Báo Công an: Muốn biết tình hình nhân quyền ở Việt Nam thì hỏi người dân

0
3

RFA

Hôm 27 tháng 6, cơ quan ngôn luận của Bộ Công an Việt Nam cho đăng tải bài viết của tác giả Anh Tú, với nội dung phản bác lại bản báo cáo của cơ quan nghiên cứu của Quốc hội Liên minh Châu Âu.

Trước đó, hồi đầu tháng 6, cơ quan lập pháp của Liên Âu đã công bố bản báo cáo về hoạt động hỗ trợ những người bảo vệ nhân quyền trên toàn thế giới.

Trong đó Việt Nam được mô tả là có chế độ đàn áp, nơi những nhà hoạt động nhân quyền phải đối mặt với việc bị bắt bớ, tù đày, và phải đi lưu vong để đổi lấy tự do.

Trong bài báo của báo Công An Nhân Dân, tác giả cáo buộc bản báo cáo của Quốc hội Châu Âu chứa thông tin “sai lệch và không khách quan” về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, và cho rằng việc công bố báo cáo như vậy là “đi ngược lại” lợi ích và mối quan hệ giữa Việt Nam và Liên Âu.

Về tình hình nhân quyền ở quốc gia độc đảng này, báo Công an cho rằng Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam “tôn trọng và bảo vệ” quyền con người, trái ngược với quan điểm của các tổ chức quốc tế.

Cũng theo bài báo trên thì sở dĩ các báo cáo về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam thường không tích cực là vì các tổ chức nước ngoài chỉ lấy ý kiến của các “đối tượng chống phá”, thay vì hỏi ý kiến của người dân.

Đài Á châu Tự do đã liên hệ với Phái đoàn Liên minh Châu Âu ở Việt Nam để xin bình luận trước cáo buộc của báo Công an Nhân dân nhưng chưa nhận được phản hồi.

Phản ứng trước tuyên bố cho rằng chính quyền Việt Nam tôn trọng và bảo vệ nhân quyền trên báo Công an Nhân dân, ông Phil Robertson, Phó giám đốc phân ban Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho biết:

“Việc Bộ Công an tuyên bố rằng họ không đàn áp những người hoạt động nhân quyền là vừa nực cười, vừa lố bịch. Nếu có giải thưởng dành cho sự nói dối trắng trợn trong lĩnh vực nhân quyền ở Đông Nam Á thì tuyên bố này sẽ chắc chắn giành giải.

Sự thật thì một trong những nhiệm vụ chính mà Bộ Công an thực hiện hàng ngày là bắt bớ, đàn áp, và bỏ tù những nhà hoạt động nhân quyền.”

Chính quyền Việt Nam vẫn cho rằng họ không bỏ tù bất cứ ai vì các hoạt động liên quan đến nhân quyền, mà chỉ bỏ tù những “kẻ vi phạm pháp luật”, theo đúng quy định của luật pháp trong nước. 

Bình luận về khía cạnh này, ông Phil Robertson nói:

“Tuyên bố trên cho thấy chủ trưởng lệch lạc và dối trá của chính quyền Việt Nam khi cho rằng chỉ cần áp dụng theo luật Việt Nam thì có nghĩa là không vi phạm nhân quyền. Trên thực tế thì luật pháp Việt Nam tồn tại rất nhiều điều, khoản vi phạm tiêu chuẩn của luật quốc tế về nhân quyền, đến nỗi không biết đằng nào mà chỉ trích.”

Ngoài ra, dường như cơ quan ngôn luận của Bộ Công an không theo dõi sát sao các báo cáo về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, nên mới đề nghị các tổ chức quốc tế hỏi trực tiếp người dân Việt Nam về vấn đề nhân quyền.

Cách đây chỉ ba ngày, tổ chức Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam vừa mới công bố Báo cáo Nhân quyền Việt Nam trong năm 2021-2022, trong đó chỉ ra rằng chính quyền Việt Nam đã gia tăng bắt bớ người dân trong năm vừa qua, và đặc biệt nhắm đến những người dám nói ra quan điểm của họ trên mạng xã hội.

Theo báo cáo mới được công bố của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, từ đầu năm 2021 đến 31 tháng 5 năm nay, có ít nhất có 48 người bị bắt và truy tố và 72 người bị đưa ra xét xử với những bản án nặng nề, so với con số 46 người bị bắt của báo cáo năm 2020.

Thậm chí, theo thông tin từ Văn phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, trong những năm qua, chính quyền Việt Nam đã tiến hành trả thù những người dân dám tiếp xúc với Liên Hiệp Quốc để nói về vấn đề nhân quyền.

Bình luận về khía cạnh này, bà Jessica Nguyễn, người phụ trách vận động của tổ chức Dự án 88, cho biết các cuộc bắt bớ của chính quyền trong thời gian qua đã khiến những người quan tâm đến nhân quyền trở nên cẩn trọng hơn trong phát ngôn của họ:

“Một bộ phận các nhà hoạt động đã cẩn trọng hơn hẳn trong cách phát ngôn. Họ phải rà soát lại toàn bộ mạng lưới hoạt động của mình và tăng cường bảo mật.

Một số gia đình và người thân của tù nhân lương tâm chọn hạn chế chia sẻ thông tin về người thân của mình đang ở trong tù hơn. Họ lo sợ nếu nói thẳng ra thì bản thân mình hoặc người thân đang chấp hành án sẽ bị trả thù, cách này hay cách khác.

Một vài nhà hoạt động và gia đình tù nhân chính trị còn bị đe doạ sẽ bị bắt và bỏ tù nếu không dừng lên tiếng.”