RFA
Việc thông qua Điều 19, Luật sư tố cáo thân chủ, vẫn còn đang tạo nên làn sóng tranh cãi lẫn bức xúc trong dư luận, thì ngày 3 tháng 7, một bài viết trên báo Pháp luật với tiêu đề “Luật sư không được nói bậy trên mạng” một lần nữa khiến giới luật sư phải có ý kiến.
Sai nội dung
Ngay sau khi bài viết được đang tải, luật sư Trần Vũ Hải viết trên trang cá nhân của ông rằng: “Tiêu đề của báo Pháp luật TPHCM ghi không đúng ý của Bộ Tư Pháp, và thiếu tôn trọng giới luật sư.
Theo dự thảo của Bộ Tư Pháp, luật sư muốn hành nghề, phải chấp nhận mất quyền công dân- “mở mồm” phê phán các cơ quan chức năng trên mạng xã hội.”
Và ông đưa ra lời kêu gọi: “Có lẽ các đồng nghiệp chúng ta cần gặp gỡ, đối thoại với ông này, để hiểu giới luật sư hành nghề ra sao, và nếu ông cấm luật sư “mở mồm”, dân chúng sẽ đánh giá thế nào về giới luật sư?”
Nội dung chính của bài viết “Luật sư không được nói bậy trên mạng” đăng tải trên tờ báo Pháp luật đề cập đến Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 123/2013 của chính phủ. Theo đó, Bộ Tư pháp cho rằng tổ chức và hoạt động của luật sư thời gian qua có vướng mắc, bất cập. Luật Luật sư đã quy định tiêu chuẩn về chuyên môn để trở thành luật sư nhưng chưa quy định cụ thể về các tiêu chuẩn liên quan đến phẩm chất đạo đức, tuân thủ pháp luật để hành nghề luật sư.
Có lẽ các đồng nghiệp chúng ta cần gặp gỡ, đối thoại với ông này, để hiểu giới luật sư hành nghề ra sao, và nếu ông cấm luật sư “mở mồm”, dân chúng sẽ đánh giá thế nào về giới luật sư? – LS. Trần Vũ Hải
Không hoàn toàn đồng ý với điều này, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật Gia TP.Hồ Chí Minh, Chủ tịch Trung tâm Tài chính Thương mại Luật gia Việt Nam cho biết cách diễn giải như thế sẽ gây ra những suy nghĩ sai lệch về qui trình đào tạo một luật sư, kể cả phẩm chất của một luật sư. Sư sai lệch đó sẽ được hiểu là từ trước đến nay, các tiêu chuẩn liên quan đến phẩm chất đạo đức, các quy định tuân thủ pháp luật để hành nghề luật sư chưa từng được định chế cụ thể trong các văn bản của pháp luật hoặc Bộ tư pháp.
Cho nên theo ông, cần phải cụ thể hoá những quy định, nguyên tắc đã có sẵn trong Luật Luật sư.
“Viết như vậy là người ta sẽ hiểu lầm, và người ta sẽ nghĩ 1 ý khác. Nguyên tắc hành nghề luật sư đã 4 lần được Quốc hội sửa đổi để theo kịp các nước trên thế giới. Một trong những nguyên tắc hành nghề luật sư là họ là những người biết luật, cho nên 5 nguyên tắc đã quy định rõ trong luật, bây giờ mình phải cụ thể hoá ra là luật sư được làm những gì?
Khi họ hành nghề thì họ phải tuân thủ Luật Luật sư và tuân thủ qui tắc đạo đức.”
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, nguyên tắc luật sư hiện nay qui định khá đầy đủ nhưng chưa hết. Đối với quan điểm của ông, trong cuộc sống, ranh giới giữa sai và đúng rất mong manh. Chính vì vậy con người sẽ dễ dàng phạm phải sai lầm, chỉ cần một khoảnh khắc không tự chủ, họ sẽ vi phạm pháp luật. Và đặc biệt, ông nhấn mạnh, “khi biết luật, càng dễ phạm luật”. Do đó, theo ông rất cần có những ràng buộc cụ thể để bảo vệ quyền và lợi ích của người dân.
