông dâm hay nó là cơ sở đầu tiên (và vững chắc) để cấu thành tội hiếp dâm.

– Bà P.T.T.L (tên nạn nhân viết tắt) được công an Tân Thạnh xác định có thể bỏ chạy và kêu cứu. Liệu có người mẹ nào nhẫn tâm chạy và bỏ con 3 tuổi và 7 tuổi (con gái) lại trước một đối tượng cầm dao muốn thỏa mãn thú tính?

– Việc lấy lời khai bà P.T.T.L và hung thủ là do công an huyện Tân Thạnh tiến hành và đều khẳng định “đúng quy trình” là có đại diện Hội phụ nữ địa phương cùng tham gia với nạn nhân nhưng thực tế không phải thì sao?

– Công an huyện Tân Thạnh cho rằng bà P.T.T.L và Huỳnh Lý Anh có liên lạc bằng điện thoại nhiều lần trước đó và bà P.T.T.L phải tự đi sao kê danh sách liên lạc để chứng minh mình không làm việc đó. Từ khi nào người dân phải chứng minh hành vi mình không làm như thế này?

– Công an tỉnh Long An họp báo và ra một văn bản thông báo không con dấu, chẳng chữ ký thì có giá trị pháp lý hay không (xem ảnh 2)?

Nữ nạn nhân bị hiếp dâm đi tố cáo để rồi bẽ bàng nhận ra Công Lý đang bận chạy show diễn hài. Uất ức quá, nạn nhân viết đơn xin được đi tù. Sự phản kháng ấy là sự phản kháng của một người bất lực trước thực tế tư pháp nơi họ sống. Nơi mà khách đến may quần áo cũng bị dò xét, nơi mà viết Facebook về câu chuyện chính mình cũng bị giấy “mời uống trà trên đồn” gửi tới nhà.

Thân phận nhiều người phụ nữ ở đất nước này, đôi khi nghĩ đến những bất hạnh họ trải qua, không chỉ đau lòng mà còn rùng mình kinh sợ. Thứ đáng kinh sợ hơn là những người không hề gặp nạn nhân, không hề tiếp cận hồ sơ lại có thể nhận định về nạn nhân bằng những từ trào phúng, cay độc, tàn nhẫn,.v.v.. Trong đó, có cả những phụ nữ…

Đôi khi tôi tự hỏi, những kẻ đó là loại người gì?

Còn những người hôm nay im lặng trước nỗi bất hạnh của người khác thì mai này ai sẽ nói về nỗi bất hạnh (nếu có) của họ?

(Còn tiếp)

Chú thích: Một văn bản như thế này liệu có giá trị? (Ảnh văn bản tại cuộc họp báo của công an tỉnh Long An)