Bắc Triều Tiên đạt mục tiêu « cường quốc hạt nhân »

    0
    344
    Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tham quan trung tâm hạt nhân. (Ảnh do hãng KCNA cung cấp ngày 03/09/2017)© Reuters
    RFI
    Với sáu vụ thử hạt nhân từ năm 2006, Bắc Triều Tiên dường như đã nắm được công nghệ thu nhỏ đầu đạn và nghiễm nhiên chen chân vào câu lạc bộ cường quốc hạt nhân. Vì chia rẽ, cộng đồng quốc tế bị đặt trước sự đã rồi với một tương lai bất định. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, Kim Jong Un không phải là thủ phạm duy nhất.

    Sau gần 30 năm nghiên cứu, chế độ Bình Nhưỡng chứng tỏ có đủ khả năng chế tạo và trang bị một lực lượng răn đe hạt nhân đáng ngại. Đứng trước thực tế này, cộng đồng quốc tế chỉ có hai phản ứng : hoặc là dung thứ như đối với Pakistan Ấn Độ hay Israel hoặc là tìm cách ngăn chận bằng mọi biện pháp « từ kinh tế quân sự cho đến hạt nhân » như tuyên bố của tổng thống Mỹ Donald Trump với đồng nhiệm Hàn Quốc Moon Jae In.

    Cả hai phản ứng này đều bất toàn đối với trường hợp Bắc Triều Tiên.

    Sở dĩ Pakistan và Ấn Độ được dung thứ vì cuộc chạy đua vũ trang của hai quốc gia dị biệt và xung khắc tôn giáo này không vì mưu đồ đe dọa một nước thứ ba. Còn Israel thì được Mỹ (tổng thống Nixon) ủng hộ và Pháp giúp đỡ kỹ thuật để tự vệ (Le Figaro 07/05/2008).

    Trong khi đó, Bình Nhưỡng công khai đe dọa « nhấn chìm » Hàn Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ trong « biển lửa ». Cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân của Bắc Triều Tiên có thể xem là đã bắt đầu từ thập niên 1980. Là thành viên của Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân TNP từ năm 1985, Bình Nhưỡng đơn phương rút khỏi TNP vào năm 2003. Hai năm sau, Bắc Triều Tiên tuyên bố « có bom hạt nhân ».

    Hiệp ước TNP có hiệu lực từ năm 1970 quy định chỉ có 5 nước thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc có quyền sở hữu vũ khí hạt nhân và cam kết không chuyển giao trực tiếp hay gián tiếp.

    Nhưng theo lập luận của Kim Jong Un, vũ khí hạt nhân là công cụ « hiệu quả nhất » để bảo vệ chế độ chống « mưu toan lật đổ » của Mỹ. Bình Nhưỡng đơn cử trường hợp chế độ Saddam Hussein của Irak và đại tá Kadhafi của Libya « do từ bỏ vũ khí hạt nhân » mà bị tiêu vong. Mọi nỗ lực ngoại giao từ năm 1990 điều đình một thỏa thuận phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên bị thất bại. Được Trung Quốc chống lưng ở Hội Đồng Bảo An, Bình Nhưỡng bất chấp các nghị quyết trừng phạt.

    Còn ngăn chận bằng cấm vận triệt để về kinh tế như Hàn Quốc và Nhật Bản chủ trương thì liệu Trung Quốc, bạn hàng chính của Bắc Triều Tiên có đồng ý và thi hành hay không ?

    Giải pháp thứ ba là quân sự không được Hàn Quốc chấp nhận vì sợ Bình Nhưỡng trả đũa bằng tên lửa.

    Cuối cùng, chuyện gì phải đến đã đến. Là quốc gia duy nhất trên thế giới tiến hành thử nghiệm bom hạt nhân từ năm 1998, Bắc Triều Tiên bước vào danh sách những cường quốc hạt nhân không chính thức, không ký vào Hiệp ước TNP, cũng giống như Israel, Ấn Độ và Pakistan.

    Không phải chỉ có Bình Nhưỡng

    Theo số liệu của Viện Nghiên Cứu Quốc Tế Hoà Bình SIPRI ở Thụy Điển thì vào đầu năm 2017, chín quốc gia hạt nhân – Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Bắc Triều Tiên – tích trữ tổng cộng 14.935 đầu đạn hạt nhân trong đó ít nhất 20 đầu đạn là của Bình Nhưỡng.

    Sau một thời gian bình lặng do hệ quả của chiến tranh lạnh kết thúc, ba nước Mỹ , Nga, Trung Quốc lại canh tân kho vũ khí hạt nhân. Ấn độ và Pakistan cũng gia tăng số lượng vũ khí nguyên tử. Theo chuyên gia Pháp Nicolas Roche được nhật báo Công giáo La Croix (05/09/2017) trích dẫn thì Nga và các nước châu Á là những tác nhân chính trong cuộc chạy đua vũ trang. Trong chiều hướng này, hạt nhân sẽ đóng vai trò trung tâm trong mối tương quan lực lượng giữa các nước.

    Chấp nhận chuyện đã rồi… và hệ quả

    Trong bối cảnh này, cũng theo Nicolas Roche, thách thức hiện nay không phải là ngăn chận Bình Nhưỡng trang bị thêm vũ khí hạt nhân mà phải xây dựng một chiến lược phòng vệ răn đe và tập trung đối phó với nỗ lực biến Bắc Triều Tiên thành một « ổ hạt nhân hung hăng ».

    Nói cách khác, thế giới phải chấp nhận sống chung với một « nguồn bất ổn định lâu dài tại châu Á ».

    Nhưng dung thứ Bắc Triều Tiên có nguy cơ tạo thêm một nguồn bất ổn khác ở Trung Đông. Chế độ Hồi giáo Iran, cho dù đã ký với quốc tế Hiệp Định hạt nhân 2015, sẽ ngồi yên hay không ?