Bàn về « biểu tượng lãnh tụ » thông qua hình ảnh của bà Aung San Suu Kyi.

    0
    704
    Daw Aung San Suu Kyi, the leader of Myanmar's democracy movement, campaigns in Aungban, Shan State, Myanmar, Mar. 1, 2012. By inserting herself into politics, Aung San Suu Kyi is being asked to propose solutions to her country's woes rather than merely lament them. (Adam Dean/The New York Times)

    15.09.2017

    Trong những ngày vừa qua, có nhiều người đã đưa ra ý kiến tỏ rõ sự thất vọng của họ về bà Aung San Suu Kyi nhất là trong cách bà xử lý khủng hỏang liên quan đến nhóm người thiểu số Hồi Giáo Rohingya đã phải chạy khỏi bang Rakhine ở Myanmar sang Bangladesh kể từ khi bạo lực bùng phát hồi tháng trước. Tạm không bình luận về vấn đề khủng hỏang sắc tộc và tôn giáo trong nội bộ của họ, tôi chỉ muốn bàn về « biểu tượng lãnh tụ » trong công cuộc chung thông qua hình ảnh « lãnh tụ » tưởng như không thể bị bẻ gãy của bà Aung San Suu Kyi.

    Sau nhiều năm dấn thân tranh đấu cho độc lâp và nền dân chủ của Myanmar kể cả việc bất chấp tù đày và quản thúc, bà Aung San Suu Kyi luôn được coi là một tượng đài không thể lay chuyển về tinh thần đấu tranh nên giờ đây khi thấy bà “có vẻ thay đổi”, nhiều người đã từng ủng hộ bà, nhất là từ phương Tây đang cảm thấy bẽ bàng, thậm chí có những người tiêu cực hơn đã coi đó là một sự phản bội… Thật ra, « lãnh tụ » cũng chỉ là một con người và họ cũng có những giới hạn của mình. Kiến thức trong vũ trụ luôn thật bao la còn nhận thức của chúng ta dù giỏi đến mấy thì cũng không thể biết hết được tất cả mọi thứ trong cuộc sống. Chính vì chúng ta quá hâm mộ, quá yêu thương một người nào đó bỗng tỏa sáng mang đến hy vọng cho công cuộc chung đang đầy u tối mà đã vô tình tôn sùng họ thành thần tượng, biến họ thành « lãnh tụ » theo kiểu riêng của chính chúng ta. Khi mọi thứ không như mong muốn thì sự chán nản vì vỡ mộng đã biến chúng ta thành những người cay nghiệt, quay sang tấn công và làm tổn thương lẫn nhau.

    Trên thực tế, cuộc sống luôn vận động và không có gì là bất biến ngoài lợi ích quốc gia dân tộc. Bản thân của « lãnh tụ » cũng có thể thay đổi theo chuyển biến của thời cuộc, của đảng phái cũng như cái được mất mà họ luôn phải đối mặt trên mỗi vũ đài chính trị. Chính vì vậy mà đừng bao giờ trông chờ và coi « Lãnh tụ » như một điểm quy chiếu dài hạn. Một ngôi sao không thể tự chiếu sáng cả bầu trời mà nhờ vào sự tương tác tỏa sáng âm thầm của hàng ngàn ngôi sao khác đứng ở bên cạnh nó. Đã đến lúc chúng ta cần phải có một cái nhìn rộng phù hợp hơn với thời cuộc cũng như quá trình chiến đấu thực tế của chúng ta ngày hôm nay. Trong cuộc sống đang thật giả lẫn lộn cùng những cạm bẫy được giăng ra khá ngọt ngào của nhà cầm quyền, nhiều người trong chúng ta đã bắt đầu bị mất phương hướng và chán chường. Thay vì cứ hoang mang đi tìm một lãnh tụ thì tại sao chúng ta không tự biến mình thành lãnh tụ, không lấy chính nghĩa và lợi ích chung của tòan dân làm kim chỉ nam cho họat động tranh đấu của chính mình ? Nếu chúng ta mà còn không đủ tin tưởng được vào bản thân của chúng ta thì làm sao chúng ta có thể đặt niềm tin vào ai khác được ?

    Nói một cách khác, thay vì bị động trông chờ vào « lãnh tụ » hay hội nhóm nào đó, mỗi một người trong chúng ta hòan tòan có thể biến mình thành một chiến binh độc lập. Hãy từ bỏ ý nghĩ « một mình không thể làm gì » để có thể bắt đầu từ những điều nhỏ bé nhất, bình thường nhất, nhưng mang tính chính danh cao nhất : tranh đấu cho lợi ích cá nhân của mỗi chúng ta và cho gia đình của chúng ta ! Cùng với thời gian, từng cá thể sẽ có thể kết nối với nhau tạo thành một tầm nhận thức chung giúp cho những họat động tranh đấu được nâng lên thành lợi ích của quốc gia dân tộc. Mọi thay đổi lớn đều bắt đầu từ những cá nhân nhỏ bé và đến từ những hành động bình thường nhất bởi khi chúng ta không thể đấu tranh cho lợi ích riêng của bản thân mình thì làm sao chúng ta có thể đấu tranh cho người khác hay nhân danh cái gì đó to tát hơn được ?

    Mỗi chúng ta đều có thể sử dụng quyền công dân đã được hiến định của mình để có thể chủ động tham gia vào tiến trình chính trị chung của đất nước thông qua các hình thức giám sát, phản biện, phê phán và đề xuất giải pháp một cách độc lập. Các nước dân chủ ở Tây phương phát triển được là nhờ họ có chế độ chính trị đa nguyên, đa đảng cùng hệ thống tam quyền phân lập. Còn ở Việt Nam, khi chúng ta chưa có may mắn được hưởng những điều mà phần lớn nhân loại đã có được tại thời điểm này thì chính nhân dân sẽ là những người giám sát các họat động của nhà cầm quyền một cách hiệu quả. Chính nhân dân sẽ tự tạo cho mình một chức năng « tam quyền phân lập » trong vai trò giám sát của mình để tạo thế đối trọng với sự độc quyền của nhà cầm quyền trong quản trị đất nước. Chắc chắn, với sự phát triển của truyền thông và công nghệ thông tin như hiện nay, mỗi người dân đều có thể biến mình thành một nhà báo tác chiến khách quan ngay tại hiện trường, một nhà phản biện thẳng thắn trên mọi chủ đề… và điều đó sẽ vừa giúp tăng khả năng giám sát, đòan kết trong nhân dân mà còn chế ngự hiệu quả sự lạm dụng quyền lực của những người lãnh đạo.

    Lãnh tụ, đảng phái, thể chế chính trị chỉ là nhất thời. Lợi ích quốc gia và sự trường tồn dân tộc mới là vĩnh viễn. Chúng ta nắm chính nghĩa, chúng ta coi trọng sự thật và chúng ta là số đông thì tại sao chúng ta không là lãnh tụ của chính chúng ta ? Vận mệnh của chúng ta và của đất nước này là phải do chúng ta, những người dân tự nắm giữ và có quyền quyết định chứ không thể trông chờ vào những người ngồi trên quyền lực nhưng lại không được bầu lên từ lá phiếu độc lập của nhân dân. Đã đến lúc mỗi người dân cần phải biết lật ngược thế cờ, biết nhận thức được quyền hợp pháp đã được các tổ chức quốc tế công nhận để thấy rõ sức mạnh thật sự của mình, để cho nhà cầm quyền phải biết nể và sợ dân khi còn đang sống và ngồi trên ngai vàng quyền lực bằng thuế, bằng xương máu và nước mắt của chính nhân dân.