“Nếu mà không qui định thì họ dễ có 1 vấn đề, họ lợi dụng là họ biết nghề. Về những nguyên tắc hành nghề thì luật chỉ bao quát thôi, cho nên phải có những hướng dẫn. Nhưng những hướng dẫn đó không được xâm phạm những nguyên tắc mà luật đã qui định.”
Liên quan đến điều này, dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 123/2013 có nói là quy định chi tiết hoá những trường hợp bị coi là không đáp ứng đủ hiến pháp, pháp luật và tiêu chuẩn có phẩm chất đạo đức tốt.
Không rõ ràng
Một nội dung khác của dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 123/2013 riêng được nêu ra có vẻ như là cách giải thích chi tiết cho tiêu đề “Luật sư không được nói bậy” đó là “Phải phát ngôn chuẩn mực”. Bài viết ghi rõ:
Sử dụng mạng xã hội mà xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp, xâm phạm bí mật đời tư, bí mật gia đình, đó là những quyền bất khả xâm phạm mà pháp luật đã qui định, thì trên mạng xã hội anh phải chịu trách nhiệm về điều đó.- LS Nguyễn Văn Hậu
“Luật sư không được ứng xử và phát ngôn trên phương tiện thông tin đại chúng, trang mạng xã hội, với các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác gây ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín nghề của luật sư, phương hại đến hoạt động của cơ quan tổ chức khác.”
Một lần nữa, luật sư Nguyễn Văn Hậu không đồng tình với cách dẫn giải của bài báo. Ông cho rằng cách nói như thế là không cần thiết vì không được đầy đủ và không đúng.
Dựa vào năm nguyên tắc hành nghề luật sư mà Luật Luật sư đã quy định, luật sư Nguyễn Văn Hậu nói rằng khi phát ngôn, người luật sư tuyệt đối không được xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, phát biểu những gì mà pháp luật cho phép. Đó là chuẩn mực đã được qui định đối với việc hành nghề luật sư.
“Trước hết, người luật sư phải tuân thủ pháp luật trước đã. Khi họ phát ngôn, họ phải chịu trách nhiệm về lời phát ngôn của mình. Khi anh phát ngôn, là luật sư thì phải phát ngôn 1 cách chính xác. Thứ nhất là đúng luật, thứ hai là phù hợp với đạo đức xã hội, khung cảnh mà anh phát biểu.”
Chính vì vậy, những nội dung nêu ra trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 123/2013 sau đó được giới luật sư bày tỏ sự bất bình khá rõ. Họ cho rằng nghị định và thông tư của Bộ tư pháp phải làm sao phù hợp với hiến pháp và phù hợp với luật luật sư.
Đồng tình với điều này, luật sư Nguyễn Văn Hậu chia sẻ.
“Anh sử dụng mạng xã hội thì cứ sử dụng thôi, nhưng sử dụng mạng xã hội mà xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp, xâm phạm bí mật đời tư, bí mật gia đình, đó là những quyền bất khả xâm phạm mà pháp luật đã qui định, thì trên mạng xã hội anh phải chịu trách nhiệm về điều đó.”
Thực tế gần đây cho thấy một số luật sư qua trang các nhân đưa ra một số thông tin, ý kiến liên quan đến các phiên toà và qua trang cá nhân của các luật sư đó, công luận có thể biết được nhiều chi tiết hơn nếu đó là phiên toà chính trị không ai được vào, ví dụ trang mạng xã hội của luật sư Võ An Đôn, luật sư Lê Luân… cho người quan tâm biết được những diễn biến bên trong phiên xử blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Ngoài ra, với nhiều diễn biến xảy ra gần đây trong xã hội Việt Nam, quan điểm của giới luật sư cũng được thể hiện rất rõ trên trang mạng cá nhân của họ.
Câu hỏi được mọi người đặt ra sau khi bài báo “Luật sư không được nói bậy trên mạng?”: Phải chăng đó chính là nguyên nhân? Mà luật sư Trần Vũ Hải gọi trên trang Facebook của ông là: “Bộ Tư Pháp muốn “siết” tư tưởng giới luật sư, sau khi đã đeo vòng kim cô 19.3 (luật sư phải tố thân chủ) cho giới này.”