Bản Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc 2022 có điểm gì đáng chú ý?

0
6
TBT Nguyễn Phú Trọng nhận Huân chương Hữu nghị từ TBT Tập Cận Bình ở Bắc Kinh hôm 31/10/2022. Nguồn: VKSND TC

05/11/2022

Trương Nhân Tuấn

Bản Tuyên bố chung VN-TQ kỳ này nội dung có vài điểm mới, mang tính mấu chốt, đánh dấu sự chuyển mình của TQ trong thế trận cạnh tranh với Mỹ và Tây phương về ý thức hệ và mô hình phát triển.

1/ Sự lãnh đạo của (các) đảng cộng sản trở thành “qui luật”. Các đảng cộng sản có mục tiêu, lý tưởng và sứ mệnh: vì hạnh phúc nhân dân, vì tiến bộ nhân loại.

2/ Phô trương (hay phóng đại) mô hình phát triển của TQ “thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, là thực tiễn sinh động, kinh nghiệm quý báu” để các quốc gia đang phát triển tham khảo.

3/ Vấn đề an ninh đặt lên hàng đầu. “Diễn tiến hòa bình”, “Cách mạng màu” được xếp vào mục tội phạm, đứng chung với “khủng bố” và các tội phạm ma túy, lừa đảo, đánh bạc…

4/ Vấn đề tranh chấp Biển Đông sẽ không được giải quyết bằng pháp luật quốc tế mà bằng việc “hợp tác thực thi pháp luật” giữa hai lực lượng cảnh sát biển của hai nước. Tranh chấp trong Vịnh Bắc Việt sẽ được giải quyết trong nội bộ của bộ Nông nghiêp.

Ta thấy là VN chấm dứt chính sách “đu dây” từ sau khi Liên Xô sụp đổ.

Chính sách “đu dây” chỉ có thể áp dụng nếu có hai “trụ cột”, như Liên Xô và TQ ngày trước. CSVN lúc thì nghiêng qua TQ, lúc thì ngả lại Liên Xô để được tăng cường viện trợ. VN đối với hai đại cường LX và TQ như là một “vệ tinh”. Cả hai, Liên Xô và TQ tranh thủ lấy lòng VN để có ưu thế địa chiến lược.

Hiện nay VN không hề có chính sách “đu dây” giữa TQ và Mỹ. Mỹ không phải là một “trụ cột” và TQ cũng vậy.

Mỹ đã thể hiện một sự kiên nhẫn chiến lược đối với VN một cách đáng kinh ngạc. Mỹ đã giúp tận tình cho VN qua cơn khủng hoảng y tế do Covid-19 năm ngoái cũng như “mở cửa rộng” nhập hàng hóa của VN nhằm giúp kinh tế VN phát triển.

Người Mỹ dĩ nhiên đã thấy rằng thực tế “ngoại giao cây tre” của VN chỉ là một màn “phe phẩy” chớ không phải là một thái độ chân thành của một đối tác đáng tin cậy.

Cây tre VN, nếu có, thì cây tre này bắt rể trên ý thức hệ và mô hình phát triển của CSTQ. Cây tre VN mọc trên đất TQ, vì vậy VN không thể có cái gọi là “ngoại giao cây tre” mà chỉ có “ngoại giao theo chỉ đạo chiến lược của TQ”.

Mỹ thể hiện sự kiên nhẫn, đưa tay muốn dắt VN ra khỏi vùng ảnh hưởng của TQ.

Nội dung bản Tuyên bố chung VN-TQ 2022 qua các điểm nhấn ghi trên sẽ là một thách thức đối với sự kiên nhẫn chiến lược của Mỹ. VN đã chọn phe: đứng về phía TQ, giúp TQ phát huy mô hình và ý thức hệ của TQ ra thế giới.

VN đứng về phe TQ, thách thức với Mỹ và thế giới tự do trong cuộc cạnh tranh mô hình phát triển và ý thức hệ chính trị.

Có thể sắp tới Mỹ sẽ bỏ VN để “đi” với một quốc gia khác, chắc chắn không bằng VN về mọi mặt, như Campuchia.

Nếu ví bàn cờ chiến lược Ấn độ – Thái bình dương với Châu Âu hiện tại, VN đối với TQ có thể ví như là một Bạch Nga đối với Nga. Còn Campuchia có thể là Phần lan (hay các xứ Baltique). Nếu Bạch Nga không “phản bội” Nga thì VN sẽ không bao giờ quay lưng lại với TQ.

Nhưng liệu khi Mỹ “quay lưng” với VN, đóng cửa với VN về mọi mặt. Liệu VN có thể giữ nguyên mức phát triển hay không? Chỉ cần Mỹ hạn chế nhập khẩu, hay hạn chế dòng ngoại tệ của Việt kiều, VN sẽ ra sao?